Tác giả: Vũ Hướng Dương
Phát thanh viên: Lâm Thư Bích-Thiên Hương
Vừa xuống xe, tôi dừng lại bên chiếc cầu bê tông mới xây, con đường về làng đây rồi. Đúng là đứng ở góc này nhìn về phía nhà thờ rất đẹp, sau những hàng cây rậm rạp, gác chuông nhỏ với thập tự giá vươn lên từ trong những vòm lá xanh biếc như một biểu tượng bền bỉ của thời gian. Cũng lâu rồi, tôi mới có dịp về lại quê cũ, cái làng quê nhỏ bé với biết bao kỷ niệm một thời cắp sách đến trường, cái thời thật vô tư, hồn nhiên mà một khi nó đi rồi qua rồi ta mới thấy nó thật tuyệt vời, đáng nhớ. Ngôi nhà thờ xây trong thời kỳ chiến tranh, theo cái mẫu phổ thông của những nhà thờ Tin Lành hồi đó, cho đến bây giờ có lẽ là nhà thờ cổ nhất ở khu vực này. Hiện nay, theo thời gian, đa số nhà thờ đã xuống cấp, không còn đủ chỗ cho tín hữu nhóm lại nên người ta đã xây dựng lại theo kiểu mới, đẹp, hiện đại và rộng lớn. Đã đi khá nhiều nơi, đến thăm nhiều nhà thờ to lớn hơn, đẹp đẽ hơn, nhưng sao tôi vẫn thích ngôi nhà thờ cũ kỹ, nhỏ bé ở cái làng quê một thời gắn bó với mình như vậy. Có lẽ vì nó như một chiếc nôi tâm linh của tôi mà…
***
– Ủa, mi về hồi mô rứa?
– Dạ, con mới về. Nghe nói bà nội đau, thành thử tranh thủ về thăm một chút.
– Ô! Bả khỏe rồi, người già mà, đau ốm là chuyện bình thường. Mới hồi sáng đây, tau ghé qua thăm, bả hết bệnh rồi, mấy đứa nhỏ chở bả đi ăn đám cưới ở xóm dưới rồi.
– Vậy hả chú, rứa mà con tưởng nội đau nặng lắm.
– Ờ. Thôi ra ngoài vườn ni ngồi chơi cho mát, để tau đem cái võng ra.
Chú Tám thật biết tính tôi, ưa nằm võng. Hai cái võng treo dưới vòng cây phía trước tư thất, đã thiệt.
– Mà răng hôm ni chú qua đây? Con định ghé thăm Thầy Truyền đạo một chút.
– Ờ. Thầy cô ngày ni đi vắng, đi hiệp nguyện rồi, nhờ tau qua coi nhà thờ dùm, ngồi bên nhà ngó qua cũng được, nhưng tau lại ưng qua đây, nằm dưới bóng cây cho mát.
Nghe chú Tám nói vậy, tôi biết là chú lại nhớ đến cô Hoa, mẹ Duyên, người đã để lại cho chú một đứa con gái trước khi ra đi… Tội nghiệp chú lắm, hai người rất thương yêu nhau, nhưng cuộc sống là vậy, luôn có những điều không thể biết trước được.
***
Hồi xưa, chú Tám thuộc gia đình đạo dòng, hai ba đời tin Chúa. Nghe nói hồi nhỏ chú cũng nghịch lắm, đã nhiều lần uống lén nước tiệc thánh của Mục sư để trong tư thất thử coi ngọt hay là chua; rồi những lần trèo lên cây nhãn phía sau nhà thờ, lựa những chùm nhãn chín cắn vỏ ăn hết, đến khi Mục sư ra hái thì hỡi ôi… Nghịch là vậy, nhưng đã bao năm nay chú luôn xem ngôi nhà thờ nhỏ bé, cũ kỹ này như là căn nhà yêu quý của mình bởi nó chứa biết bao kỷ niệm của cả gia đình chú, cái gia đình đầm ấm bỗng chốc tan biến bởi sự khắc nghiệt của chiến tranh, chỉ qua một đêm khói lửa, chú chỉ còn lại một mình. Hồi xưa, cứ mỗi sáng Chúa nhật, chú lại theo chân ông bà, cha mẹ đến nhà thờ. Nhà thờ đông người nhóm lắm, đa số tín hữu là dân tản cư, về đây sống tạm, ở xung quanh nhà thờ nên tự nhiên chỗ này cũng trở thành một khu dân cư đông đúc, chứ không như bây giờ.
