Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 6)

3989

♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 1)
♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 2)
♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 3)
♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 4)
♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 5)

THỜI KỲ YẾU ĐUỐI

MỘT SỐ CẢM XÚC nhanh chóng phơi bày sự yếu đuối của những người nam và người nữ như cảm xúc tuyệt vọng.

Khi chúng ta có những tranh chiến trong lòng – dù bất kỳ lý do gì – chúng ta có thể thấy mình đang ở trong cuộc chiến sống chết. Tuyệt vọng, cảm xúc tối tăm nhất trong những cảm xúc của con người, có thể theo đuổi chúng ta, cám dỗ chúng ta, và thậm chí hủy diệt chúng ta. Đôi khi chúng ta gặp phải nó…

  • trong công việc, khi chúng ta không đạt được điều chúng ta nghĩ mình đã kiếm được;
  • trong gia đình, khi những mong đợi của chúng ta không thành;
  • trong Hội thánh, khi chúng ta thất vọng với những người yếu đuối, không hoàn thiện.
  • trong xã hội, khi mọi sự dường như đang đi theo chiều hướng sai trái.

Cuộc chiến của tấm lòng là một trong những trận chiến khắc nghiệt nhất mà một người phải đối diện, và Ê-li sẽ trải qua cuộc chiến này trong hang đá (I Các Vua 19: 1-18). Hãy nhớ rằng, Ê-li là một người yếu đuối như chúng ta – và rõ ràng nhất là lúc này, khi ông rơi vào những nanh vuốt của nỗi tuyệt vọng. Ở đây, ông trở nên một con người mà chúng ta có thể hiểu được vì cuộc chiến cam go nhất của Ê-li diễn ra, không phải trên núi Cạt-mên nhưng trong một hang đá tại Hô-rếp – không giống như những tình huống mà chúng ta đã thấy. Giờ đây trận chiến này không chống lại Ba-anh nhưng là trận chiến với chính bản thân.

Những Căn Nguyên Của Nỗi Tuyệt Vọng

A-háp thuật lại cho hoàng hậu Giê-sa-bên biết những gì đã xảy ra trên nơi cao của núi Cạt-mên: Các tiên tri của Ba-anh (những kẻ mà bà đã đem đến Y-sơ-ra-ên) đã chết, và Ba-anh đã bị phá đổ. ĐPhản ứng của bà là gì? Giê-sa-bên sgửi đến cho Ê-li một sứ điệp: “Nếu ngày mai trong giờ nầy, ta không xử mạng-sống ngươi như mạng sống của một người trong chúng nó, nguyện các thần đãi ta cách nặng nề” (c. 2). Nói cách khác, “Ngươi sẽ bị đối đãi y như cách ngươi đã đối đãi với các tiên tri của ta – bị hành hình.”

Phản ứng của Ê-li trước sự đe dọa của Giê-sa-bên là gì? Ông chạy trốn. Thật ngạc nhiên, chính Ê-li, người đã đánh bại các tiên tri của Ba-anh chỉ trong vài ngày trước tgiờ đây phải chạy trốn khỏi người đàn bà này. Người đã tuyên bố, “Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, hãy theo Ngài”g giờ đây lại chính là người đang chạy trốn trong tuyệt vọng. Điều gì khiến ông tuyệt vọng?

Sự Thành Công. Sau những thành công rực rỡ thường có nỗi thất vọng.. Trong tia nắng ửng hồng của buối ban chiều, có thể có những thách thức rất khó đối mặt của cuộc sống thường ngày.

Sự Mỏi Mệt. Sự mỏi mệt thường theo sau những giai đoạn căng thẳng, đặc biệt khi có sự kiệt sức cặp theo. Đây là “hậu Cạt-mên” của Ê-li – mệt lử, kiệt sức, và kết quả là tình trạng dễ bị ngã quỵ.

Sợ Hãi. Giê-sa-bên dĩ nhiên là một người đàn bà có thể gây sợ hãi t đối với nhữngngười cản trở bà. Và Ê-li đã làm điều đó khi ông đánh bại thần mà bà đã mang đến từ Phê-ni-xi. Khi chúng ta đối diện với một người hoặc một hoàn cảnh dường như chống lại chúng ta và có thể làm hại chúng ta, thì tự nhiên chúng ta cảm thấy sợ hãi. Chúng ta biết Ê-li sợ hãi, vì ông “chạy đi đặng cứu mạng sống mình” (c. 3).

