Thiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 3)

1705

 

CHƯƠNG BA

 

Những sự đổi thay và tiến bộ ở thiên đàng

 ————-

Thiên đàng trông như thế nào?

Có những tòa lâu đài đợi chờ chúng ta không?

Có những sự thay đổi nào ở đó?

Có sự phát triển và tiến bộ trong thiên đàng không?

 

Vai trò của các thiên sứ ở thiên đàng là gì?

Một số người nói về thiên đàng như thể họ đang nói về một nơi tưởng tượng. Họ nói như vậy với lưỡi nhạo báng và nụ cười tinh ranh, như thể thiên đàng là một phát minh của loài người, một vùng đất chẳng bao giờ có, một vương quốc trong những giấc mơ, và không nên tiếp nhận một cách nghiêm túc.

Một số khác cho rằng thiên đàng là một tình trạng nhân đức của tâm trí, một khoảng không mơ hồ, hay một phần thưởng cho việc lành. Một số nói thiên đàng hay địa ngục là nơi mà bạn tạo ra từ cuộc sống này—là sự biểu thị điều tốt nhất trong chính bạn.

… Nhưng thiên đàng có phải là một nơi chốn không? Không bao giờ![21]

Charles F. Ball

 

Trách nhiệm của các thiên sứ là “giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi”. Dẫu rằng họ không thể thấu hiểu được việc trải nghiệm ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 1:12), họ có những bổn phận khác nhau trong sự phục vụ những người được hưởng sự cứu rỗi. Bên cạnh công tác loan báo tin mừng về sự giáng sinh của Chúa Jêsus, các thiên sứ cũng thêm sức cho Ngài trong vườn Ghê-sê-ma-nê (Lu-ca 22:43), đứng canh nơi ngôi mộ trống để công bố về sự phục sinh của Chúa, và quở trách nhẹ các môn đồ vì tìm người sống giữa vòng kẻ chết.[22]

Paige Patterson

 

Thiên đàng trông như thế nào?

Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”

Cô-rinh-tô 2:9

 

Quan điểm phổ biến về thiên đàng là nếu thật sự có một nơi ở như thế, nó sẽ là một nơi xa hoa và khoái lạc cho thân xác – một nơi mà những trải nghiệm khó chịu bị loại bỏ và mọi ước muốn cao sang được thỏa mãn. Nó cũng thường được diễn đạt bằng những từ ngữ mang tính phàm tục và vật chất nhưng hay hơn một chút thôi.

Sách Giáo lý vấn đáp Westminster có câu hỏi đầu tiên là: “Mục đích cuối cùng của con người là gì?” Và câu trả lời đúng là: “Mục đích cuối cùng của con người là tôn vinh Đức Chúa Trời và tận hưởng Ngài mãi mãi.” Tuy nhiên, điều tương đương trong thời kỳ hiện đại có vẻ là: “Mục đích chính của Đức Chúa Trời là làm hài lòng con người.” Điều này được đưa vào quan điểm phổ biến về thiên đàng, nhưng những điều kiện cần thiết để được vào thiên đàng thì hiếm khi được xét đến.

Gắn liền với các nền văn hóa của con người cổ xưa là một sự trông đợi nào đó về sự sống sau khi chết. Nói chung, người ta cho rằng có nhu cầu phải xoa dịu một thần linh tối cao và những thần linh thù địch, cũng như có yếu tố của sự đoán phạt. Điều này lại gây ra nỗi sợ, là điều thường được tìm thấy trong nền văn hóa phi Cơ Đốc. Một số hệ thống tín ngưỡng cũng có khái niệm về phần thưởng cho việc làm lành.

Những tín đồ Phật giáo và Ấn Độ giáo có cõi niết bàn của họ, tức là những lời hứa về niềm hạnh phúc khi được hấp thu vào tâm linh tối cao. Thổ dân Bắc Mỹ có những vùng đất săn bắn vĩnh cửu, và tín đồ Hồi giáo có những đền đài của sự khoái lạc xác thịt. Niềm tin mang tính trực giác và phổ thông này vốn tồn tại dai dẳng khắp thế giới giữa vòng những chủng tộc rất khác nhau và ở xa nhau cho thấy rằng chắc chắn phải có một thực tế tương đồng, mặc dầu có thể bị bóp méo bởi các tôn giáo khác nhau. Trực giác và lòng khát khao của con người chắc chắn không đánh lừa họ.

Niềm tin về đời sau cũng là một tín lý trong niềm tin của người Do Thái trong thời Cựu ước và Tân ước. Quan điểm đặc biệt về thiên đàng trong tín lý này là sheol, một danh từ Cựu ước chỉ về nơi của những linh hồn của người đã mất. Từ tương đương trong Tân ước là hades. “Sheol thường có nghĩa là nơi hay trạng thái của linh hồn từ khi chết đến khi sống lại, tức là lúc kết hiệp với thân thể thiêng liêng. Dấu hiệu rõ ràng nhất về những điều kiện khác nhau ở Sheol được thể hiện qua ví dụ của Chúa, được ký thuật trong Lu-ca 16:19-31, nơi người giàu được mô tả là đang ở trong sự khốn khổ, trong khi La-xa-rơ được ở trong lòng Áp-ra-ham,”[23] một lối nói tu từ để chỉ về thiên đàng.

Trong tư tưởng ban đầu của Do Thái giáo, sheol về căn bản không phải là một nơi của sự thưởng phạt, mặc dầu những yếu tố đó không phải là không có. Đối với người Do Thái, đó thật sự là nơi tổ phụ họ yên nghỉ. Do đó, cách mô tả lặp đi lặp lại thường là: “họ được quy về cùng tổ phụ mình.”

Nhưng những người Do Thái tin kính ấp ủ những hy vọng cao hơn, thể hiện qua các tiên tri và tác giả Thi Thiên. Sau đây là một số ví dụ:

 

Còn tôi, tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống,

Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất.

… ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời;

Chánh tôi sẽ thấy Ngài, Mắt tôi sẽ nhìn xem Ngài, chớ chẳng phải kẻ khác.

Gióp 19:25-27

 

Còn tôi, nhờ sự công bình, tôi sẽ được thấy mặt Chúa;

Khi tôi tỉnh thức, tôi sẽ thỏa nguyện nhìn xem hình dạng của Chúa.

Thi thiên 17:15

 

Chúa sẽ dùng sự khuyên dạy mà dẫn dắt tôi,

Rồi sau tiếp rước tôi trong sự vinh hiển.

Ở trên trời tôi có ai trừ ra Chúa?

Còn dưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa.

Thi thiên 73:24-25

 

Tuy nhiên khái niệm của Cơ Đốc giáo về thiên đàng vượt xa hơn quan điểm của Do Thái giáo. Nó cao hơn và ưu việt hơn rất nhiều so với những sự suy đoán trong Cựu ước. Như Alexander Maclaren đã nói, thiên đàng là nơi của sự sáng láng, phước hạnh và bình an không thể tả xiết được. Chúng ta được Kinh Thánh bày tỏ về thiên đàng như một hình ảnh về cuộc sống vượt trổi hơn tất cả mọi điều từ xưa đến nay. Thiên đàng quá vinh hiển đến nỗi chúng ta buộc phải bày tỏ về nó trong thể phủ định và bởi những biểu tượng uy nghi và huy hoàng, như Maclaren nói, “thiên đàng tập hợp những điều cao quý nhất và tốt đẹp nhất từ những công trình và xã hội của loài người.”

Nhưng điều khiến cho thiên đàng đúng nghĩa là thiên đàng đối với Cơ Đốc nhân ấy là sự hiện diện không rời của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Cai trị Tối cao của vũ trụ, và đồng thời cũng là Cha Thiên thượng kính yêu của chúng ta, và hiện thực của việc tận hưởng mãi mãi tình bằng hữu với Đấng Cứu Chuộc và Chúa của chúng ta.

 

Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng.

Khải huyền 21:3

 

Có những tòa lâu đài đợi chờ chúng ta không?

“Trong nhà Cha ta có nhiều tòa lâu đài; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.”

Giăng 14:2-3 (dịch từ Bản KJV)

 

Những lời quý báu này đã truyền cho các thánh đồ đang hấp hối và những người thân đang đau buồn sự an ủi nhiều hơn bất cứ chỗ nào khác trong Kinh Thánh. Một nhà văn người Xcốt-len, Ian Maclaren đã làm chứng như sau: “Bất cứ khi nào tôi được gọi đến một ngôi nhà có người bệnh tật và đau buồn, tôi luôn đọc đoạn Kinh Thánh quen thuộc Giăng 14. Không có gì hiệu nghiệm cho bằng. Nếu một người đang chìm vào tình trạng vô thức, và bạn đọc về nhiều tòa lâu đài, người ấy sẽ tỉnh lại và thì thầm ‘lâu đài’ và sẽ chờ cho đến khi bạn kết thúc—‘ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.’ ” Maclaren đã sống trong thời kỳ mà người ta quen thuộc với Kinh Thánh, nhưng ngày nay không phải tất cả mọi người đều nhận ra ý nghĩa thật sự của điều này.

Chúa của chúng ta đã thuyết phục những kẻ theo Ngài:  “Hãy tin ta!”. Ngài nói những lời này với các môn đồ yêu dấu của Ngài trong đêm trước khi lên thập tự giá. Vì họ bị hao mòn với suy nghĩ rằng Ngài sẽ lìa bỏ họ, nên Ngài khích lệ họ cứ tin cậy Ngài.

 

Chính Thầy cất tiếng khuyên răn

Nhóm người nhỏ bé băn khoăn đau buồn

Ngay trong giờ khắc đau thương

Mà họ không thể am tường ý Cha

 

Ánh dương khuất nẻo mờ xa

Mắt tuôn dòng lệ xót xa cõi đời

Những người rắn rỏi rụng rời

Tưởng Ngài mãi mãi lìa nơi dương trần.

 

“Lòng con đừng có phân vân!”

Tiếng Ngài êm dịu khuyên răn ngọt ngào

Mắt Ngài hiền dịu làm sao

Ấy điều bảo đảm chẳng bao giờ rời

 

“Lòng con đừng có rối bời!”

Có tin nơi Đức Chúa Trời Chí Cao?

Ta đây vĩ đại dường nào

Làm một với Đấng Chí Cao đời đời.

 

Chúng ta có đủ mọi lý do không để cho lòng mình bối rối. Nevins đặt câu hỏi: “Vườn địa đàng Ê-đen có gì để sánh với thiên đàng được mua bởi A-đam Sau cùng?”. “Mọi người đều biết Cái giá mà Đấng Mua phải trả. Sau khi mua nó rồi, Ngài đi để chuẩn bị và sắp đặt cho ngăn nắp, và dốc hết sự khéo léo của Ngài trên nó. Ồ, nơi Chúa Jêsus làm nên thật tuyệt làm sao!”

Tuy nhiên, cách sử dụng từ lâu đài trong Bản King James đã gợi lên trong tâm trí một số người khái niệm mà từ ngữ này chưa bao giờ có ý muốn truyền tải. Những lâu đài, như chúng ta sử dụng ngày nay, gợi lên bức tranh về một lâu đài nguy nga tráng lệ trên đất và đã cảm hứng cho những bài thánh ca, chẳng hạn như:

 

Một túp lều hay mái nhà tranh, sao tôi lại phải quan tâm?

Một lâu đài đang được xây cho tôi ở nơi đó;

Dẫu còn xa cách quê nhà, tôi vẫn cứ hát ca;

Hết thảy vinh danh Chúa Trời, tôi là con Vua Trời.

