Giê-rê-mi 31:21-30
“Như ta đã canh giữ chúng nó đặng nhổ, phá, đổ, diệt, và làm khốn khổ thể nào, thì ta cũng sẽ canh giữ để dựng và trồng thể ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy” (câu 28).
Câu hỏi suy ngẫm: Dân Y-sơ-ra-ên phải “dựng nêu và đặt trụ chỉ lối” để làm gì? Bằng cách nào Đức Giê-hô-va “dựng và trồng lại” nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa? Hình ảnh một người ăn trái nho chua phải ghê răng nói lên ý nghĩa gì? Khi phạm tội bạn thường nghĩ đến điều gì?
Vì bội nghịch, dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va và phải đối diện với tình cảnh hiện tại. Tuy nhiên dầu phải chịu hoạn nạn do Đức Chúa Trời trừng phạt nhưng Ngài không hề bỏ mặc họ. Ngài phán dạy họ rằng, trên con đường bị đưa đi làm phu tù qua xứ Ba-by-lôn thì “Hãy dựng nêu, đặt trụ chỉ lối; hãy để lòng về đường cái…” (câu 21), với ngụ ý rằng sẽ có một ngày không xa họ sẽ được trở về bằng chính con đường họ đã ra đi. Đức Giê-hô-va phán rằng khi Ngài đem phu tù trở về thì trong đất Giu-đa và các thành nó sẽ nói lời chúc phước vì dân của Chúa lại được đến “chỗ ở của sự công bình, núi của sự thánh khiết…” (câu 23) là nơi họ lại được thờ phượng Đức Giê-hô-va và được nhận ơn phước từ Ngài. Rồi sự thống nhất giữa Bắc và Nam lại được diễn ra khi Đức Giê-hô-va “sẽ lấy giống người và giống thú vật mà gieo nơi nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa” (câu 27). Chiến tranh đã tận diệt súc vật và con người thể nào, thì đến ngày Đức Giê-hô-va thăm viếng, chính Chúa sẽ ban lại cho họ cả người và súc vật một cách dư dật như tình yêu Ngài dành cho họ. Đức Giê-hô-va phán với họ rằng “Như ta đã canh giữ chúng nó đặng nhổ, phá, đổ, diệt, và làm khốn khổ thể nào, thì ta cũng sẽ canh giữ để dựng và trồng thể ấy” (câu 28), bởi vì chỉ duy một mình Ngài là Đấng có quyền ban phước và xuống họa cho con người.
Chính vì tội lỗi của toàn dân Chúa cho nên họ phải đón nhận sự “nhổ, phá, đổ, diệt” của Đức Giê-hô-va, dầu vậy, tình yêu và lòng nhân từ của Ngài sẽ kéo họ lại, và Ngài sẽ phục hồi dân Ngài. Tuy nhiên, vào ngày đó, mỗi người phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi mình đã phạm, không thể đổ lỗi cho tổ phụ như câu tục ngữ “Ông cha ăn trái nho chua mà con cháu phải ghê răng”. Ngày đó ai ăn trái nho thì phải tự ghê răng vậy (câu 29-30). Con người thường thấy lỗi nơi người khác hơn là lỗi của mình, và thường đổ lỗi cho người khác thay vì nhận thấy sự sai phạm của mình để ăn năn. Chỉ khi con người thật sự ăn năn tội lỗi của mình thì mới nhận được sự thương xót và phục hồi của Đức Giê-hô-va như Lời Ngài đã phán: “Như ta đã canh giữ chúng nó đặng nhổ, phá, đổ, diệt, và làm khốn khổ thể nào, thì ta cũng sẽ canh giữ để dựng và trồng thể ấy.”
Bạn có thường đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác mỗi khi làm điều sai trật không?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Con tôn ngợi lòng thương xót vô biên của Chúa đã đối cùng dân Ngài để “dựng và trồng” họ lại. Xin giúp con luôn kịp thời ăn năn để nhận được sự phục hồi từ Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Nê-hê-mi 12:1-26
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org
Kênh Youtube BHKTHN: