ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI XÃ HỘI PHÁT TRIỂN?

5954

I. Thực trạng xã hội hiện nay

A. Xã hội phát triển – Tính cách con người thay đổi

Nền văn minh của nhân loại hiện nay ngoài những thành tựu về sự phát triển do khoa học kỹ thuật mang lại, thì tình trạng đạo đức của con người đang tụt dốc và càng ngày càng sa đọa nghiêm trọng.

Chẳng khó để chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh lũ trẻ bám víu vào công nghệ để tìm kiếm niềm vui. Nhưng đằng sau những niềm vui ấy, chúng đã bị mất đi cả tuổi thơ hồn nhiên. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng hiện nay là thời đại công nghệ. Khắp nơi đều là những món đồ điện tử, từ rẻ cho đến đắt tiền, vật bất ly thân của con người đó là điện thoại di động. Thông tin cá nhân được lưu trên máy chủ, các dịch vụ điện tử, mua sắm trên mạng, đủ các kiểu phục vụ nhu cầu cho con người. Cuộc sống bắt đầu đi vào guồng quay không thể kiểm soát được, những thiếu nhi, thiếu niên thời nay không giống  tuổi thơ những thời trước nhưng lại gắn liền với những chiếc Ipad. Mỗi ngày, mỗi giờ đều “tự kỷ” với chiếc điện thoại trên tay, không còn quan tâm đến ai hết, thậm chí là người nhà mình. Những người hàng xóm thân quen trở thành xa lạ. Môi trường của những người trẻ đang tiếp xúc mỗi ngày đó không có tình yêu thương, họ không cảm nhận được yêu thương là thế nào, họ máy móc. Chính lẽ đó nên họ không thể yêu thương người khác được. Dần dần tất những điều đó hình thành tính cách của con người trong xã hội thời hiện đại, một tính cách ngang bướng, bất cần và ngỗ nghịch, dễ dàng nóng giận, gây gỗ và sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích sau cùng. Chính vì lẽ đó, tội ác xuất hiện sẽ càng nhiều, và mức độ sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.

Dĩ nhiên không ai có thể phủ nhận giá trị vật chất mà xã hội phát triển mang lại, bởi nó đem lại cho chúng ta những sự tiện lợi nhất định, có được một cuộc sống đầy đủ hơn, tiện nghi hơn. Nó đáp ứng cho chúng ta về mặt vật chất và một chút gì đó về tinh thần. Vậy đó, xã hội ngày càng phát triển, sẽ đem lại những hệ quả, tốt và  xấu. Vì vốn dĩ điều gì cũng có hai mặt của nó.

B. Xã hội phát triển -Tội ác càng nhiều

Điều thực tế xảy ra hằng ngày trên mạng xã hội, trên các trang báo đều có các tin tức về những vụ giết người. Cha giết con, cưỡng hiếp cướp tài sản, giết nhau chỉ vì tiền…và những vụ án đó xảy ra bởi vì con người không còn nhân tính.

Xã hội càng phát triển, tội ác càng gia tăng, cụ thể trong thời gian qua xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng cá nhân hoặc băng nhóm dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội. Bạo lực xảy ra ngang nhiên, công khai trước thanh thiên bạch nhật, ngay tại trong gia đình, nơi công cộng, trường học, bệnh viện… mà không cần phải lén lút trong bóng tối. Một món nợ vài triệu đồng, một cái nhìn vô tư của một người xa lạ cũng được coi là “nhìn đểu”, một vụ xô xát nhẹ trên đường, một lời nói vô tình… cũng là những lý do để bạo lực có cớ xuất hiện. Phương tiện thực hiện bạo lực gồm đủ các loại hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, mã tấu, kể cả súng đạn là loại cấm hoặc hạn chế sử dụng trong đời sống dân sự cũng được đem ra. Những vụ thanh toán đẫm máu gần đây đã khiến dư luận có cảm tưởng cái ác đang tự do lộng hành, gây nên nỗi lo sợ trong đời sống thường nhật của người dân. Và tỉ lệ phạm tội là những người trẻ là: người phạm tội từ 18 – 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%, tỷ lệ này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đa số người phạm tội đều phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, con số này chiếm 82% (Theo Báo Mới 21/10/2018). Các đây không lâu, nhiều tờ báo đã đăng tin về vụ việc “Chơi đùa với con trong công viên, cha bị đâm chết vì tưởng bắt cóc trẻ em”. Bài báo trên trang Báo Mới cho biết nạn nhân dẫn con mình đi dạo thì người bán vé số nhìn và la bắt cóc trẻ em, dù nạn nhân có giải thích nhiều lần là con ruột của mình nhưng hung thủ dí theo và đâm vào nạn nhân ngay tim và tử vong tại bệnh viện. [1] Chỉ vì một lời nói của người bán vé số và rượu mà đứa trẻ mất cha. Nạn nhân trong vụ việc kể trên là tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Hậu Nghĩa, Long An.

