Truyện Ngắn Cơ Đốc: Khoảng Lặng Mùa Xuân – BTMV 34

3082

 

Tác giả: Vũ Hướng Dương

Phát thanh viên: Bích Ngọc-Thạch Thảo

 

Đúng như lời Gắng nói, gia đình Xuân Thanh đã chuyển đi. Trong khu vườn ngày xưa của bạn tôi, bây giờ chỉ là một đám hoa dại, chắc là những hậu duệ của vườn hoa Xuân Thanh trồng năm nào. Bức tường ghi tên tôi cũng không còn nữa, nhưng làm sao tôi quên được lần đâu tiên đến đây, nhìn thấy tên mình được viết trên bức tường xanh rêu qua năm tháng làm tôi xúc động vô cùng. Tôi hỏi bạn:

– Sao dám viết tên mình lên trên nớ?

Xuân Thanh cười:

– Ủa, cái nớ là tên của Vũ hả, té ra có người trùng tên, hay ghê.

Tháng năm và nỗi nhớ, cám ơn Xuân Thanh đã dành cho tôi những tình cảm tốt đẹp dù rằng đã quá lâu rồi, chúng tôi không gặp lại nhau. Con suối La Nga chảy qua phía sau nhà Xuân Thanh như một nhân chứng của thời gian, đã lâu rồi mà chẳng chút đổi thay. Tôi hỏi Gắng:

– Gắng thấy con suối thở chưa?

– Chưa? Răng Vũ biết?

– Thì mình phải biết chớ. Ri nghe, hồi mô nước xuống tức là nó hít vô, còn nước lên là nó thở ra, hô hấp như người ta rứa.

Gắng cười:

– Cái nớ Gắng biết hồi lâu lắc. Xuân Thanh nói với Vũ phải không?

Tôi gật đầu. Gắng chép miệng:

– Cái con thiệt. Cái nớ là bí mật của hai đứa mình đó, rứa mà hắn nói cho Vũ, hết bí mật rồi, thôi không chơi với hai người nữa đâu.

Tôi vô tình nói:

– Thì chừ còn đâu hai người nữa mà chơi.

Gắng gật đầu, im lặng, có lẽ là nhớ đến Xuân Thanh. Thấy bạn im lặng, tôi biết bạn buồn, ờ mà thật ra tôi cũng nhớ Xuân Thanh có kém gì.

Hồi xưa, ở Bình La có nhiều gia đình tin Chúa lắm. Sau này, kinh tế khó khăn nên họ đều đi làm ăn nơi khác chỉ còn lại một gia đình Xuân Thanh. Nghe nói ông nội Xuân Thanh trước đây còn là Truyền Đạo nữa, nhưng đã mất trong chiến tranh. Ba Xuân Thanh như được tiếp nối bởi truyền thống gia đình tin kính Chúa nên dù chỉ còn lại một mình, vẫn giữ vững đức tin. Không những vậy, những năm sau này, ông còn đi làm chứng cho nhiều người khác đến với Chúa trong đó có gia đình của Gắng. Thời gian đáng nhớ nhất có lẽ là lúc điểm nhóm được thành lập, dù chỉ có được năm, sáu gia đình và không có người chăn bầy, nhưng tất cả đều trung tín giữ sự nhóm lại đều đặn.

Sau kỳ nghỉ hè năm thứ nhất, Xuân Thanh về quê, rồi ba qua đời. Do hoàn cảnh gia đình, bạn quyết định từ bỏ ước mơ làm cô giáo của mình để ở nhà lo cho mẹ và chị. Tôi chỉ biết được tin khi nghe Gắng nói, lúc đó đã vào năm học nên đành chịu, không thể về thăm Xuân Thanh được. Mãi đến dịp tết, tranh thủ thời gian, tôi lặn lội lên Bình La thăm bạn. Lúc đó mới biết nhà Gắng nằm ngay chợ Vĩnh Huy, một cái chợ quê nhỏ nhưng lại có cái tên rất dễ thương. Gặp Gắng, tôi rất vui, Gắng chỉ giúp cho tôi đường lên nhà bạn. Hóa ra nhà Xuân Thanh nằm tít trên đồi cao, phía sau là một con suối nhỏ, nhưng rất đẹp.

Xuân Thanh chỉ dòng suối lớn ở giữa hỏi tôi:

– Vũ biết con suối nớ tên chi không?

– Thì La Nga chớ chi.

– Không, La Nga là tên chung khi chúng gặp nhau, còn cái ni là tên riêng.

Tôi lắc đầu:

– Tên Xuân Thanh đó. Bạn trả lời trong tiếng cười thích thú.

– Rứa còn con suối kia?

– Tên Gắng.

Tôi tiu nghỉu:

– Mấy cái tên nớ chắc do Xuân Thanh đặt chớ làm chi mà có.

– Ờ, vì mình là chủ nhân ở đây mà. Vũ thấy mạch nước bên cạnh suối Xuân Thanh không?

– Thấy chớ.

– Tên Vũ đó.

– Không tin, đặt hồi mô đó.

– Lâu rồi, từ khi quen… đó.

– Rứa hả!

Tôi cầm tay Xuân Thanh. Xuân Thanh rất thẹn thùng, mặt đỏ ửng lên. Ô, tình yêu thời ấy sao mà tuyệt vời đến như vậy, và sau này tôi mới biết đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Tự nhiên bạn hỏi:

– Vũ có thương Thanh không?

– Có chớ.

– Vũ hứa với Thanh một điều nghe?

– Ờ, nhưng có thể làm được không đã.