Sự Thất Vọng. Có khả năng là Ê-li đã thất vọng với dân sự. Trên núi Cạt-mên, họ đã la lớn, “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!” Giờ đây có lẽ họ lại để ông bị giết. Có những lúc, sự tuyệt vọng xảy ra khi mọi người không cư xử như chúng ta nghĩ họ đáng phải làm.

Sự Cô Đơn. Đây là gánh nặng của người lãnh đạo. Trong Elijah: A Man Of Like Nature (Tạm dịch: Ê-li: Một Người Bình Thường), Theodore Epp đã viết:

Một người lãnh đạo là một người cô đơn… Bị lèo lái bởi một khao khát cháy bỏng để đạt được các mục tiêu mà đối với những người khác dường như hão huyền và không thực tế, chúng được nhìn nhận một cách nghi ngờ bởi đám đông tầm thường. Người lãnh đạo chắc chắn là những mục tiêu cho những thi hào châm chích, chỉ trích (tr. 119).

Ê-li đã đối diện quá nhiều sự cô đơn trong hơn 42 tháng qua. Hai lần ông đối diện A-háp một mình. Ông đã sống trong đồng vắng một mình trong một khoảng thời gian dài. Ông đến Sa-rép-ta và từ đó trở về dường như chỉ có một mình. Và ngay cả khi ông đứng lên chiến đấu với tất cả các tiên tri của Ba-anh, ông cũng chỉ có một mình. Người lãnh đạo này rõ ràng là một người đơn độc.

Đây là những căn nguyên cho sự tuyệt vọng của Ê-li. Mệt mỏi, chỉ vừa mới xuống khỏi chót núi, sợ hãi, thất vọng, và chỉ có một mình. Ê-li đã chờ đợi ba năm rưỡi cho một ngày vẻ vang của chiến thắng – và giờ đây ông đã kiệt sức và đơn độc. “Con người yếu đuối như chúng ta” này đã phản ứng ra sao với sự tuyệt vọng đang len lỏi vào tấm lòng ông?

Những Phản Ứng Của Sự Tuyệt Vọng

Hãy nhìn vào những bước xuống dốc của ông– những bước chỉ làm tăng thêm tuyệt vọng cho ông. Đường lối của ông có thể hiểu được nhưng hoàn toàn sai lầm.

Mong Muốn Trốn Thoát. “Vì vậy, Ê-li sợ-hãi, đứng dậy chạy đi đặng cứu mạng sống mình. Đến tại Bê-e-Sê-ba, thuộc về Giu-đa” (c. 3). Ê-li đã chạy trốn 100 dặm về sa mạc phía nam. Nhưng không có gì tốt hơn ở đó.

Mỗi ngày, vô số người cố thoát ra khỏi những khó khăn của cuộc sống – bằng rượu, ma túy, lạc thú. Nhưng không ai thoát khỏi những nan đề bằng cách chạy khỏi chúng. Chúng ta chính là nan đề lớn nhất của chính mình.

Mong Muốn Sống Cô Độc. “người để tôi-tớ mình lại đó” (c. 3). Cô đơn sản sinh cô đơn. Muốn được tĩnh lặng hơn, Ê-li đã để tôi tớ mình lại đó và tiếp tục một mình. Đôi khi những người cần sự đồng hành và bạn bè trong những lúc khó khăn lại tự đẩy mình ra xa khi nỗ lực ở một mình.

Muốn Chết. “ông xin chết mà rằng: ‘Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi’” (c. 4). Hãy suy nghĩ về điều này. Đây là tiên tri vĩ đại của Đức Chúa Trời, một người yếu đuối như chúng ta nhưng đã đứng lên trong một vài trận chiến hết sức kinh ngạc, tuy nhiên giờ đây ông sẵn sàng rời khỏi cuộc sống này và những cuộc chiến của cuộc sống. Đôi khi, dưới áp lực, cái chết giống như một lối thoát. Hãy lưu ý rằng đây là lời cầu nguyện thứ năm của Ê-li được ký thuật. Ông đã cầu nguyện, và …

  • trời ngừng mưa,
  • một người chết được sống lại,
  • lửa giáng xuống từ trời, và
  • mưa trở lại sau ba năm rưỡi hạn hán.