C. Xã hội càng phát triển – Tội ác càng trẻ hóa

Các hung thủ đều trong lứa tuổi rất trẻ và chắc chắn thiếu hẳn sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình. Bản thân lại thích ăn chơi, đua đòi… nên đã gây tội ác ở lứa tuổi đẹp nhất đời người. Theo thống kê hơn 3.340 trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong sáu tháng đầu năm 2017. Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an cho thấy trong hai năm (2014-2015), toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật do hơn 25.000 trẻ em và người chưa thành niên gây ra. Trong đó, phần lớn là các hành vi cướp tài sản (2.105 vụ), cố ý gây thương tích (3.236 vụ), gây rối trật tự công cộng (2.035 vụ), trộm cắp tài sản (4.027 vụ)…Cơ quan công an đã xử lý hình sự 5.667 vụ với hơn 8.300 người. Đáng chú ý, số trẻ dưới 14 tuổi chiếm tỉ lệ gần 20%. Thống kê mới đây của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh cho thấy rất nhiều đối tượng phạm các tội liên quan đến ma túy, tội phạm hình sự phần lớn có sử dụng ma túy. Trong khi đó số đối tượng nghiện ma túy tuổi từ 16 đến dưới 30 chiếm hơn 60%. Từ đó cho thấy số đối tượng phạm tội hình sự đều ở lứa tuổi còn rất trẻ. [2]

D. Xã hội phát triển – Con người sống “mackeno” (mặc kệ nó)

Một bộ phận giới trẻ hiện nay coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của mình và người khác. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không. Con người không thể kìm chế tự ái của mình, hay cơn giận khi sĩ diện bị xúc phạm. Không dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác hoặc hành vi xúc phạm của người khác đối với mình.

Một đứa trẻ đang ở tuổi học tập làm người lớn thì nó sẽ học được gì khi mà thế giới xung quanh nó luôn là những thứ mang tính tiêu cực: người lớn không tôn trọng nhau, sẵn sàng mạt sát nhau kể cả trên mạng ảo, những sai lầm của người nổi tiếng (dù cố ý hay vô ý), cũng bị đem ra mổ xẻ đầy soi mói, ác ý. Sự vô cảm của cả xã hội trước những hành vi man rợ, tàn bạo, tính bốc đồng và bầy đàn của đám đông. Đời sống của con người đang phát triển mạnh mẽ về công nghệ, máy móc, con người có thể kiếm được nhiều tiền hơn, giàu có hơn, nhưng lại tỉ lệ nghịch với sự quan tâm giữa người với người. Vô cảm là một căn bệnh hiện không có trong danh sách của ngành y học, nhưng nó đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, một số người chỉ lo vun vén cho đời sống cá nhân và quay lưng lại với cộng đồng xã hội. Chỉ lo chạy theo giá trị vật chất, đôi khi con người ta đã vô tình đánh mất đi vẻ đẹp đích thực của tâm hồn. Cuộc sống dù có sung túc hơn, giàu sang hơn, nhưng khi con người không biết quan tâm yêu thương nhau, thì đó vẫn không được xem là cuộc sống trọn vẹn được. Sự vô cảm đánh mất dần giá trị nhân văn trong cuộc sống vốn có, làm khoảng cách giữa con người với con người ngày càng rộng lớn, đó là khoảng cách giữa các tâm hồn, khoảng trống của lòng người. Con người sẽ trở thành những cỗ máy vô tri, vô giác, nó vô tình tiếp tay cho cái xấu trong xã hội. Và từ sự vô cảm đó làm cho con người mất hết tình người mất hết nhân tính. Trong Kinh Thánh có chép: “Vì sự gian ác sẽ gia tăng nên tình yêu thương của nhiều người cũng phai nhạt dần” (Ma-thi-ơ 24:12 – BDM).

Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, “máu lạnh” với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại…Trước đây, vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhưng bây giờ đang có chiều hướng lây lan, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh có tính xã hội. Trong cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại thì lối sống hưởng thụ và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một bộ phận người Việt Nam. Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng; một vụ làm nhục người khác… như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt. Từ những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt nhưng không ai lên tiếng can ngăn và thế là dẫn tới án mạng. Tại sao người ta không can thiệp? Bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi người ta sợ liên lụy, mang vạ vào thân. Khi sự gắn kết giữa người với người trong xã hội bị rạn nứt, thậm chí bị đứt gãy thì nó làm cho con người không dám tin vào điều thiện, không dám đứng lên chiến đấu chống cái xấu và cái ác.

Qua báo chí, chúng ta biết tại Đồng Nai, ngày 26/7, chỉ vì anh Lưu Minh Trung (22 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) giặt giẻ lau làm văng nước ra xung quanh mà bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (41 tuổi, bán thịt heo ở chợ Phương Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) tức giận, dẫn đến cãi nhau. Thấy Trung xông tới định đánh, sẵn dao trong tay, bà Hồng đâm 2 nhát trúng ngực và bụng khiến nạn nhân tử vong. [3] Một vụ án mạng khác: Vì từ chối nhậu tiếp mà anh Đỗ Văn Oanh (24 tuổi) bị nhân viên một quán thịt vịt trên phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) lao vào đâm chết, 3 người bạn đi cùng bị thương nặng. Vụ việc xảy ra vào rạng sáng 15-6…[4]. Đây là những vụ án vì sự vô cảm và xem thường mạng sống của người khác và giết nhau.

II. Những điều cần phải làm

A. Thực hành Lời Chúa dạy

Qua những điều trên chúng ta là một Cơ Đốc nhân chúng ta phải sống và làm gì? Vì như có chép rằng: “Vậy anh em hoặc ăn hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).Chúa Giê-xu kể câu chuyện thầy tế lễ thấy người bị nạn nằm bên đường mà không cứu, người Lê-vi cũng thấy người bị nạn cũng không cứu, chỉ có người Sa-ma-ri thấy người bị nạn là ra tay cứu ngay. Nếu trì hoãn không cứu ngay thì kết cuộc người bị nạn rất thê thảm. (Lu-ca 10:30-35).

Người chăn chiên mất một con chiên (trong Lu-ca 15), ông ta lo tìm chiên ngay, không chần chờ, không trì hoãn. Thử nghĩ xem, nếu để vài ngày sau mới lo đi tìm chiên thì thế nào? Chắc chắn vì quá trễ, vì chiên bị đi lạc quá xa, bị người khác bắt hoặc ở trong bụng thú dữ rồi. Chúng ta đang nhìn thấy cảnh tượng gì trong sách Ê-xê-chi-ên 34:6 “Những chiên ta đi lạc trên mọi núi và mọi đồi cao, chẳng có ai kiếm, chẳng có ai tìm”. Người chăn bầy thuộc linh cần nhìn thấy những con chiên bị lạc mất để ra tay cứu giúp, các bậc cha mẹ phải thấy con mình đang trong tình trạng nguy hiểm về thuộc linh, có thể chết mất trong tội lỗi, phải nhìn thấy lo cứu và cứu ngay.

