Tại sao chọn con đường vào thần học viện?

8518

Vào Thần học viện được gì và mất gì? Có phải con đường ấy dễ thăng tiến nhất, dễ giàu có nhất, dễ được tôn trọng nhất,…mà không cần phải cố gắng nhiều?

Không biết những suy nghĩ đó có đúng với ai hay không? Nhưng với T, thì con đường vào Thần học viện, và trở thành một người hầu việc Chúa là một hành trình từng bước lắm chông gai, nhưng cũng không ít thử thách. Từ khi…

T thật lòng tin Chúa một mình ở tuổi thanh niên. Được biết, Mục sư là người đứng đầu trong tổ chức Hội Thánh địa phương, được mọi người tôn trọng, công việc nhìn bề ngoài cũng không mấy vất vả, nhưng phụ cấp thì được gửi đúng ngày. Bản thân T rất tôn trọng và thán phục các Mục sư, Truyền đạo, vì T luôn nghĩ rằng tất cả những người ấy đều được sinh ra trong gia đình tin kính Chúa, đều được học Kinh Thánh từ nhỏ. Nhưng trên hết mọi sự, những vị ấy phải có một đời sống yêu mến Chúa liên tục từ nhỏ đến lớn. Những lúc không có ai, khi chỉ một mình cầu nguyện trong nhà thờ, T thường tự đứng lên bục hướng dẫn, nhìn xuống phía dưới và ước ao một ngày nào đó sẽ thành một Truyền đạo, Mục sư được mọi người tôn trọng. Có lần, T nói với một thanh niên:

– Bạn ơi! Tui muốn trở thành Mục sư có được không? Và câu trả lời là:

– Không được đâu T! Chỉ những ai là con Mục sư, Chấp sự thì mới làm Mục sư được. Không phải ai muốn làm Mục sư cũng được đâu.

Dù đúng hay sai thì khi đó, câu trả lời ấy vẫn khiến T rất hụt hẫng, cộng thêm việc T vừa tốt nghiệp đại học và đang có công việc ổn định. Nên anh nghĩ thầm:

– Thôi! Chuyện làm Mục sư để người khác lo, mình làm tín đồ cho khỏe!

Quả thật, chuyện muốn làm Mục sư không phải là bản thân mình muốn, hay được ai đó xúi giục là được.

    ………………………………

Dù công việc rất bận rộn, nhưng T vẫn cố gắng tham gia đủ bốn năm Thánh Kinh Căn Bản. Mỗi năm, T vẫn được các Mục sư kêu gọi để dâng mình hầu việc Chúa trong những ngày cuối khóa. T rất cảm động và hứa nguyện nhiều lần. Nhưng hứa vẫn chỉ là hứa, T phải đối diện với công việc mưu sinh, với những mối quan hệ bạn bè. Nhưng tất cả đã thay đổi trong cái đêm định mệnh ấy. Đêm 24/12/20…

T đang trên đường đi đến nhà thờ để tham gia ban hát trong đêm Giáng Sinh. Bỗng…

Ầm, bịch…mắt hoa đôm đốm, trời đất tối mù, T té xuống xe, đầu đập xuống đường. T nhập viện trong tình trạng hôn mê!

Trong lúc mê lúc tỉnh ấy, T sợ lắm, vì thấy mình đang rơi vào một hố sâu đen ngòm. T thấy mình không còn hy vọng gì nữa. Trong lòng T lúc ấy chỉ nghĩ đến một mình Chúa. T thầm nói với Chúa:

 – Chúa ơi! Xin cứu con, con sẽ hầu việc Ngài.

Thật kỳ diệu, vài ngày sau T đã tỉnh dậy trong niềm vui của gia đình. Đầu T đau lắm, nhưng suy nghĩ giữ lời hứa dâng mình hầu việc Ngài luôn trong tâm trí anh.

Hai tháng sau, T quyết tâm dâng mình hầu việc Chúa. Nhưng khó khăn trước mắt là Kinh Thánh, T chưa thuộc và hiểu nhiều, mà chỉ còn 10 tháng nữa là Viện Thánh Kinh Thần Học tuyển sinh khóa mới. T quyết định không thi tuyển năm ấy, nhưng phải đầu tư gần 3 năm đọc trọn Kinh Thánh.

   ……………………………………..