Harriett E. Buell

 

Nhưng đó hoàn toàn không phải là ý nghĩa của từ ngữ mà Chúa Jêsus sử dụng. Từ ngữ này hiếm khi xuất hiện trong Kinh Thánh. Trong Giăng 14:2-3, từ nguyên ngữ Hy Lạp này được dịch là “chỗ ở” (abode) trong Bản dịch King James và “nhà” (home) trong Bản dịch NIV. Nó là một từ trung tính và không mang ảo ảnh của lối sống vương giả, nhưng chỉ có nghĩa là một “nơi định cư.” Cách dùng cổ điển là “nơi dừng lại của một cuộc hành trình.”

Sự giải thích này có thể làm một bài giảng mất hay, nhưng việc hiểu ý nghĩa thật sự của từ này đem đến lợi ích nhiều hơn so với bất kỳ mất mát nào có thể xảy ra, vì Chúa Jêsus đã nói: “chúng ta đều đến cùng người và ở trong người (make our home with him)” (c.23). Ngôi nhà ngự bởi Ba Ngôi Đức Chúa Trời thật không phải là một nơi bình thường! Chúa Jêsus bảo đảm với chúng ta rằng nhà ở thiên đàng là nơi định cư đời đời, không phải là những chiếc lều tạm. Không có những ngôi nhà dưới tiêu chuẩn trong thiên đàng.

Trong phân đoạn này, Chúa bảo đảm thêm cho các môn đồ vốn đang trong tâm trạng rối bời rằng sự xa cách chỉ là tạm thời. Và Ngài hứa về một sự đoàn tụ đầy vui mừng: “Nếu ta đi, ta sẽ trở lại. Đừng nản lòng!” Ngài nói với họ rằng trong nhà Cha của Ngài có “nhiều chỗ ở.” Môn đồ không cần phải sợ mình không có chỗ vì sẽ có đủ chỗ cho tất cả.

Alexander Maclaren chỉ ra rằng trong lối diễn đạt “nhà Cha ta,” có một sự kết hợp của hai ý – gia đình thân yêu và một thực tế mà đền thờ là biểu tượng. Đền thờ cũng có nhiều phòng, hành lang, và sân rộng dành cho đám đông.[24]

Một bức tranh quen thuộc khác bảo đảm cho chúng ta rằng thiên đàng không phải là một nơi tầm thường. Những người tin Chúa hiệp lại thành cô dâu của Đấng Christ, và Chúa Jêsus đã nói về họ: “Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa,… nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta” (Giăng 15:15). Mối liên hệ hạnh phúc này bảo đảm rằng chúng ta sẽ không được cho ở trong những căn phòng dành cho đầy tớ, nhưng trong các phòng dành cho cô dâu.

Các môn đồ có vẻ bối rối về ý nghĩa của sự ra đi của Ngài, vì thế Chúa giải thích với họ cách rõ ràng: “Các ngươi tin Đức Chúa Trời không? Cũng hãy tin ta nữa. Trong mối liên hệ của chúng ta trong thời gian qua, có bao giờ ta thất hứa cùng các ngươi không? Nếu sự ra đi của ta không phải là ích lợi lớn nhất cho các ngươi, thì ta có cho các ngươi biết không? Hãy tin ta!”

Khi Tiến sĩ R.W. Dale, một diễn giả vĩ đại, đang nằm hấp hối, một sự kinh khiếp của bóng tối đến trên ông, người đã thiết lập nền tảng đức tin cho hàng ngàn người giờ đây lại thấy đức tin của mình kém thiếu. Thật hạnh phúc là ông đã sống đủ lâu để chiến thắng và kể lại chiến thắng của mình. Đây là điều ông thuật lại:

 

Căn nhà thì tĩnh lặng. Vừa sau nửa đêm, tôi thức giấc trong cơn đau khủng khiếp, và sự đau buồn khủng khiếp đến trên tôi. Tôi tràn ngập sự sợ hãi. Tôi không muốn làm phiền vợ và mấy đứa con gái mình; họ đã kiệt sức vì đã canh chừng tôi trong nỗi lo lắng. Vì thế tôi nằm yên, chiến đấu với sự kinh khiếp khôn tả mà mình chưa từng trải qua. Khi sự tranh chiến đến lúc tệ nhất, dường như chính Đấng Christ đã đến với tôi, Ngài đứng bên cạnh tôi và nói: “Lòng con chớ bối rối. Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa,” v.v. Điều đó giúp ích cho tôi, tôi cảm thấy an toàn và mạnh mẽ trong vòng tay của Đấng Christ.[25]

 

Thiên đàng là nhà

Một lý do tại sao Giăng 14:2-3 là khúc Kinh Thánh phổ biến như vậy là vì nó mô tả thiên đàng như một mái nhà. Nhà chỉ về những điều khác nhau đối những con người. Đối với những người vô gia cư, nó chỉ là một ảo vọng trêu ngươi, một điều lý tưởng không thể đạt được. Đối với những người khác, nó gợi lên những ký ức về sự xung đột, lạm dụng và thiếu vắng tình thương. Nhưng đối với một số người may mắn hơn, nhà là nơi mà “những khát vọng được vẽ nên, những ký ức hạnh phúc được vun đắp.”

 

Tôi không biết được thể nào

Niềm vui tụ họp dâng trào nơi kia

Bao nhiêu hạnh phúc chẳng lìa

Vinh quang rực chiếu muôn tia huy hoàng.

                        F.W Faber

 

Một cách lý tưởng, nhà là nơi mà những bậc cha mẹ yêu thương và chu đáo cung ứng tất cả những điều cần thiết cho con cái, là nơi mà họ dạy dỗ và kỷ luật chúng cách ân cần và kiên quyết, và là nơi mà những thành viên trong gia đình tận hưởng tình thân ái và niềm vui cách tự do – một nơi của tình yêu thương, sự cảm thông và an toàn, nơi những nỗi đau được cùng nhau chia sẻ. Người Phi Châu có câu: “Hãy nói đến nhà cho lữ khách mỏi mệt, và đôi chân anh sẽ trở nên cứng như những thanh sắt.”