Phải chăng giới trẻ, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi đang bị bỏ rơi và bị lạc mất ngay trong chính Hội Thánh của chúng ta? Hội chúng không quan tâm đã đành, còn giới lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm, các bậc phụ huynh cũng thờ ơ sao? Có thể chúng ta nói chúng ta đã quan tâm, nhưng chúng ta đã quan tâm lúc nào, vào thời điểm nào? Phải chăng khi thời điểm tệ hại nhất? Phải chăng khi nếp sống diễn biến theo chiều hướng xấu lúc đó mới quan tâm chăng? Hãy nhớ trong ẩn dụ Chúa kể, người chăn có một trăm con chiên chỉ lạt mất một con, là người chăn biết lo đi tìm ngay. Chi tiết này cho thấy người chăn luôn luôn quan tâm đến bày đàn của mình, một sự quan tâm tích cực. Còn bầy chiên của chúng ta thì sao?

B. Người lớn cần làm gương tốt cho người nhỏ.

 Là con cái Chúa, cần được soi rọi dưới ánh sáng Phúc Âm và góc nhìn Cơ Đốc, chúng ta biết rằng càng gần ngày Chúa trở lại, ma quỷ, Sa-tan càng giận hoảng, hoành hành. Dù thực tế cái ác đã hiện diện kể từ khi con người phạm tội ở vườn Địa Đàng. Từ đó nó len vào thế gian, vào trong mỗi người, để rồi khi gặp thời cơ là chúng trỗi dậy, biến những con người, những đứa trẻ vốn lương thiện, thậm chí chưa có tiền án tiền sự, mặt mũi ngây ngô, bỗng chốc trở thành kẻ thủ ác, giết người man rợ một cách rất vô tư  hồn nhiên. Có bao giờ chúng ta  tự hỏi tại sao người ta có thể dễ dàng giết người, giết nhau như thế? Các vụ án chấn động xã hội diễn ra hầu như hàng ngày nói lên điều gì? Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần có tiếng nói, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng Cơ Đốc, cần những giải pháp tích cực nhằm phát huy, lan tỏa văn hóa Cơ Đốc ra cộng đồng, nhằm hạn chế và là rào chắn trước làn sóng cái xấu, cái ác đang ngày càng nổi lên, lan rộng và trẻ hóa. Cụ thể các Gia đình Cơ Đốc cần làm gương, thay đổi từ những hành vi nhỏ nhất, ý thức hướng đến việc bảo vệ và phát triển đạo đức cộng đồng. Cần xem lại những gì con cháu chúng ta đang tập chú vào như phim ảnh, mạng xã hội, nhất là các loại game. Một nhà tâm lý còn khuyên ngay cả thói quen lâu nay của các gia đình là giết mổ động vật sống để phục vụ cho bữa ăn gia đình cũng cần để ý, tránh xa tầm nhìn của trẻ nhỏ. Các bật phụ huynh cần quan tâm đến con em mình hơn, cần lắng nghe, chia sẽ với con em mình nhiều hơn và dành thì giờ quan xác con mình để hiểu con mình hơn. Trong Châm Ngôn 22:6 có chép: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”

C. Gia đình quan tâm nhau hơn

Ngày nay có nhiều người có cách sống Chúa nhật thì đến nhà thờ, đưa con mình đến nhà thờ  vào  ngày Chúa nhật, còn thứ hai đến thứ bảy đi đâu, làm gì tùy ý không quan tâm các con mình như thế nào. Theo quan niệm con mình đến nhà thờ là bình an rồi, an tâm rồi. Nếu muốn có niềm tin, lòng kính sợ Chúa, thì chính gia đình phải có niềm tin và lòng kính sợ Chúa thể hiện trong đời sống của Cha – Mẹ và làm gương cho con cái mình.