Sau 1975, đời sống rất khó khăn, đa số tín hữu lần lượt về quê sinh sống nên nhà thờ không còn mấy người lui tới. Từ số lượng hàng trăm người bỗng chốc còn vài chục, rồi vài người… cuối cùng vị Mục sư cũng được chuyển đi nơi khác để lại một ngôi nhà thờ, sân vườn rộng mênh mông không có người coi sóc. Nói vậy chứ trước khi đi, Mục sư cũng đã dặn dò chú, người thường xuyên qua lại, nhờ trông chừng cơ sở nhà Chúa, biết đâu mai mốt sẽ có người về lại… Chính vì vậy, chú lại nhận trách nhiệm coi sóc nhà cửa, lúc đầu đi đi về về, sau đó qua ở luôn trong bếp tư thất, sở dĩ ở trong bếp vì chú cho rằng chỉ có tôi tớ Chúa mới xứng đáng ở trong tư thất nhà Chúa, còn mình là tín đồ, ở vậy cũng được, lại tiện bề bếp núc.
Chuyện chú đến với cô Hoa cũng là một câu chuyện khá ly kỳ. Một đêm nọ, trời mưa to lắm, chú Tám không ngủ được. Không hiểu chú có linh tính gì không mà cứ dậy đi qua đi lại, đi ra đi vô. Chợt một tia chớp vụt ngang qua phía trước nhà thờ, chú thấy có một bóng người thấp thoáng trong mưa, chú vơ vội tấm nylon, đội mưa ra coi thử. Một người phụ nữ, ướt đẫm, mặt mày nhợt nhạt ngồi trước cổng nhà thờ, hơi thở còn rất yếu. Chú vội dìu cô vào nhà, lấy đại bộ đồ của mình thay cho cô, rồi nấu một bát cháo hành nóng cho cô ăn đỡ, lấy chai dầu Trường Sơn xoa bóp khắp người cho ấm lại. Hình như lúc này cô gái không còn biết gì cả, chỉ sau khi khỏe lại, thấy có một người đàn ông xa lạ thay đồ cho mình, chăm sóc cho mình, cô ngượng chín cả mặt. Hỏi ra mới rõ, nhà cô ở trên huyện, vì bị người ta lợi dụng làm nhục nên cô đau khổ, tuyệt vọng bỏ nhà ra đi, ai dè đến đây, bị mắc mưa trước cổng nhà thờ. Rồi cô lại kể cho chú nghe thêm nhiều chuyện gia đình, hoàn cảnh của mình, khi đó, tự nhiên chú Tám lại thương cho hoàn cảnh của người con gái này, chú lẳng lặng chăm sóc cô một cách chu đáo. Những ngày sau, khi cô Hoa khỏe, chú Tám lại dẫn cô qua nhà, để cô nghỉ ngơi, còn mình thì ở hẳn bên nhà thờ, đi làm về thì ghé thăm cô một chút. Không hiểu chú thuyết phục thế nào mà mời cô đi nhà thờ được. Dần dần, cô đã quen với nề nếp sinh hoạt của Hội Thánh từ lúc nào không hay và đã cầu nguyện tin Chúa. Tuy nhiên, điều đó không làm mọi người ngạc nhiên hơn chuyện chú chở cô Hoa về nhà cô, xin hỏi cưới, trong khi cô mang bụng bầu đã ba, bốn tháng. Lúc đầu ai cũng nghĩ chú không bình thường, bởi một chàng trai tân mà đến với một phụ nữ lỡ làng thì phải có mục đích. Hóa ra nhà cô Hoa cũng không khá giả gì, cả nhà đều rưng rưng nước mắt khi chú nói thật lòng thương yêu cô Hoa và chấp nhận những gì hiện tại. Mà cũng thật, bởi cô Hoa rất dễ thương, hiền hậu, những gì tuyệt đẹp nhất của cô bây giờ vẫn còn trên người con gái duy nhất: Duyên.