Tất cả bốn lời cầu nguyện đầu tiên đều được trả lời, nhưng lời cầu nguyện thứ năm thì không. Lời cầu nguyện cuối cùng này chỉ tập trung vào chính mình. Ê-li không còn nhìn thấy quyền năng của Đức Chúa Trời. Điều này đã khiến cho ông nghĩ sự chết là tốt hơn một đời sống tin cậy Chúa.

Sa Mạc Của Sự Than Oán. “Vì tôi không hơn gì các tổ-phụ tôi!” (c. 4). Bạn có nghe một người cũng giống như chúng ta nói gì không? Một số điều trở nên bi thảm hơn khi ai đó chất chứa đầy sự oán than. Ê-li đã cảm thấy:

  • Mọi người khác đều mắc sai lầm.
  • Tôi là nạn nhân.
  • Cuộc sống không công bằng với tôi.
  • Tôi không bao giờ tiến tới.
  • Tôi không bao giờ được nghỉ ngơi.

Chúng ta dễ dàng nhìn thấy chính mình trong câu chuyện của Ê-li tại đây trong sa mạc hơn là trên núi Cạt-mên. Ở đây duới cây giếng giêng (c. 4). Ông trở nên “bình thường” hơn. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ không để ông lại ở đó.

Phương Thuốc Cho Nỗi Tuyệt Vọng

Hãy lưu ý đến cách Đức Chúa Trời giải quyết vấn đề của Ê-li. Ngài đã hoà quyện sự đối đầu khắc nghiệt và lòng thương xót dịu dàng để đem ông trở lại nơi Ngài muốn. Như Ê-li đã được huấn luyện trước khi ông có thể bày tỏ lòng tin cậy và vâng phục rất lớn của mình, một lần nữa ông cần Đức Chúa Trời dạy ông những bài học của sự cung ứng thiên thượng.

Ai Ủi Và Chăm Sóc. “Vậy, người chỗi dậy, ăn và uống, rồi nhờ sức của lương-thực ấy, người đi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm cho đến Hô-rếp, là núi của Đức Chúa Trời” (c. 8).

Đức Chúa Trời đã chu cấp cho ông thức ăn và cho ông nghỉ ngơi để chăm sóc khi ông mỏi mệt. Ê-li đã xin chết, nhưng thay vào đó Đức Chúa Trời đã đem đến cho ông một bữa ăn để giữ gìn mạng sống của ông. Đôi khi, điều chúng ta cần hơn bất cứ điều gì khác khi tuyệt vọng là sự nghỉ ngơi và tịnh dưỡng. Không có những điều đó, chúng ta không có sức lực cần thiết để phục hồi. Vì thế, với sức lực tươi mới, Ê-li đã đi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm và dừng chân ở một hang đá tại Hô-rếp.

Đối Diện Với Đức Chúa Trời Trong Hai Giai Đoạn

Một Câu Hỏi Đầy Quyền Năng. “Và kìa, có lời của Đức Giê-hô-va phán với người rằng: Hỡi Ê-li, ngươi ở đây làm chi?” (c. 9)

Đây là một câu hỏi then chốt. Đức Chúa Trời đã sai Ê-li đến Sa-ma-ri, Kê-rít, Sa-rép-ta, và Cạt-mên. Nhưng Ngài không sai ông đến Hô-rếp. “Tại sao ngươi ở đây?” Một câu trả lời hời hợt có thể là: “Tôi sợ Giê-sa-bên.” Nhưng chúng ta thấy câu trả lời thật sự của Ê-li trong câu 10 là: “Tôi đã rất nóng nảy sốt sắng vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân; vì dân Y-sơ-ra-ên đã bội giao ước Ngài, phá hủy các bàn thờ Ngài, dùng gươm giết những tiên tri Ngài; chỉ một mình tôi còn lại, và họ cũng kiếm thế cất mạng sống tôi.”

