♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 1)
♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 2)
THỜI KỲ CHỊU RÈN TẬP
CÁCH ĐÂY NHIỀU NĂM, nhà sản xuất giày thể thao Nike đã đưa ra một loạt các mẫu quảng cáo có chủ đề, “Bạn đang sẵn sàng cho điều gì?” Một mẫu quảng cáo đã dàn dựng cảnh một cầu thủ tham dự Giải Bóng Bầu Dục Quốc Gia (vt: NFL)] đã lao xuống một đồi dốc, đầy đá sỏi. Một mẫu quảng cáo khác dàn cảnh một cầu thủ bóng đá làm những việc thường ngày bằng đôi chân của anh. Điều ông muốn nói ở đây là gì? Điều chúng ta làm hôm nay chuẩn bị chúng ta sẵn sàng cho điều gì đó mà chúng ta sẽ tham dự sau này.
Bạn đang sẵn sàng cho điều gì? Bất kể điều gì, huấn luyện là điều cần thiết:
- Hàng giờ bên cây đàn piano luyện ngón và thực hành các bản xô-nát;
- Nhiều ngày bền bĩ luyện tập chơi bóng hai lần một ngày dưới cái nóng oi bức của tháng Tám;
- Hàng năm trong phòng thí nghiệm để chuẩn bị cho sự nghiệp nghiên cứu y khoa.
Dường như mọi đời sống đều có những thời kỳ chuẩn bị. Công việc càng khó khăn bao nhiêu thì quá trình rèn luyện càng mang tính khắc nghiệt bấy nhiêu. Điều này cũng đúng đối với Ê-li. Đức Chúa Trời đã có một kế hoạch để xây dựng chiều sâu hơn của sự tin cậy và nhân cách trong đời sống của tôi tớ Ngài. Giáo viên dạy Kinh Thánh J. Vernon McGee đã viết:
Bạn ấn tượng rằng Ê-li là một người khó nhọc, và đúng là như vậy. Nhưng còn có một điều khác về ông phải được đề cập – Đức Chúa Trời phải huấn luyện con người này. Ngài luôn có phương pháp huấn luyện những người mà Ngài dùng bằng cách đem họ vào sa mạc… Đây là phương cách Đức Chúa Trời huấn luyện người của Ngài. Giờ đây Ngài sắp đưa Ê-li ra và dạy ông nhiều điều mà ông cần học (Thru The Bible, Vol II, tr. 283).
Sự Hướng Dẫn của Đức Chúa Trời
Ngay sau khi chúng ta đọc về những lời tuyên bố của Ê-li với A-háp, chúng ta lại được thông báo một điều mới mẽ về sự sẵn sàng vâng phục Chúa của Ê-li. Bằng một sứ điệp trực tiếp, Chúa ra lệnh cho Ê-li bước ra nơi thường ngày của đời sống và vào sa mạc.
“Đoạn có lời của Đức Giê-hô-va phán dạy người rằng: ‘Hãy đi khỏi đây, qua phía đông, và ẩn ngươi bên khe Kê-rít, đối ngang Giô-đanh. Ngươi sẽ uống nước của khe, và ta đã truyền cho chim quạ nuôi ngươi tại đó.’” (I Các Vua 17:2-4).
Ga-la-át nằm ở phía đông sông Giô-đanh, nên Đức Chúa Trời đã sai Ê-li quay về quê nhà để đến một khe suối mà thực chất chỉ là một con suối cạn – một dòng suối chỉ có nước trong mùa mưa đông. Dường như việc Đức Chúa Trời dùng khe Kê-rít làm nơi chu cấp thức ăn và nước uống trong suốt ba năm rưỡi hạn hán là điều lạ. Có lẽ có một hang động hoặc một cái chòi ở đó. Chúng ta không biết. Nhưng điều chúng ta biết là khe Kê-rít nằm trong nơi đối ngang sa mạc – một nơi khó sống và khó học tập.
Chúng ta cũng biết rằng có cả yếu tố nguy hiểm ở đó. Việc một người bảo bạn đến một địa điểm nào đó để gặp ai đó hoặc để nghỉ ngơi khỏi cuộc sống thường nhật thì đó là một chuyện. Nhưng nếu người đó bảo bạn “đi khỏi” đây và “ẩn mình” như Lời Chúa phán trong phân đoạn Kinh Thánh trên, thì đó lại là vấn đề khác.
Dĩ nhiên có yếu tố đe dọa ở đây. Khi đọc phần sau của phân đoạn này (I Các Vua 18:4), chúng ta biết rằng tiên tri của Đức Chúa Trời không được an toàn trong vùng đất do A-háp và vợ ông, Giê-sa-bên kiểm soát.
