Suy niệm Phục sinh: Tình yêu và Phục vụ

3126

Có lẽ một trong những câu chuyện thú vị và ý nghĩa nhất về sự phục sinh của Chúa chúng ta mà chỉ có sách Phúc âm Giăng ghi lại thôi, đó là cuộc trò chuyện thân mật giữa Chúa và môn đệ thân tín Phi-e-rơ sau khi Ngài phục sinh. Thiết nghĩ đoạn Kinh Thánh này có ý nghĩa quan trọng, bởi vì nó chẳng những ghi lại cơ hội quí báu mà Chúa cho Phi-e-rơ để ông làm lại cuộc đời và phục hồi chức vụ cho ông, mà còn dạy cho tất cả chúng ta bài học quan trọng về tình yêu và sự phục vụ Chúa.

Tìn Lành Giăng đoạn 21 đặc biệt ghi lại lần hiện ra thứ ba của Chúa với các môn đồ gần biển Ti-bê-ri-át và bữa điểm tâm phục sinh thân mật, đầy thú vị giữa thầy trò (Giăng 21:1-14) và sau bữa ăn đó là cuộc trò chuyện riêng tư giữa Chúa và Phi-e-rơ (21:15-23). Tại sao Chúa hỏi Phi-e-rơ tới ba lần “ngươi yêu ta chăng”? và Ngài cũng phán với ông ba lần “hãy chăn những chiên con ta”? Phải chăng tình yêu và sự phục vụ là hai điều quan trọng có liên quan mật thiết với nhau, không thể tách rời: Tình yêu phải là nền tảng, động cơ của sự phục vụ và phục vụ phải được thực hiện với thái độ yêu thương.

TÌNH YÊU LÀ NỀN TẢNG CỦA SỰ PHỤC VỤ (c.15-17)

Nữ tu Teresa nổi tiếng thế giới về lòng yêu thương phục vụ người nghèo khổ ở Ấn Độ, đã nói một câu rất đáng nhớ: “Điều có gìá trị không phải là bạn đã làm được bao nhiêu công việc, mà là bao nhiêu tình yêu bạn đã đổ vào đó.” (It is not how much you do, but how much love you put into what you do, that counts – Teresa). Thật vậy, giá trị của sự phục vụ không phải dựa trên số lượng công việc mà chính là tấm lòng, tinh thần, thái độ của người phục vụ.

  • Tình yêu là động lực để phục vụ

Thật vậy, phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân phải xuất phát từ tình yêu mới thực sự có giá trị: yêu Chúa và yêu tha nhân. Đức Chúa Trời là tình yêu, Ngài dựng nên chúng ta cũng vì tình yêu và Ngài đã hy sinh cứu chuộc chúng ta khỏi tội cũng vì tình yêu. Vì thế, Ngài cũng muốn chúng ta phục vụ Ngài bằng tình yêu, là hành động báo đáp tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như Kinh Thánh chép “Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (1 Giăng 4:19). Đó là lý do Chúa hỏi Phi-e-rơ “Ngươi yêu Ta hơn những kẻ này chăng?” trước khi Ngài trao sứ mạng “Hãy chăn những chiên con Ta”. Chúa không hỏi Phi-e-rơ đã dâng gì cho Chúa mà trước hết Ngài hỏi “Ngươi yêu ta chăng?”, bởi vì Ngài không muốn giao sứ mạng chăn bầy cho những người không yêu Ngài, vì tình yêu phải là nền tảng và động lực của người phục vụ  Chúa.

Tại sao Chúa hỏi Phi-e-rơ ba lần “người yêu Ta chăng”?

Có phải vì Phi-e-rơ chối Chúa ba lần nên Ngài phải hỏi ông ba lần không? Tôi nghĩ không phải như thế, nhưng Chúa muốn ông xác quyết mạnh mẽ một lần nữa với Ngài về tình yêu của ông đối với Chúa. Người hầu việc Chúa có thể yếu đuối, sai lầm, vấp ngã nhưng không thể thiếu tình yêu chân thật đối với Chúa. Điều răn lớn nhất mà Chúa đòi hỏi là Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” (Mác 12:30).

