Thực Trạng Của Tuổi Thiếu Niên Và Cách Giúp Đỡ

7744

I. Thực trạng của tuổi thiếu niên hiện nay

Thiếu niên ngày nay là một thế hệ năng động, được trang bị học vấn tốt cũng như các lĩnh vực khác như hội họa và âm nhạc, biết sử dụng rành mạch các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin…mặt khác lại có những nhược điểm:

  1. Ít biết về Lời Chúa

 Nói về tri thức bên ngoài chắc các em không thua ai, nhưng nói về Lời Chúa thì mù tịt. Các em không để thì giờ đọc Kinh Thánh. Số lượng Bài Học Kinh Thánh Hằng Ngày bán cho ban thiếu niên đếm trên đầu ngón tay, chỉ có một vài bạn có quyển này mà thôi! Các em có thể tìm mua những món hàng độc đáo, lạ và thời trang, nhưng mấy khi tìm mua và đọc sách bồi linh. Đi nhóm thì lại thích chơi, sinh hoạt nhiều hơn là học Lời Chúa, thích nhóm họp giao lưu, đi trại, đi “picnic” nhiều, có như thế ban mới đoàn kết, ban mới mạnh???

Nhạc trẻ ngoài đời bài nào mới các em đều biết tuốt, nhưng những bài hát trong quyển Thánh Ca thì không biết, hoặc không thích hát, chỉ thích chọn những bài “biệt Thánh Ca” hơn. Nhưng các em chưa thử suy nghĩ những ca từ của các bài Thánh Ca, nó vô cùng sâu sắc, làm cho tâm hồn nhẹ nhàng thư thái.

  1. Thích tò mò bói khoa

Có thể vô tình, hay cố ý thích tò mò, muốn biết những điều lạ, biết tương lai, vận may của mình ra sao, nên các em tìm những bài tử vi như về các cung sao, tuổi, qua trang mạng internet, hoặc sách báo. Các em dễ bị ma quỷ dẫn dụ và xem các bài viết này, dẫn đến xem tương lai của mình phụ thuộc vào các dự báo bói tử vi…Tất cả những việc làm này chung quy bắt nguồn từ việc hiểu biết Lời Chúa chưa kĩ.

  1. Ảnh hưởng trào lưu LGBT

Ngày nay trào lưu LGBT (tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ –Lesbian, đồng tính luyến ái nam –Gay, song tính luyến ái –Bisexual và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới –Transgender) không còn xa lạ với mọi người, nhất là giới trẻ. Các em dễ ảnh hưởng phong cách ăn mặc và cư xử không đúng với bản chất con người do Chúa tạo ra. Bên cạnh đó là trào lưu xâm hình nghệ thuật trên tay hoặc sau ót, các em cho rằng như thế là đẹp dù biết Lời Chúa không cho phép làm như vậy!

  1. Bỏ bê việc nhóm lại

Các lớp trường Chúa nhật hoặc nhóm phân ban thì thiếu vắng nhiều bạn thiếu niên, hỏi ra thì mới biết: Thiếu niên học nữa, học mãi, học thêm, học bớt, học xớt luôn ngày Chúa nhật. Các em học thêm quá nhiều, có em thì tự muốn học, nhưng cũng có em phụ huynh bắt học. Học đủ các loại môn và cho rằng việc học văn hóa cần thiết, cấp bách quan trọng hơn học Lời Chúa.     

  1. Nghiện internet

Các bạn trẻ đang nghiện mạng xã hội, game, phim ảnh Halluy, phim Thái. Những năm gần đây, phim ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài có những cảnh “nóng” trong phim và nó là cái tất yếu trong phim nhằm câu like, câu see từ các bạn trẻ! Đây là cám dỗ cực kỳ kinh khiếp làm các em mới còn tuổi ăn học nhưng lại biết yêu sớm và “biết tìm hiểu nhau”. Mỗi em thiếu niên ngày nay hầu như đều có điện thoại cảm ứng riêng. Nếu bố mẹ không mua cho thì tự mình mua trả góp qua mạng bằng tiền tiết kiệm của bản thân, nên việc tiếp xúc với mạng dễ dàng. Các loại phim ảnh ngày nay đa phần nhiễm virus độc hại, mà đa phần các em nam đã biết phim “đen” là thế nào. Có điện thoại riêng các em dễ dàng nhắn tin “thả thính” nhau, có trường hợp một em “thả thính” bốn năm bạn hoặc 1 em “thả thính” cả tỉnh dẫn đến các mối bất hòa xảy ra và có em nghỉ nhóm vì bạn A, bạn B lừa dối tình cảm mình v..v…

