Giăng 7:1-13
“Đức Chúa Giê-xu phán cùng anh em rằng: Thì giờ Ta chưa đến; còn về các ngươi, thì giờ được tiện luôn luôn” (câu 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao các em của Chúa thúc giục Ngài về Giê-ru-sa-lem dự Lễ Lều Tạm? Chúa trả lời với các em Ngài thế nào? Câu trả lời của Chúa dạy chúng ta bài học gì trong cuộc sống theo Ngài?
Lễ Lều Tạm là một trong ba lễ trọng trong năm của người Do Thái (Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều Tạm), luật pháp quy định những người nam trưởng thành đều phải tham dự ba kỳ lễ này (Phục Truyền 16:1-17). Do ngày lễ gần đến nên các em của Chúa, lúc đó họ chưa tin Ngài, đã thúc giục Ngài lên Giê-ru-sa-lem để dự lễ với mục đích “tỏ mình cho thiên hạ.” Các em Ngài nghĩ rằng tại kỳ lễ này sẽ có rất nhiều người đến dự, cộng với dân chúng tại thủ đô, rõ ràng đây là số đông rất đáng kể, vì vậy muốn nổi tiếng và được mọi người ủng hộ thì Chúa không nên làm việc âm thầm mà cần tỏ mình ra công khai thì mới có thể trở thành một lãnh tụ để mong cuộc cách mạng sớm thành công! Nhưng đó là suy nghĩ của con người, của những người chưa tin Chúa. Vì vậy, Ngài đã từ chối lời đề nghị của các em mình và nói: “Thì giờ Ta chưa đến.” Ngài nói tiếp: Các em thuộc về thế gian nên người ta không thể ghét các em, nhưng họ ghét anh vì anh tố cáo tội ác của họ. Tuy vậy, sau đó Chúa cũng đi dự nhưng đi cách âm thầm và Ngài chỉ xuất hiện trong Đền thờ giữa kỳ lễ. Chúa luôn làm việc theo kế hoạch của Đức Chúa Trời ấn định. Các em Ngài có thể đi công khai vì họ không bị dân chúng ghét, nhưng Chúa biết người Giu-đa đang muốn giết Ngài. Dù Chúa phải đến Giê-ru-sa-lem để chịu chết nhưng thời điểm chưa đến, chưa phải lúc để chứng tỏ Ngài là ai. Đó là ý nghĩa của câu Chúa nói: “Thì giờ Ta chưa đến.”
Chúng ta thường muốn mọi việc được giải quyết theo cách của chúng ta, và ngay thời điểm của chúng ta, vì vậy những lúc cầu nguyện mà Chúa bắt phải chờ đợi thì chúng ta lại nghĩ rằng Chúa không đáp lời, rồi có khi hành động theo cách riêng của mình mà không học bài học chờ đợi. Chúa luôn có chương trình cho loài người nói chung và con cái Chúa nói riêng, nếu chúng ta xưng Ngài là Chúa thì phải tuân phục trọn vẹn ý muốn và thời điểm của Ngài. Cần phải giữ mối tương giao mật thiết với Chúa, gắn bó với Lời Chúa mỗi ngày để biết ý muốn Ngài, từ đó chúng ta có thể an lòng bước đi trong đức tin mà chờ đợi kỳ hạn của Chúa.
Có nan đề nào bạn cầu nguyện nhưng vẫn chưa được Chúa nhậm lời? Bạn tiếp tục cầu nguyện như thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi con nôn nóng muốn mọi việc xảy đến theo ý con. Xin Chúa cho con học biết ý Chúa trong Lời Ngài để trong mọi sự con luôn biết chờ đợi thời điểm của Ngài, và tin rằng đó thời thời điểm tốt nhất cho con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lu-ca 17.