Vậy là chú đã có gia đình. Sáu tháng sau ngày đám cưới, vợ chú sinh một bé gái kháu khỉnh, dẫu biết không phải là con mình nhưng chú Tám vẫn thương yêu như con ruột và đặt cho nó cái tên Duyên, Hữu Duyên, bởi chuyện giữa chú và cô Hoa như là duyên nợ, tình cờ mà lại thương yêu nhau. Thật lòng mà nói, chú Tám cũng rất “hên” khi gặp được cô Hoa, bởi cô vừa đẹp người, lại vừa đẹp nết, hiền hậu, ai cũng yêu mến. Hồi còn ở quê, tôi thường hay qua nhà chú Tám chơi, cô xem tôi như con cái trong nhà, rất ân cần, yêu thương… Vậy mà cuộc đời vẫn có nhiều đắng cay. Năm Duyên lên 7, cô Hoa bị bệnh nặng, qua đời. Chú Tám buồn đau, gần như mất cả lý trí. Cả ngày, chú cứ ngồi trong nhà ngó ra ngoài cổng, nơi lần đầu tiên chú gặp cô, cái cổng vô tri vô giác tự nhiên trở thành một cái biểu tượng của một tình yêu sâu đậm; mọi người biết chú buồn, đến khuyên răn, nhưng có lẽ thời gian chưa đủ để chú nguôi ngoai nỗi nhớ.
Rồi một hôm, nhớ cô Hoa quá, chú lại tìm đến rượu, rồi ngất ngây ngất ngưỡng lò mò về nhà lăn ra ngủ. Đối với chú, cô Hoa là người đàn bà duy nhất và tất cả của chú. Chú chưa bao giờ thấy được một người phụ nữ hiền hậu, yêu thương chồng con như cô, vậy mà cô đã bỏ chú đi sau 7 năm chung sống. Duyên, dù nhỏ nhưng cũng rất hiểu những tình cảm của ba dành cho mẹ, nên chỉ biết khóc thầm và cầu nguyện xin Chúa thương xót ba mình, cứu chú ra khỏi vũng lầy này. Mục sư và các anh em trong Hội Thánh cũng đến khuyên chú nhiều lần, chú cũng nghe, nhưng rồi nỗi nhớ thương lại kéo chú chìm vào men rượu…
Một hôm, Duyên về thủ thỉ với chú về Lời Chúa, Duyên nhắc với ba về tình yêu của mẹ. Mẹ không bao giờ muốn ba sống trong đau khổ, nghiện ngập, nên mẹ sẽ buồn biết bao khi thấy ba sống như vậy. Rồi Duyên lại nhắc đến lời Chúa trong Kinh Thánh: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18), rồi Duyên lại nói về thân thể của mỗi người là Đền thờ của Đức Thánh Linh… Chú Tám nghe ra, tự nhiên tỉnh ngộ, chú thấy xấu hổ với những gì mình đã làm trong thời gian qua, rồi quyết tâm từ bỏ. Té ra những lời khuyên của người con gái chú hết mực yêu thương lại rất có giá trị… Từ đó chú bỏ hẳn rượu, những lúc nhớ vợ, chú lại qua nhà thờ, ngồi trên chiếc giường tre mà những ngày trước vợ chồng từng nằm nghỉ, ra thăm lại cái giếng nơi vợ chú từng giặt giũ… rồi chú lại ra về trong nỗi buồn âm thầm. Những lúc đó, Duyên thường ở nhà để nói chuyện, săn sóc cho chú đỡ buồn.