Tình yêu hiến dâng, vô kỷ – Agapao và Phileo

Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh cảm thấy thích thú hơn khi khám phá ra rằng Chúa đã dùng hai động từ khác nhau về tình yêu để hỏi Phi-e-rơ. Trong bản Kinh Thánh tiếng Việt của chúng ta chỉ dịch cùng một từ là “yêu” mà thôi, nhưng trong nguyên ngữ đã dùng hai động từ yêu khác nhau: Hai lần đầu Chúa dùng động từ “Agapao”(c.15,16) là động từ nói lên tình yêu hiến dâng, vô kỷ, tình yêu tuyệt đối, là tình yêu mà Chúa yêu chúng ta (Giăng 3:16), nhưng cả ba lần Phi-e-rơ đều đáp lại bằng động từ “Phileo” là động từ nói lên tình yêu thấp hơn, tình bạn hữu (philos nghĩa là bạn), mang tính con người. Có lẽ Phi-e-rơ cảm thấy ông không thể yêu Chúa đúng với tình yêu tuyệt đối mà Chúa đòi hỏi nên cả ba lần ông đều dùng động từ Phileo. Có lẽ cũng vì thế nên đến lần thứ ba Chúa hạ thấp xuống một bực và Ngài cũng dùng cùng động từ Phileo như Phi-e-rơ để hỏi ông “ngươi yêu ta chăng” (c.17).

Tình yêu phải là động lực mạnh mẽ để chúng ta sống và phục vụ Chúa, vì tình yêu có một sức mạnh vô địch “ái tình mạnh như sự chết” (Châm. 8:6b). Gia-cốp vì yêu Ra-chên “nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa.” (Sáng. 29:20).

Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu hiến dâng, hy sinh, cho nên Chúa muốn chúng ta cũng yêu Ngài bằng tình yêu hiến dâng, tận hiến cho Ngài.

  • Tình yêu phải là cung cách phục vụ

Tình yêu không chỉ là động lực mà cũng là cung cách biểu hiện trong sự phục vụ. Người ta thường nói “cách cho hơn của cho”. Sự phục vụ sẽ mất đi ý nghĩa nếu nó không biểu hiện bằng sự yêu thương, trân quí của người phục vụ. Chính vì thế mà Lời Chúa dạy “Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu thương mà làm.” (1 Côr. 16:14)

Phục vụ bằng tình yêu đem lại sự gây dựng

Hơn nữa, sự phục vụ bằng cung cách yêu thương sẽ có tác dụng gây dựng, ích lợi nơi người nhận. Không phải sự phục vụ nào cũng ích lợi và gây dựng, mà chỉ có sự phục vụ bằng tình thương và sự tôn trọng mới đem lại gây dựng. “Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu-thương làm gương tốt.”(1 Côr. 8:1). Động từ “làm gương tốt” trong nguyên ngữ là gây dựng hay xây dựng, cho nên bản TTHĐ đã chỉnh lại là Nhưng sự hiểu biết sinh kiêu căng, còn tình yêu thương thì xây dựng”. Trong thư Cô-lô-se cũng dạy “Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.” (Cô-lô-se 3:14)

  • Phục vụ bằng tình yêu chân thật

Điều mà Chúa yêu thương và quý trọng là sự thành thật của Phi-e-rơ. Ông sôi nổi, sốt sắng, nhưng cũng yếu đuối, vấp ngã, thất bại. Ông không che giấu, quanh co. Cho nên khi Chúa hỏi ông đến lần thứ ba khiến đụng đến lương tâm nhạy cảm của ông nên ông thưa với Chúa “Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa!” (c. 17b). Câu “Chúa biết hết mọi việc” muốn nói lên một cách chân thành từ tấm lòng của Phi-e-rơ rằng “Chúa biết hết mọi điều về con, con yếu đuối, vấp ngã, sai lầm, thất bại…theo Chúa xa xa, chối Chúa ba lần, không xứng đáng chi cả nhưng con thật lòng yêu Chúa”. Chúa yêu sự thẳng thắn, thành thật của Phi-e-rơ và Ngài đã nâng đỡ ông. Điều Chúa đánh giá cao nơi người hầu việc Chúa là tình yêu chân thật vì Chúa ghét mọi đường dối trá. Điều đáng buồn là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã yêu Chúa và hôn Chúa bằng tình yêu dối trá, phản bội, làm Chúa đau lòng nên phán với Giu-đa “ngươi lấy cái hôn mà phản bội Con Người sao?” (Lu. 22:48). Vì thế, sau này sứ đồ Phi-e-rơ đã nhắc nhở “Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng” (1 Phi. 1:22)

Sứ đồ Giăng là vị Sứ đồ của tình yêu cũng đã dạy “Chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (1 Giăng 3:18)

  PHỤC VỤ LÀ BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU (c.18-23)

Tình yêu và phục vụ gắn nhau, không thể tách rời. Sự phục vụ chỉ có giá trị khi nó xuất phát từ tình yêu thương chân thật; ngược lại tình yêu chân thật không thể không biến thành hành động phục vụ. Phục vụ là hành động biểu hiện tình yêu.