Nói cách khác, “Tôi ở đây bởi vì tôi không được đánh giá đúng vàtội nghiệp cho chính mình.” Đây là một tiếng thét gào khác xa với sự công bố bạo dạn trên núi Cạt-mên.

Một Cuộc Chạm Trán Ngạc Nhiên. “Đức Chúa Trời phán với người rằng: Hãy đi ra, đứng tại trên núi trước mặt Đức Giê-hô-va. Nầy Đức Giê-hô-va đi ngang qua, có một ngọn gió mạnh thổi dữ tợn trước mặt Ngài, xé núi ra, và làm tan nát các hòn đá; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong trận gió. Sau trận gió có cơn động-đất; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong cơn động đất. Sau cơn động-đất có đám lửa; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong đám lửa. Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ” (c. 11-12).

Đức Chúa Trời đã sai các sứ giả từ thiên nhiên – lửa, gió, và động đất – để nhắc Ê-li rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và Ê-li không được để cho nỗi tuyệt vọng chế ngự. Tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của Đức Chúa Trời phán, và đó là khi Ê-li giấu mặt mình (c. 13). Ông trông mong quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng ông được gặp gỡ chính Đức Chúa Trời. Trong nơi tương giao yên tĩnh này, Ê-li được…

  • nhắc nhở về quyền năng của Đức Chúa Trời,
  • nhắc nhở về bản tánh của Đức Chúa Trời, và
  • nhắc nhở về tình yêu, lòng nhân từ và sự bình an của Đức Chúa Trời.

Cầu Xin Sự Giúp Đỡ. Trong câu 15-17, Đức Chúa Trời bảo Ê-li quan tâm đến nhu cầu của những người khác. Chúa bảo ông trở về vương quốc phía bắc. Khi ông đến nơi, một lần nữa ông phải can dự vào đời sống của Y-sơ-ra-ên. Ông phải xức dầu cho hai vua (Ha-xa-ên ở Sy-ri và Giê-hu ở Y-sơ-ra-ên) và ông phải huấn luyện người thay thế ông, Ê-li-sê.

Một điểm then chốt để xem xét nỗi tuyệt vọng của chúng ta là phải tham dự vào đời sống của những người khác và lo lắng cho họ. Một nhà văn ở thế kỷ 18, John Simpson, đã viết về điều này như sau:

Hy vọng duy nhất cho những người trong những hoàn cảnh như thế là phải ra khỏi những nơi cô đơn của họ, và phải được giao cho một số công việc hữu ích và từ thiện….để làm điều gì đó đòi hỏi sự vận động của cơ bắp, đem lại ích lợi cho những người khác. Vì thế, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Ê-li thoát khỏi nơi cô đơn hiện tại của ông, là nơi chỉ làm tăng thêm nỗi buồn và sự bực dọc trong tâm linh; và vì thế Ngài ban cho ông một nhiệm vụ để thi hành (W. J. Petersen trích dẫn trong Meet Me On The Mountain, tr. 120).

Thách thức là phải rời mắt mình khỏi bản thân, vì chỉ như vậy chúng ta mới có thể nhìn thấy rõ ràng các nhu cầu củangười khác. Có một câu nói như sau: “Tôi đã khóc bởi vì tôi không có giày; và rồi tôi gặp một người mà không có chân.”

 Lẽ Thật Được Bày Tỏ. “Nhưng ta đã để dành lại cho ta trong Y-sơ-ra-ên bảy ngàn người không có quì gối xuống trước mặt Ba-anh, và môi họ chưa hôn nó” (c. 18).

Ê-li cần một số thực tế giúp ông thoát ra khỏi nỗi tuyệt vọng của mình. Qua đôi mắt tuyệt vọng, chúng ta hiếm khi có cái nhìn đúng đắn.. Ê-li cần thức tỉnh và nhìn mọi thứ đúng như hiện thực của nó – chớ không như cách ông đã tô vẽ cho chúng. Thực tế, ông không phải là tôi tớ trung tín duy nhất của Đức Chúa Trời còn sót lại (mặc dù trong I Các Vua 19: 10, ông đã nói rằng, “chỉ một mình tôi còn lại”). Ông chỉ là tôi tớ duy nhất của Đức Chúa Trời đang trốn tại Hô-rếp.

