Chúa Hạ Mình Giáng Thế

5352

Cứ mỗi mùa Nô-ên, chúng ta lại chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh bằng việc trang trí, tập hát, v.v…  Nhiều người trong chúng ta thường ao ước thầm lặng về những háo hức tuổi thơ của mình về Giáng Sinh và chúng ta trịnh trọng tuyên bố: “Mùa Giáng sinh năm nay sẽ khác, nó sẽ tốt đẹp hơn năm ngoái.” Năm nay, một mùa Giáng sinh nữa lại trở về làm cho ai nấy trong chúng ta cũng bồi hồi xao xuyến. Sự kiện kỷ niệm Giáng Sinh là dấu ấn quan trọng nhắc nhở Hội Thánh và các dân tộc trên thế giới về tình yêu thương, sự hy sinh và sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu dành cho các quốc gia, các thứ tiếng, mỗi con người đang sinh sống trên trái đất này. Bên cạnh vô số hoạt động đón mừng Chúa Giáng sinh như: truyền giảng, nhóm họp, vui chơi, tiệc tùng…, có ai trong chúng ta suy nghĩ về phương cách và tâm tình của Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài đến thế gian hay không? Sự Giáng Sinh của Ngài cho thấy những mục tiêu cao hơn, vượt xa hơn những nghi thức của lễ hội thời hiện đại.

  1. Phác họa bức tranh câu chuyện Giáng sinh.

Kinh Thánh Lu ca 2:7 chép: “Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở”. Đang khi suy gẫm về chủ đề Giáng sinh, tôi chợt nhớ có ai đó đã giảng về câu gốc nầy, sử dụng đề tựa: “Phép lạ trên con đường máng cỏ”. Đề tựa ấy thật là hay và lôi cuốn, và nó cũng thích hợp vì thực sự có một phép lạ trên “con đường máng cỏ” trong đêm Chúa Giê-xu ra đời.

Bối cảnh của câu chuyện này thường được phác hoạ ra những bức hình hay trên bản vẽ, hoặc có khi với những “nghệ sĩ” trong vai Giô-sép, Ma-ri với cảnh vật nhà quê yên bình. Tại đó có Ma-ri và Giô-sép đang đứng nhìn Chúa Giê-xu nằm ngủ trong chiếc máng cỏ bằng gỗ sạch sẽ. Đôi khi có một luồng sáng phát ra từ Con Trẻ Giê-xu. Rơm thì sạch sẽ, phía trên cao những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, gần đấy bầy gia súc nằm nghỉ và con lừa trung thành (luôn luôn có một con lừa) nhìn theo bố mẹ hạnh phúc kia. Và có mấy gã chăn chiên cùng mấy thầy bác sĩ sấp mình xuống trước Con Trẻ đang nằm trong máng.

Như tôi đã nói, đây là một bức tranh rất dịu dàng và xinh đẹp. Bạn không thể đặt cảnh xinh đẹp và rất dịu dàng ấy vào bất kỳ một địa điểm công cộng nào trong thời buổi nầy. Nếu làm thế, bạn chắc sẽ bị rắc rối ngay. Đó chỉ là phác họa hoàn toàn câu chuyện vào trong một bức tranh với thời gian ngắn, nhưng sự thật thì không phải như thế. Bởi lẽ khi Chúa Giê-xu Giáng sinh nơi Ngài nằm không thể sạch sẽ được, chẳng một thứ gì là xinh đẹp như chúng ta thấy, và chẳng có lý do gì để tin rằng mấy gã chăn chiên cùng mấy thầy bác sĩ từng nhìn thấy Chúa Giê-xu cùng một lúc cả đâu.

Vấn đề chính ở đây là gì: Vì sao Con của Đức Chúa Trời từ trời đến với đất và chào đời trong một chuồng chiên? Để giúp cho chúng ta suy nghĩ về sự kiện ra đời của Chúa Giê-xu, chúng ta hãy cùng nhau đặt câu hỏi: 1) Có gì sai với bức tranh nầy không? 2) Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép điều đó xảy ra? Chúa Giê-xu không nên ra đời trong cái chuồng chiên tồi tàn đó – nhưng Ngài đã ra đời ở đó. Chắc chắn đây không phải là một sự tình cờ – mà là một sứ điệp từ Đức Chúa Trời đến với mọi lòng của chúng ta.