Vì vậy, ngay khi Ê-li công bố với A-háp, Đức Chúa Trời đã phán với ông và vạch ra cho ông một con đường trốn thoát. Mặc dù rõ ràng Ê-li rất can đảm, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được áp lực đè nặng trên đường ông đến sa mạc – không biết rõ là người của A-háp có đang săn đuổi ông hay không.
Ê-li sẽ phải đi bộ một chặng đường khoảng 15-20 dặm qua vùng đất khô cằn để đến một nơi chẳng dễ chịu gì. Nhưng đây là nơi mà Đức Chúa Trời sai ông đến. Ê-li có rất nhiều điều để học, và những ngày tháng biệt riêng sẽ trang bị những khoảnh khắc cần thiết để suy ngẫm và học tập.
Đáp Ứng Của Ê-li
Đức Chúa Trời phán và Ê-li đã đáp ứng. Từ cung điện đến đồng vắng, ông đã ra đi không chút trì hoãn. “Vậy, Ê-li đi, vâng theo lời của Đức Giê-hô-va, và đến ở nơi mé khe Kê-rít đối ngang Giô-đanh” (I Các Vua 17:5).
Lưu ý rằng, những điều Đức Chúa Trời đã hứa với Ê-li liên kết trực tiếp với sự đáp ứng của ông: Ông đã vâng lời Chúa, tin nơi lời hứa của Ngài, và đến khe Kê-rít. Kết quả là Đức Chúa Trời hoàn thành lời hứa của Ngài, đáp ứng các nhu cầu thể chất cho ông. Rõ ràng, đức tin luôn là vấn đề then chốt trong mối quan hệ của tín hữu với Chúa, và Ê-li đã đáp ứng với lòng tin cậy và vâng phục.
Ê-li đã bộ hành một chặng đường dài vất vả để đến một nơi cô quạnh và cư ngụ tại đó. Chắc hẳn ông đã có ngày đầu tiên thú vị tại khe Kê-rít. Ông có ngắm nhìn bầu trời, rồi tự hỏi chim quạ có thật sự bay đến không? Đây là một kinh nghiệm mới mẻ đối với Ê-li. Trí tưởng tượng của nhà viết tiểu sử người Đức F. W. Krummacher cho chúng ta một cái nhìn khả thi về Ê-li trước những điều vây quanh ông.
Hãy đến, chúng ta hãy viếng thăm người của Đức Chúa Trời này trong nơi trú ngụ mới của ông. Một vùng hoang vu u ám, cạnh bờ sông Giô-đanh, là cảnh đang hiện ra trước mắt chúng ta. Sự yên lặng buồn tẻ ngự trị quanh đây, nếu bị phá vỡ thì có lẽ chỉ là do tiếng kêu của con vạc cô độc, giữa vùng đất hoang và những bụi rậm cây bách xù, với bầy đà điểu – không một bóng thợ săn phiền nhiễu sự yên tĩnh của nó. Không một lối mòn nào hiện ra – không có đến một dấu chân của con người nào – tất cả chỉ là sự hoang vu và tĩnh mịch…
Nhưng kia, người của Đức Chúa Trời ngồi đó. Đây là nơi trú ngụ được định cho ông: bầu trời xanh là mái nhà, vách đá trơ trọi là tường, tảng đá làm chỗ ngồi, cây tỏa bóng làm phòng ngủ, bãi cỏ làm ghế; bầu bạn của ông, chỉ là những tiếng kêu róc rách; và những con quạ khàn khàn trên những cây cao (Elijah the Tishbite, tr. 34-35).
Hãy tưởng tượng sự cô quạnh mà ông cảm thấy. Một mình trong sa mạc, Ê-li phải học biết về Đức Chúa Trời của ông trong nơi khó khăn. Bởi vì ông đã vâng lời, nên ông có sự bảo đảm về sự chăm sóc và chu cấp của Đức Chúa Trời.
Sự Chu Cấp Của Đức Chúa Trời
Thỉnh thoảng khi Đức Chúa Trời hướng dẫn dân sự của Ngài đi, Ngài đơn giản ban cho họ hướng dẫn lộ trình. Ví dụ, khi Chúa bảo Áp-ra-ham rời bỏ Cha-ran và đi đến vùng đất mà Ngài phán, “Ta sẽ chỉ cho ngươi” (Sáng Thế Ký 12:1), không có sự bảo đảm chu cấp thức ăn. Chỉ đi. Nhưng trong trường hợp này, Đức Chúa Trời không chỉ bảo Ê-li đến nơi Ngài muốn ông đến, Ngài cũng cho biết cách Ngàisẽ nuôi ông trong suốt thời gian ở đó (I Các Vua 17:4).
