Gia Đình Tin Kính Chúa

9075

Kinh Thánh: Cô-lô-se 3:18-21

Với vẻ hài hước, châm biếm, có người đã đề nghị bảy điểm mà người cha nên dạy con trai mình về “lợi ích” khi cưới vợ: (1) Vợ dạy ta tinh thần phục thiện – sẵn sàng chịu lỗi tuy mình không làm gì sai; (2) Vợ dạy ta sự lễ phép – đi thưa về trình; (3) Vợ dạy ta lòng rộng rãi – kiếm được bao nhiều tiền đưa vợ hết; (4) Vợ dạy ta biết phấn đấu với nghịch cảnh – đợi lúc vợ giận thì biết; (5) Vợ dạy ta tính kiên nhẫn – chờ đợi vợ đi mua sắm; (6) Vợ dạy ta sự công chính – ra đường cứ nhìn thẳng mà đi, không liếc dọc liếc ngang; (7) Vợ dạy ta biết giá trị của chữ “tự do” – nay không còn nữa.

Có người cũng đã đề nghị bảy điểm mà cha mẹ nên dạy con trai và con dâu mình về “lợi ích” khi có con: (1) Con dạy ta lòng nhịn nhục – im lặng trước những lời nói hỗn hào; (2) Con dạy ta tính chấp nhận – con đặt đâu mình ngồi đó; (3) Con dạy ta xem nhẹ tiền bạc – bao nhiêu tiền cũng hết; (4) Con dạy ta sự đảm đang – làm đủ mọi việc cho con, từ nhỏ đến lớn; (5) Con dạy ta sự quên mình – vì không còn gì cho mình nữa; (6) Con dạy ta thích sưu tầm đồ cổ – mặc áo quần và mang giày con bỏ; (7) Con dạy ta biết quý trọng chữ “bình an” – vì chúng ta đã mất từ khi có con.

Có lẽ giống như kinh nghiệm sử dụng các vật dụng, khi gặp nan đề không thể giải quyết được, lúc bấy giờ chúng ta mới chịu xem sách chỉ dẫn; nên bây giờ chúng ta cũng phải quay về với Kinh Thánh, sách chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về nếp sống gia đình tin kính Chúa, hay cũng có thể nói về nếp sống gia đình hạnh phúc. Vì thế, qua phân đoạn Cô-lô-se 3:18-21, Lời Chúa dạy chúng ta qua hai vấn đề chính về gia đình: thứ nhất, mối liên hệ giữa vợ chồng; thứ hai, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái.

I. Giữa vợ chồng

“Hỡi kẻ làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy.”

Sống trong thế kỷ 21, với phong trào phụ nữ bình quyền, câu Kinh Thánh nầy không dễ giải nghĩa để phù hợp cho người nghe, nhất là phụ nữ. Vì thế, trước khi giải nghĩa câu Kinh Thánh nầy, chúng ta cần minh định một số vấn đề. Thứ nhất, câu Kinh Thánh nầy không có giá trị tạm thời hay cho một hoàn cảnh đặc biệt; nhưng giá trị câu Kinh Thánh nầy “còn lại đời đời” (I Phi-e-rơ 1:25). Thứ hai, mặc dù văn hoá ngày nay có thay đổi cách cư xử với phụ nữ; nhưng điều đó không có nghĩa là văn hoá xã hội ngày nay có thẩm quyền hơn Kinh Thánh (II Ti-mô-thê 3:16-17). Thứ ba, khi gửi thư cho Hội Thánh Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 11:8-9), Phao-lô đưa ra kiểu mẫu trong công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời (trước khi con người phạm tội) như là kiểu mẫu vượt thời gian và không gian; đó là “Bởi chưng không phải đàn ông ra từ đàn bà, bèn là đàn bà ra từ đàn ông; không phải đàn ông vì cớ đàn bà mà được dựng nên, bèn là đàn bà vì cớ vì cớ đàn ông vậy.”

Trong Kinh Thánh chữ “vâng phục” này hay đúng hơn là tùng phục mô tả hai ý chính: thứ nhất, sự tùng phục người có quyền hành, như người lớn tuổi hơn (I Phi-e-rơ 5:5), nhà cầm quyền (Rô-ma 13:1), người lãnh đạo Hội Thánh địa phương (I Phi-e-rơ 5:5), Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:24), Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 12:9); và thứ hai, sự tùng phục có tính cách tình nguyện, bày tỏ thái độ khiêm nhường như đang được dùng trong Cô-lô-se 3:18. Vì thế, chữ “vâng phục” trong câu “hỡi kẻ làm vợ, hãy vâng phục chồng mình” nhấn mạnh đến sự tình nguyện, khác với chữ “vâng phục” hay đúng hơn là vâng lời, được đề cập về con cái (c. 20) và về tôi tớ (c. 22), nhấn mạnh đến mệnh lệnh. Sự tùng phục này không làm giảm đi chân giá trị và bản chất của người vợ, vì Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng đã tùng phục Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 11:3 và Ê-phê-sô 5:23).

Tại sao Phao-lô khuyên người vợ “vâng phục” chồng mình? Vì “điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy”, có nghĩa rằng đó là trật tự của người Cơ Đốc, hoặc đó là cách cư xử của một Cơ Đốc nhân, hoặc điều đó phù hợp với Chúa, hoặc điều đó chứng tỏ người vợ vâng phục Chúa. Nói cách khác, sự tùng phục này liên hệ đến mẫu mực khiêm nhường và tùng phục của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Có những người vợ nói rằng khi nào ông chồng tôi hành động giống như Chúa thì tôi mới “vâng phục”; còn ổng có hành động mà tôi không đồng ý thì làm sao vâng phục được. Hiểu như thế là hiểu sai ý của Kinh Thánh. Đối với Kinh Thánh, tùng phục chồng có liên hệ với sự tùng phục Chúa Cứu Thế Giê-xu, tùng phục chồng có liên hệ đến mối thông công với Ngài; chứ không phải chỉ với chồng thôi. Hễ người vợ nào tùng phục Chúa, có mối thông công mật thiết với Ngài, người vợ đó sẽ tùng phục chồng.

Khi dạy người vợ “vâng phục” chồng, Kinh Thánh không đề cập gì đến khả năng hay giá trị của cá nhân; nhưng Kinh Thánh phản ảnh chương trình của Đức Chúa Trời trong sinh hoạt gia đình. Người chồng và người vợ có vai trò khác nhau để gia đình được trật tự và hạnh phúc; và người vợ phải “vâng phục” chồng. Đừng nói chi đến sự đầu phục và có mối thông công mật thiết với Chúa Cứu Thế Giê-xu, ngay trong trật tự của gia đình, nếu người vợ không vâng phục chồng, gia đình đó có nan đề ngay. Trong thân thể, nếu đầu đưa ra mệnh lệnh mà tay chân không thi hành, người ta gọi là một thân thể bị liệt; hoặc tay chân hành động ngược lại với mệnh lệnh của đầu, người ta gọi thân thể đó bị kinh phong.

Đọc đến đây các ông, các anh đều gật đầu đồng ý, trong lòng khen bài viết này quá đúng; nhưng xin quý ông và quý anh xem tiếp lời Kinh Thánh: “Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người.” Trong cách cư xử nầy, Kinh Thánh có lời khuyên tích cực và lời khuyên tiêu cực dành cho người chồng: tích cực là “yêu” vợ mình, tiêu cực là “chớ hề ở cay nghiệt với người”.

Chồng yêu vợ là chuyện thường tình, ai cũng được khuyên phải yêu vợ, dù người có đạo hay người không có đạo; và nếu không thực hành theo lời dạy của Kinh Thánh, lắm người ngoại đạo yêu vợ mình hơn là người trong đạo. Vì thế, chữ “yêu” mà Kinh Thánh ghi tại đây thường được dùng để đề cập đến tình yêu Chúa Cứu Thế Giê-xu dành cho chúng ta; đó là tình yêu tự hy sinh, không ích kỷ, tha thứ, và không dời đổi. Chữ “yêu” nầy không có nghĩa chỉ bày tỏ tình cảm đối với vợ, mặc dầu điều nầy cần có; nhưng còn là săn sóc và giúp đỡ vợ. Đương nhiên khi yêu nhau, người thanh niên yêu người thanh nữ với tình yêu bình thường và lãng mạn của con người; nhưng khi sống đời vợ chồng, người chồng phải tiến dần đến tình yêu “như Chúa Cứu Thế đã yêu Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:25). Đây là lý do mà những gia đình của con dân Chúa Cứu Thế Giê-xu khác với những gia đình ngoài xã hội; và giúp cho sự vâng phục của vợ được dễ dàng hơn.

Một số quý ông và quý anh nghe xong chắc lắc đầu, nghĩ thầm: “Tôi chưa bóp cổ bả là may mắn lắm rồi. Đừng nói đến chuyện “yêu” bả như Chúa yêu Hội Thánh.” Nhưng khi đề cập đến chồng “yêu” vợ giống như Chúa Cứu Thế Giê-xu “yêu” Hội Thánh, Kinh Thánh cho thấy không phải vì vợ “vâng phục” mà chồng “yêu” vợ; nhưng chồng “yêu” vợ mà không có điều kiện “vâng phục” tại đây.