 

Khi người lữ khách bước lên

Tầm nhìn rộng mở từ trên đỉnh đồi

Trái tim giờ được phục hồi

Khi nhà ẩn hiện dưới nơi đồng bằng

 

Nhưng có một số người chỉ vừa đủ sức để về tới nhà mà thôi. Phao-lô nói về trường hợp như vậy: “Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy” (I Cô-rinh-tô 3:15).

Tới nhà! Cập bến an toàn!

Dây thừng đứt rạn, vỡ tan sàn tàu

Buồm hư, lương thực cạn hao

Chỉ là chưa bị đắm tàu mà thôi

Nhưng vui vì cập bến rồi

Hành trình nguy hiểm giờ thôi không còn.

St. Joseph of the Stadium

 

Thật tốt đẹp biết bao khi trở về cùng với sự dư dật.

 

Có những sự thay đổi nào ở đó?

“…vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa.”

“…tôi không thấy đền thờ nào… Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng…”

Khải huyền 21:1,22,23

 

Dường như trên thiên đàng chúng ta sẽ không phụ thuộc vào nhiều thứ mà chúng ta thấy rằng nó là tối cần thiết và không thể thiếu được trong lúc này. Chẳng hạn, không có ban đêm ở đó. Hãy tưởng tượng thử một tuần mà không ngủ! Ban đêm sẽ ích lợi biết bao khi mà xương cốt đã mỏi mệt. Nhưng vì thiên đàng là “tốt đẹp bội phần” so với cuộc sống trên đất, phải có sự phước hạnh trong những đặc điểm dường như là tiêu cực được kể đến trong sách Khải huyền.

Chúng ta hãy xem xét một vài sự thiếu vắng mang tính ích lợi này.

Không có đền thờ. “Tôi không thấy đền thờ nào.” (21:22).

Đối với người Do Thái, điều này không thể hiểu được, tương tự như một thành phố mà không có một nhà thờ nào đối với chúng ta. Đền thờ tuyệt đẹp là điểm nổi bật và là vinh quang của thành Giê-ru-sa-lem trên đất. Cư dân trong thành kiêu hãnh biết bao về nó. Sách Ma-thi-ơ có ghi lại: “Khi Đức Chúa Jêsus ra khỏi đền thờ, đương đi, thì môn đồ đến gần để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về đền thờ” (24:1). Đền thờ đối với họ là một biểu tượng rõ ràng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa họ, vì chính Đức Chúa Trời đã nói với Môi-se: “Họ sẽ làm cho ta một đền thánh và ta sẽ ở giữa họ” (Xuất 25:8).

Tuy nhiên, trong thiên đàng, không còn cần đến bất cứ một tòa nhà đặc biệt nào dùng cho sự thờ phượng Đức Chúa Trời, vì chính Đức Chúa Trời là đền thờ. Đền thờ trên đất được thay thế bởi sự hiện diện trực tiếp của Đức Chúa Trời toàn tại. Vì thế chúng ta có thể nói lời chào tạm biệt với những ngân quỹ xây dựng đền thờ phiền phức và những sự khác biệt về hệ phái để “thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật!”

 

 

Chúa Cha, tặng phẩm tình yêu,

Khiến lòng tràn ngập bao điều hân hoan

Trước ngôi cung kính hoàn toàn

Và được chiêm ngưỡng thiên nhan của Ngài.

F. W. Faber

 

Không có biển. “…biển cũng không còn nữa” (21:1)

Một thiên đàng không có biển! Điều này dường như không thể. Điều này tương tự như một thế giới không có ban đêm. Biển cả đóng vai trò to lớn trong đời sống của chúng ta trên đất đến nỗi chúng ta hầu như không thể tưởng tượng được sự thiếu vắng của nó. Nhưng sẽ có những ích lợi. Bão tố và đắm tàu sẽ là một thứ thuộc về dĩ vãng. Đối với những người tha hương, biển cả mang ý nghĩa chia cách gia đình và những người thân yêu, và chia lìa những tình bạn thân thiết. Khi viết về khải tượng thiên đàng, chính Giăng đang trải nghiệm sự cô độc trên đảo Bát-mô.

Sự trào dâng không ngừng nghỉ của biển cả tượng trưng cho những đổi thay vô định và không mong đợi của cuộc đời. Vì thế, một thiên đàng không có biển sẽ chuyển tải cho độc giả của Giăng ý tưởng rằng sẽ không còn sự lưu đày hay xa cách, không còn những tình bạn bị chia lìa, không còn sự cô độc, thay vào đó là sự đoàn tụ với những người thân yêu.

Thay thế cho biển là một con sông tuyệt đẹp chảy từ ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con xuống đường lớn của thành Đức Chúa Trời. Trên hai bờ sông mọc lên cây sự sống, mỗi tháng cây đều ra trái (22:2). Thay vì những tai họa của biển, thiên đàng có một dòng sông mang lại sự sống và sản sinh cây trái. Độc giả sẽ không gặp vấn đề gì trong việc giải nghĩa biểu tượng này.

 

Không có sự chết. “sẽ không có sự chết” (21:4).

Những từ này thật đem đến sự an ủi và yên tâm cho tấm lòng bất an. Chúa tể của những nỗi kinh hoàng, kẻ thù cuối cùng, sẽ không bao giờ có thể chọc thủng những cánh cổng ngọc ngà và quấy rối niềm vui sướng nơi thiên đàng! Không còn những giờ thức canh bên giường người hấp hối hay những đám tang nữa. Xe tang đã xong chặng đường cuối cùng của nó rồi.

 

Không còn những tiếng than thở hay khóc lóc. “không có than khóc, kêu ca” (21:4).

