Người Nữ Trong Mắt Chúa

6808

Giả sử có một ngày bỗng nhiên nữ giới biến mất trên thế giới, không biết lúc ấy thế giới sẽ ra sao nhỉ? Rồi phân nửa nhân loại, chỉ còn lại toàn là nam, không biết tình trạng gia đình, xã hội sẽ thế nào đây? Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải cảm ơn Chúa vì Ngài đã dựng nên loài người có nam có nữ. Trong Hội Thánh thành phần nữ thường thấy vẫn đông hơn nam. Nhân Ngày Phụ Nữ Tin Lành, chúng ta hãy cùng nhau hướng về thành phần khá đông trong Hội Thánh là phái nữ để cùng nhau suy ngẫm đôi điều.

Người Nữ Trong Mắt Con Người

Người Do Thái ngày xưa, trong bài kinh đọc hằng ngày của họ, những người đàn ông đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài vì Ngài không dựng con làm dân ngoại, phụ nữ hay là kẻ dốt nát!”; trong lúc đó những người phụ nữ thì cầu nguyện cách cam phận: “Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài vì Chúa đã dựng nên con theo ý muốn Chúa!” Trong đầu óc của người Do Thái ngày trước, người nữ bị xem như một ‘sinh vật hạ đẳng’, chỉ có đàn ông mới có giá trị và xứng đáng mà thôi.

Ông bà ta thuở xưa cũng đã từng nói: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô!”, chính vì vậy mà họ tự đưa ra quy luật đạo đức hôn nhân thật kỳ lạ: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng!” Và chúng ta ai cũng biết trong thời đại phong kiến, quan niệm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào xã hội, từ vua quan cho tới thứ dân, suốt nhiều thế kỷ.

Còn ngày nay? Thế giới ngày nay nói chung và các nước phương Đông nói riêng, mặc dù đã tiến bộ rất nhiều, nhưng trong thế kỷ thứ 21 này không phải địa vị người nữ đã được tôn trọng ngang hàng với nam giới. Tình trạng ở Trung Quốc cho thấy rõ điều này. Khi nhà nước chỉ cho phép sinh một con, thì phần lớn các thai phụ loại bỏ những bào thai phát hiện là gái. Và hậu quả là xã hội mất quân bình, trai thừa gái thiếu và kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy khác trong cuộc sống. Tại Việt Nam, khi hai vợ chồng sinh con trai đầu lòng, người ta thường nói với người ấy: “Đủ vốn rồi!”, ý muốn nói nếu không sinh thêm con thứ hai nữa thì cũng chẳng sao, đủ rồi; thế nhưng khi sinh con gái đầu lòng, người ta chỉ nói “con gái mau nhờ!”, và chắc chắn cả hai vợ chồng cũng như những bà con thân thuộc đều cảm thấy chưa đủ, mong sao cho có một con trai mới thoả lòng! Gia đình nào có hai con trai, mặc dù vẫn ham con gái cho đủ cặp, nhưng dầu sao cũng an lòng hơn gia đình chỉ có hai gái mà thiếu con trai để “nối dõi”. Còn những gia đình có đủ cặp, một trai một gái thường được bạn bè chấm điểm 10. Tâm lý có con đủ cặp vẫn còn đè nặng trên hầu hết các gia đình Việt.

Trong giáo hội mặc dù tỉ lệ nữ tín hữu thường vẫn đông hơn nam tín hữu và số người nữ phục vụ Chúa trong các ban ngành, dạy trường Chúa nhật… luôn nhiều hơn nam, nhưng tỉ lệ chấp sự giữa nữ và nam thì ngược lại, nam chấp sự vẫn nhiều hơn nữ chấp sự. Riêng chức vụ Thư ký Hội Thánh thì rất hiếm khi bầu nữ. Trên thế giới, một số hệ phái Tin Lành đã phong chức Mục sư cho quý bà tốt nghiệp trường Thần học, nhưng còn nhiều giáo hội vẫn không đồng ý.

Người Nữ Trong Mắt Chúa

Đó là thực trạng của người nữ trong mắt con người. Nhưng trong mắt Chúa thì sao? Chúng ta cùng trở về với những ngày đầu tiên của công cuộc sáng tạo để nghe Lời Chúa trong Sáng Thế Ký 1:27-28: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” Lời Đức Chúa Trời phán rõ ràng rằng, Đức Chúa Trời dựng nên người nữ cũng giống như hình Ngài (giống về bản chất), không khác gì Ngài dựng người nam. Cả người nam và người nữ đều mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Từ “loài người” chính là cả người nam lẫn người nữ. Trong câu 27, Đức Chúa Trời ban phước cho “loài người”; giao nhiệm vụ cho “loài người”; giao quyền quản trị cho “loài người”. Ngài không dành ưu đãi cho nam hay nữ, nhưng là cả “loài người”. Trong mắt Đức Chúa Trời, nam cũng như nữ đều bình đẳng cả về phẩm chất lẫn giá trị.

Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài
Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời
Ngài dựng nên người nam cùng người nữ
Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng…

Chúng ta lưu ý những câu Kinh Thánh trên đây, Lời Chúa cho biết Đức Chúa Trời dựng nên hai người đầu tiên là người nam cùng người nữ. Ngài không dựng hai người đầu tiên là hai người nam, hoặc hai người nữ. Ngài dựng nên hai con người khác nhau. Về cấu tạo cơ thể, cấu tạo bộ não, về tâm sinh lý… người nam và người nữ không giống nhau, nhưng cho rằng bởi không giống nhau nên người này tốt hơn người kia là một sự lừa dối. Chính vì sự lừa dối đàn ông hơn đàn bà nên rất nhiều nơi trên thế giới đã đối xử không công bằng với nữ giới. Trong một số nền văn hóa, phụ nữ bị đối xử như đồ vật, như nô lệ. Trong một số nền văn hóa khác, phụ nữ bị coi như đồ chơi, để thoả mãn tình dục. Mặc dù trên thế giới vẫn hô hào “nam nữ bình đẳng”, nhưng tất cả chỉ là khẩu hiệu, điều này đã khiến một nữ tu Công giáo là thạc sĩ xã hội học, đã nói một câu thật gay gắt: “Chừng nào người ta còn lột truồng phụ nữ trên những trang bìa của các tờ báo, thì vẫn chưa có thể nói đến bình đẳng nam nữ!”

Kinh Thánh chép: “Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”. Điều này có nghĩa gì? Đức Chúa Trời muốn bày tỏ chính mình Ngài một cách trọn vẹn qua việc tạo ra con người. Ngài không bày tỏ tấm lòng “từ mẫu” của Ngài bằng cách tạo ra hai người nam. Để tạo ra một hình ảnh mô tả một cách đầy đủ Ngài là ai, Ngài đã tạo ra người nam và người nữ. Hai giới tính khác nhau không chỉ về thể chất mà còn khác nhau về vai trò và nhiệm vụ. Chúng ta phải cảm ơn Chúa vì những khác biệt này.

Chính vì nam và nữ hoàn toàn khác biệt, nên nói đến bình đẳng nam nữ, không phải là đấu tranh để người nữ giống người nam, nhưng điều quan trọng là đàn ông và đàn bà phải sống và cư xử đúng theo mục đích tạo dựng của Đức Chúa Trời. Loài người là những sinh vật thượng đẳng Chúa dựng nên “chỉ kém Đức Chúa Trời một chút và đội sự vinh hiển, sang trọng cho cả hai” (Thi Thiên 8:5), vì vậy người nam và người nữ không phải sống như những “con vật giống đực, giống cái”, nhưng là những con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Trong mắt Chúa, nam và nữ đều là những con người mang hình ảnh của Ngài.

Khi Kinh Thánh ghi lại: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất”, thì chính Chúa đã khẳng định Ngài ban phước cho loài người, tức cả người nam lẫn người nữ. Ngài giao nhiệm vụ sinh sản và quản trị đất cùng muôn vật cho cả người nữ lẫn người nam. Cả hai cùng chung sống với nhau, chung sức để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao trên đất. Không thể dành đặc quyền này cho riêng chỉ người nam. Trong mắt Đức Chúa Trời, Ngài không thiên vị nam hay nữ. Cả hai đều được tạo nên giống hình Đức Chúa Trời, cả hai đều được Chúa ban phước như nhau. Cả hai đều phải hoàn thành thiên chức và trách nhiệm Chúa giao.

Trong thời Tân Ước, qua sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu, vai trò và địa vị người nữ hoàn toàn được nâng cao. “Anh em thảy đều chịu phép báp-têm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy. Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Giê-xu Christ, anh em thảy đều làm một” (Ga-la-ti 3:27, 28).

Người Nữ Trong Mắt Cơ Đốc Nhân Ngày Nay

Chúng ta phải nhìn nhận một sự thật là chẳng phải mọi con cái Chúa đều đã thấm nhuần lời dạy trong Ga-la-ti 3:27-28 nêu trên. Không ít gia đình sống trong cảnh chồng chúa vợ tôi, không ít bậc phụ huynh thương con trai hơn con gái, không ít người (cả nam lẫn nữ) đã mặc nhiên coi phái nữ là thứ yếu, kém hơn nam. Và cũng không ít các bà, các cô tự cảm thấy mình thấp hèn trước quý ông, nên đã thu mình trong vỏ ốc của cuộc sống. Tất cả đều không đúng với mục đích của Chúa khi Ngài tạo dựng loài người.

Cơ Đốc nhân, cả nữ và nam, cần ý thức rằng nam và nữ đều là tạo vật mang hình ảnh của Đức Chúa Trời như nhau. Sự khác biệt chỉ để làm phong phú và đầy trọn cuộc sống mà thôi. Nữ và nam, hai tên gọi để phân biệt hai giới tính khác nhau, nhưng trong “Giấy căn cước công dân thiên quốc” tất cả chúng ta chỉ có một thành phần: “Cơ Đốc nhân”; và trong mắt Chúa, nữ hay nam cũng chỉ có một địa vị: “Con Cái Chúa”.

Hỡi những người nữ và cả người nam, hãy có cái nhìn đúng về nhau và hãy sống đúng trong Hội Thánh để khi bước ra khỏi nhà thờ, người nữ và người nam có thể làm muối của đất trong xã hội.

Ánh Dương

Bài trướcĐắk Nông: Bồi Linh – Thông Công Ban Nữ Giới Nhân Ngày Phụ Nữ Tin Lành
Bài tiếp theoViện Thánh Kinh Thần Học Khai Giảng Năm Học 2021