Sau lời kêu gọi tích cực, sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên có tính cách tiêu cực: “Chớ hề ở cay nghiệt với nàng”. Chữ “cay nghiệt” trong câu nầy cũng có thể hiểu là cay đắng, mà gốc chữ trong nguyên bản Kinh Thánh được tìm thấy trong Ê-phê-sô 4:31, “Phải bỏ khỏi anh chị em những sự cay đắng”, hay Hê-bơ-rơ 12:15, “Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh chị em chăng”, hoặc trong Gia-cơ 3:11, “Có lẽ nào một cái suối kia, đồng một mạch mà ra cả nước ngọt và nước đắng sao?” Có những người chồng quá khó và gây khổ cho vợ bằng thái độ, lời nói cũng như hành động.

Vì thế, hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của cả chồng lẫn vợ; chứ không phải chỉ riêng ai. Nếu một trong hai người không cộng tác để gây dựng hạnh phúc gia đình theo lời dạy của Kinh Thánh, gia đình đó khó đứng vững trước giông tố của cuộc đời, đừng nói đến chuyện hưởng phước lành mà Đức Chúa Trời muốn ban qua gia đình.

II. Giữa cha mẹ và con cái

Sứ đồ Phao-lô tiếp tục đề cập đến sự vâng phục trước trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, khi viết:

“Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa. Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng.”

Sứ đồ Phao-lô viết những lời nầy khi đang sống dưới luật pháp của đế quốc La Mã, mà luật về cha mẹ và con cái cho biết con cái thuộc về sở hữu của cha, giống như là tài sản. Con cái khi còn dưới tuổi vị thành niên chẳng khác gì là người nô lệ. Mặc dầu người mẹ có ảnh hưởng trên con cái từ khi con lọt lòng mẹ, nhưng từ bảy tuổi trở lên thì người cha chịu trách nhiệm. Câu Kinh Thánh nầy đang đề cập đến con cái dưới tuổi vị thành niên; nhưng vấn đề luật pháp La Mã không được áp dụng tại đây, mà áp dụng “luật” của Chúa; đó là: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa”.

Chữ “vâng phục” trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái mạnh hơn chữ “vâng phục” trong mối liên hệ giữa vợ với chồng. Nếu dịch thuật qua tiếng Việt để dễ hiểu hơn, có lẽ chúng ta nên dịch thuật “Hỡi người làm vợ, hãy phục tùng chồng mình”, và “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng lời cha mẹ mình”. Chữ “vâng phục” trong ý vợ vâng phục chồng nói đến sự tình nguyện; nhưng chữ “vâng phục” trong ý con cái vâng phục cha mẹ nói lên sự bắt buộc, nhất là nằm trong ý “mọi sự”. Chữ “vâng phục” nầy cũng có thể hiểu là tôn kính cha mẹ, vì theo luật pháp của Đức Chúa Trời trong thời Cựu-ước dành cho người Do Thái “khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử” (Lê-vi Ký 20:9). Rô-ma 1:30 ghi rằng một trong những tội của người ngoại đạo là “không vâng lời cha mẹ”, thì làm sao con dân của Đức Chúa Trời lại không vâng lời cha mẹ được.

Ngày nay con cái có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ, biết nhiều về công nghệ thông tin,… dễ có thái độ thiếu sự tôn kính cha mẹ. Câu chuyện Nô-ê say rượu được Kinh Thánh cho biết như sau: Nô-ê uống rượu say rồi trần truồng. Một người con của Nô-ê là Cham thấy vậy, ra ngoài thuật cho anh em mình nghe với thái độ khinh dể cha. Nhưng khi hai người con khác là Sem và Gia-phết nghe xong, lấy áo choàng, rồi đi thụt lùi, đắp lên người cha để không thấy sự trần truồng của cha. Sem và Gia-phết có thái độ tôn kính cha dầu cha đang phạm một lỗi lầm dễ bị xem thường. Đương nhiên, mạng lệnh nầy không có nghĩa cho cha mẹ toàn quyền cư xử với con cái, vì cha mẹ không thể đòi hỏi lòng “vâng phục” của các con “khi con mình xin bánh mà cho đá… Hay là con mình xin cá, mà cho rắn” (Ma-thi-ơ 7:9-10).

Trong thời Hội Thánh đầu tiên, chăm sóc cha mẹ già được xem là bổn phận của người tín đồ. I Ti-mô-thê 5:4,8 ghi: “Nhưng nếu đàn bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời… Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”.

“Vâng phục cha mẹ mình” là “đẹp lòng Chúa” – một bước cao hơn nữa khi so sánh với cụm từ “theo Chúa đáng phải vậy” trong câu 18. “Theo Chúa đáng phải vậy” có nghĩa là dấu hiệu hay hành vi căn bản của con dân Đức Chúa Trời; nhưng “đẹp lòng Chúa” là bước cao hơn nữa. Ví dụ, dấu hiệu của con dân Đức Chúa Trời là đi nhà thờ và dâng hiến; nhưng đời sống đổi mới và kết quả sẽ được Ngài đẹp lòng. Cụm từ “đẹp lòng Chúa” trong nguyên bản Kinh Thánh là “đẹp lòng trong Chúa” có thể được hiểu là đẹp lòng Chúa và đem ích lợi cho những người thuộc về Ngài.