2) Có gì sai với bức tranh nầy?

Giả sử bạn có hết thảy quyền phép và có thể chọn thời gian và không gian cùng tư thế ra đời của con trai bạn thì bạn sẽ chọn để cho con mình ra đời ở đâu? Hẳn là một nơi tốt thơm tho, đầy đủ tiện nghi, ấm áp và nhiều người hầu hạ. Nhưng Chúa Giê-xu lại khác với những gì bạn và tôi đặt ra vì Ngài không thuộc về nơi nầy. Ngài là Con của Thượng Đế đến từ trời. Ngài không đáng bị đối xử như một kẻ du mục như vậy. Ngài xứng đáng với phần tốt nhứt mà thế gian phải dâng hiến cho Ngài. Ngài đến với con người trong một chuồng chiên sao? Ồ, không thể nào, làm sao có thể được như thế chứ? Cho phép tôi trình bày theo cách khác. Đức Chúa Trời có thể làm tốt hơn và vượt quá mọi điều của con người suy nghĩ. Vậy thì điều gì đang diễn ra ở đây vậy? Tại sao chẳng còn có chỗ trong nhà quán nữa?

Có lẽ chỗ phải bắt đầu là một chút lưu ý về thành Bết-lê-hem. Nếu bạn đến viếng thăm Bết-lê-hem ngày nay, bạn sẽ thấy đấy chỉ là một thị trấn khá lớn, rộn ràng của người Ả-rập nằm cách thành Giê-ru-sa-lem về phía Nam khoảng 7 hay 8 dặm. Địa điểm nằm trong phần hay căng thẳng của thế giới hôm nay, và mặc dù không nên đi bộ từ thành Giê-ru-sa-lem đến  Bết-lê-hem, bạn có thể thực hiện điều đó thật dễ dàng trong một hay hai tiếng đồng hồ. Trong thời của Chúa Giê-xu, Bết-lê-hem là một ấp nhỏ của người Do Thái, một ngôi làng nhỏ bên đường, một trong những thị trấn ít quan trọng trong tất cả thị trấn của xứ Giu-đa. Một tác giả đã gọi nơi ấy là một cái ‘thôn’, ý nói ngôi làng nhỏ bé. Có mấy gã chăn chiên sống ở đó, mấy nhà nông, vài thương buôn, và chỉ bấy nhiêu thôi. Đây là một ngôi làng nhỏ của người Do Thái đã được làm cho nổi tiếng chỉ vì đấy là thị trấn quê hương của Vua Đa-vít.

Một phần của câu chuyện có liên quan đến một người có tên là Caesar Augustus ở La mã xa xôi kia. Ông ta đã ra chiếu chỉ phải điều tra dân số để thu thuế trên khắp đế quốc. Cuộc điều tra dân số đòi hỏi rằng hết thảy những người nam Do Thái phải quay về thị trấn quê hương của tổ phụ họ để đăng ký. Vì Giô-sép là dòng dõi vua Đa-vít, ông phải trở về thành Bết-lê-hem. Điều nầy “xảy ra” khi Ma-ri đang ở chặng cuối của thai kỳ khi họ đến tại thành Bết-lê-hem (Lu-ca 2:1-5). Tôi dùng chữ “xảy ra” ở phần trưng dẫn, vì Đức Chúa Trời đã sắp xếp mọi sự để hoàng đế phát ra chiếu chỉ đúng vào thời điểm và đúng lúc, đúng kỳ Ma-ri và Giô-sép về đến tại thành Bết-lê-hem. Họ đến tại nơi mà tiên tri Mi-chê nói chính xác họ sẽ có mặt khi Chúa Giê-xu ra đời (Mi-chê 5:1). Mọi sự dường “xảy ra”, nhưng xảy ra bởi bàn tay của Đức Chúa Trời đang tể trị qua lịch sử để hoàn thành ý định của Ngài. “Nếu Đức Chúa Trời ấn định việc ấy, Ngài sẽ dọn một con đường”.

3) Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho đều đó xảy ra?

Để có một câu trả lời, chúng ta hãy quay trở lại một chút. Giô-sép và Ma-ri bị buộc (bởi cuộc điều tra dân số) phải trở lại thành Bết-lê-hem ở chặng cuối sự mang thai của Ma-ri. Rõ ràng là họ đến tại thành Bết-lê-hem đúng mấy ngày trước khi nàng hạ sanh Chúa Giê-xu. Bản thân chuyến đi là rất cam go và nguy hiểm. Những người Do Thái tin kính đi từ thành Na-xa-rét sẽ đi hướng Đông qua sông Giô-đanh, rồi xuôi Nam qua xứ Bê-rê, băng ngang qua xứ Giu-đê tại thành Giê-ri-cô. Họ sẽ băng qua những ngọn núi để đến thành Giê-ru-sa-lem và rồi thực hiện chuyến hành trình khoảng 7 hay 8 dặm về phía Nam đến thành Bết-lê-hem. Chuyến đi cam go ấy – Đông, Nam, Tây, Nam – giúp họ tránh không đi qua thành Sa-ma-ri. Chuyến hành trình 90 dặm phải tốn mất 6 hay 7 ngày, đi thật chậm vì thai của Ma-ri sắp đến ngày rồi. Vì vậy, họ đến tại thành Bết-lê-hem, bị xua đi khỏi nhà quán, và con trẻ phải ra đời trong cái chuồng chiên – ở ngoài trời, trong giá lạnh, chắc chắn với bầy gia súc nằm gần đó. Họ chẳng có cái gì riêng tư, không hệ thống vệ sinh, và chẳng có yếu tố bảo đảm nào hết. Tại sao Đức Chúa Trời sai Con Ngài vào trong thế gian với tư thế nầy? Trong bài giảng “Không chỗ trong quán cho Đấng Christ” của ông Charles Spurgeon đã đưa ra một số giải đáp cho thắc mắc nầy. Trước hết, Đấng Christ ra đời với tư thế nầy tỏ ra sự thấp hèn của Ngài. Ông hỏi: “Có lẽ nào là xứng đáng khi người bị chết trần truồng trên thập tự giá sẽ khoác lụa là lúc chào đời?” Câu trả lời là “không”, thật là chẳng xứng hiệp cho Chúa Giê-xu khoác lấy nhung gấm lúc ra đời. Cuộc sống mà Ngài sẽ sống chẳng khác gì một nông dân. Không gì thích hợp cho Đấng Christ hơn là ra đời trong máng cỏ một khi Ngài đã gạt qua một bên sự vinh hiển của Ngài để khoác lấy hình hài của một tôi tớ.

4). Chúa Giê-xu giáng sinh trong thân phận tôi tớ

Chúa Giê-xu, Vua của kẻ nghèo là người bị xã hội ruồng bỏ. “Trong ánh mắt của kẻ nghèo, những lụa là, nhung gấm hoàng gia chẳng có kích động gì hết, một người có cách ăn mặc như chính họ mới lôi cuốn lòng tin của họ được”. Kẻ nghèo nhìn biết rằng nơi Chúa Giê-xu, họ có một bạn hữu, là Đấng hay chăm sóc họ. Ngài đã ra đời như thế nầy để kẻ thấp hèn cảm thấy họ được mời đến với Ngài. Chính tư thế ra đời của Ngài -bị xua đi khỏi nhà quán, ra đời trong chuồng chiên – là một lời mời gọi cho kẻ bị chối bỏ, kẻ bị ngược đãi, kẻ bị xử tệ, kẻ bị quên lãng, kẻ bị người ta lờ đi, đến với Ngài để được cứu. “Chúng ta run rẩy đến gần ngai vàng, nhưng chúng ta không e sợ khi tiếp cận chiếc máng cỏ”.

Vì Ngài ra đời ở một chuồng chiên, nên hết thảy mọi người trong thế gian sẽ thấy gần gũi với Chúa Giê-xu hơn. Do việc được đặt trong chiếc máng cỏ, Ngài tự minh chứng Ngài là một thầy tế lễ được biệt riêng ra từ giữa vòng loài người, là kẻ đã chịu khổ giống như anh em mình, Ngài cũng yếu đuối như chúng ta. Về Ngài Kinh Thánh chép: “Các người Pha-ri-si và các thầy thông-giáo họ lằm-bằm, nói cùng môn-đồ Ngài rằng: Sao các ngươi ăn uống với người thâu thuế và kẻ phạm tội.’’(Lu-ca 5:30).  Ngay khi còn thơ ấu, bị đặt vào trong máng cỏ, Ngài đã được xem là bạn hữu của tội nhân rồi. Tôi thấy đây là một tư tưởng rất đáng khích lệ. Giờ đây, chúng ta biết lý do tại sao Ngài đã đến, chắc chắn chúng ta sẽ nói: “Ngài phải ra đời như thế nầy. Không thể xảy ra theo cách khác được”.

 Có một gợi ý ở đây về sự chết hầu đến của Ngài?  Bị xua ra khỏi nhà quán rồi yên nghỉ trong chiếc máng cỏ kia, Ngài đã mang rồi thập tự giá duy nhứt, mà một con trẻ có thể mang lấy – tình trạng nghèo khó cực độ và sự khinh dễ, dửng dưng của con người. Theo lời lẽ của Francis xứ Assisi: “Vì cớ chúng ta, Ngài đã ra đời như một khách lạ trong chuồng chiên rộng mở kia; Ngài đã sống ở một nơi không có chỗ để gối đầu, sống bởi lòng từ thiện của hạng người nhơn đức; và Ngài đã chết trần trụi trên thập tự giá với vòng tay ôm chặt của cái nghèo thánh khiết”.

Con trẻ nầy đang nằm đó, bị quên lãng trong cái chuồng chiên chẳng ai thèm ngó đến, yên nghỉ trong chiếc máng cho súc vật ăn, là “dấu” được ấn định của Đức Chúa Trời cho hết thảy chúng ta. Đây là sự hoá thân thành nhục thể có thật. Đây là những gì thư Phi-líp 2:7 “Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người”. Chẳng có điều gì nơi con trẻ Giê-xu tỏ ra là siêu nhiên hết. Chẳng có một vầng hào quang nào cả, chẳng có thấy một thiên sứ nào hết, và chẳng có ca đoàn nào chúc tụng. Nếu bạn có mặt ở đó, và nếu bạn chẳng có một thông tin nào khác, bạn sẽ phải kết luận rằng đây chỉ là một đứa trẻ ra đời cho đôi vợ chồng nghèo khó kém may mắn kia. Không một điều gì về những hoàn cảnh bên ngoài chỉ ra Đức Chúa Trời hết. Tuy nhiên, mọi sự trong đó – từng chi tết trong đó, từng chi tiết đơn sơ, riêng biệt, dường như là tình cờ nữa – đã được hoạch định bởi Đức Chúa Cha trước khi sáng thế. Tôi muốn đưa ra những lý do trên vì muốn cho các bạn nhìn thấy điều quan trọng:

Có ai trên trần thế này đã sinh ra nơi hang lừa máng cỏ chưa? Thế mà chính Chúa Giê-xu, là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa lại chọn nơi ấy để giáng sinh. Có lẽ vì chấp nhận sinh ra nơi thấp hèn như thế, khiêm hạ như thế, nên suốt cuộc đời trần thế của Ngài đã trải ra cho chúng ta những mẫu mực của sự khiêm nhường tuyệt vời. Thật vậy, như thư Phi-líp có chép: “Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, Nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời Là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, Mang lấy hình đầy tớ, Và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, Tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, Thậm chí chết trên cây thập tự.”(Phi-líp 2:6-8). Sự Nhập Thể của Chúa Giê-xu là hành động khiêm nhường tuyệt vời chưa từng có. Ngài là con Đức Chúa Trời, là Ngôi Lời Vĩnh Cửu…nhưng đã chấp nhận mặc lấy xác phàm để làm người như ta. Ngài cũng không chọn cho mình một người cha người mẹ quyền thế cho xứng tầm. Nhưng đã chọn bà Ma-ri và Giô-sép xuất thân từ một làng quê nghèo và là những người bình thường. Ngài còn chọn cho mình một nơi chào đời “độc nhất vô nhị”, nơi chuồng chiên máng cỏ thấp hèn. Trong suốt thời gian ở làng quê Na-xa-rét, Chúa Giê-xu vẫn hòa mình vào những công việc lao động thường ngày để phụ giúp cha mẹ của mình. Không nói nhiều, Kinh Thánh chỉ viết: “Ngài đi theo cha mẹ trở về Na-xa-rét và phục tùng họ. Mẹ Ngài ghi khắc mọi lời ấy trong lòng.” ( Lu-ca 2:51). Vâng phục trong mọi sự là một hành động của sự khiêm nhường.

Và máng cỏ nó trông chẳng có gì là…hấp dẫn cả, chỉ “đơn hèn”, thô sơ với “mùi hôi phảng phất giữa chiên bò” mà thôi. Nhưng vì trong máng cỏ đơn hèn, thô sơ đó, có “Hài nhi thánh vừa sinh ra nằm ngủ”. Vâng! Máng cỏ chỉ là máng cỏ không hơn không kém, mãi mãi tầm thường, mãi mãi đơn sơ, nếu không có “nhận vật quan trọng nhất trong vũ trụ” giáng sinh nằm trong ấy. Máng cỏ được nhiều người nhắc đến, nhớ tới, được trở thành đề tài cho vô số bài văn, bài thơ, bản nhạc, bức tranh…từ xưa cho đến nay là vì có sự hiện diện của Hài Nhi Thánh. Tôi liên tưởng đến chính đời sống tôi, nếu tôi không có Chúa, không được Chúa thương yêu, tha thứ tội lỗi, cứu vớt ra khỏi nơi thấp hèn là “hố khủng khiếp, vũng bùn lầy” (Thánh-Thi 40: 2 – BDM), nhận tôi làm con cái Ngài, ngự vào đời sống tôi, thì mãi mãi tôi cũng chỉ là một máng cỏ thấp hèn, dơ nhớp mà thôi. Tạ ơn Chúa đã “vực tôi thoát khỏi chốn sập sình, dùng tay âu yếm cứu vớt thân, linh. Từ trong hang thẳm, lên chốn cao thay. Đáng ngợi Giê-xu, Đấng vớt tôi rày.” (Lời Thánh ca 208). Câu hỏi mà con người thường hay hỏi mỗi dịp Giáng sinh về, đó là: Tại sao Chúa Giê-xu phải giáng sinh nơi chuồng chiên máng cỏ thấp hèn như vậy? Ngài được mệnh danh là “Vua của các vua, Chúa của các chúa”. Đúng ra Ngài phải được sinh ra nơi cao đẹp nhất của trần gian nầy mới phải lẽ thường tình của con người ta chứ? Tôi đọc đâu đó một bài thơ thế này:

Đây tình yêu và khiêm nhu hội tụ,
Đây thiên đàng và nhân thế gặp nhau.
Đấng vạn năng, Đấng cao cả nhiệm mầu
Thành em nhỏ, thơ ngây trông yếu đuối.