Sự kêu ca hay khóc lóc do nỗi tiếc thương của sự mất mát cùng với những tác hại của tội lỗi sẽ không còn nữa. Sớm hay muộn thì những đau thương của sự mất mất cũng sẽ xảy đến với tất cả chúng ta trên đất. Trong hôn nhân, một trong hai người thường trải qua kinh nghiệm này, đi kèm theo nó là giai đoạn đau khổ và mất mát. Hầu hết chúng ta đều phải đối diện với sự qua đời của cha mẹ. Cơ Đốc nhân cảm nhận những điều này cũng sâu sắc như những người khác. Niềm tin quyết về tương lai không không khiến chúng ta mất đi cảm xúc bình thường của con người. Nhưng chúng ta có được lợi ích là được bù đắp bằng sự an ủi của Đức Chúa Trời và niềm hy vọng chắc chắn về sự phục sinh.

 

Không đau đớn. “không có… đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.” (21:4).

Không còn những tai nạn giao thông thảm khốc với những hậu quả đau đớn nữa. Không còn bệnh viêm khớp nữa. Khi tuổi tác càng cao, người ta càng phải đối diện với sự hao mòn và lão hóa của cơ thể. Sự đau đớn và yếu mệt thường đi kèm với quá trình đó. Thật vậy, ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, chúng ta cũng có có thể phải nếm trải đau đớn ở nhiều mức độ khác nhau. Tất cả điều này sẽ không có ở thiên đàng.

 

Không có đói khát. “Chúng sẽ không đói, không khát nữa” (7:16).

Hai kinh nghiệm khổ sở nhất mà con người chịu đựng sẽ bị trục xuất đi. Hãy nghĩ xem điều này sẽ có ý nghĩa thế nào đối với hàng triệu người đang chết đói ở Châu Phi và Ấn Độ, là những người đã quên mất cảm giác bao tử no đầy là thế nào! Không ai ở thiên đàng gặp lại cảm giác cồn cào vì đói hay khổ sở vì khát nữa.

 

Không có nước mắt. “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng” (21:4).

Charles H. Spurgeon nói rằng “Tôi không biết được Chúa sẽ sử dụng chiếc khăn mùi soa nào nhưng tôi biết Ngài sẽ lau khô tất cả những giọt nước mắt trên mặt của mọi công dân thiên quốc.” Tất cả những giọt nước mắt—đến từ tội lỗi và thất bại của chính chúng ta, hay từ những nỗi đau, sự mất mát hay do ai đó gây ra. Vì sẽ không còn có sự khóc lóc, nên cũng sẽ không có nước mắt, hay cơ hội cho chúng nữa. Trên đất, nước mắt sẽ vẫn còn rơi, nhưng trong thiên đàng, Đấng Yên ủi sẽ ban sự yên ủi mãi mãi.

 

Không có ban đêm. “Đêm không còn có nữa” (22:4).

Sau một ngày dài và mệt nhọc, thật dễ chịu làm sao khi bóng đêm về—một trong những phước hạnh được ưa thích nhất mà Đức Chúa Trời ban cho. Thân thể mỏi mệt của chúng ta cần sự nghỉ ngơi vào ban đêm để phục hồi sức lực cho những yêu cầu của ngày mới. Chắc chắn rằng việc không có ban đêm là một đại họa, không phải là phước hạnh. Vậy tại sao một phương tiện để nghỉ ngơi và phục hồi như thế lại biến mất khỏi thiên đàng?

Có một lý do chính đáng. Thân thể đã được biến đổi của chúng ta sẽ không còn cần đến quá trình phục hồi bởi giấc ngủ. Thật vậy, có vô số những hoạt động ở thiên đàng, nhưng sẽ không có mệt mỏi hay kiệt sức, vì thân thể chúng ta sẽ nên giống như Ngài. “Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài…” (Phi-líp 3:20-21).

Ban đêm có nhiều mặt lợi ích, nhưng Kinh Thánh cũng cho thấy những điểm tiêu cực của nó, vì bóng đêm tượng trưng cho tội lỗi. “Vả, sự đoán xét đó là như vầy: Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa.” (Giăng 3:19).

Đêm tối thường đi kèm với sự tối tăm và tội ác. Những nỗi sầu khổ dường như nặng nề hơn lúc ban đêm, và nỗi đau càng thấm thía hơn. Nhưng thiên đàng mở ra một trật tự mới. Thay vì bóng đêm của sự lo lắng và sợ hãi, thì chỉ có ánh sáng chiếu rọi từ gương mặt của Đức Chúa Jêsus Christ (II Cô-rinh-tô 4:6).

 

Bóng đêm chẳng ở thiên đàng

Nhường cho phong cảnh vinh quang rạng ngời

Hoa không còn nhuốm lệ rơi

Tỏa hương thơm ngát đời đời không phai

 

Thiên đàng chẳng có đêm dài

Mặt trời không lặn, trăng nay không còn

Ánh dương chiếu bởi Chiên Con

Cỏ xanh, nước mát hoàn toàn dịu êm

 

Thiên đàng chẳng có bóng đêm

Tin điều người sống thanh liêm tỏ bày

Niềm tin đuổi bóng ma ngay

Bóng đêm trần thế giờ nay không còn.

 

Không có Mặt Trời hay Mặt Trăng. “Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng; vì vinh hiển của Đức Chúa Trời chói lói cho, và Chiên Con là ngọn đèn của thành” (21:23).

Thiên đàng chìm ngập trong sự rực rỡ đời đời phát ra từ Ngài, Đấng đã tự giới thiệu là Sự sáng của Thế gian. Sẽ không còn cần đến những ngọn đèn bởi tay con người làm ra. Đối với toàn cõi đời đời Ngài là Đấng mang ánh sáng, từ mặt Ngài phát ra ánh sáng vinh quang của Đức Chúa Trời. Chức năng hữu ích của mặt trời và mặt trăng được thay thế bởi sự soi sáng không ngừng nghỉ của Mặt Trời Công Nghĩa.