Tại sao sứ đồ Phao-lô không viết đầy đủ hơn “Hỡi kẻ làm cha mẹ” mà chỉ viết “Hỡi kẻ làm cha”? Vì cha là vai trò chính trong gia đình. Cũng vì thế nên những người cha không thể đổ trách nhiệm dạy dỗ con cái lên người vợ. Người cha không thể nói rằng “con hư tại mẹ”; nhưng người cha có trách nhiệm nặng nề trên con cái.

Câu “chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” đề cập đến trường hợp đặc biệt tại Hội Thánh Cô-lô-se. Chữ “chọc giận” nên hiểu là gây cho khó chịu, gây cho cay đắng, hơn là gây cho nổi giận; nhưng sự khó chịu hay cay đắng này có thể dẫn đến hành động “bội nghịch” (Phục Truyền 21:20). Tại đây sứ đồ Phao-lô không nói đến sự dạy dỗ con cái hay thẩm quyền của người cha như trong sách Ê-phê-sô 6:4; nhưng nói đến trách nhiệm và bổn phận của người cha liên quan đến bản tính của con cái.

Lời khuyên này của sứ đồ Phao-lô có thể liên quan đến một sự việc xảy ra tại Hội Thánh Cô-lô-se. Có cha mẹ vừa từ Do Thái giáo tin theo Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhưng con cái chưa dứt khoát được với cách thờ phượng trước đây, hoặc mối liên hệ với những người trước đây. Rồi cha mẹ lại có những lời lên án gắt gao với con, gây cho con “ngã lòng”. Vì thế, sứ đồ Phao-lô kêu gọi những cha mẹ Cơ Đốc hãy xử trí khéo léo đối với con cái trong trường hợp như vậy; đừng áp đặt kỷ luật để bắt buộc con cái theo mình.

Ngày nay, trước những thay đổi của thế giới ảnh hưởng đến sinh hoạt thờ phượng của Hội Thánh, một số cha mẹ có thể lên án gắt gao con cái mình mà gây cho con “ngã lòng”. Khi con cái hỏi chúng ta tại sao thờ phượng phải thể này, và tại sao không được thể kia, chúng ta thường trả lời là “Thờ phượng thì phải trang nghiêm” hay là “Cứ lo cãi mà không chịu nghe lời”; nhưng chúng ta không đưa ra câu Kinh Thánh nào hậu thuẫn cho lý luận của mình. Con cái của chúng ta sẽ khó chịu về cách trả lời như vậy, rồi đâm ra chán nản Hội Thánh. Ngoài ra, khi cha mẹ có vấn đề với Hội Thánh và người khác, đưa ra những phản ứng hay lời nói tiêu cực, cha mẹ đó quên rằng mình đang “chọc giận” con cái và gây cho chính các con mình “ngã lòng” đối với Hội Thánh và trên con đường theo Chúa của chúng nó. Chúng ta dễ lắm nghĩ rằng mình sẽ gây cho Hội Thánh, vị quản nhiệm Hội Thánh, hay người trong Hội Thánh điêu đứng; nhưng không, con cái và gia đình của chúng ta điêu đứng trước.

Trên một phương diện khác, một số con cái “ngã lòng” vì dường như lúc nào cũng bị cha mẹ la rầy, và cảm thấy không bao giờ sống vừa lòng cha mẹ cả. Cha mẹ nên có nhiều lời khích lệ con cái trong các sinh hoạt, đặc biệt là việc học hành; vì ngay chính cha mẹ cũng cần lời khích lệ.

Tại sao sứ đồ Phao-lô lại đề cập đến vấn đề đời sống gia đình trong lá thư gửi cho Hội Thánh Cô-lô-se? Lý do là đời sống gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của Hội Thánh. Nếu đời sống gia đình không hạnh phúc, Hội Thánh sẽ không bình an và phát triển được; trái lại, nếu đời sống gia đình hạnh phúc, thì không những sinh hoạt của Hội Thánh được điều hòa, mà Hội Thánh còn có ảnh hưởng tốt giữa cộng đồng. Về phương diện cá nhân, nếu mối liên hệ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái không tốt đẹp, chúng ta khó gánh vác nổi cây thập tự và theo Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Nói tóm lại, vấn đề then chốt để gia đình được hạnh phúc vẫn là “hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhơn từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục,… hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau… Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương” (Cô-lô-se 3:12-14).

Mục Sư Đoàn
(BTMV 37 – Tháng 09/2013)

Bài trướcBài hát: Gia Đình Trong Chúa
Bài tiếp theoTiết Độ – 9/5/2020