Thập Tự Tình Yêu

2843

Thập tự giá là một dụng cụ để hình phạt kẻ tử tội một cách đau đớn, sỉ nhục. Tử hình bằng cách đóng đinh vào cây thập ngày xưa được người Phê-ni-xi và Cạt-ta sử dụng trước tiên, rồi sau được người La Mã áp dụng rộng rãi trên các dân tộc mà họ cai trị từ thế kỷ thứ nhất. Đóng đinh trên cây thập tự đối với người La Mã là một sự sỉ nhục dành cho kẻ xấu xa, thấp hèn, kẻ nô lệ và dân thuộc địa; còn đối với người Do Thái, đó là sự rủa sả (Phục 21:23). Nhưng từ khi Chúa Cứu Thế Giê-xu hiến thân trên cây thập tự thì nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu cao cả và được con người quý chuộng, được các phụ nữ dùng làm món đồ trang sức yêu thích đeo nơi cổ; nó cũng được dùng làm biểu tượng của tình thương, sự cứu giúp ở các bệnh viện, xe cứu thương, Hội Chữ thập đỏ. Nếu hình ảnh bông hồng hay trái tim là biểu tượng của tình yêu của con người đối với nhau thì thập tự giá là biểu tượng của tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Kinh Thánh chép “Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi.” (Rô-ma 5:8 BTTHĐ).

 

 

Mùa Thương khó-Phục sinh đã trở về là cơ hội để nhắc nhở nhân loại nhớ đến tình yêu cao sâu mầu nhiệm của Thiên Chúa đối với con người qua thập tự tình yêu.

 

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

 

Trừ một số ít người vô thần, không tin có Ông Trời, còn phần lớn người Việt Nam nói chung tin có Ông Trời, có Thượng Đế là Vua tối cao, Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật và con người, tuy không biết rõ Ngài như thế nào. Họ vẫn tin Trời sinh Trời dưỡng, sống nhờ Trời, chết chầu Trời. Tuy nhiên, có người hiểu lầm rằng Thiên Chúa như vị thần hung dữ, thường trừng phạt con người. Cũng có người nghĩ Ngài là Đấng sáng tạo nên con người nhưng lạnh lùng, xa cách không yêu thương, quan tâm đến con người, phó mặc con người sống trong đau khổ, như Lão Tử đã than rằng “Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm” (Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi xô cẩu). Thật ra không phải như vậy, Ngài vẫn là Đấng yêu thương, chăm sóc muôn loài.

 

Cội nguồn của mọi tình yêu

Ngày nay ngươi ta lấy ngày 14 tháng 2 hằng năm làm “Ngày tình yêu” (Valentine), nhưng có lẽ người ta không hề biết tình yêu do đâu mà có nếu không trở về với Kinh Thánh là Lời hằng sống của Thiên Chúa. Kinh Thánh chép “Ai không yêu thương là không biết Thượng Đế, vì Thượng Đế chính là tình yêu” (1 Giăng 4:8). Thật vậy, Ngài là cội nguồn của mọi tình yêu vì bản chất của Ngài là yêu thương. Vì yêu thương mà Ngài dựng nên con người mang bản chất yêu thương của Ngài, ban cho con người có một trái tim kỳ diệu, biết yêu thương. Nào là tình yêu gia đình, tình phụ tử, mẫu tử, tình anh em cốt nhục; nào là tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu; nào là tình yêu quê hương đất nước v.v… Tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa yêu thương.

 

Sự bày tỏ tình yêu

Nhưng từ con người phạm tội, chối bỏ Thiên Chúa tình yêu thì con người không còn cảm nhận tình yêu của Ngài, có thái độ vô ơn với Ngài. Thật ra Thiên Chúa vẫn luôn “bày tỏ” tình yêu của Ngài đối với chúng ta là tạo vật kỳ diệu của Ngài. Vì tình yêu, Chúa đã dựng nên vũ trụ, thiên nhiên tươi đẹp và mọi vật trong đó để chúng ta vui hưởng nhưng ít người biết ơn Ngài. Ngài ban cho chúng ta ánh sáng mặt trời để sống, không khí để thở, gió mát, trăng thanh, thiên nhiên tươi đẹp, và biết bao nhiều điều khác để chúng ta tận hưởng. Người nông dân Việt Nam dễ cảm nhận được ơn Trời đối mình mỗi ngày và họ biết ơn Ngài: “Ơn Trời mưa nắng phải thì, nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu…” Còn bạn và tôi thì sao? Chúng ta có cảm nhận tình yêu và biết ơn Ngài không?