Và điều đó đã xảy ra y như Chúa đã phán. “Buổi mai và buổi chiều chim quạ đem bánh và thịt cho người; và người uống nước khe.” (c. 6)
Tại khe Kê-rít, sự chu cấp như đã hứa của Đức Chúa Trời đã nuôi sống Ê-li. Hãy lưu ý cách Đức Chúa Trời chu cấp:
- Chim quạ, là loài chim săn mồi rất phàm ăn, sẽ không bao giờ tự nhiên chịu nhường thức ăn của chúng. Có lẽ, Đức Chúa Trời đã dùng loài chim đặc biệt này để Ê-li thấy rõ về nguồn thức ăn thật sự mà ông có được, để ông sẽ tin cậy Đức Chúa Trời nơi sự chu cấp của Ngài thay vì của chính những con chim.
- Bánh và thịt hai lần mỗi ngày (so sánh với Ma-na và chim cút trong đồng vắng).
- Nước từ khe Kê-rít.
Xem xét từng yếu tố trong sự chu cấp của Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Ê-li.
Chim quạ: Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của Ê-li khi Đức Chúa Trời thông báo với ông rằng chim quạ sẽ cung cấp thức ăn cho ông. Chim quạ sao? Chắc chắn Ê-li đã biết về điều Chúa đã phán trong Lê-vi Ký 11: 13-19. Những câu Kinh Thánh đó là một phần của một chương giải thích tất cả mọi thức ăn không tinh sạch mà người Do Thái phải tránh, “Trong các loài chim, những giống các ngươi phải cầm bằng gớm ghiếc, không nên ăn, là chim ưng, chim ngạc, ó biển; chim lão ưng và con diều, tùy theo loại chúng nó; các thứ quạ” (c. 13-15).
Chim quạ là loài ăn xác thối. Chúng ăn vật dơ bẩn, thối tha. Chúng không tinh sạch – cả trong thực tế và trong phương diện đức tin.
Bánh và thịt hai lần mỗi ngày. Chúng ta không biết là chim quạ có được bánh từ đâu hoặc loại thịt mà chim quạ mang đến cho Ê-li như thế nào, nhưng chúng ta biết chắc chắn chim quạ đem bánh và thịt đến hai lần mỗi ngày. Ê-li phải thực hành đức tin cực độ khi chờ đợi thức ăn đến. Không có việc dự trữ thức ăn ở đây. Không có bữa ăn nhẹ. Không có sự bảo đảm nào ngoài lời hứa của Đức Chúa Trời rằng ông sẽ có đủ thức ăn mỗi ngày.
Nước uống từ khe. Có một sự trớ trêu nào đó khi kết hợp các sự kiện Chúa kêu gọi Ê-li tham dự. Đầu tiên, Chúa bảo ông công bố một cơn hạn hán kéo dài trong xứ. Rồi Ngài sai ông đến sống một nơi mà ông sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mưa để duy trì sự sống. Khe Kê-rít phụ thuộc vào mưa để có nước và đổ xuống Giô-đanh. Chúng ta có thể giả định rằng cuối cùng, cơn hạn hán ắt sẽ làm khô cạn khe nước, và Ê-li không có nguồn cung cấp nào.
Đức Chúa Trời đã chu cấp theo những cách hết sức đặc biệt cho Ê-li, những cách mà thoạt nhìn sẽ là điều khó khăn và đáng lo nhất. Nhưng Ê-li, người của đức tin và hành động, đã không do dự tin cậy sự chu cấp của Chúa.
Đức Chúa Trời luôn dùng những phương tiện thích hợp để hoàn thành các mục đích và sự huấn luyện của Ngài trong đời sống của con cái Ngài. Điều này luôn đúng cho dù các phương tiện đó là tự nhiên (khe Kê-rít) hay siêu nhiên (chim quạ cung cấp bánh). Ngài vẫn là Giê-hô-va Ji-rê, nghĩa là “Chúa sẽ chu cấp.”
Đức Chúa Trời đã thành tín giữ các lời hứa và sư chu cấp khác thường của Ngài là các yếu tố chìa khóa trong sự chuẩn bị Ê-li.
Sự Huấn Luyện Ê-li
Bạn hẳn tự hỏi điều gì đã đến trong tâm trí của Ê-li khi ông chờ đợi mỗi ngày bên khe Kê-rít. Giữa việc được nuôi bởi những con chim lớn, ông có dành thời gian suy nghĩ về sự mạo hiểm của ông trước A-háp không? Ông có dành nhiều thời gian cầu nguyện không? Ông có tự hỏi về những việc đang diễn ra tại quê nhà ở Ga-la-át như thế nào không?