Giống như Ê-li, chúng ta yêu thích những chiến thắng lớn lao và những chiến thắng khuấy động. Nhưng còn những cuộc chiến thầm lặng của linh hồn thì sao? Ê-li đã nghĩ rằng ông mạnh mẽ, nhưng ông đã phải học biết rằng ông yếu đuối thế nào và cần Đức Chúa Trời đến dường nào. Chúng ta cũng cần phải học biết điều đó.

Áp Dụng

Đức Chúa Trời đã tái thiết lại đời sống của Ê-li từ đống tro tàn của nỗi tuyệt vọng một cách đầy nhân từ và sẽ tiếp tục sử dụng ông. Chúng ta học được những bài học gì ở đây?

  • Sự tận hiến cho Đấng Christ không miễn trừ chúng ta khỏi sự ngã lòng và tuyệt vọng.
  • Sự mệt mỏi có thể làm cho chúng ta dễ rơi vào tuyệt vọng hơn.
  • Chúng ta cần đầu tư năng lượng của mình cho người khác, thay vì chỉ ngâm mình trong cơn đau đớn.
  • Sự liên hệ mật thiết với Chúa là cách duy nhất để duy trì sức mạnh tâm linh cần thiết cho những chiến trận của đời sống. Hãy yên nghỉ trong sự chăm sóc nhân từ của Ngài.

Lời Cuối: “HÔM NAY LÀ CƠ HỘI”

NHÓM NHẠC The Association đã hát bài hát “The Times It Is Today” (tạm dịch: hôm nay là cơ hội” ) vào những năm 1960, kêu gọi những người trẻ sống cho điều gì đó hơn là cho bản thân – để tạo ra sự khác biệt trong thế giới trong chính thế hệ của họ. Một sự kêu gọi tương tự cho những người theo Đấng Christ ngày nay. Chúng ta được ban cho những giây phút ngay trong thời điểm này để đại diện cho Đức Chúa Trời trong thế gian. Và, giống như Ê-li, chúng ta đang sống trong những thời điểm khác thường.

Chúng ta có thể đượckhích lệ khi nhận biết rằng khi người ta mong đợi một người vĩ đại đem đến sự giải cứu, thì Đức Chúa Trời đã chọn một người bình thường, là Ê-li. Con người bình thường này, được trang bị chỉ bằng nguồn năng lực của sự cầu nguyện với một Đức Chúa Trời phi thường, là công cụ của Đức Chúa Trời để có tầm ảnh hưởng vĩ đại trên cả một thế hệ.

Chúng ta đã thấy rằng Ê-li chưa thể đạt đến sự hoàn hảo. Nhưng ông đã tranh đấu với những điều mà chúng ta cũng đối diện. Điều đó khích lệ tôi. Nếu Đức Chúa Trời đã dùng một người vô danh như Ê-li, có lẽ Ngài cũng sẽ sử dụng những người như chúng ta. Nhưng thách thức không phải là để theo đuổi sự vĩ đại nhưng sẵn sàng để những khao khát vĩ đại của Đức Chúa Trời được thực hiện trong chúng ta và qua chúng ta.

Nếu bạn không biết Đức Chúa Trời, Đấng yêu thương và chăm sóc mỗi một người trên đất cách sâu sắc, thì tôi có một tin mừng cho bạn: tình yêu của Ngài đã dành cho bạn một cách trọn vẹn. Chúng ta hãy đọc trong Giăng 3:16, một trong những câu Kinh Thánh nổi tiếng nhất:

 Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

Lời hứa ban sự sống đời đời là của chính Đức Chúa Trời phi thường dành cho những người bình thường. Bạn có đón nhận món quà được Ngài ban cho miễn phí không? Hôm nay là cơ hội.

Bài trướcNăng Lực Của Tình Yêu (1) – 9/4/2018
Bài tiếp theoBình Dương: Truyền Giảng Tin Lành Tại ĐN Tân Hưng