Truyện Ngắn Cơ Đốc: ĐI QUA – BTMV 32

2088

 

Tác giả: Dã Hạc

Phát thanh viên: Thiên Hương – Thiên Lý

Cậu bé mười hai tuổi, có đôi mắt hiền, buồn và trầm ngâm, có mấy lọn tóc xoăn xoăn màu nâu vàng, có vầng trán sáng màu trăng non, có vóc dáng mảnh khảnh và dáng đi khá vững chải, thoáng nét điềm đạm, nhu hoà của một nhân cách cao quý.

Buổi sáng hôm ấy, cậu bé mặc một chiếc áo choàng burnous màu vàng cát, ẩn sắc nâu cam của ráng chiều. Bên trong là chiếc áo ngắn may bằng vải lông chiên tốt, thêu hình lá olive xanh thẳm và chiếc thắt lưng màu nâu sậm, có sọc nhuyển màu vàng rơm, may bằng lụa quý.

Chiếc áo choàng màu cát sa mạc ấy và hai chiếc áo choàng khác của cậu bé, một chiếc màu cánh gián và một chiếc màu nho đậm đã theo cậu bé từ xứ sở phương Đông sang Giê-ru-sa-lem từ ba tháng nay.

Những chiếc áo ấy đã theo cậu bé suốt đường gió bụi của cuộc hành trình dài. Những chiếc áo được cởi ra và được các người hầu giặt sạch khi cậu bé dừng chân ở các quán trọ dọc đường. Cha của cậu bé là người đi cùng cậu và chăm lo từng chi tiết của cuộc sống cậu, nhất là cuộc sống trên con đường xa nhà, dấn thân vào các nẻo đường mua bán, đổi chác các loại hàng hoá ở những xứ sở xa xôi, bên kia sông Giô-đanh với các hàng hoá bên nầy sông Giô-đanh, tức là xứ Ca-na-an từ ngàn xưa đã được hứa ban cho dân tộc Y-sơ-ra-ên.

Cậu bé và gia đình vốn là người Do Thái xa xứ, ngụ cư ở nước ngoài. Đây là năm đầu tiên cậu bé được cha cho đi cùng trên đường từ Sy-ri-a về Giê-ru-sa-lem. Nhưng mẹ cậu kể lại, từ khi cậu còn nằm trong bụng mẹ, cha cậu đã đưa mẹ cậu từ quê trọ Sy-ri-a trở về Giê-ru-sa-lem để cậu được chào đời ở quê cha đất tổ vì gia đình cậu vẫn còn ngôi nhà tổ phụ nằm trên con đường từ Giê-ru-sa-lem về tiểu thôn Bết-lê-hem.

Mẹ cậu vẫn thường bồi hồi kể lại:

– Năm ấy, phụ thân con đưa mẹ từ Sy-ri-a về Giê-ru-sa-lem để con được sinh ra trong mái nhà tổ phụ, trên mảnh đất quê hương. Mẹ còn nhớ, lúc ấy, trên đường đi, có những sự việc lạ lùng. Có ba nhà thông thái từ Đông phương luôn ăn mặc chỉnh tề, dáng vẻ sang trọng, dong ruổi trên lưng lạc đà suốt mấy tháng trời. Ánh mắt họ đăm chiêu, luôn ngẩng nhìn bầu trời cao. Sáng vằng vặc trên cao là một ánh sao dẫn đường, luôn đồng hành cùng ba nhà thông thái ấy. Khi họ dừng chân nơi quán trọ, ánh sao cũng dừng lại. Khi họ tiếp tục ra đi, ngôi sao nhỏm mình lên trước, dẫn đường. Ánh sao rất sáng, toả ra ánh sáng thông suốt của một vị sứ giả nhanh nhẹn, trung thành.

Mẹ và con là bạn đồng hành của ba nhà thông thái ấy. Mẹ, và cả con nữa, một sinh mệnh đang khép nép trong lòng mẹ, cả hai mẹ con ta luôn dõi theo ánh sao và cùng đi, cùng nghỉ với các nhà thông thái vì chúng ta cũng là những kẻ dong ruổi trên lưng lạc đà, đi từ xứ sở phương Đông sang đất thánh Giê-ru-sa-lem. Con đường đồng hành ấy rất thiêng liêng và ấm áp. Thỉnh thoảng khi chưa đến quán trọ mà phải tạm dừng chân nghỉ ngơi, các nhà thông thái giải thích cho mẹ hiểu là ở Giê-ru-sa-lem , cả xứ Ga-li-lê, xứ Sa-ma-ri và xứ Giu-đê, cùng tất cả các xứ phương Đông, phương Tây đều đang chờ đợi Đấng Thánh lâm phàm. Chính đó là Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ cứu muôn dân ra khỏi gánh nặng của tội lỗi, là hành vi tội lỗi và bản năng phạm tội nơi mỗi một người. Ngài là Đấng mà muôn dân cần tìm đến để tôn thờ.