Vì một lý do nào đó, đây là căn cứ huấn luyện mà Đức Chúa Trời đã định cho Ê-li. Dù ông đang cầu nguyện, phó thác, nhớ nhung, hay đơn giản là cố sống sót, thì ông đang học tập tin cậy Chúa càng hơn mỗi ngày.
Bạn cũng hẳn tự hỏi Ê-li đã nhận tin tức từ Đức Chúa Trời về hành trình kế tiếp như thế nào. Đối với một người đang sống một mình trong sa mạc, thì việc biết rằng hành trình tiếp theo sẽ bao gồm cả con người là một sự khích lệ cần thiết.
Và đây là ký thuật về cách Đức Chúa Trời cho Ê-li biết về điều ông sẽ làm tiếp theo: “Nhưng trong ít lâu, thì khe bị khô, vì trong xứ không có mưa. Bấy giờ, có lời của Đức Giê-hô-va phán dạy Ê-li rằng: ‘Hãy chỗi dậy, đi đến Sa-rép-ta, thành thuộc về Si-đôn, và ở tại đó; kìa, ta đã truyền cho một người góa-bụa ở thành ấy lo nuôi ngươi.’ Vậy, người đứng dậy đi đến Sa-rép-ta” (I Các Vua 17: 7-10).
Các giáo viên dạy Kinh Thánh tin rằng Ê-li đã ở trong sa mạc hơn một năm. Và mặc dù thức ăn được đem đến hàng ngày; mức độ lo lắng của ông hẳn phải gia tăng. Vì khi cơn hạn hán tiếp tục xảy ra, sông trở thành suối, rồi thành con lạch, rồi chỉ là một dòng chảy nhỏ giọt.
Đây là một phần trong sự huấn luyện của Đức Chúa Trời dành cho Ê-li. Hãy tưởng tượng điều đang xảy ra cho đức tin của vị tiên tri khi mực nước trong khe ngày càng xuống thấp. Đức Chúa Trời có thể mang nước đến từ các tảng đá, khi Ngài làm cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, nhưng Ngài đã không làm thế. Nguồn nước đang cạn kiệt dần.
Hãy nhớ rằng, Ê-li là “một người như chúng ta.” Cách ông có thể phản ứng là:
- Cảm thấy hoang mang? Ông biết nơi để lấy nước. Ông biết sông Giô-đanh và các con sông khác ở đâu. Điều gì sẽ ngăn ông rời bỏ sa mạc để tìm kiếm điều ông cần?
- Cảm thấy muốn từ bỏ và chết đi? (như về sau ông ước muốn).
- Cảm thấy sự phán xét của Chúa bị đảo ngược vì nó đang ảnh hưởng đến cá nhân ông?
Đây là tất cả các phần trong tiến trình huấn luyện. Ê-li cần biết rằng ông có thể tin cậy Đức Chúa Trời trong nhiều điều hơn là nước, ngay cả trong sa mạc, và ngay cả khi khe nước trở nên khô hạn. Ông cần học biết rằng:
Đức Chúa Trời đã biết từ lâu rằng khe sẽ khô hạn. Đây là điều chắc chắn xảy ra. Khe nước phụ thuộc vào các cơn mưa lớn cuối thu và đầu đông. Và khi không có mưa, nước trong khe cũng hết.
Sự chăm sóc của Đức Chúa Trời không bị ngăn trở khi khe nước khô hạn. Ê-li có thể dễ dàng cho rằng Đức Chúa Trời đã quên ông. Nhưng ông phải học tập phụ thuộc vào Đức Chúa Trời, không phải vào khe nước.
Đức Chúa Trời vẫn đang tể trị, ngay cả khi khe khô hạn. Thực tế, Đức Chúa Trời hoàn toàn kiểm soát đến nỗi Ngài hoàn toàn phá vỡ điều kiện thoải mái mà Ê-li từng có. Tại sao? Để rèn tập ông trong phạm vi lớn hơn theo những cách mới mẻ.
Khi điều kiện thoải mái của chúng ta bị đảo lộn, điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời không còn quyền kiểm soát. Nhưng điều này cũng có thể có nghĩa là chúng ta đã không còn nghe được tiếng Chúa vì chúng ta đã trở nên quá thoải mái.
Ngay cả khi nước rút cạn, Ê-li đã ở tại khe cho đến khi ông được sự hướng dẫn của Chúa đến một nơi khác: “Hãy chỗi dậy, đi” (c. 9). Những bài học về sự tin cậy và vâng phục đã được ghi khắc vào lòng ông.
