Kinh Thánh nói gì về người lãnh đạo gia đình?

3399

Ê-phê-sô 5:23 nói rõ ai là người lãnh đạo gia đình theo sự thiết lập của Đức Chúa Trời: “vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh.” Nhưng sai lầm của nhiều người trong chúng ta là không quan tâm đến việc hiểu hết tất cả các khía cạnh của vai trò lãnh đạo. Một cái đầu không thể tự hoạt động khi chỉ có một mình nó nhưng phải phụ thuộc vào phần còn lại của thân cũng như thân phụ thuộc vào đầu. Đức Chúa Trời định nghĩa quyền lãnh đạo bằng cách so sánh với mối liên hệ giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Vai trò lãnh đạo được làm trọn vẹn và tốt nhất khi người chồng “yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội Thánh và phó chính mình vì Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5: 25–30).

Ai là chủ gia đình?

Kinh Thánh trong Ê-phê-sô 5 xác nhận rằng chồng là người lãnh đạo và vợ là người hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải lúc nào mô hình này cũng đúng trong nhiều gia đình ngày nay. Chẳng hạn như các gia đình chỉ có mỗi cha, hoặc mẹ thì tất nhiên người đó phải là chủ; hay những gia đình sống chung với ông bà và phụ thuộc vào ông bà. Cũng có trường hợp gia đình không có cha mẹ thì anh chị em lớn tuổi phải gánh vác … Trước thực tế này thì làm thế nào để chúng ta xác định ai mới là người đứng đầu gia đình? 

Phải ý thức rằng các mạng lệnh và sự dạy dỗ của Kinh Thánh đều nhất quán. Chúng ta cùng điểm qua một số lời dạy của Kinh Thánh liên quan đến gia đình.

Vào thời Cựu Ước, người con trai cả được thừa kế về tài sản lẫn vai trò lãnh đạo gia đình khi người cha qua đời, được gọi là quyền trưởng nam. Nhưng trưởng nam cũng phải chịu trách nhiệm về quyền lợi của cả gia đình (Sáng Thế Ký 27:19; Phục Truyền 21:17).

Mạng lệnh dành cho con cái là phải vâng lời cả cha lẫn mẹ, chứ không chỉ vâng lời “người lãnh đạo” gia đình mà thôi (Ê-phê-sô 6:1; Cô-lô-se 3:20). Một người con vô kỷ luật mang lại sự xấu hổ và ô nhục cho cả người mẹ, chứ không chỉ cho người cha thôi (Châm Ngôn 10:1; 29:15). Cha mẹ khôn ngoan là những người thống nhất các quy tắc và kỷ luật trước mặt con cái. Khi có những bất đồng, cha mẹ nên vào phòng riêng để nói chuyện và đưa ra cách giải quyết thống nhất. Xét về khía cạnh nuôi dạy con cái thì cả cha mẹ là chủ gia đình.

Đặc điểm của người chủ gia đình?

Dưới đây là một số nguyên tắc liên quan đến ý nghĩa của việc trở thành người lãnh đạo gia đình:

  1. Phải làm gương

Người lãnh đạo tin kính là lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ (xem Mác 10:44). Người lãnh đạo gia đình phải là tấm gương cho mọi người. Nếu người đó muốn gia đình nói lời tử tế và tôn trọng lẫn nhau thì phải làm gương như vậy. Nếu một người chồng muốn vợ kính trọng mình, anh ta phải tôn trọng vợ. Nếu một người mẹ đơn thân muốn con mình có đạo đức nghề nghiệp thì người mẹ ấy phải làm việc cách ngay thẳng để làm gương cho con. Quyền lãnh đạo không phải là một chế độ độc tài. Người chủ gia đình tìm kiếm sự khôn ngoan, cầu nguyện khi gặp các vấn đề, và sau đó nhẹ nhàng hướng dẫn những thành viên trong gia đình đi đúng hướng. Nếu người đứng đầu không thực hiện đúng vai trò của mình, thì cả gia đình sẽ phải chịu khổ.

  1. Phải có tinh thần trách nhiệm

Khi Đức Chúa Trời thiết lập gia đình với những nhiệm vụ cụ thể, Ngài đã đặt để những gánh nặng này trên con người. Từ “lãnh đạo” nghe có vẻ lớn lao cho đến khi chúng ta thực sự nhận biết được những mong đợi của Chúa. Người chủ gia đình chịu trách nhiệm trước Chúa về đời sống thuộc linh và tình cảm của gia đình. Đức Chúa Trời phán xét Hê-li vì đã không ngăn cản các con trai gian ác của mình. Hê-li biết những hành vi tội lỗi của các con nhưng không làm gì cả, vì vậy Đức Chúa Trời bắt Hê-li phải chịu trách nhiệm trong vai trò là chủ gia đình (I Sa-mu-ên 3:13).

  1. Là người đưa ra quyết định cuối cùng 

Hai người sẽ không đồng ý về mọi điều, cho dù họ có liên hệ chặt chẽ đến đâu, và khi có sự bất đồng, ai là người nắm giữ lá phiếu quyết định? Chúa đã chỉ định rằng đó phải là chủ gia đình, tức là người chồng nếu đó là một gia đình thông thường. Tất nhiên, người chủ gia đình khôn ngoan sẽ hỏi ý kiến ​​vợ. Không phải người đứng đầu là người biết tất cả mọi thứ, mặc dù họ mang trọng trách về các quyết định. Vì vậy, sẽ thật sáng suốt nếu biết trò chuyện, tham khảo ý kiến, lắng nghe lời khuyên từ người phụ nữ mà anh ta cam kết trọn đời. Và, nếu người vợ là người tin kính Chúa thì cô sẽ chia sẻ quan điểm của mình nhưng sau đó sẽ để chồng là người đưa ra quyết định.

Đức Chúa Trời đã thiết lập gia đình, và Ngài biết rõ nhất nó sẽ vận hành như thế nào. Khi chúng ta áp dụng các tiêu chuẩn của Ngài về tình yêu thương, sự vâng phục, trách nhiệm và sự lãnh đạo với tinh thần phục vụ, thì gia đình sẽ phát triển mạnh mẽ (Ê-phê-sô 5: 21–33; Cô-lô-se 3: 18–20; I Phi-e-rơ 3: 1–7). Khi người chồng đứng lên và gánh vác trách nhiệm mà Đức Chúa Trời đã đặt để, những người còn lại trong gia đình sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nhiều để hoàn thành vai trò của chính họ, và vì vậy gia đình trở nên một lời chứng về sự sắp đặt tuyệt vời của Đức Chúa Trời.

Hồng Nhung dịch
Nguồn: GotQuestions

Bài trướcHậu Giang: Công Bố Thành Lập Điểm Nhóm Tin Lành Tân Phú
Bài tiếp theoQuảng Nam: Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Hòa Hữu