Tác giả: Hải Đăng
Phát thanh viên: Thiên Hương-Lâm Thư Bích
Dũng và Thành biết nhau rồi trở nên đôi bạn thân từ lớp giáo lý Báp-têm. Dũng tin Chúa một mình, Thành hạnh phúc hơn vì cả nhà đều tin Chúa. Cả hai có cùng điểm chung là tin Chúa khi đã 19 tuổi, nhưng khác nhau ở chỗ Dũng cao 1m6 thích mặc áo sơ-mi quần tây, Thành cao 1m72 vẫn giữ phong cách áo thun quần Jean theo “mô-đen” từ trước khi tin Chúa. Hai bạn gặp nhau vào những buổi tối thứ Tư, thứ Bảy và cả ngày Chúa nhật, qua từng câu Kinh Thánh, từng lời giải thích tường tận, đôi bạn càng yêu Chúa nhiều hơn, hứa với Chúa và hứa với nhau sẽ trung tín theo Chúa đến lúc chết. Sau mỗi buổi học, đôi bạn và thanh niên trong nhà thờ lại có cơ hội sinh hoạt vui vẻ với nhau qua những ly nước mía hai nghìn, những ly cà-phê sáu nghìn vào mỗi sáng. Khi nói về ước mơ của mình, Dũng nói với Thành:
– Tui ước mong được làm việc nhà thờ như ông Mục sư, vì tui thấy chính mình được học nhiều điều từ Kinh Thánh và cách sống qua ông Mục sư. Thành đáp:
– Làm việc nhà thờ thì lấy tiền đâu mà sống, rồi vợ rồi con, ông mơ mộng viễn vông quá, hì…, tui thì thích có một công việc ổn định và làm một Chấp sự trong nhà thờ là được rồi.
Tuy nhiên, đối với đôi bạn, ước mơ vẫn là ước mơ vì cả hai đều mới học giáo lý Báp-têm, Kinh Thánh chưa biết nhiều, kinh nghiệm Chúa vẫn chưa sâu sắc. Vả lại, có tín đồ nói rằng: “Nếu muốn làm Mục sư, Chấp sự thì phải là con của Mục sư, Chấp sự hoặc phải tin Chúa cả nhà”. Những lời này, đối với hai bạn là một sự hụt hẫng vô cùng to lớn. Thời gian như tên bắn, một năm rồi hai năm, Dũng và Thành vì nhu cầu cuộc sống, mỗi người có một công việc riêng, nhưng Dũng vẫn giữ trung tín nhóm họp tại nhà thờ, Thành thì lâu lâu tạt vô vài phút rồi vội vàng đi đâu đó. Dũng rất buồn và muốn có thời gian để nói chuyện với thằng bạn thân duy nhất trong Chúa từ trước đến giờ. Nhưng để nói chuyện với Thành, Dũng phải theo chân Thành đến những nơi mà Dũng cũng không thích gì mấy, đó là quán “Bar” – vũ trường. Dũng như một anh nhà quê lên tỉnh khi đi chung với Thành. Thành thường chê Dũng với những câu: “sao ông giống nhà quê quá”, “ông mặc đồ gì mà già quá”…
Dũng thường nói với Thành:
– “Thôi Thành ơi, đừng đi quán bar nữa, không tốt đâu”,
Thành nói:
– Tui thấy đi bar có gì không tốt đâu, “ông Chấp sự C” cũng uống bia được mà, mình đi bar chỉ uống chút xíu rượu thôi chứ có uống say xỉn đâu mà lo. Mà tui nhớ là Kinh Thánh đâu có cấm uống bia rượu và đi bar đâu.
Bấy giờ, Dũng vẫn chưa có thể dùng Lời Chúa giải thích tường tận cho Thành hiểu. Mỗi lần nói về vấn đề đó, với những lý lẽ đơn giản mà vô cùng thuyết phục nên Dũng chỉ biết lắc đầu: “Thua ông luôn”… Từ đó, đôi bạn trong Chúa “Dũng và Thành” dần dần xa cách rồi biệt vô âm tín lúc nào cũng không hay.