Do nghiện mạng xã hội, nghiện game nên không còn thời gian đọc sách. Cũng có em từ nhỏ không được tập thói quen đọc sách, chữ nhiều quá đọc dễ buồn ngủ, nếu có đọc sách thì thường truyện tranh, hoặc tiểu thuyết ngôn tình. Các mảng như văn học bất hủ, sức khỏe, tâm lý, kỹ năng sống v..v.. ít khi các em tìm đọc. Thực tế là khi khảo sát các em thiếu niên trong tỉnh mấy trăm em nhưng tìm được khoảng 10-15 em có sở thích đọc sách!

  1. Chưa được trang bị kỹ năng sống

Các em đa phần là con cưng của ba mẹ, nên việc gì cũng ỉ lại có ba mẹ làm giúp, do đó không có tính tự lập. Ví dụ: có em học lớp 7, 8 vẫn còn để mẹ đút cơm ăn, giặt quần áo giùm, không tự làm những việc đơn giản như nấu cơm, luột rau, chiên trứng, giặt đồ bằng tay để phụ giúp cho cha mẹ, đi đâu phải có bố mẹ soạn quần áo, không thích ở tập thể vì không thể tự lập v..v…không biết cách giữ gìn vệ sinh môi trường. Những khi đi trại hay sau bữa tiệc thông công, phòng nhóm, nhà thờ đầy rác và mặc định có ban quét dọn Hội Thánh lo hay có người dọn dẹp rồi, cứ xả tự nhiên dù thùng rác cách đó không xa.

  1. Thiếu lễ phép.

Dường như cái việc chào hỏi người lớn đối với các em nó rất xa lạ, và không thành thói quen tốt. Chỉ biết mình và với cái điện thoại trên tay thôi vừa đi vừa bấm bấm quẹt quẹt, gặp người lớn làm ngơ và không thích chào và cho rằng thích thì chào không thích thì thôi. Người lớn hỏi thăm các em đến hai ba lần các em mới miễn cưỡng trả lời cho qua chuyện chứ không nhiệt tình trả lời. Như thế thì “Tiên học lễ, hậu học văn” ở đâu mất rồi. Còn rất nhiều điều nữa mà thực tế đã xảy ra, vậy thì làm sao giúp các em?

II. Cách giúp đỡ các em

  1. Hiểu tâm lý các em.

Các em là lứa tuổi sớm nắng, chiều mưa, trưa lâm râm, khó hiểu. Người lớn hay mặc định các em thiếu niên là phải nghiêm trang y chang người lớn, nếu có em nào đó nghịch hay năng động quá thì cho rằng các em không ngoan, khó dạy. Chính vì lẽ đó nên có thái độ kỳ thị em đó luôn hơn là tìm cách nâng đỡ, hoặc không cho con cái mình tiếp xúc với những em ấy!

Cha mẹ đừng đặt kỳ vọng quá nhiều vào các em, ngộ nhỡ năng lực các em không thể thực hiện được như mong muốn của cha mẹ thì sao. Đừng xem các em như robot bảo gì làm nấy, không cho các em có ý kiến hay nguyện vọng. Cũng đừng mặc định các em còn nhỏ nên bảo bọc quá nhiều hoặc chưa đến lúc dạy những đều cần thiết như giáo dục kĩ năng sống, giáo dục giới tính v..v..

  1. Giúp thiếu niên nhận biết Chúa cách cá nhân.

Hội Thánh và gia đình đừng nghĩ rằng các em đến thờ phượng Chúa hằng tuần đều đặn là các em biết Chúa, có khi chỉ là nghi thức tôn giáo, hoặc xem Ban thiếu niên là một câu lạc bộ. Thiếu niên thời nay không thích học Lời Chúa theo phương pháp trên phán dưới nghe, nên chấp sự hay nhân sự dạy Lời Chúa cho các em nên dùng các phương pháp học Kinh Thánh như Đầu-Tim-Tay, hay phương pháp quy nạp v..v… Chúa Giê-xu dạy các môn đồ còn lấy ví dụ, đặt câu hỏi, vậy sao chúng ta không áp dụng tạo bầu không khí thoải mái cho các em tư duy, suy nghĩ thảo luận? Có như thế các em mới ham thích giờ học Kinh Thánh. Có như thế Lời Chúa sẽ giúp các em nhìn thấy những khiếm khuyết của mình và Chúa sẽ đụng chạm các em, và các em sẽ gặp Chúa cách cá nhân.