 

Mặt trăng cùng với mặt trời

Chẳng cần thiết nữa tại nơi thiên đàng

Nơi Giê-xu chiếu vinh quang

Đẹp, trong, vĩnh cửu, ngập tràn ánh dương

 

Chiên con, vầng sáng thiên đường

Chiếu soi qua kẻ yêu thương của Ngài

Cùng Giê-xu chiếu mãi hoài

Thiêng liêng, rực rỡ như Ngài sáng soi.

Charles Wesley

 

Cửa không đóng. “Những cửa thành ban ngày không đóng vì ở đó không có ban đêm” (21:25).

Vì tất cả những sự gian ác và ô uế đều bị loại trừ khỏi thiên thành nên những biện pháp an ninh không còn cần thiết nữa. Lối vào được mở toang nhưng tuyệt đối an ninh. Vậy, ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai: “Các cửa ngươi sẽ mở luôn, ngày đêm đều không đóng” (60:11).

 

Có sự phát triển và tiến bộ trong thiên đàng không?

“Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: Đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.”

I Cô-rinh-tô 13:12

Quan điểm về chủ đề này bị phân rẽ một cách sâu sắc, và vì vậy một người chỉ có thể phát biểu một cách e dè hoặc đại diện cho quan điểm cá nhân của mình mà thôi. Một lý do cho sự phân rẽ về quan điểm này là vì không có lời khẳng định dứt khoát nào trong Kinh Thánh rằng sẽ có sự tiến bộ và phát triển trong thiên đàng. Nhưng từ những gì được nói đến, có thể rút ra vài kết luận hợp lý.

Một người tán thành nói: “Đó sẽ là một cuộc sống tăng trưởng không giới hạn.” Người khác nói: “Chúng ta sẽ không tăng trưởng trong thiên đàng.” Có một điều phước hạnh chắc chắn, đó là chúng ta sẽ không phát triển trong tội lỗi, vì chúng ta sẽ giống như Đấng Vô Tội (I Giăng 3:2).

Câu hỏi có thể được đặt ra là: Nếu thiên đàng là một tình trạng hoàn hảo, phải chăng điều này có nghĩa là trong một kinh nghiệm đặc biệt, chúng ta đạt đến một trạng thái tĩnh tại, mà tại đó không thể có sự phát triển hay tiến bộ hơn nữa?

Khi Phao-lô nói rằng sự thông biết, lời tiên tri, và việc nói tiếng lạ sẽ qua đi, thì đức tin, hy vọng và tình yêu thương vẫn còn tiếp tục, lẽ nào điều đó lại không ám chỉ rằng sự tiến bộ và phát triển là vẫn có thể có ở thiên đàng? Phải chăng sự hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời sẽ đạt đến mức thấu hiểu toàn bộ sự khôn ngoan của Ngài? (I Cô-rinh-tô 13:8,13).

Hy vọng là gì nếu không phải là sự trông chờ những trải nghiệm tích cực và vui vẻ trong tương lai? Nếu thiên đàng có nghĩa là chúng ta đạt đến một trạng thái tĩnh của sự hoàn hảo, thì lẽ nào nó lại không tước đi niềm “hy vọng” trong bất kỳ ý nghĩa thực tiễn nào? Trong mối liên hệ này, W. Graham Scroggie viết những lời thật hữu ích như sau:

 

Hy vọng của Cơ Đốc nhân là một sự mong đợi thánh khiết, và sẽ không bao giờ có thời điểm mà niềm hy vọng đó chết đi, vì điều đó có thể tiếp tục ở thiêng đàng. Nhưng trong tiến trình chúng ta ở đó, khung cảnh mới mẻ diệu kỳ chưa từng có sẽ mở ra, vinh quang mới về sự thừa kế của chúng ta sẽ mãi mãi được bày tỏ, tầm cao mới về tri thức chưa từng có sẽ được mở ra.[26]

 

Kinh Thánh khích lệ chúng ta tin rằng trong thiên đàng, mọi hy vọng và mong đợi thánh khiết sẽ được đáp ứng, và hy vọng vẫn còn mãi. Hy vọng điều gì? Chẳng phải Cứu Chúa hoàn hảo của chúng ta đã “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” sao? (Lu-ca 2:52).

Cuộc sống nơi thiên đàng là hoàn hảo, nhưng đó là sự hoàn hảo tương đối cũng như con cái trong mối liên hệ với cha mẹ: hoàn hảo, tuy nhiên chưa hoàn hảo đầy trọn—vẫn còn có thể tăng trưởng và phát triển thêm lên. Từ hoàn hảo trong tiếng Hy Lạp được dịch là trưởng thành trong nhiều bản dịch gần đây, và điều này gợi ý về khả năng của sự tăng trưởng.

Trong một bài viết có tựa đề “Sự đoàn tụ trong Thiên đàng”, Ngài W. Robertson Nicoll viết: “Đời sống vĩnh cửu của người được cứu chuộc sẽ không bao giờ đạt đến điểm mà nơi đó không còn sự phát triển nào nữa.” Phải chăng lời khẳng định chúng ta sẽ biết như Chúa biết chúng ta ám chỉ rằng khả năng hiểu biết của chúng ta sẽ được mở rộng? Làm thế nào một người suy nghĩ mà lại không tăng trưởng trong sự hiểu biết?