Một buổi chiều thứ Bảy của những ngày cuối năm, gió hắt hiu, Dũng và vợ đang trên đường đi thăm viếng, những câu chuyện và nan đề của tín hữu khiến hai vợ chồng không chú ý đến những gì đang diễn ra trên đường, bất chợt Dũng vô tình đưa mắt đến một góc nhỏ của con phố Tây, một nụ cười, một khuôn mặt rất thân quen khiến Dũng tấp vào lề và thắng lại, vợ Dũng hỏi:
– “Gì vậy anh?” Dũng đáp:
– “Hình như là Thành, thằng bạn thân mà mấy năm nay anh không có tin tức”.
– Dũng gọi to:
“Thành ơi!“
Thành thấy Dũng cười tít mắt và chạy ra.
“Ê! Đi đâu đó? Lâu lắm rồi mới gặp lại ông,…” Sau vài câu xã giao Thành tâm sự: “nói thiệt với ông, tui hết muốn lấy vợ rồi, tui cũng không biết tương lai của mình ra sao nữa. Tui đang cặp với “ông J”, lâu nay ổng “bao” tui, nhưng tuần sau ổng về nước rùi, tui đang mồi “thằng H”, nó trẻ hơn “ông J” và “sộp” hơn”.
Dũng rất buồn, nhưng cũng hỏi:
– “Ông bị từ khi nào vậy? Ông có nghĩ cho bác gái ở nhà và tương lai vợ con của mình không? Ông có biết mình sống như vậy là không đúng với Lời Chúa không?”
Thành đang lên cao trào kể cho bạn nghe, bỗng dưng bị cụt hứng, chùng xuống một cách rõ rệt:
– Tui không nhớ là từ khi nào nữa, chắc là từ khi đi bar, một vài lần thành thói quen. Đi hoài cũng hết tiền, một lần, hai lần có mấy ông nước ngoài tới hỏi chuyện, rủ đi chơi, cho tiền xài, rồi…
Thành nghẹn ngào, sau mỗi lần đi chơi,
tui vào khách sạn chỗ mấy ông đó đang thuê, tui đã…
– Dũng ngắt lời:
ông nên ăn năn với Chúa, xưng tội với Ngài, chắc chắn Chúa sẽ tha thứ vì Lời Chúa hứa “dầu tội Thành như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”.
– Thành tiếp lời:
tui nghĩ tội của tui nặng lắm Chúa không tha thứ đâu. Có mấy lần tui đi nhóm, thấy nhiều người nhìn tui với ánh mắt soi mói, nên tui nản, thôi không đi nữa để khỏi làm người khác vấp phạm…
Câu chuyện giữa đôi bạn tạm gác lại vì tiếng ồn và sự tấp nập của khu phố Tây khi lên đèn. Hơn nữa, vợ chồng Dũng phải tranh thủ về chuẩn bị tối đi nhóm. Họ tạm biệt nhau, vợ chồng Dũng đứng nhìn theo Thành chạy vội vàng vào quán bar góc phố cách đó chừng 10m, nhưng sao Dũng thấy quãng đường đó thật xa, xa lắm. Vợ Dũng im lặng suốt buổi nói chuyện giữa Dũng và Thành, trên đường về, cô nói với Dũng:
– Vợ chồng mình cố gắng tranh thủ thời gian đến thăm gia đình anh Thành, em nghĩ có thể anh Thành phải đối diện với những áp lực nào đó mới đưa ảnh vào con đường này.
Cách một tuần sau đó, cũng chiều thứ Bảy mát dịu với những cơn gió hắt hiu, vợ chồng Dũng chạy xe đến một đầu hẻm nhỏ, qua mấy bụi tre rậm rạp, đi một chút lại rẽ trái vào con đường đất lá vàng rơi khắp nơi, dường như đã nhiều ngày không ai quét dọn. Một căn nhà nhỏ hiện ra trước mắt hai vợ chồng, cánh cổng bằng gỗ tạp với màu sơn xanh rêu cũ kỹ và bong tróc theo thời gian đang khép hờ, phải nâng lên mới đẩy ra được, bên trong căn nhà tràn ngập bóng tối, duy nhất một ánh đèn trái ớt màu vàng le lói, đến cửa chính Dũng gọi khẽ:
– Bác gái ơi!