Con cái là cơ nghiệp do Đức Chúa Trời ban, nên Ngài đã giao cho các bậc cha mẹ trách nhiệm dạy dỗ con cái theo đường lối Chúa. Và cơ nghiệp này có bền vững hay không tùy thuộc vào việc người lớn có làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái cho Chúa? Di sản đức tin Cơ Đốc sẽ được lưu truyền bằng cách dạy đạo cho con cái từ gia đình. Nếu không, nó sẽ mai một dần và có nguy cơ phá sản. Gia đình là nơi thân thuộc nhất của trẻ, nơi chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống… Lời Chúa đã chỉ rằng, cha mẹ cần ân cần dạy bảo con cái trong Chúa: “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.”(Phục. 6:7). “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Ê-phê-sô 6:4) Hãy sửa phạt con cái khi thực sự cần thiết, bởi sự sửa phạt nghiêm khắc đúng lúc sẽ giúp con cái của bạn. Là cha mẹ, hãy lắng nghe con khi con trút bầu tâm sự, hãy tôn trọng và chú ý đến mong muốn của nó, đừng bao giờ cười nhạo hay bác bỏ ý kiến của nó ngay khi con trẻ chưa kịp chia sẻ. Hãy cho nó những gợi ý, những lời khuyên, những sự chọn lựa. Hãy đặt ra các giả thuyết về kết quả việc làm mà con có thể chưa nghĩ đến, chưa thể thấu đáo trong vấn đề mà gia đình đang gặp mâu thuẫn. Hãy trở thành người bạn, người mà con cái có thể tin cậy. Là cha mẹ hãy dành thời gian cho con mình nhiều hơn, hãy đặt chính mình vào tâm lý con mình để hiểu rõ con mình hơn.

D. Về Hội Thánh:

Hội Thánh dưới góc nhìn của nhiều bạn trẻ Cơ Đốc chính là “ngôi nhà thứ hai”. Nhưng cũng không ít bạn cho rằng nó chỉ là cái “nhà thờ”, “nơi sinh hoạt tôn giáo”, “nơi giao lưu, học hỏi”…

 Mục sư, người hướng linh hay những người đặc trách thanh thiếu niên rất quan trọng. Chẳng những cần cái tâm, cái tầm, mà còn phải thấu hiểu, gắn bó với các bạn trẻ và buộc mình vào chức vụ. Tính cách và hoàn cảnh mỗi bạn mỗi khác, rất cần sự quan tâm sâu sát. Đặc trách cũng là người chăn bầy, người nối kết thanh thiếu niên với Hội Thánh. Các bạn trẻ với rất nhiều năng lượng và nhiệt huyết sẽ không được góp phần vào công việc nhà Chúa nếu những người lãnh đạo Hội Thánh không trao cho họ cơ hội, khiến họ không thấy mình có trách nhiệm gì cả, mà trách nhiệm thuộc về “người lớn”, về các chức sắc trong Hội Thánh. (Và Người Linh Dẫn có vai trò rất quan trọng, là cầu nối của Gia Đình và các bạn, là người cố vấn, người giúp các  thành viên trong ban gắn kết với nhau, là người dạy dỗ về phương diện thuộc linh….-  Trích một phần trong sách Khởi Đầu Đúng Đắng Tập 1)

Lãnh đạo thuộc linh cũng là người chăn, nếu chúng ta không kiếm tìm họ, chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho ma quỷ. Vậy nên, sự sống còn của thanh thiếu niên thuộc linh lẫn thuộc thể có phần không nhỏ của những người xung quanh, đặc biệt là gia đình và Hội Thánh. Vì vậy, hãy cứu lấy thế hệ trẻ trong Hội Thánh, hãy đi ra tìm kiếm và đem họ về, “…nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:18-20)

E. Về Bản Thân:

Chúng ta là một Cơ Đốc nhân mà Chúa đặt để ở thế gian này. Chúng ta là ánh sáng của Chúa phải tỏa sáng cho những người xung quanh. Trong Kinh Thánh có chép: ‘Các ngươi là sự sáng của thế-gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân-đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời.”(Ma-thi-ơ 5:1-16).