Một thiên đàng mà không có sự biến chuyển có phải là một viễn cảnh hấp dẫn không? Trong cuốn Thần học Cơ Đốc giáo của mình, Millar Erickson đưa ra một quan điểm khác. Ông cho rằng: “Tình trạng ổn định trên thiên đàng không phải là một tình trạng cố định mà không có mục tiêu, mà là một trạng thái hoàn chỉnh mà tại đó không còn có sự tiến triển thêm nữa. Việc đạt đến mục tiêu sẽ mang đến lại sự hài lòng trọn vẹn. Do đó, do đó chúng ta sẽ không tăng trưởng trên thiên đàng. Tuy nhiên chúng ta sẽ vận dụng tính cách trọn vẹn mà chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời.”[27]

Nhưng chắc chắc sự tiến triển trong tình yêu và sự vui mừng thì không mâu thuẫn với sự hoàn hảo, nếu thừa nhận rằng sự hoàn hảo của chúng ta chỉ là một sự hoàn hảo tương đối. Trong khi điều này không thể được chứng minh một cách dứt khoát, nó lại là một sự suy luận hợp lý. Lẽ nào lại không có những mức độ tăng trưởng bên trong sự hoàn hảo sao?

Abraham Kuyper, nhà thần học nổi tiếng người Hà Lan, bày tỏ sự tin chắc của mình rằng sẽ có chỗ cho sự phát triển ở thiên đàng:

 

Sự thánh hóa hoàn toàn nhân cách, thân thể, và linh hồn của tôi, không ám chỉ rằng địa vị thánh của tôi lúc đó đang ở trong sự tiếp xúc với tất cả sự trọn vẹn của những nguồn lực thiêng liêng. Trái lại, khi tôi lên chốn cao hơn từ vinh hiển đến vinh hiển, tôi sẽ tìm thấy trong những nơi sâu thẳm vô tận của Đấng Thiêng Liêng đối tượng đời đời của niềm vui tuyệt đỉnh không bao giờ ngừng gia tăng.

 

Vì tình yêu của Đức Chúa Trời là vô tận và do đó vượt trổi hơn sự hiểu biết của con người, có phải nếu chúng ta am tường hết sự hiểu biết đó, chúng ta sẽ là Đức Chúa Trời? Vì chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể hiểu hết về Đức Chúa Trời. Trong thiên đàng, chúng ta sẽ trọn vẹn trong tầm khả năng của chúng ta. Alexander Maclaren làm sáng tỏ khái niệm này từ các thiên thể. Trên các tầng trời, một số hành tinh quay gần mặt trời, một số khác ở xa hơn, tuy nhiên, mỗi hành tinh đều giữ chu kỳ của mình. Tất cả những người được cứu đều có một sự trọn vẹn giống như Đấng Christ khi họ nhìn thấy Ngài, nhưng tất cả sẽ nên giống Ngài càng hơn trong suốt cõi đời đời.

Chúng ta thấy rằng trong ngôi nhà của Cha có nhiều “điểm dừng để nghỉ ngơi” dọc theo xa lộ, nơi mà những lữ khách có thể dừng chân trên cuộc hành trình. Vậy, hai khái niệm về nghỉ ngơi và tiến triển được kết hợp trong bức tranh này. Trong khi chúng ta sẽ không tăng trưởng hướng đến sự hoàn hảo, chúng ta sẽ tăng trưởng trong sự hoàn hảo.[28]

 

Vai trò của các thiên sứ ở thiên đàng là gì?

“Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con. Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió, và tôi tớ Ngài như ngọn lửa.”

Hê-bơ-rơ 1:6-7

 

Một thiên sứ được định nghĩa như một người phục vụ hay một sứ giả của Đức Chúa Trời. Sự hiện diện và phục vụ của các thiên sứ trên đất và trong thiên đàng được đề cập chưa bao giờ ít hơn ba lần trong Kinh Thánh, là nguồn thông tin xác thực duy nhất về họ. Nhưng bất chấp sự đề cập thường xuyên này, họ chỉ nhận được sự quan tâm rất nhỏ trong thế giới hiện đại, cả thế tục lẫn trong tôn giáo. Điều này khiến cho họ được nhắc đến như những nhân vật bị bỏ qua nhiều nhất trong Kinh Thánh.

Ba quan điểm về thiên sứ phổ biến giữa vòng những người xem Kinh Thánh không có thẩm quyền tối hậu. (1) Sự tồn tại của thiên sứ được thừa nhận như một tín lý, nhưng xa hơn nữa thì vai trò của họ lại ít được quan tâm. (2) Những bản ký thuật về hoạt động của thiên sứ mang hình thái tu từ, chuyển tải ý tưởng về những sứ điệp từ trời hay sự ảnh hưởng thiêng liêng. (3) Chủ đề này được bàn theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa như thể không có cơ sở thực tế—chỉ là sự tưởng tượng.

Tán thành việc loại trừ những sự huyền bí của Kinh Thánh mặc dù có lưu ý đến vai trò nổi bật được gán cho các thiên sứ trong Tân ước, Rudolf Bultmann khẳng định:

 

Ngày nay chúng ta không còn tin vào những hữu thể thuộc linh như thế nữa. Giờ đây bởi có tri thức rộng hơn về thiên nhiên, chúng ta hiểu rằng bệnh tật không phải đến từ ma quỷ, nhưng do vi khuẩn và vi rút… Chúng ta không thể nào sử dụng những bóng đèn điện, các thiết bị không dây và hưởng lợi ích từ những phát minh y học và phẫu thuật học nhưng đồng thời lại tin vào thế giới Tân ước với những thần linh và phép lạ.[29]

 

Một quan điểm duy lý tương tự về thiên sứ mà cả Chúa Jêsus và Phao-lô đã đối diện ấy là: “Vì chưng người Sa-đu-sê quyết rằng không có sự sống lại, cũng không có thiên sứ, thần chi hết” (Công vụ 23:8). Người Pha-ri-si không thuộc đảng phái chống đối này. Vậy mà trong thời đại của chúng ta, phần lới các hội thánh dường như đã bỏ qua chủ đề này trong suy nghĩ và trong sự giảng dạy. Điều đó không phải luôn là như vậy trong Hội thánh.

