Giới Trẻ Cơ Đốc “Sống Ảo” Được Gì Và Mất Gì?

13276

          “Sống ảo” là sống trong hoang tưởng, không đúng với thực tại của cuộc sống hàng ngày, và hiện nay hai chữ này thật không có gì xa lạ với khá nhiều người chơi facebook, đặc biệt là giới trẻ. Có nhiều ý kiến trái chiều về lối sống này, một số em thanh thiếu niên cũng thắc mắc: “Giới trẻ Cơ Đốc có được sống ảo không? Lối sống đó có đi ngược lại với nếp sống Cơ Đốc hay ảnh hưởng đến người khác không? Nếu tín đồ không được “sống ảo” thì làm sao để tránh vì em đã nghiện lắm rồi?” Quý phụ huynh và Hội Thánh chắc chắn cần có những câu trả lời thích đáng cho những câu hỏi này dựa trên nền tảng Kinh Thánh!

          1/ Em nghĩ giới trẻ Cơ Đốc cũng có thể “sống ảo” một chút, vì trên facebook em mới có niềm vui, nhận được sự tôn trọng và những lời khen, vì tại đó các em trở thành những hotboy, hotgirl mà đời thực không thể có được. Những em thanh thiếu niên Cơ Đốc nghiện “sống ảo” luôn có những lý do dường như là chính đáng để biện minh, bào chữa cho lối “sống ảo”. Bởi các em cho rằng “sống ảo” cũng có những ích lợi.

          + Một thực trạng có thể thấy mỗi ngày ở bất kỳ nơi đâu, quán cà-phê, công viên, trường học, kể cả nhà thờ, … không ít các cô gái, chàng trai ngồi hàng giờ bằng đủ mọi cách từ camera 360 độ, phần  mềm ghép ảnh, những câu nói gây “sốc”, … với mục đích có nhiều lượt like, comment, share, follow, …Những tiêu chuẩn đó đã vô tình trở thành thước đo giá trị của một người. Bởi lẽ, dù đời thực các em chẳng là ai, không đẹp cũng không sang. Nhưng qua camera 360 độ, một vài hình ảnh ghép với nhân vật nổi tiếng, với thức ăn, tiền bạc, một vài live stream sốc, lạ, độc như hành hạ động vật, đánh đập dã man một ai đó, …và khi càng được nhiều lượt like, comment, share, … các em sẽ trở thành những hotboy, hotgirl, những soái ca, những anh hùng, …Theo các em đó mới chính là giá trị thật mà hầu hết các em đều muốn đạt được. Đây là điều mà các bậc phụ huynh trong Hội Thánh cần biết nhằm giúp đỡ các em thanh thiếu niên. Vì thực ra đây chỉ là “sống ảo”, những sự cố gắng của các em chính là càng ngày càng nói dối, lừa gạt, tự tâng bốc mình lên . Nên khi trở về đời thực các em sẽ không thể chấp nhận hoàn cảnh gia đình, cuộc sống khó khăn mà các em đang đối diện. Phải chăng, trong gia đình hiện đại các em thiếu sự quan tâm của cha mẹ, mái ấm thiếu những lời khen ngợi thay vào đó là những lời chỉ trích, chê bai, hăm dọa không đúng theo nguyên tắc dạy dỗ con cái (UBTTN – Dạy Cho Trẻ Tính Tự Lập Để Trở Thành Người Lãnh Đạo 20/3/2017). Hãy quan tâm nhiều hơn và hướng dẫn con về sự thay đổi giới tính, nuôi con trong môi trường gia đình Cơ Đốc đề cao tình yêu thương, sự tha thứ và chia sẻ, vì giai đoạn giao thời giữa thiếu niên và thanh niên các em đều muốn thể hiện mình, muốn được khen ngợi, muốn tách ra khỏi sự ràng buộc của gia đình, muốn luôn nổi bậc trước người khác giới, …

          + Tiếp theo, chính các em thanh thiếu niên cần biết: qua các trang mạng như facebook, youtube, … những hành động “sống ảo” có thể tạm thời trước mắt mang lại cho các em niềm vui vì được tôn trọng, những lời khen. Tuy nhiên, điều các em phải mất đó chính là thời gian dành cho những việc khác như: việc học, phụ giúp gia đình và đặc biệt là đi nhóm góp phần công việc nhà Chúa “hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:16), … Hơn nữa, thứ gì “giả thì không thể là thật”, nếu một ngày lộ ra sự thật thì sao? Có không ít các bạn thanh thiếu niên đã tự tử vì bị bạn bè chế giễu trên các trang mạng. Có thể các em sẽ cười mỉa mai và cho rằng “tôi đâu có dại như những người ấy”, nhưng hãy cẩn thận vì “ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (I Cô-rinh-tô 10:12).

          2/ Có em cho rằng: sống ảo trên facebook , youtube để giải trí sau những giờ học và làm việc mệt nhọc, xả stress vả lại “sống ảo” chứ có thật đâu mà sợ, Kinh Thánh cũng không cấm.

Thật ra, khi các em thanh thiếu niên nghĩ rằng lên các trang mạng hàng giờ để “sống ảo” tìm niềm vui, xả căng thẳng nhưng ngược lại khi sử dụng điện thoại trong một thời gian dài bức xạ từ điện thoại sẽ gây nên nhiều chứng bệnh trên thân thể các em, trước nhất là khiến các em căng thẳng, mỏi mắt, mỏi tay, lâu dài có thể khiến ung thư võng mạc, và các bệnh ung thư khác mà khoa học đã chứng minh. “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” (I Cô-rinh-tô 10:23) Cơ Đốc Nhân thì không thể chấp nhận việc “sống ảo”, vì Chúa không đẹp lòng và cũng gây cớ vấp phạm cho các em thanh thiếu niên khác trong Hội Thánh. Vì “sống ảo” là sống không thật, muốn thành công trong đời sống ảo các em phải càng nói dối, càng lừa gạt tinh vi càng tốt, Kinh Thánh dạy “Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16). Nhiều khi cũng phải có một chút lạnh lùng và độc ác như việc hành hạ dã man một con vật, hay sẵn sàng ra tay đánh hội đồng lột hết áo quần một bạn nào đó trong lớp của mình, …những clip đó dễ dàng được nhiều người like, share, …Nói là “sống ảo” nhưng các hành động dã man trên là thật, và đó là hành động phạm tội, không đẹp lòng Chúa  “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27)

Không chỉ các em thanh thiếu niên mà một số người trẻ đang phục vụ Chúa nhưng vẫn đã và đang lên mạng “sống ảo” tập tành những hành động giống giới trẻ bên ngoài bắt chước qua các bộ phim, và phong trào của người nổi tiếng như “thả tim”, “thả thính” chụp ảnh “che một mắt”, ….

+ “Thả tim” là cách bình luận nội dung chứa các từ “hali” hay “xoxo”. Lý giải cho từ XOXO, đây là từ viết tắt của “Hugs and Kisses”, nghĩa là “Ôm và hôn”, thường được dùng trong ngôn ngữ mạng và tin nhắn SMS. Thông thường, những người yêu nhau hay nhắn tin kết thúc bằng ký tự XOXO để diễn tả tình cảm yêu thương, giống như “gửi em ngàn nụ hôn và cái ôm thân thương”. Hali xuất phát từ tiếng Phần Lan, nghĩa là “cái ôm”, gần tương tự với XOXO. Nhiều em thanh thiếu niên đang sống trong ảo tưởng là được mọi người yêu thương, một khi lượng thả tim đó hết, trở về đời thực không nhận được nhiều tình yêu thương của mọi người thì “bị sốc” và có nhiều em đã tìm đến “cái chết” bằng đủ mọi cách.

“Thả thính” là ẩn dụ của việc cố tình thu hút người hoặc vật khác đến với mình nhằm mục đích nào đó. Vì thế, nghĩa bóng thả thính là cố tình lôi cuốn, hấp dẫn ai đó, làm cho họ thích mình và nảy sinh tình cảm. Hầu hết những người “thả thính” không có tình cảm thật đối với đối phương. Họ quan tâm, tỏ cử chỉ thân mật yêu thương nhưng lại không coi đó là tình yêu nam nữ, họ không thật sự yêu thích nhưng lại gieo niềm tin và cảm nhận cho đối phương rằng họ đang có tình cảm với mình. Vì thế khi sự thật được phơi bày thì những người bị “thả thính” sẽ cảm thấy đau khổ và mất niềm tin ghê gớm. Trầm cảm, tự kỷ, thuốc ngủ, cái chết là cái kết cho nhiều em thanh thiếu niên.

+ “Che một mắt”, một mắt là biểu tượng của các tôn giáo thờ thần tượng như thần Horus của Ai-cập (mình người đầu chim ưng).

Biểu tượng của hội Illuminati là hình con mắt ngàn năm trong tam giác quyền năng phát sáng, chính là đại diện cho sự thấu hiểu và cái nhìn thông suốt thế giới. Ngoài ra, biểu tượng một mắt còn là biểu tượng của một số tôn giáo khác. Là một Cơ Đốc Nhân không nên thực hiện biểu tượng này vì “trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3), đừng vô tình chối Chúa mà quay sang thờ thần tượng. Còn một số biểu tượng, dấu hiệu khác mà các em phải cẩn thận và cân nhắc khi sử dụng, …“Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch?Phải cẩn thận theo lời Chúa” (Thi Thiên 119:9). Mặt khác, là Cơ Đốc Nhân các em là con của Chúa mà “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống”. Vậy, không nên “sống không thật”, “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31). Nạn “sống ảo” có tác hại âm thầm và phá hoại tâm lý người dùng và những người xung quanh mạnh mẽ hơn cả chiến tranh. Đó là kiểu trừng phạt tập thể trên mạng xã hội mà dân mạng gọi là “ném đá”, “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (I Ti-mô-thê 4:12), đừng xem thường “sống ảo”. Đừng vô tình bị sa-tan lợi dụng và trở thành con của ma quỉ “các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44).

          3/ Em không quan tâm “sống ảo” tốt hay không, nhưng em không thể nào sống thiếu facebook, youtube , …, em phải làm sao?      

          Một số em thanh thiếu niên Cơ Đốc dù đã biết rõ hậu quả của việc “sống ảo” gây nên, nhưng hành động “sống ảo” được lặp đi lặp lại nhiều lần đã trở thành thói quen “nghiện” và không thể sống mà thiếu facebook, youtube, …Có thể chính các em cũng muốn thoát ra nhưng không được vì “…, tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Mác 14:38a). Đa số các em này không có thời gian trong việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Đó chính là mấu chốt khiến các em không thể vượt qua sự cám dỗ của việc “sống ảo”. Cho nên, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện cũng chính là chìa khóa để giải quyết nan đề này vì Lời Chúa cho biết “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ” (Mác 14:38a).

          Vì hầu hết các em thanh thiếu niên đều đang ở dưới sự quản lý của gia đình và Hội Thánh. Bởi vậy, gia đình và Hội Thánh phải chung tay để giúp đỡ con em mình thoát khỏi lối sống ảo:

          Thứ nhất, người cha trong gia đình Cơ Đốc phải thực hiện 3 vai trò: là một vị vua để ban hành kỷ luật và sự khen ngợi đối với các em trong việc sống ảo, là một thầy tế lễ luôn cầu nguyện cho các em thoát khỏi sự trói buộc của lối “sống ảo”, là một tiên tri hướng dẫn các em trong Lời Chúa qua việc thiết lập giờ gia đình lễ bái. Người mẹ cũng đóng vai trò là người truyền đức tin cho các em qua một đời sống tin kính “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa.” (I Ti-mô-thê 1:5)

          Thứ hai, Hội Thánh cần quan tâm đến giới trẻ qua các mục vụ, những giờ học Kinh Thánh có liên quan đến lối “sống ảo”. Hãy thường xuyên tạo những sân chơi lành mạnh mang tính Cơ Đốc cho giới trẻ, đưa các em đến với môi trường thiên nhiên qua các hoạt động ngoại khóa như “khả năng sinh tồn giữa thiên nhiên”, “nguyên tắc giao tiếp trong Kinh Thánh”, “khéo tay, hay làm” “Nam Nữ Cơ Đốc vào bếp” kết hợp với học Kinh Thánh, …Qua các hoạt động ấy một cách có hệ thống và đầu tư cùng sự hướng dẫn của Chúa thì chắc chắn các em thanh thiếu niên sẽ rời xa lối “sống ảo” mà sống với hiện thực và hết lòng theo Chúa, phục vụ Ngài xứng đáng vì “anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9).

          Giới trẻ Cơ Đốc “sống ảo” được gì và mất gì chắc hẳn mỗi các em và quý phụ huynh cùng Hội Thánh đều biết, nhưng để thay đổi, và chấm dứt tình trạng lối “sống ảo” trong giới trẻ của Hội Thánh thì cần sự hiệp tác của phụ huynh, Hội Thánh và đặc biệt chính các em thanh thiếu niên phải quyết tâm “vì thà ngươi một mắt mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào lửa địa ngục” (Ma-thi-ơ 18:9) ./.

                                                                                                          (Ti-mô-thê Tạ)

Bài trướcKhám Bệnh, Phát Thuốc Tại Tỉnh Tây Ninh
Bài tiếp theoTKCB Tại Đăk Lăk: Tổng Kết Khóa III & Khai Giảng Khóa IV