Một giọng phụ nữ chừng 60 tuổi với giọng nói thều thào:
“Ai đó? Tụi nhỏ đi hết rồi.”
Dũng thưa:
“Con, Dũng đây bác!”
Dường như gặp được con trai từ nhiều năm xa cách, giọng bà cụ cố nói thật lớn:
“Dũng hả con, vô đi, vô đi, lên đây, bác không đi xuống được. “
Vợ chồng Dũng bước nhẹ lên chiếc cầu thang gỗ, tiếng ọp ẹp của chiếc cầu thang hòa với một vài tiếng chó con đầu xóm sủa khiến cho khung cảnh gian phòng càng thêm buồn và lạnh lẽo. Đến bậc thang thứ 19, một cảnh tượng hiện ra trước mắt hai vợ chồng: một bà cụ đôi mắt đã mờ, đôi chân teo và tưởng chừng lỏng lẻo hơn người bình thường, với bộ quần áo đã cũ, đang nằm trên cái ghế bố cũng cũ như tất cả mọi vật trong căn gác. Hai vợ chồng ngồi xuống gần bà cụ, Dũng nắm chặt tay mẹ Thành, bà cụ dường như lấy hết sức mình siết chặt tay Dũng. Mẹ Thành khóc và nói trong nước mắt:
– Dũng ơi! Bác mất thằng Thành rồi, nó không còn là con “trai” bác nữa, nó bỏ Chúa rồi, nếu nó được một phần như con thì tốt biết mấy. Từ ngày nó đi bar nó không còn biết nghe lời bác nữa, bao nhiêu tiền trong nhà nó đều lấy hết, cái ti-vi, tủ lạnh và cả chiếc xe máy mà ba nó để lại cũng theo nó vào quán bar rồi. Nhà có hai anh em, con Luyến thì tần tảo đi phụ bán quán kiếm tiền nuôi bác, nó không dám nhận lời cầu hôn của người yêu vì sợ lấy chồng rồi không ai nuôi bác. Nó cũng đâu còn trẻ trung gì 24-25 tuổi rồi. Vài tháng nữa, hợp đồng thuê căn nhà nầy cũng hết hạn, bác không biết phải đi đâu nữa, cũng không biết tương lai con Luyến sẽ ra sao? Còn thằng Thành thì bác coi như không có đứa con nầy. Ai thấy nó cũng tưởng nó làm vậy để kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi bác. Nhưng ai ngờ, khi đã lún sâu vào con đường ăn chơi sa đọa mà khởi đầu từ thói quen đi bar, thì làm sao mà có tiền để tự lo cho nó chứ đừng nói chi là lo cho gia đình.
Hai vợ chồng Dũng chỉ biết ngồi im lặng lắng nghe những nỗi niềm đau đớn xót xa của người mẹ già. Rồi cả ba cùng khóc và cầu nguyện trong nước mắt. Vợ chồng Dũng ra về trong lưu luyến, hứa với mẹ Thành và hứa với Chúa sẽ tiếp tục cầu nguyện để Chúa thay đổi cuộc đời Thành.
Những giọt mưa cuối năm bắt đầu rơi lất phất, vài cơn gió nhẹ thoảng qua, từ tận đáy lòng Dũng cảm nhận một nỗi buồn, một sự mất mác. Một người mẹ có con nhưng cũng như không, một người mất đi người bạn thân, đặc biệt một thanh niên sốt sắng, yêu mến Chúa ngày nào giờ đây đã xa cách Ngài.
Đến đây, chắc hẳn mỗi người đã biết câu trả lời cho câu “Cơ Đốc nhân với bar?”
“Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8).