 

THẬP TỰ GIÁ – ĐỈNH CAO CỦA TÌNH YÊU

 

Tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ một cách mạnh mẽ và quyết liệt nhất qua sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên cây thập tự. Có thể nói Thập tự giá là đỉnh cao của tỉnh yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu nơi chuồng chiên máng cỏ cũng bày tỏ tình yêu Ngài đối với nhân loại nhưng đó chỉ là bước khởi đầu, còn thập tự giá mới là đỉnh cao và cùng đích của tình yêu. Kinh Thánh chép “Này sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.” (1 Giăng 4:10)

 

Tình yêu hy sinh, cứu chuộc

Thập tự giá là cao điểm của tình yêu Thiên Chúa đối với con người nhưng dường như con người không thấu hiểu tình yêu đó nếu không được Ngài soi sáng. Tình yêu trên thập tự giá trước hết là tình yêu hy sinh cứu chuộc. Từ khi nhân loại phạm tội, xa cách Ngài và bị hư mất nơi hỏa ngục, Thiên Chúa đã hoạch định một kế hoạch cứu rỗi nhân loại qua Chúa Giê-xu. Ngài là Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, mang lấy hình hài nhân loại để cuối cùng chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Ngài giáng sinh không phải để sống mà là để chết như một sinh tế chuộc tội cho nhân loại. Ngày xưa, khi một người phạm tội thì theo luật pháp Môi-se, người ấy phải đem một con chiên đến thầy tế lễ, đặt tay trên đầu nó và giết con chiên đó thay thế cho mình để làm tế lễ chuộc tội. Con chiên đó là hình bóng về Chúa Cứu Thế sẽ đến, Ngài là “Chiên Con của Đức Chúa Trời.” chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội lỗi của cả nhân loại. Không ai có thể làm được việc này vì “mọi người đều đã phạm tội”, ngoại trừ một Đấng vô tội là Chúa Giê-xu mới có thể chết thay cho kẻ có tội để cứu chuộc cả nhân loại ra khỏi xiềng xích của tội lỗi. Vì thế, thập tự giá bày tỏ tình yêu hy sinh, cứu chuộc cho cả nhân loại.

 

Tình yêu tha thứ, giải hòa

Tình yêu trên cây thập tự cũng là tình yêu tha thứ, giải hòa. Tội lỗi làm cho con người bị phân cách với Thiên Chúa và trở nên thù nghịch với Ngài và bị kết tội chết. Vì thế, Chúa Giê-xu đã chịu chết chuộc tội để nhân loại được sự tha thứ tội lỗi. Trên thập tự giá, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34). Khi Chúa bị đóng đinh trên đồi Sọ, cũng có hai tên cướp ở hai bên, cùng bị đóng đinh với Ngài. Một tên cướp cảm biết tội lỗi của mình và đã ăn năn, cầu xin Chúa cứu mình và đã được Ngài nhậm lời, còn tên kia thì không. Hai tên cướp đó tượng trưng cho hai hạng người trong nhân loại: cả hai đều là tội nhân đáng chết, nhưng một người đã biết ăn năn và xin Chúa tha thứ, còn một người không chịu ăn năn.