***
Nhìn chú, tôi hỏi, tại sao mọi người gọi chú là “Tám dao”. Chú Tám cười “ặc ặc”. Cái chuyện nớ hay đó nghe. Là như ri, hồi má con Duyên mất rồi, tau ở nhà buồn lắm, bởi con Duyên đi học trên trường huyện, cả tuần mới về một lần. Tối hôm nớ, đang nằm ngủ, tau nghe có tiếng sột soạt nhà trên tư thất, tau vội quơ lấy con dao xắc chuối khẽ đi lên. Dòm vào khe cửa, có ba thằng ăn trộm đang lục lọi trong nhà, mà tụi hắn cũng thiệt ngu, tư thất nhà thờ thì có chi mà lấy, tau giơ con dao lên la làng, “bớ làng xóm ăn trộm nhà thờ”… Ba thằng hoảng hốt tung cửa chạy ra, tau cầm dao dí theo, đến cuối đường, mấy chú dân quân đi tuần nghe kêu chạy theo bắt được… Từ đó tau có biệt danh là “Tám dao”, ai cũng sợ. Tôi hỏi, mà chú có thích nó không, mình con cái Chúa mà có cái biệt danh hơi “giang hồ” đó thì khó nghe lắm. Chú Tám cười, thì họ kêu chứ tau đâu có xưng, mà rứa cũng vui, bởi “Tám dao” lại là “Tao dám”, có tau mới dám rượt đuổi mấy cái thằng định lấy trộm nhà thờ chớ…
Ờ, nhắc tới cái chuyện nớ tau lại nhớ tới cái chuyện nhà thờ. Mấy năm đó đâu có ai đi nhóm, thành thử nhà thờ mình bỏ không. Chiều hôm nớ, mới đi làm về tau nghe bên nhà thờ có tiếng nói ồn ào, bước qua thì thấy có nhiều người đang phá cổng định vô làm chi đó. Tau liền chạy qua, hỏi mấy chú tới đây làm chi, tụi hắn nói nhà thờ bỏ hoang, chừ họ sẽ dùng nó vào chuyện khác. Tau tức mình quá cãi lại, đất đai ngoài kia biết mấy, muốn làm cái chi không được, răng lại lấy đất ở đây. Nhà thờ ai nói bỏ hoang, ngày mô tui cũng ở đây, tối mô tui cũng ngủ ở đây, nếu bỏ hoang thì răng mấy chú thấy sân vườn sạch sẽ, cây cối xanh tốt như rứa… Từ hồi nớ, tau lại lo chăm sóc nhà thờ kỹ hơn, trồng thêm cây, quét dọn sạch sẽ. Nghe tau lên nói lại, Mục sư nhà thờ dưới huyện liền cử người lên làm lại tường rào, đến gần Noel thì quét vôi lại cho nó đẹp, bởi rứa, mấy đứa kia đâu còn dám nói nhà thờ mình bỏ hoang.
Thời gian sau ni, Mục sư nhà thờ dưới huyện thấy tín đồ ở mình ngày càng đông nên biểu họ về dưới mình nhóm để giữ nhà thờ. Rứa là mỗi chiều Chúa nhật, tau lại mở cửa nhà thờ cho họ nhóm, khi thì Mục sư về, khi thì mấy người nhân sự xuống chia sẻ Lời Chúa. Rồi cũng có người tới gây sự. Họ nói tín đồ về nhà thờ huyện nhóm được rồi, nhà thờ mình không có Mục sư làm sao mà nhóm. Tau ra hỏi: tui hỏi chú, tín đồ thì đi nhà thờ hay đi chùa. Họ nói đi nhà thờ, thì tau nói, rứa cái chỗ ni là chùa hay nhà thờ, nhà thờ mô không được, miễn gần là đi, đỡ mất sức. Đi xuống huyện cả chục cây số, đường xá khó khăn, mấy người già con nít làm răng đi được, đúng ra mấy ổng phải hoan hô chứ răng lại cản. Họ nói nhà thờ mình không có Mục sư, tau nói không có Mục sư thì họ tới cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, đó cũng là cách thờ phượng Chúa của người Tin Lành… Sau vụ đó, mấy tháng sau ở mình được công nhận Hội Nhánh, có Thầy cô Truyền đạo trẻ mới ra trường về phụ trách.
***
Có tiếng chuông điện thoại, chú Tám cầm lên.
– Nè, con Duyên nó dọn cơm rồi đó, qua nhà ăn với cha con tau một miếng cho vui.
– Ủa, mà răn Duyên biết con về đây?
– Lúc nãy tau có nói với nó rồi. Kỳ rày con bé dễ thương lắm đó nghe. Mi ngó bộ làm con rể tau được nghe.
Tôi lắc đầu:
– Chú nói chơi, chứ tụi con lâu rồi đâu có gặp.
– Ờ, từ chối đi con, tới hồi gặp nó rồi mà năn nỉ xin, thì tau nhất quyết không cho nghe chưa.
Cả hai chúng tôi cùng cười, tiếng cười như vang vỡ cả không gian vắng lặng trưa hè, rung rinh những bóng nắng trong các vòm lá xanh mượt nổi bật trên nền trời trong veo…