  • Phục vụ như một đặc ân, một phần thưởng

Khi sự phục vụ xuất phát từ tình yêu chân thật thì tự nhiên sự phục vụ được coi như một đặc ân: không phải bị phục vụ, bắt buộc phục vụ mà được phục vụ, coi như một đặc ân. Khi hai người yêu nhau, muốn mời người mình yêu ăn một ly kem, uống một tách cà phê mà được người yêu nhận lời thì thật vinh hạnh và sung sướng phục vụ người yêu như một đặc ân, phải không? Cũng vậy, vì chúng ta yêu Chúa nên sự phục vụ Chúa trở thành đặc ân, phần thưởng vì được phục vụ Ngài. Vì thế, có thể nói “phần thưởng của người phục vụ là được phục vụ.”

Khi ý thức sự phục vụ Chúa là một đặc ân thì chúng ta cũng muốn dâng những gì tốt nhất cho Chúa. Thật vậy, từ một kẻ thù của đạo Chúa, Phao-lô được Chúa cứu trên con đường Đa-mách và biến đổi ông thành người truyền bá Phúc Âm nhiệt thành nhất trong thế kỷ thứ nhất. Phao-lô coi sự phục vụ Chúa là đặc ân nên ông tận hiến cho Chúa, dâng những gì tốt nhất cho Ngài “Nhưng tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Giê-xu, để mà làm chứng về Tin Lành của ơn Đức Chúa Trời.” (Công. 20:24).

  • Phục vụ Chúa và sẵn sàng trả giá vì cớ Ngài

Sau khi xác tín về tình yêu của mình đối với Chúa và được Ngài giao sứ mạng chăn bầy chiên của Ngài thì Chúa báo trước cho Phi-e-rơ biết rằng là ông phải trả giá cho sự phục vụ Chúa “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mình thắt lưng lấy, muốn đi đâu thì đi; nhưng khi ngươi già, sẽ giơ bàn tay ra, người khác thắt lưng cho và dẫn ngươi đi đến nơi mình không muốn” (c.18). Như chúng ta đã biết, Phi-e-rơ có một nỗi ám ảnh kinh khiếp về thập tự giá, về sự chịu khổ vì Chúa. Ông đã từng can ngăn Chúa “Đức Chúa Trời nào nỡ vậy” khi nghe Ngài bảo trước rằng Ngài phải chịu khổ, chịu chết. Cũng vì sợ hãi thập giá mà Phi-e-rơ đã theo Chúa xa xa, chối Chúa ba lần trong đêm thương khó. Như bây giờ thì Chúa báo trước là ông sẽ không thể tránh khỏi thập tự giá. Truyền thoại “Quo Vadis” kể rằng trong cơn bắt bớ dữ tợn dưới thời hoàng đế Nero, Phi-e-rơ không muốn bị hành hình nên đã tìm cách trốn khỏi kinh thành La Mã. Nhưng khi ông vừa tới cổng thành thì ông thấy Chúa đi vào. Ông hỏi “Ngài đi đâu vậy?” (Quo Vadis).[1] Chúa trả lời: “Ta vào chịu đóng đinh lần thứ hai.” Phi-e-rơ được tỉnh thức và ông quay vào để chịu đóng đinh. Ông yêu cầu người ta đóng đinh ông ngược đầu xuống vì ông thấy mình không xứng đáng bị đóng đinh giống như Chúa Giê-xu.” Người phục vụ Chúa vì tình yêu phải sẵn sàng trả giá bằng chính mạng sống mình.