 

Chúa Giê-xu chịu chết trên cây thập tự cũng đem đến sự giải hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người và giữa con người với nhau. Chiều đứng tượng trưng cho mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người, và chiều ngang tượng trưng cho mối quan hệ giữa con người với nhau. Từ khi phạm tội, con người trở nên kẻ thù với Thiên Chúa và thù nghịch với nhau. Vì thế, Chúa Giê-xu chịu chết trên cây thập tự, bắt nhịp cầu giải hòa giữa người và Trời và giữa con người với nhau. Bí quyết để con người được tha thứ và giải hòa với Thiên Chúa là ăn năn tội và đặt đức tin nơi công lao cứu chuộc của Chúa Cứu Thế. Kinh Thánh chép “Còn nếu ai xưng tội mình thì Ngài là là thành tín, công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.”(I Giăng 1:9)

 

Có người thắc mắc tại sao Chúa phải chịu chết một cách đau đớn như vậy? Nếu Ngài là Đấng toàn năng thì chỉ cần phán một lời thì tội được tha, linh hồn được cứu, hà tất phải chết một cách đau thương như thế? Xin thưa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương nhưng cũng là Đấng thánh khiết, công chính, Ngài không thể cầm bằng kẻ có tội là vô tội, vì thế tội lỗi của nhân loại phải bị trừng phạt. Nhưng thay vì nhân loại bị hình phạt thì Chúa Giê-xu thương yêu nhân loại và tình nguyện chết thế cho nhân loại. Có thể nói, tại thập tự giá tình yêu và sự thánh khiết của Chúa được bày tỏ sự hy sinh của Chúa Giê-xu. Hơn nữa, tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết, vì thế Chúa chịu chết thay cho nhân loại để tiêu diệt sự đau khổ, sự chết bằng chính cái chết của Ngài. Ngài chịu chết để rồi sống lại, chiến thắng sự chết và ban niềm hy vọng sống cho nhân loại. Đó là lý do trên thập giá Ngài đã phán “Mọi sự đã hoàn tất.” Sự chết của Chúa Giê-xu không phải là sự thất bại mà trái lại, đó là sự đắc thắng hoàn toàn. Chúa đã chịu chết vì tội chúng ta và cũng đã sống lại để ban niềm hy vọng cho chúng ta. Cuối cùng sự hy sinh của Chúa trên cây thập tự cũng bày tỏ tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa. Tình yêu cứu rỗi, ban cho vô điều kiện đó gọi là tình yêu ân sủng, ban cho người không xứng đáng nhận mà được nhận. Ôi tình yêu của Thiên Chúa cao sâu, mầu nhiệm biết bao!

 

TIẾP NHẬN TÌNH YÊU

 

Kinh Thánh cho biết rằng không phải chúng ta yêu Đức Chúa Trời nhưng Ngài yêu chúng ta là kẻ có tội, lìa bỏ Ngài. Nhân loại giống như đứa con hoang đàng, bất hiếu, lìa bỏ nhà cha nhưng người cha vẫn yêu thương, trông mong, tìm kiếm nó trở về. Sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên cây thập tự bày tỏ tình yêu tuyệt đối, vô điều kiện của Đức Chúa Trời đối nhân loại. Ngài đang dang tay chờ đón những đứa con lạc mất quay về. Hãy đến với Chúa dưới chân thập để tiếp nhận Chúa tình yêu vào lòng, để nhận được ơn tha thứ và cứu rỗi linh hồn. Con đường cứu rỗi trong Cơ Đốc giáo không phải là TU mà là TIN, bởi sự cứu rỗi không phải là nỗ lực của con người mà quà tặng tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho những ai đặt đức tin nơi Ngài, như Lời Chúa hứa “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.” A-men !

 

 

 Anh có thấy trên đồi hoang xơ xác

 Chúa treo thân trên cây gỗ khổ hình.

 Anh có thấy thân hình Ngài tan nát

 Tuôn huyết hồng bôi xóa tội nhân gian.

 

 Anh có thấy thập tự xưa kỳ diệu

 Con Trời yêu nhân thế phải hy sinh.

 Anh có thấy tình yêu Ngài cao diệu

 Tình yêu Trời dành cho bạn hôm nay!

 

 

 

 Trịnh Phan

( Mùa Thương khó – Phục sinh 2013)

 

 

Bài trướcBài 33: Y-Sác Cưới Vợ (tt)
Bài tiếp theoGiới thiệu Bản Tin Mục Vụ số 34