Vì vậy, Chúa đã sai ông đi từ khe đến Sa-rép-ta.
Chúng ta biết gì về điểm dừng kế tiếp của Ê-li?
- Cách khoảng 80-90 dặm về phía tây bắc Kê-rít, trên bờ biển Địa Trung Hải trong đất dân ngoại, không phải đất của người Do Thái.
- Đó là trung tâm của một vùng đất mà việc thờ Ba-anh chiếm ưu thế.
Đó là quê nhà của hoàng hậu Giê-sa-bên, nữ tiên tri của Ba-anh, thần mà Ê-li đã thách thức. Và, dĩ nhiên, Giê-sa-bên là vợ của Vua mà Ê-li đã thách thức.
Hóa ra là Ê-li đang di chuyển từ chỗ dầu sôi vào trong lửa bỏng. Ông là một người thờ phượng Đức Chúa Trời hết lòng đang tiến vào trong vùng đất thờ lạy thần tượng. Ông là một người Do Thái đang đi vào vùng đất trung tâm của dân ngoại. Và ông là người đem tin xấu đang đi vào lãnh thổ của vợ của người mà ông đã đem tin xấu đến. Tuy nhiên, không điều nào trong số đó quan trọng đến mức được đề cập trong phần ký thuật Kinh Thánh. Thay vào đó, hành trình đầy kịch tính đến Sa-rép-ta của Ê-li đi theo một hướng hoàn toàn khác.
Khi Đức Chúa Trời lệnh cho Ê-li ra đi, Ngài cho biết tiên tri sẽ tìm thấy gì ở đó?
Một người góa bụa chăm sóc cho ông. Điều đó không có nhiều hứa hẹn lắm. Đàn bà góa thường là người nghèo nhất trong những kẻ nghèo. Trong hoàn cảnh kinh tế đó họ đã sống bên rìa xã hội, không có ai chăm sóc họ. Họ dễ gặp nguy hiểm và không được bảo vệ. Trong cơn đói kém, họ sẽ là những nạn nhân đầu tiên bị cạn kiệt thức ăn, chớ không phải là người cuối cùng.
Đây không phải là tin tức đem lại sự khích lệ nhất mà một người có thể nhận.
Ê-li đã bỏ lại đằng sau một khe khô hạn và một đàn quạ cung cấp bánh và thịt, và ông đang đổi những hiện thực khắc nghiệt đó cho viễn cảnh được một bà góa cùng đường nuôi sống. Điều này dường như chẳng có gì khá hơn cho vị tiên tri trên đường chạy trốn.
Tại sao Đức Chúa Trời đã ra lệnh cho Ê-li theo cách này? Tại sao Ngài sai Ê-li đi vào trong lãnh thổ thù địch đểtìm một người không có điều kiện lo nuôi ông? Bởi vì Đức Chúa Trời đang huấn luyện tôi tớ của Ngài bước đi bằng đức tin, không bằng mắt thấy – và không ai nói điều đó là dễ dàng.
Chào mừng bạn đến với thế giới của Ê-li, vì ông kinh nghiệm quyền năng (và giá phải trả) của sự huấn luyện thuộc linh một cách cá nhân. Tác giả W. J. Petersen viết:
Đôi khi chúng ta không hiểu được cách Chúa hành động. Chúng ta không biết lý do mình được sai đến Kê-rít; chúng ta không đánh giá cao việc Đức Chúa Trời dùng chim quạ dơ bẩn để nuôi mình; và chắc chắn chúng ta không hiểu lý do khe khô cạn. Thực tế mà chúng ta không hiểu đơn giản chỉ là một dấu hiệu cho biết tiến trình giáo dục của Chúa dành cho chúng ta vẫn chưa hoàn tất. Ngài đang dạy chúng ta và chúng ta vẫn đang học tập (Meet Me On The Mountain, tr. 44).
Áp Dụng
Chúng ta có thể học được những bài học gì từ “Trung Tâm Huấn Luyện Khe Kê-rít Cho Công Tác Thuộc Linh”?
- Đôi khi con cái Chúa chịu khổ cùng với người không tin.
- Thỉnh thoảng khi chúng ta nghĩ mình sẵn sàng cho núi Cạt-mên, thì Đức Chúa Trời lại sai chúng ta đến khe Kê-rít bởi vì chúng ta chưa sẵn sàng như mình nghĩ.
- Đôi khi nơi ẩn náu của Chúa không phải là một nơi dễ dàng.
Còn tiếp