  1. Tạo cơ hội cho các em hầu việc Chúa:

Một số các em biết âm nhạc, nên phân công cho các em, tham gia vào ban đàn của Hội Thánh. Tuy nhiên cũng còn nhiều người, nhiều nơi còn tư tưởng là các em đàn chưa vững hay công việc đó dành cho mấy bạn siêu đàn, siêu đánh trống, có thêm người mới lọt chọt, không hợp, nhiều lý do lắm.  Kinh Thánh I Sử Ký 25:6-8 có ghi lại việc ca xướng, đàn hát cho Đức Giê-hô-va, người thông thạo, kẻ lớn cũng như kẻ nhỏ đều được Chúa dùng trong công việc Ngài. Vì vậy nên có tư tưởng thoáng và đừng khắt khe với các em. Trước kia, người lớn chúng ta cũng như các em mà thôi, cũng đàn sai, lỡ vài nhịp. Vì vậy nên khích lệ các em cố gắng phấn đấu hoàn thiện mình hơn và có mục đích đeo đuổi là được góp phần vào công việc nhà Chúa. Có khi là nhịp cầu giúp các em đến gần với Thánh ca, và ai trong chúng ta cũng có lúc được Chúa chạm đến tấm lòng qua giai thiệu những bài Thánh ca.

Những ban tình thương, hay xây dựng, trang trí nên tạo điều kiện cơ hội cho các em tham gia, ví dụ những dịp lễ trang trí cần mời các em có hoa tay. Ban tình thương khi làm công tác tình thương trong Hội Thánh cũng cần mời các em đi thăm viếng để các em biết và quan tâm những người xung quanh gặp khó khăn. Ban xây dựng khi cần làm công việc sửa chữa nào cho Hội Thánh thì phối hợp với các anh chị hướng dẫn kêu gọi các em vào phụ giúp với công việc vừa sức các em.

  1. Chọn người có tâm tình với lứa tuổi thiếu niên để hướng dẫn.

Ngày nay cái khó khăn của một số Hội Thánh là thiếu người hướng dẫn thiếu niên, hoặc có nhưng không có tâm tình, không sẵn sàng bước vào “cuộc chiến” với các em. Các anh chị hướng dẫn không hiểu các em nên khi hướng dẫn các em làm cho Ban thiếu niên không phát triển. Cần lắm những buổi họp mặt các anh chị hướng dẫn thiếu niên trong tỉnh, hoặc liên tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm hoặc phương cách biết cách hướng dẫn thiếu niên tốt hơn.

  1. Dạy về vấn đề tính dục, tiền hôn nhân

Cần phải tổ chức các lớp thường niên dạy cho các em, có thể mọi người nghĩ là quá sớm, lên thanh niên hẳn dạy hoặc chúng ta ngại đề cập vấn đề này. Lý do gì chúng ta không dạy sớm cho các em, để các em khỏi tò mò từ các phim ảnh đen?. Ma quỷ ngày đêm rình mò chung quanh các em chúng len lỏi vào các clip quảng cáo, các game, phim ảnh v..v… Chúng ta phải nhanh dạy dỗ các em kịp lúc để khi các em vừa tròn 18,20 nếu có kết hôn sớm cũng có nền tảng, nguy cơ ly hôn ít hơn. Sỡ dĩ ngày nay tỉ lệ ly hôn trong con cái Chúa càng gia tăng một phần vì thiếu nền tảng về tiền hôn nhân. Còn những em đi học xa, hay đi làm tại các xí nghiệp nếu không được trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, vì bận học, bận làm bên cạnh nhiều anh, nhiều em đeo đuổi, dễ lắm ma quỉ dẫn dụ vào quan hệ tình dục trước hôn nhân, hoặc kết hôn với người không tin Chúa. Không chỉ dạy các em mà Hội Thánh cần trang bị kiến thức về tính dục, tiền hôn nhân cho phụ huynh, để phụ huynh biết cách hướng dẫn con em mình tại nhà. Cha, mẹ ngại không dạy, Hội Thánh không trang bị cho các em những kiến thức này, thì không sớm cũng muộn các em lên thanh niên sẽ kết hôn với người ngoại hết và chúng ta mất luôn ban thanh niên.