– Cái ni Vũ làm được.

– Ờ, thì nói đi.

– Cố gắng học cho thiệt giỏi.

– Chỉ rứa thôi na?

– Ờ, chỉ rứa.

Tôi tần ngần:

– Thiệt ra hoàn cảnh Vũ cũng khó khăn lắm.

– Thanh biết chớ, Thanh sẽ cầu nguyện thêm cho Vũ, Vũ nhớ là Vũ học cho Thanh nữa đó.

Trong lòng tôi thật sự cảm động. Hai đứa tôi im lặng, tay trong tay một lúc lâu. Có lẽ giây phút này là giây phút đáng nhớ nhất trong đời. Vâng, tôi sẽ cố gắng, học thật giỏi và mong có một ngày sớm trở lại nơi này…

Thời gian sau này, tuy không gặp Xuân Thanh nữa, nhưng tôi vẫn biết Xuân Thanh ở nhà làm nghề thợ may, một nghề truyền thống của gia đình. Những năm cuối đại học, gia đình tôi gặp khá nhiều khó khăn, cũng may là đến năm thứ ba, tôi bắt đầu tìm được một vài chỗ dạy kèm, kiếm thêm kinh phí để trang trải cho cuộc sống. Người giúp đỡ tôi nhiều nhất lại là Gắng. Không hiểu làm cách nào mà cứ đều đặn, mỗi tháng Gắng đều gởi cho tôi một ít tiền, nói là để “động viên tinh thần học tập” của tôi. Chính nhờ có số tiền nho nhỏ của Gắng mà tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn của những năm cuối cùng của bậc học. Nói thật, thời gian đó tôi rất biết ơn và có cảm tình với Gắng nhiều. Dù vậy, tôi cũng không dám nói gì với Gắng, bởi hình ảnh của Xuân Thanh vẫn còn đó, những lời hứa hẹn hôm nào vẫn theo tôi trong từng năm tháng, tôi sẽ cố gắng học hành cho thật tốt, đó là ước nguyện của bạn tôi.

Sau khi làm đề tài xong, tôi lại về Bình La thăm Gắng và Xuân Thanh. Gắng nói với tôi, gia đình Xuân Thanh đã chuyển đi nơi khác rồi, xa lắm, hình như Đắc Lắc thì phải. Thấy tôi tỏ vẻ buồn, Gắng nói, hôm trước khi đi, Xuân Thanh có lặn lội ra trường thăm chúng tôi và cũng để nói lời chia tay. Xuân Thanh không muốn làm tôi phân tâm, ảnh hưởng học hành vì tôi đang mùa thi tốt nghiệp, vì vậy bạn chỉ ở lại chơi với Gắng một đêm rồi trở về. Nghe nói tôi học tốt, Xuân Thanh mừng lắm, chỉ nhắn lời động viên tôi cố gắng hết mình.

Tôi ngồi yên lặng nghe dòng nước cứ róc rách chảy, chảy thật vô tư cho dù năm tháng có đi qua, cho dù bên cạnh nó có những người bạn cũ đang tìm về. Dòng suối Xuân Thanh vẫn như ngày nào, trong trẻo và dễ thương. Một vài chiếc lá nhỏ đâu đó vội chảy theo con nước biếc, những chiếc lá mong manh như cuộc hội ngộ của ba chúng tôi, nhưng tôi biết rằng khi ở trong dòng chảy lớn lao của cuộc sống, chúng tôi vẫn có thể gặp nhau. Gắng nheo mắt nhìn tôi:

– Bi chừ, Gắng nói ri, Vũ đừng giận nghe.

– Răng mà giận?

– Cái nớ không phải của mình đâu.

– Là cái chi?

– Thì món quà hỗ trợ bạn trong mấy năm rồi đó.

– Ủa, rứa của ai?

– Của người ni nề. Gắng đưa tay chỉ về phía suối.

Tôi chợt hiểu ra.

– Mình định nói với Vũ nhưng Xuân Thanh không cho nói, sợ Vũ mặc cảm, không nhận. Xuân Thanh nghe nói Vũ học giỏi, hắn mừng lắm.

Tôi lặng người, nói sao đây. Một khoảng lặng của ngày xuân lại trở về. Cám ơn Xuân Thanh, người đã hết lòng chia sẻ những nổi khó khăn với tôi trong những ngày khốn khó. Tôi lại được nghe Gắng kể lại những gì Xuân Thanh đã làm trong thời gian qua để có thể giúp đỡ được gia đình và giúp sức cho tôi. Và tôi cũng thật không ngờ bạn giữ lời hứa với tôi một cách hoàn hảo, không những cầu nguyện cho tôi mà còn giúp tôi vượt qua được những tháng ngày khó khăn đáng nhớ ấy. Ngày gặp lại không biết bao giờ mới đến, nhưng có lẽ suốt cuộc đời mình, tôi không thể nào quên được những gì bạn đã làm cho tôi.

Cuộc sống có nhiều điều thật diệu kỳ, và điều tuyệt vời nhất là khi chúng ta có những người bạn ở trong Chúa, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. San sẻ cho nhau những gì mình có thể là một việc làm cần thiết, và tôi cũng biết rằng điều tốt nhất tôi có thể làm để đáp lại tấm lòng của bạn tôi là phải biết yêu thương và giúp đỡ người khác. Cảm ơn Chúa đã dạy chúng con biết yêu thương, yêu thương bằng tất cả tấm lòng.

Bài trướcLượng Giá Cuối Năm – 15/2/2018
Bài tiếp theoSống Trong Phước Hạnh – 16/2/2018