  • Phục vụ Chúa không so đo, ganh tị, đố kỵ (c.20-23)

Sau khi biết số phận của mình mà Chúa đã định rồi thì Phi-e-rơ thấy vị Sứ đồ Chúa yêu là Giăng bước đến và ông thắc mắc, muốn biết số phận của bạn mình như thế nào nên ông hỏi Chúa Lạy Chúa, còn người nầy, về sau sẽ ra thế nào?  Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Nếu ta muốn người cứ ở cho tới khi ta đến, thì can hệ gì với ngươi? Còn ngươi, hãy theo ta!” (c.22)

Một cám dỗ cho những người phục vụ Chúa là hay nhìn người này người nọ rồi so đo, nghĩ ngợi, thắc mắc tại sao người này thế này, người kia thế nọ. Câu trả lời của Chúa đã dạy cho Phi-e-rơ cũng như tất cả chúng ta một bài học: Chúa có một chương trình cho mỗi người, mỗi cuộc đời, không ai giống ai cả, đừng so đo rồi sinh ra ganh tị, đố kỵ trong sự phục vụ Chúa mà mất phước. Hãy cứ yên tâm phó thác mọi sự trong tay Chúa và bước đi “theo Chúa”.

   PHỤC VỤ VÌ TÌNH YÊU CÓ GIÁ TRỊ LỚN VÀ ĐƯỢC CHÚA BAN THƯỞNG

  • Được Đức Chúa Trời tôn quý

Sự phục vụ Chúa xuất phát từ lòng yêu Chúa chân thật có giá trị lớn và được Chúa ban thưởng. Chúa Giê-xu phán “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người.” (Giăng 12:26). Đây là câu Kinh Thánh quí báu mà chúng ta thường dùng để khích lệ nhau trong sự phục vụ Chúa. Nhưng câu “Ta ở đâu thì người hầu việc cũng sẽ ở đó” có nghĩa gì? Chúa ở đâu? Có phải ở nơi Thiên đàng phước hạnh mà Chúa hứa không? Thiết nghĩ Chúa muốn nói đến những nơi đầy thách thức, khó khăn của con đường thập tự mà mà Chúa đã trải qua. Chúa đã ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê chiến đấu trong sự cầu nguyện cô đơn; Ngài đã ở nơi tòa án, đồi Gô-gô-tha, bị người ta vu cáo, bị sỉ nhục; Ngài ở trên thập giá. Thật vậy, người hầu việc Chúa chắc chắn phải “ở đó” với Chúa, phải bước đi trên đường Gô-gô-tha, phải chịu khổ, chiến đấu trong sự cầu nguyện cô đơn, bị vu oan sỉ nhục, phải bị đóng đinh vào thập tự giá (Gal. 2:20) phải “chết hằng ngày” như Phao-lô đã nói (1 Côr. 15:31). Và chỉ khi nào người hầu việc Chúa ở những nơi Chúa ở như thế, thì “Cha Ta ắt tôn quí người”.

  • Chúa không quên và ban thưởng xứng đáng

Người phục vụ Chúa vì yêu Chúa sẽ không nề hà việc gì, không than thở kể công và nhiều khi không ai biết đến công khó của mình, tuy nhiên Chúa sẽ không quên và ban thưởng xứng đáng như lời Chúa phán “Đức Chúa Trời không phải là không công bình mà bỏ quên công việc và lòng yêu thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa.” (Hêb. 6:10). Cảm tạ Chúa!

         Lễ kỷ niệm Chúa phục sinh đã qua nhưng sứ điệp của Chúa phục sinh vẫn còn vang vọng trong lòng con dân Chúa: “Ngươi yêu Ta chăng?” và “hãy chăn những chiên con Ta”. Chúa muốn chúng ta yêu Chúa và phục vụ Chúa hết lòng. Tình yêu và phục vụ gắn bó, không thể tách rời. Tình yêu phải là nền tảng, là động lực của sự phục vụ Chúa và anh em mình, và phục vụ là biểu hiện của tình yêu. Phục vụ Chúa vì tình yêu chân thật có giá trị lớn và được Chúa ban thưởng. “Nầy, Ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với Ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Khải. 22:12)

Trịnh Phan (Mùa Phục sinh 2019)

—-

[1]  Nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewcz đã dựa vào truyền thoại này để sáng tác quyển tiểu thuyết lịch sử  Quo Vadis: Tiểu thuyệt về thời Nero, được giải Nobel văn học năm 1905. Quyển này cũng đã được dịch ra tiếng Việt.

Bài trướcGiúp Nhau Để Chiến Thắng – 1/5/2019
Bài tiếp theoBồi Linh – Thông Công Thanh Thiếu Niên Tin Lành Vĩnh Long và Trà Vinh