Chúa Giê-xu là ánh sáng thật cho trần gian và chúng ta là môn đệ của Chúa cũng phải tỏa ánh sáng giống như Chúa. Hình ảnh đầu tiên của việc soi sáng là cái thành ở trên núi. Đây nói đến một điều hiển nhiên, không thể chối cãi. Một cái thành ở trên núi là điều mọi người phải thấy. Nếu đời sống của chúng ta trong trần gian nầy không nổi bật lên với những cá tính của người tin Chúa, nếu người khác không biết chúng ta là người tin Chúa qua nếp sống của chúng ta thì chúng ta chưa là ánh sáng của thế gian! Hình ảnh thứ hai của việc soi sáng là cái đèn. Đặc điểm của ánh sáng là soi sáng như chúng ta thắp đèn để có ánh sáng. Không ai thắp đèn rồi lấy thúng úp lại cả! Chữ cái thùng trong nguyên văn là modios, là vật dụng để đong lúa, tương đương với tám lít nên đây là hình ảnh của cái thúng. Nói khác đi, thắp đèn là để cho sáng, thắp đèn rồi đem che lại là làm hai điều tương phản cùng một lúc là chuyện ngược đời, không thể xảy ra được! Đèn phải được đặt đúng chỗ (trên chân đèn) thì mới làm được mục đích của cái đèn. Chúa Giê-xu gọi chúng ta là ánh sáng cho trần gian nhưng đây là ánh sáng soi sáng, ánh sáng tỏa rọi. Chúng ta phải tỏa rọi ánh sáng của Chúa cho trần gian như cái đèn để trên chân đèn (Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy). Chúa cho thấy ánh sáng chúng ta tỏa rọi cho mọi người thấy là những việc lành của chúng ta. Việc lành không nói đến làm lành lánh dữ hay bố thí nhưng là công việc tốt lành hay đời sống tốt lành của người tin Chúa. Đời sống đã được Chúa biến đổi phải nẩy sinh ra việc lành (Ê-phê-sô 2:10). Trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22) là hình ảnh của những việc lành đó. Kết quả sau cùng là Cha của chúng ta trên trời được sáng Danh (c. 16b).

Tóm lại cần có giải pháp chung

Cần có nhiều hơn những dịp để bước tạm ra khỏi xã hội hiện tại, cần những lần cà phê nói chuyện với nhau nhiều hơn, tập sống yêu thương và hãy để Chúa ngự ở giữa những cuộc nói chuyện. Đừng gạt phăng đi hết những gì người khác nói và bình luận về mình, nhưng hãy tập yên lặng, lắng nghe và suy ngẫm, xem thử điều người đó nói đúng hay sai, lúc đó, tranh luận cũng chưa muộn. Nhưng không phải tranh luận rồi ầm ĩ lên, cáu bẳn lên nhưng hãy tranh luận trong trong sự yêu thương, hạ mình và hiệp một; cùng nhau lắng nghe và tiếp nhận giải pháp của nhau. Giữa một xã hội bộn bề, vô cảm, hãy sống đầy tràn tình yêu thương, vì như vậy, các Cơ Đốc nhân mới có thể trở thành ánh sáng cho mỗi người khác, để họ còn được nhìn biết và chiêm ngưỡng chính Chúa qua đời sống giàu sự yêu thương và cảm thông của chúng ta.

Phương Quỳnh

Chú thích:

[1]https://baomoi.com/choi-dua-voi-con-trong-cong-vien-cha-bi-dam-chet-vi-tuong-bat-coc-tre-em/c/29740964.epi?fbclid=IwAR3Z8DQBdF7Tw_lMOdrvecnnyYREWH2cEczaCFNBxk-YtzTEPKayy3KGs5c

[2]http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Tre-em-pham-toi-ngay-cang-vuot-qua-gioi-han-cua-do-tuoi-461802/

[3] https://nld.com.vn/ban-doc/chuyen-vat-cung-giet-nguoi-20150810214354085.htm

[4] như trên

Bài trướcKỳ trại đáng nhớ!
Bài tiếp theoCơ hội để nói!