Trong gần 3 năm ấy, ngoài thời gian đi làm, T dành thời gian đọc Kinh Thánh theo phương pháp cá nhân, và có sổ ghi chép những điều mình học được, ôn lại những môn học trong bốn năm Thánh Kinh Căn Bản. Đồng thời, xin góp phần với một Hội Thánh nhỏ trong mọi công tác được giao. Từ việc quét nhà thờ, trang trí Giáng Sinh, dạy Kinh Thánh cho thiếu nhi, hướng dẫn các em thiếu niên, thăm viếng, chứng đạo cá nhân,…

Thời gian thấm thoát dần trôi, mới đó mà đã đến lúc Viện Thánh Kinh tuyển sinh khóa mới. T xin Mục sư Quản nhiệm bộ hồ sơ tuyển sinh. T vui mừng vì hội đủ những điều kiện cơ bản đối với thí sinh dự tuyển. Một trong những yêu cầu đó là: tốt nghiệp ít nhất hai năm Thánh Kinh Căn Bản, và đặc biệt là nhận biết được ơn kêu gọi của Chúa.

Đối với hơn 100 thí sinh thi năm ấy, T chỉ có vốn kiến thức là gần 3 năm đọc trọn Kinh Thánh hai lần, kiến thức đơn sơ từ bốn năm Thánh Kinh Căn Bản. Một số tín đồ biết T đăng ký thi thì nói thầm với nhau:

– T thi vậy thôi, chứ chắc gì đậu, cũng không có gia đình hậu thuẫn thì ra chức vụ sẽ làm sao? Khó lắm!

Ngày thi cũng đến, T được Hội Thánh giúp cho ít lộ phí để “lên kinh ứng thí”. Cầm đề thi trong tay, T chưa vội đọc mà nhắm mắt cầu nguyện khẩn thiết với Chúa.

– Nếu thật sự Chúa chọn con thì xin cho con có sự khôn ngoan để làm bài, vì con không nhớ gì hết. Chúa thật quyền năng và lạ lùng. T làm xong bài thi trước giờ quy định 30 phút. T ra về mà lòng thấy nhẹ nhõm, vì anh nghĩ:

– Dù đậu hay không thì mình cũng làm tròn lời hứa nguyện với Chúa.

Thật, khi Chúa muốn giao trọng trách cho ai thì Ngài lại ban cho thêm ơn. T nhận được kết quả trúng tuyển năm ấy.

Tuy nhiên, những ngày đầu vào Viện thật khó khăn. Vì tin Chúa một mình, lại không quen biết ai, nên trở ngại đầu tiên chính là phạn phí. T thường xuyên bị văn phòng gọi lên nhắc đóng tiền, nên lúc nào đến lớp T cũng hồi hộp chờ đợi loa gọi vào nhắc nhở:

– Nếu Thầy không hoàn thành phạn phí thì có thể chuẩn bị để về nhà.

Mỗi đêm, T quỳ gối khóc với Chúa, có lúc tự hỏi:

– Tại sao Chúa gọi con mà vẫn để con túng thiếu không có tiền đóng phạn phí? Những anh em khác được sinh trong gia đình tin Chúa thì được đóng đầy đủ và còn có dư?…Nhiều lần T đã chuẩn bị đồ đạc để ra về. Những lúc như thế!

Chúa thật nhỏ nhẹ, thật êm dịu nói với T:

– Ta muốn huấn luyện con thành đồ dùng quý giá trong nhà Ta.

Mỗi lần đến lớp, câu Kinh Thánh khẩu hiệu của Viện “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (II Ti-mô-thê 2:15), khiến T càng cố gắng chuyên tâm học Lời Chúa, nói với lòng và với Chúa:

– Còn một ngày ở lại đây thì con sẽ cố gắng học, khi nào Chúa cho về thì con sẽ….về!

Khó khăn thứ hai là Viện yêu cầu trước khi tốt nghiệp các sinh viên phải có bằng B Anh văn. T xin Chúa cho sự khôn ngoan để học môn ngoại ngữ này.

Chúa luôn tuyệt vời!

………………………………………….

T đã học hai năm, về thực tập một năm, lấy bằng B Anh văn và trở lại trường học hai năm cuối. Đến ngày tốt nghiệp, hầu hết các sinh viên đều có người thân đến chúc mừng. T cũng hơi buồn, nhưng cũng rất vui vì đã tốt nghiệp và không nợ môn. Vả lại, đến lúc ấy, Chúa đã cho T hoàn thành việc đóng phạn phí. T Trở về nhà chờ đợi để được bổ nhiệm.

Một buổi sáng thứ hai đẹp trời, chuông điện thoại reo. Giọng của một Mục sư trẻ vang lên:

– Em có đồng ý đến phụ tá cho anh không? Nếu đồng ý, sáng mai em qua gặp anh để nói chuyện.

Hai năm phụ tá tại một Hội Thánh nhỏ ở vùng ven. Phụ cấp hai triệu một tháng, dù ít nhưng vẫn đủ vì Truyền đạo T thấy thỏa lòng. Được hầu việc Chúa từ dạy thiếu nhi, hướng dẫn các ban ngành, chia sẻ Kinh Thánh, mở mục vụ cho thiếu nhi, thăm viếng, chứng đạo, …Quả thật, T làm được mọi sự vì Chúa ban thêm sức, và những kinh nghiệm đã làm trước đây.

Thầy T đã hoàn thành hai năm phụ tá, với niềm vui khi thấy mình góp phần giúp nhiều em thiếu nhi biết về Chúa, nhiều anh em tín hữu được khích lệ, Hội Thánh vui vẻ, phước hạnh.

Ngày ra đi, gia đình nhỏ của Thầy T chỉ mang theo năm, bảy thùng sách và chiếc xe máy cũ.

Nhiệm sở mới của Thầy T là một điểm nhóm nhỏ ở nông thôn. Khi ấy, nhà nguyện chưa có tư thất, nên gia đình Thầy phải ở nhà thuê. Nhưng, vô tình người chấp sự tìm cho Thầy T căn nhà trọ lại nhằm một “ổ tệ nạn”. Cả đêm hôm ấy, gia đình Thầy T không hề chợp mắt vì “khung cửa không khép bao giờ”. Gia chủ mở cửa cả đêm, xe máy của Thầy T thì để ngoài sân, dù đã cầu nguyện xin Chúa giữ gìn, nhưng sao Thầy T vẫn không thể chợp mắt. Sáng hôm sau, Thầy T quyết định chuyển nhà đến một gia đình tín đồ gần đó, và chi phí cho một đêm thức trắng là 500 nghìn.

Biết bao niềm vui và những phước hạnh tại nơi ấy, dù những ngày đầu Hội Thánh gặp rất nhiều khó khăn về tài chánh, nhưng mỗi ngày Chúa lại ban cho Hội Thánh càng dư dật, và đức tin của tín hữu cũng lớn lên theo thời gian.

Về gia đình, Thầy T và cô luôn hứa nguyện với Chúa dạy con cái mình bằng Lời Chúa và nếp sống làm gương của bản thân. Đây cũng là điều không phải dễ. Nhưng phải cậy ơn Chúa mà làm để làm gương cho cả bầy chiên, mà Chúa đã mua bằng chính huyết của Ngài.

Được Chúa huấn luyện mỗi ngày trong thử thách, khó khăn nhưng phước hạnh. Giờ đây, gia đình Thầy T chuẩn bị được bổ nhiệm đến một Hội Thánh có quy mô hơn. Trước mắt, Thầy T và gia đình phải đối diện với những thử thách trong công tác lãnh đạo, trong các mối quan hệ với số đông tín hữu, với chính quyền và người ở địa phương mới. Nhưng trên hết những khó khăn đó chính là “ơn từ trên cao”. Thầy T và cô đều nhận thức rõ:

– “Nếu phục vụ Chúa mà không có ơn của Ngài, thì giống như đang làm một công việc ở ngoài xã hội, chỉ để kiếm sống mỗi ngày”.

Câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Mỗi chúng ta sẽ có những cái nhìn khác nhau. Tuy nhiên, ai chọn con đường vào Thần học viện thì cần nhớ: chúng ta sẽ là đầy tớ trung tín hay đầy tớ dữ trước mặt Chúa trong ngày phán xét mới là điều quan trọng. Hãy để Chúa vẽ nên cuộc đời của chúng ta theo ý Ngài./.

Paul Tạ

Bài trướcKiên Giang: Lễ Cảm Tạ Và Công Bố Điểm Nhóm Tin Lành Đông Hòa
Bài tiếp theoLưu Danh Muôn Thuở – 26/1/2019