Họ cũng nói cho mẹ hiểu về ngôi sao dẫn đường. Lời họ nói cùng với những sự việc rõ ràng mà mẹ nhìn thấy nơi ngôi sao lạ khiến cho mẹ tin rằng chính Đức Chúa Trời tôn quý đang cho thiên sứ của Ngài dẫn đường, soi sáng cho muôn dân tìm đến Đấng Thánh để thờ phượng – Lòng mẹ nôn nao về sự thờ kính Đấng Thánh đang sắp sửa thành toàn chương trình giáng thế để cứu rỗi nhân loại. Mẹ tin con ở trong lòng mẹ cũng đang nôn nao như thế.

Các nhà thông thái cũng chúc mừng mẹ về sinh mệnh sắp chào đời trong lòng mẹ. Họ ân cần dạy mẹ về sự sinh nở và dặn dò mẹ về sự dạy dỗ đứa con sắp chào đời của mẹ, về sự loan báo Tin Mừng Đấng Thánh lâm phàm cho con của mẹ là đứa con được phước hạnh lớn lao khi sinh ra đồng thời với Đấng Thánh. Họ cũng ân cần dặn mẹ phải khơi nguồn sự khao khát chân lý nơi con, đứa con thơ yêu dấu của mẹ. Họ dặn mẹ phải đưa con đến hạnh phúc thật của kiếp người là trở lại cùng Đức Chúa Trời cao cả, tôn quý, luôn thứ tha. Con đường trở lại ấy chính là con đường cảm tạ và thờ phượng Cứu Chúa giáng sinh.

Những khi nghe mẹ nói dài, sâu và thiết tha về những điều thiêng liêng ấy, cậu bé có đôi mắt trầm ngâm thường âu yếm nhìn mẹ, nói:

– Và mẹ đã dạy con những điều tốt đẹp mà các nhà thông thái đã dặn dò mẹ?

Mẹ cậu gật đầu:

– Phải đấy, con ạ! Mẹ đã dạy con và mẹ đã vui mừng biết bao về sự mềm mại của tấm lòng con và sự thông hiểu nhanh chóng của tâm linh con. Con đã lớn lên bên cạnh mẹ, trong đức tin hướng về Đấng Thánh.

– Nhưng, cha con…

Người mẹ lặng xuống trong nỗi buồn nhiều năm tháng:

– Phải đấy, con. Cha con đã không màng quan tâm đến những gì các nhà thông thái nói đến. Cha con không muốn mẹ con chúng ta ngước lên trời cao tìm vì sao sáng. Cha con không muốn dừng lại. Cha con không muốn suy nghĩ. Những điều các nhà thông thái thiết tha, ân cần chia sẻ cho mẹ con chúng ta, cho các gia nhân, cho các thương nhân cùng đi không phải là điều cha con bận lòng. Điều chiếm hữu tâm trí cha của con là các mặt hàng và các con số, là những trái chà là ươm ngọt nằm trong các kiện hàng to trên lưng lạc đà, là những súc lụa đẹp đẽ, những tấm thảm Ba Tư được thêu cách tinh xảo, là những thứ thuốc thơm từ hương liệu Đông phương. Cha con vẫn thường cau mày khi thấy mẹ chăm chỉ lắng nghe các nhà thông thái. Nhưng cha con đã không thể nói gì để ngăn cản những con người cao trọng ấy giải thích về chân lý. Cha con nhiều lần thúc giục đoàn lữ hành tiếp tục ra đi dầu trời hè vẫn còn đang nóng bỏng nắng trưa. Cha con không muốn thấy, không muốn nghe. Cha con không muốn dừng lại. Cha con chỉ muốn đi qua với những gì cha con đang nắm giữ trong tâm trí, đi qua với những gì cha con xem là huyết mạch của đời mình là việc kinh doanh, là những mặt hàng, là những con số, là những đồng tiền vàng, là những nén bạc. Suốt mấy tháng trời đồng hành dong ruổi với các nhà thông thái, cha con không hề có phút giây nào dừng lại với những điều thiêng liêng mà các nhà thông thái ấp ủ và nói ra. Cha con vẫn cứ đi qua, đi qua…

Giờ đây cậu bé mười hai tuổi, lần đầu tiên theo cha về quê hương kể từ khi lọt lòng mẹ, đang suy gẫm về thái độ “đi qua” của cha mình đối với chân lý cứu rỗi. Đôi mắt hiền, buồn, trầm ngâm của cậu thêm hiền, thêm buồn, thêm trầm ngâm khi nhớ lại, sáng nay, thêm một lần, cha cậu lại dửng dưng đi qua nẽo về của thiên ý, là nẽo về cùng vĩnh cửu, nẽo về cùng Con của Đức Chúa Trời:

Sáng nay khi dừng chân bên một thương xá cho gia nhân tháo xuống những bành chà là trên lưng lạc đà, một thương nhân đã nói cùng cha cậu:

– Anh có nghe điều chi không? Trong thành Giê-ru-sa-lem đang xôn xao bàn tán về một cậu bé thông tuệ đã vào đền thờ Giê-ru-sa-lem giảng luận Lời Thánh cho các thầy thông giáo và các thầy tế lễ. Người ta bảo cậu bé chính là Đấng Thánh giáng sinh năm xưa. Tính theo năm tháng, hiện nay cậu bé thánh đã mười hai tuổi…

Cha cậu thản nhiên:

– Điều đó có liên hệ gì với chúng ta? Con trai tôi đây cũng mười hai tuổi, cũng thông minh, cũng hiểu biết nhiều về cuộc sống. Và tôi, tôi đã hướng sự thông minh của con tôi vào thương trường để tròn cuộc mưu sinh, để hưởng thụ của cải vật chất khi tuổi về chiều.

Vị thương nhân nhìn cậu bé đỉnh ngộ, hỏi cha cậu:

– Nhưng, con anh có chấp nhận con đường anh vạch ra cho cậu ấy không? Thiên tư của cậu là gì? Tâm ý của cậu là gì? Anh có biết không?

Cha cậu quay lại nắm cánh tay con trai. Chiếc áo choàng màu cát vàng sa mạc bị lệch đi ở vai áo trái. Cậu bé thoáng chựng lại, nhưng vẫn phải bước theo cha. Đi ngang vị thương nhân, cha cậu lạnh lùng:

– Chúng tôi còn nhiều bành hàng phải tháo xuống. Cho chúng tôi đi qua…

Buổi tối, sau một ngày vất vả quay cuồng với công việc của cha, cậu bé tắm gội, dùng bữa tối và ra khoảng sân rộng của quán trọ nhìn ngắm sao trời. Cậu thì thầm với bầu trời cao và những vị sao trời gần gũi.

– Có phải mục đích của đời tôi là những con số và những kiện hàng? Hay là cái gì khác hơn? Hay là tìm kiếm Đấng Thánh mà mẹ tôi vẫn thường nhắc đến? Xin bầu trời cao hãy cho tôi biết. – Xin các vì sao hãy tỏ cùng tôi – Xin dẫn đường cho tôi đến cùng Đấng Thánh.

Đang khi cậu trai trẻ thì thầm cùng bầu trời mây và các vì sao sáng, một gia nhân đền gần cậu:

– Thưa cậu, những chiếc áo choàng của cậu đã qua những ngày ủ cát sa mạc và ủ sức nóng của xứ Giu-đê, đã trở nên khô ran, cứng mặt vải. Cậu có cần thay áo mới, sáng mai chúng tôi sẽ ra cửa hiệu để mua?

Cậu bé lắc đầu:

– Không cần đâu bác. Các bác đã vất vả nhiều – Ngày mai là ngày Sa bát. Bác cần nghỉ ngơi. Chúng ta đến đây, không phải là cứ để cho mình phải loay hoay mãi với những điều không phải là vĩnh cửu.

Gia nhân nghe cậu nói, im lặng. Trong lòng gia nhân ấy đang có những ý nghĩ:

– Cậu bé nói chuyện rất giống mẹ cậu – Cầu xin ơn Chúa luôn đầy tràn trên cậu hầu cho cậu tìm được Đấng Mê-si để thờ kính. Cầu xin ân điển tuôn đổ trên cậu để cậu và những người thân yêu của cậu không hối hả đi qua và chệch khỏi con đường cứu rỗi.

Gia nhân lớn tuổi nầy, là người năm xưa cũng đã nghe những lời rao giảng của các nhà thông thái và đã tin cậy, đã buộc mình vào ơn cứu rỗi và đã tìm được sự bình an trọn lành cho tâm linh mình.

Giữa lúc ấy, cha của cậu bé trở về quán trọ sau khi đi thu vén tiền nong từ những thương hiệu ở Giê-ru-sa-lem. Ông đi cùng một gia nhân. Tại cổng quán trọ, có một người ăn mày già nua, rách rưới, bẩn thỉu đang ngồi chìa chiếc bát gỗ ăn xin. Người đàn ông, cha của cậu bé, lạnh lùng bước ngang:

– Cho tôi đi qua!…

Và mọi thứ trong cuộc đời người cha ấy cứ vội vã đi qua và qua đi …

 

Bài trướcLễ Kỷ Niệm 60 Năm Thành Lập Hội Thánh Bêtel – Gia Lai
Bài tiếp theoPhú Yên: Lễ Tấn Phong Mục sư Tại Nhà Thờ Tin Lành Tuy Hòa