Trong tác phẩm Thiên đường bị đánh mất, John Milton, một nhà thơ mù lòa, đã mượn nhân vật A-đam để nói những lời sau đây:

Tưởng rằng chẳng có mấy ai

Ngợi khen, chiêm ngưỡng chính Ngài hỷ hân

Triệu linh dạo bước dương trần

Dầu ta chẳng thấy họ gần bên ta

Họ dâng Cha tiếng ngợi ca

Ngày đêm chẳng dứt rao ra việc Ngài.

 

Thiên sứ thì như thế nào?

Quan niệm phổ biến về dung mạo của họ được mô tả trong từ điển Oxford là: “Thường xuyên xuất hiện trong hình dạng con người với đôi cánh, và áo choàng dài màu trắng.”

Dựa vào Kinh Thánh chúng ta học biết rằng họ là những hữu thể thuộc linh, phi vật chất, mặc dầu có lần họ mang lấy hình dạng con người. Họ là những người hầu cận Đức Chúa Trời, trung kiên phục vụ Ngài. Sê-ra-phim và Chê-ru-bim được miêu tả là có cánh (Ê-sai 6:2), nhưng điều này không khẳng định rằng tất cả các thiên sứ đều có cánh, mặc dầu họ có thể có.

Trong bộ dạng giống như con người, họ dễ bị hiểu lầm là con người. Có những lúc sự vinh quang và chói sáng của họ khiến cho những ai nhìn thấy phải sợ hãi. Kể về một thiên sứ, Ma-thi-ơ viết: “Hình dung của thiên sứ giống như chớp nhoáng, và áo trắng như tuyết. Vì đó, những lính canh sợ hãi run rẩy, trở nên như người chết” (Ma-thi-ơ 28:3-4).

Các thiên sứ có vẻ như nhiều vô số. Họ tràn ngập trên thiên đàng. Chúa Jêsus nói về số lượng của họ lúc Ngài bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?” (Ma-thi-ơ 26:53).

Khi người ta nghĩ đến một đạo quân La Mã có thể bao gồm bất cứ thứ gì từ ba ngàn đến sáu ngàn quân, thì số lượng thiên sứ thật khó mà tưởng tượng được. Khải huyền 5:11 mô tả thiên sứ vây quanh ngôi của Đức Chúa Trời: “Đoạn, tôi nhìn xem, nghe bốn bên ngôi và các sinh vật cùng các trưởng lão, có tiếng của vô số thiên sứ; thiên sứ hàng muôn hàng ngàn.”

Mặc dầu các thiên sứ đầy vinh hiển và thánh khiết trong phẩm cách, tuy nhiên họ cũng vẫn là những loài thọ tạo được bước vào sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời (Thi thiên 103:20). Họ vô cùng thông minh, nhưng mối liên hệ thiêng liêng được thiết lập giữa chúng ta với họ lại là một sự ngạc nhiên. Đối với các tín hữu Cô-rinh-tô, Phao-lô hỏi một câu mang tính mặc khải: “Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao?” (I Cô-rinh-tô 6:3). Chúa Jêsus cũng bày tỏ rằng họ “không cưới vợ, cũng không lấy chồng” (Ma-thi-ơ 22:30).

 

Họ có những hoạt động gì?

Trong nhiều trường hợp cấp bách, họ phục vụ Chúa—khi Ngài giáng sinh, sau khi bị cám dỗ nơi hoang mạc, tại vườn Ghết-sê-ma-nê, tại phần mộ của Giô-sép, và lúc Thăng thiên.
Họ có sự giúp đỡ đặc biệt đối với các tín hữu trên đất. “Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?” (Hê-bơ-rơ 1:14). Phần Kinh Thánh này cho thấy rằng trong thiên đàng chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết được các thiên sứ làm việc tích cực thể nào vì cớ chúng ta.
Họ có trách nhiệm chăm sóc đặc biệt đối với trẻ em. “Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì ta bảo các ngươi, các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời” (Ma-thi-ơ 18:10)
Họ nhận biết và vui mừng vì sự cứu chuộc dành cho những người bị hư mất. “Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn” (Lu-ca 15:10).
Trong ngày Hoan hỉ, các thiên sứ sẽ là những con gặt. “… Cỏ lùng, là con cái quỉ dữ; kẻ nghịch thù gieo cỏ ấy, là ma quỉ; mùa gặt, là ngày tận thế; con gặt, là các thiên sứ.” (Ma-thi-ơ 13:38,39).

 

Tóm lại:

·         Các thiên sứ thờ phượng và phục vụ Đức Chúa Trời.

·         Họ chăm sóc cho trẻ em và các tín hữu.

·         Họ rao truyền sứ điệp của Chúa cho loài người.

·         Họ thi hành sự đoán phạt đối với kẻ thù của Đức Chúa Trời.

·         Họ sẽ được tham gia vào sự Tái lâm của Chúa.

 

 

—————————————————


[21] Charles F. Ball, Heaven, 25.

[22] Paige Patterson, Heaven (Wheaton, Ill.: Tyndale House, 1991),124.

[23] A. B. Fowler, “Heaven” in Zondervan Pictorial Bible Dictionary, 784.

[24] Alexander Maclaren, Gosple of Sa-tan. John (New York: George H. Doran, n. d.), 264.

       Glen Cupitt, article in The Reaper (Auckland, New Zealand, May 1973), 14.

[25] F. W. Boreham, A Casket of Cameos (London: Epworth, 1924), 277.

[26] Rudolf Bulman, Kerygma and Myth (New York: Harper and Row, 1961), 5.

[27] Rene Pache, The Future Life (Chicago: Moody Press, 1962), 68.

[28] W. Graham Scroggie, What about Heaven?, 144.

[29] Millard J. Erickson, Christian Theology, 1233.

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Lần I/ 2016 Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bài tiếp theoNgày 6/1/2016: Đấng Christ Là Sự Sống của Tôi (1)