Khu vực Sài Gòn những năm gần đây có tổ chức các buổi hướng nghiệp cho thiếu niên do Ủy ban Thanh Thiếu Nhi thực hiện, đây là tín hiệu tốt cần nhân rộng về các vùng quê. Nơi đó các em còn thiếu thốn nhiều thứ, những buổi hướng nghiệp hằng năm như thế cần vận động phụ huynh đi cùng con em mình. Phụ huynh sẽ được nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, và giúp các em định hình được ngành nghề mình sẽ chọn trong tương lai. Nếu được như thế sẽ không còn trường hợp bỏ học sớm, biết được ngành nghề nào không phù hợp với cơ đốc nhân.

  1. Tổ chức các khóa học về giáo dục tâm lý

Tổ chức các khóa học về giáo dục tâm lý cho phụ huynh lẫn thiếu niên như Tính Khí Con Người, DISC. Nhằm giúp các bậc phụ huynh phần nào hiểu được tâm lý con em mình và giai đoạn tuổi mới lớn có những thay đổi nào, để dạy dỗ con cái tốt hơn. Còn các em hiểu được tính cách mình sớm nhận định được sở thích, và năng lực của bản thân để định hình cho ngành nghề mình học.

Phát triển thể chất đều cần thiết cho các em, muốn vậy cần tạo mảng mục vụ thể thao. Những năm gần đây, mục vụ thể thao của Ủy Ban Thanh Thiếu Nhi phát triển làm kết nối nhiều thiếu niên bên ngoài tin Chúa. Còn trong Hội Thánh các em có sự gắn kết và sức khỏe cũng được nâng lên. Hội Thánh cần có tầm nhìn về những nhân sự, khi lựa chọn phải đúng đối tượng có khả năng để khi đi học Mục vụ thể thao về áp dụng chứ không phải học để biết, để đó. Hội Thánh tổ chức buổi họp phụ huynh thiếu niên 1 hoặc 2 lần trong năm để cùng thảo luận, chia sẻ tình hình thiếu niên trong Hội Thánh thế nào và có cách dạy dỗ cho thích hợp.

Hội Thánh nên có cái nhìn bao dung, cảm thông với những em nghịch, cá biệt. Bởi có nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt như cha, mẹ ly hôn, đánh đập chửi bới nhau, thiếu vắng tình thương từ gia đình v..v.. Thay vì chỉ trích và so sánh các em, thì chúng ta nên tiếp cận và từ từ khuyên bảo, không nên cô lập các em. Nên tạo cơ hội cho các em tham gia các công việc Hội Thánh để thêm hiểu biết các em và hoàn cảnh và có cách giúp đỡ. Lồng ghép dạy kĩ năng sống và giáo dục sức khỏe cho các em vào các dịp như trại, picnic, thông công v..v..

  1. Dạy cho các em tính tự lập

Thời gian các em ở gia đình nhiều hơn tại Hội Thánh, sự dạy dỗ từ gia đình chiếm 70%. Vậy gia đình cần tập cho các em tính tự lập, có ý thức trách nhiệm đừng bảo bọc con cái quá mà làm luôn nhiệm vụ cơ bản của chúng. Chúng ta chỉ là người hướng dẫn dạy chỗ chứ không phải là Oshin giúp việc các em. Làm bậc cha, mẹ ai lại không mong muốn con mình sau này có công danh tốt, tuy nhiên cần hiểu rằng con cái là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời ban cho, mọi điều chúng ta dạy phải nương trên lời Chúa “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi trở nó về già, cũng không hề lìa khỏi đó” – Châm Ngôn 22:6, dạy chúng biết, tin Chúa là điều trước tiên, trở thành một Cơ Đốc nhân tốt. Đừng vì chạy theo thế gian bệnh thành tích mà cho con cái học quá nhiều, chiếm luôn thì giờ học lời Chúa, thì giờ nhóm với Hội Thánh, với ban thiếu niên.

Thiếu niên ngày nay sẽ là những bậc phụ huynh trong tương lai, nếu chúng có nền tảng tốt thì tương lai chúng ta có thế hệ thiếu niên tốt. Hội Thánh cũng ít nan đề hơn. Điều quan trọng là Hội Thánh và gia đình cầu nguyện thật nhiều cho các em, làm hết sức về phần mình, phần còn lại xin Chúa hướng dẫn chúng. Chúng ta không thể thay đổi các em chỉ có quyền năng của Chúa mới biến đổi các em cho chính Ngài!

 

Phạm Như Ý

Bài trướcNhìn Xem Đức Chúa Giê-xu – 12/10/2018
Bài tiếp theoĐăk Lăk: Tấn Phong 12 Mục Sư Tại Nhà Thờ Buôn Ma Thuột