Sống Mỗi Ngày

2427

Con yêu quý,

Mẹ vừa trở về từ nhà thờ, nhưng lại mang tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì gặp gỡ anh chị em trong Hội Thánh: sự gần gũi, thương yêu chân tình ấy như nguồn sinh lực thêm vào nếp sống hằng ngày. Vui vì được cùng hội chúng thờ phượng Chúa: dâng lên Chúa những lời ca tiếng hát tôn thờ. Vui vì được ăn ngon, Lời Chúa qua các tôi tớ yêu kính Chúa dọn ra chắc chắn bổ dưỡng hơn những bữa ăn hằng ngày của mẹ. Dù vậy, mình không thể chỉ ăn mỗi tuần một bữa, mà bữa ăn hằng ngày vẫn rất cần thiết cho sự sống còn và tăng trưởng, phải không con?

Con trai à,

Sáng nay, khi Diễm đưa Việt và bé Diễm Chi đến chào bà nội, phản ứng tự nhiên, mẹ hỏi:

– Ủa, sao chỉ có ba mẹ con đi nhà thờ?

Diễm ngập ngừng… rồi cũng phải trả lời mẹ:

– Dạ, anh Nam đi…

Diễm hối các con hôn, chào bà nội rồi vội vàng đưa con vào lớp học. Mẹ hiểu phía sau cái ngập ngừng đó là chuỗi ngày dài bàn qua cãi lại của vợ chồng con. Điều mẹ mừng là Diễm trưởng thành đủ để không cho cái bất đồng của ba mẹ ảnh hưởng trên con cái, nên vẫn cố gắng đưa Việt, Diễm Chi đến lớp nhi đồng quen thuộc. Qua điều này mẹ nhắc con, hãy nhớ: “Xem người khác như tôn trọng hơn mình”, không chỉ với người lớn chức, lớn quyền hơn mình mà với tất cả người làm việc chung, ngay cả với vợ, con và cả với người ngoài đường, dù họ là ai, vì họ là người được Chúa tạo dựng và Chúa yêu họ, tôn trọng họ và đã chết thay cho họ.

 Mẹ đồng ý với con, mẹ già nên hay suy nghĩ, lo lắng nhiều thứ quá, nhưng mẹ không yên tâm chút nào khi con cứ nghĩ: Con đạo dòng mấy đời, con là thành viên Ban Chấp sự, con là trưởng ban thờ phượng, con dâng hiến nhiều, góp nhiều công, nhiều ý xây dựng nhà thờ… Tại nhà thờ, sở làm, con được nhiều người quý mến, tôn trọng,… Và mẹ cũng ước ao thái độ, hành động ở sở, ở nhà thờ được con đem về sống với vợ con trong gia đình.

 Mẹ nhớ sáng Chúa nhật tuần rồi, trong giờ thờ phượng con kêu gọi Hội Thánh: “Thờ phượng Chúa với trọn con người – thể xác, tinh thần, tâm linh hướng về Chúa, đặt tất cả dưới thẩm quyền của Chúa, ca ngợi, tôn thờ Ngài…” Đúng vậy, nhưng mẹ muốn nhắc con thờ phượng không phải chỉ trong buổi sáng Chúa nhật tại nhà thờ; mà hằng ngày, ở mọi nơi, mọi thái độ, hành động đều bày tỏ một đời sống thờ phượng Chúa. Làm sao con hướng dẫn gia đình thờ phượng Chúa khi giờ cơm của gia đình mỗi chiều tối thường vắng bóng con? Lắm khi Việt không chịu ăn, đòi chờ ba về ăn chung, Diễm phải dỗ dành, la rầy cho Việt ăn để còn ôn bài, làm bài và lo đi ngủ mà có sức đi học ngày hôm sau. Việt ở tuổi ‘tại sao?’ không dễ dàng chút nào cho Diễm trả lời “tại sao ba không về ăn cơm với mình? Tại sao ba thằng Tín đi làm về sớm dắt nó đi chơi, mà ba mình cứ phải đi làm hoài vậy? Tại sao, tại sao?”… Mẹ hy vọng con không quên lần cả gia đình họp lại để tìm giờ ăn thích hợp cho cả nhà ăn tối chung với nhau, vì lúc đó các con, đứa thì đi dạy kèm, đứa đi học thêm, đứa họp với anh chị em tập đàn, tập hát chuẩn bị cho giờ thờ phượng… Mỗi đứa con đều có bận rộn riêng, nhưng mối liên hệ là điều cần thiết trong sự gầy dựng gia đình, nên chúng ta đã bàn qua, cãi lại và đưa đến sự đồng ý: Mỗi tuần có ba lần ăn chung với nhau. Rồi khi các con có gia đình riêng, mỗi tuần mình vẫn có một bữa ăn chung. Con cũng thấy qua những giờ ăn chung đó đưa chúng ta gần gũi, cảm thông, nâng đỡ nhau rất nhiều qua những câu chuyện vui buồn, dù bây giờ các con đã lớn, mỗi đứa có một hướng đi riêng. Chính những câu chuyện đó, chúng ta giúp nhau bày tỏ sự tôn thờ Chúa trong nếp sống hằng ngày. Chúa của chúng ta cần được tôn thờ mọi nơi, mọi lúc qua nếp sống đạo của con dân Ngài con ạ. Đừng tôn ngợi, cảm tạ Chúa mỗi sáng Chúa nhật, rồi lại nhốt Chúa trong khuôn viên nhà thờ suốt cả tuần.

Nam à, một trong những trách nhiệm chính của người trưởng gia đình là hướng dẫn đời sống tâm linh của gia đình. Làm sao con hướng dẫn tâm linh của con cái khi mà giờ hiệp nguyện gia đình mỗi tối Việt và Diễm Chi chẳng thấy ba đâu? Nam à, mẹ muốn nhắc con lần nữa: Người chồng, người cha là người lãnh đạo gia đình sống nếp sống tâm linh, là người đưa dắt vợ con vào sự thờ phượng trong đời sống hằng ngày. Con không làm việc đó bây giờ, vài năm nữa thôi con không thể bắt ép Việt tin nhận Chúa, vì Việt chỉ nghe thuyết giảng về Chúa mà hạt mầm của sự thờ phượng, tôn thờ Chúa bị con làm nghẹt ngòi trong đời sống Việt; có thể Việt vẫn đi nhà thờ mà không thật sự thờ phượng Chúa, rồi Việt sẽ chọn hướng đi riêng của mình mà không có Chúa trong cuộc đời. Thời gian qua nhanh lắm, đừng để khi con muốn bắt đầu thì Việt, Chi đã vuột khỏi tầm tay con.

 Một người ít được quan tâm trong những năm đầu trên đất của Chúa Giê-xu, là ông Giô-sép. Nhưng mẹ lại thích cái yên lặng nhưng sâu sắc của ông. Kinh Thánh nhắc đến ông rất ít, nhưng khi nói thì nhắc đến cái đẹp của tâm linh ông. Ông có nếp sống tinh sạch, công chính, yêu thương, nhân từ và vâng phục (Ma-thi-ơ 1:18-25). Tại sao Đức Chúa Trời chọn một người đàn ông nghèo nàn, đơn sơ nhưng có tâm linh đẹp để đặt con Ngài sống những ngày tháng đầu đời trên đất? Có phải Ngài muốn những người làm chồng, làm cha thấy giá trị cao trọng và trách nhiệm vô cùng quan trọng của mình trong vị thế đó chăng? Câu chuyện khi Chúa Giê-xu mười hai tuổi trả lời cho chúng ta điều đó. Theo lệ thường, nghĩa là ông bà Giô-sép và Ma-ri tập cho cậu bé Giê-xu thói quen đến Đền Thờ thờ phượng Chúa. Khi nói chuyện với các giáo sư Do Thái, cậu bé Giê-xu “vừa nghe, vừa hỏi. Tất cả những người nghe Ngài đều kinh ngạc về sự hiểu biết và những lời đối đáp của Ngài”. Rồi sau đó cậu bé Giê-xu “theo cha mẹ trở về Na-xa-rét và phục tùng họ”. Và Kinh Thánh ghi tiếp: “Chúa Giê-xu khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta”. Ông Lu-ca bắt đầu Phúc Âm của ông với sự thờ phượng của thầy Tế lễ Xa-cha-ri và kết thúc với sự thờ phượng của các môn đệ.

Điều đó khiến mẹ nghĩ ông được Chúa soi dẫn một cách rõ ràng để vẽ bức tranh sống động về sự thờ phượng thật trong nếp sống hằng ngày của cậu bé Giê-xu.

 Nam à, mẹ vẫn luôn cầu nguyện cho con trong vị thế: Trưởng của gia đình và trưởng ban thờ phượng. Nhiều lúc mẹ lo cho con vì thấy con hăng hái, nhiệt tình lắm mà mẹ không cảm nhận được con đang đưa mọi người đến gần Chúa, tôn thờ Ngài. Con hát hay lắm, con cũng có tài điều khiển ban hát và chương trình thờ phượng. Lắm khi mẹ thấy con và vài người trong ban thờ phượng rất nổi, rất đặc sắc trong giờ hướng dẫn thờ phượng, cũng có vài người không bằng con hay một số bạn, nhưng mẹ có cảm nghĩ họ hát cho Chúa nghe, chứ không phải cho mẹ hay những người xung quanh nghe. Cũng có những bài hát làm mẹ khựng lại không hát được; dù cả nhạc và lời bài hát rất hay nhưng mình kể lể, nói cảm xúc của mình hơn là tôn ngợi Chúa. Mẹ đã nói với con điều này nhưng con nghĩ mẹ khó tính và âm nhạc có nhiều mặt, nhiều chiều. Mẹ hiểu sự giới hạn của mình. Mẹ chỉ muốn nhắc con trong sự thờ phượng mình chỉ tôn thờ một mình Chúa mà thôi, và Chúa tìm kiếm những người thờ phượng chân thật bằng tâm linh và chân lý; vì Ngài là thần linh. Nhớ đem sự thờ phượng ở nhà thờ hằng tuần về với nếp sống thường ngày của gia đình qua sự suy nghĩ, thái độ, lời nói, việc làm và với hàng xóm, bạn bè ở sở làm, hay bất cứ nơi nào con đến.

Xin Chúa giúp mỗi chúng ta yêu Chúa hết lòng, và thờ phượng Chúa thật lòng để Chúa được tôn cao qua đời sống mình nghen Nam. Mẹ tin đó là lý do cho những ngày trên đất của mình. Con nghĩ sao?

Thương con nhiều,

Mẹ, Ái Tâm
(BTMV 55 – Tháng 09/2016)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Gia Đình” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcHậu Giang: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Và Chấp Sự Tháng 10/2020
Bài tiếp theoBình Dương: Bồi Dưỡng Giáo Viên Trường Chúa Nhật 2020