Máng cỏ chính là nơi “hội tụ” của “tình yêu và khiêm nhu” của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thật xứng đáng để Chúa Giê-xu là Vua Trời sinh ra nơi cung vàng điện ngọc sang trọng nhất của trần gian nầy. Nhưng Ngài lại sinh ra ở một nơi đơn sơ, thấp hèn nhất của con người là máng cỏ. Điều đó thể hiện sự khiêm nhu cùng tột của Ngài. Và cũng bởi sự sinh ra tại nơi thấp hèn nhất nầy mà những người đơn sơ, hèn mọn như các anh chăn chiên ngày xưa, cũng như những con người tầm thường như chúng ta ngày hôm nay mới có thể đến được với Ngài, chiêm ngưỡng Ngài, thờ phượng Ngài. Cảm tạ sự khiêm nhường tuyệt vời của Chúa Giê-xu! Những cặp từ đối lập nhau như “thiên đàng và nhân thế”, “vạn năng với em nhỏ”, “cao cả với thơ ngây”, “nhiệm mầu với yếu đuối” để làm sáng tỏ một cách mạnh mẽ tình yêu và sự khiêm nhu vô bờ bến của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Và việc Chúa sinh ra nơi máng cỏ làm cho chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho con người lớn là dường nào, đúng như lời Kinh Thánh đã bày tỏ: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc.” (Giăng 3:16 – BDM).

  1. Bài học cho tôi và bạn

Thứ nhứt, tôi và bạn học biết rằng Đức Chúa Trời sử dụng những hoàn cảnh bất lợi, chẳng có ý nghĩa chi hết lúc bấy giờ để hoàn thành mọi ý định của Ngài trong tương lai. Ở cái nhìn đầu tiên, sự kiện chẳng còn có chỗ nào trong quán dường như là một chi tiếp chẳng có ý nghĩa chi hết trong một bức tranh lớn. Có lẽ đây chẳng phải là một chi tiết nhỏ cho Ma-ri và Giô-sép đâu. Bị xua đi ngay giây phút ấy, khi con trẻ sắp sửa ra đời chắc sẽ là đau đớn lắm. Sanh con trong một chuồng chiên chắc chắn đã thử nghiệm đức tin của họ nhiều lắm. Nhất định là việc ấy chẳng có ý nghĩa gì lúc đó. Ma-ri và Giô-sép – bất luận họ sốt sắng cỡ nào đi nữa không thấy trước được thể nào sự việc “tiêu cực” nầy xoay chuyển mọi biến cố trở thành chi tiết trong chương trình của Đức Chúa Trời đưa Con của Ngài vào thế gian. Họ đã tin điều đó, nhưng họ không biết trước được. Cuộc sống thì giống như thế – chúng ta không biết điều gì sẽ đến sau đó, và nhiều việc chúng ta đang gánh chịu chẳng có ý nghĩa gì hết. Đôi khi chúng chẳng có ý nghĩa gì trong những năm sắp đến. Trong những giờ phút như thế, thay vì tìm cách giải thích những đường lối kín nhiệm của Đức Chúa Trời, hoặc tìm cách trả lời những thắc mắc khó giải đáp, chúng ta nên yên nghĩ trên những gì chúng ta biết về Đức Chúa Trời – rằng Ngài là nhơn từ, công bình, và thương xót, rằng đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta, rằng Ngài không phạm một lỗi lầm nào hết, và Ngài làm bất cứ điều chi Ngài đẹp lòng (Thi Thiên 115:3). Tôi rất được yên ủi trong sự thực Đức Chúa Trời chúng ta biết Ngài sẽ làm gì, và Ngài sử dụng mọi sự xảy ra cho chúng ta để hoàn thành mọi ý định của Ngài nơi chúng ta, qua chúng ta và cho chúng ta. Không một điều gì là phung phí cả. Đấy là sự thực đối với Mary và Giôsép. Không một điều gì phí mất cả – thậm chí chẳng phải việc bị xua đi vì chẳng có chỗ trong nhà quán.

Thứ hai, tôi và bạn học biết rằng thế gian chẳng có chỗ nào cho Đấng Christ, và nó chẳng có chỗ cho Đấng Christ trong lúc bây giờ nữa. Giăng 1:11 chép: “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy“. Chúa Giê-xu đã đến tận “quê hương” với chính dân tộc mình – và họ không chịu tiếp nhận Ngài. Ngài đã đến với những người nhìn biết rõ Ngài nhất – và họ chẳng muốn làm gì với Ngài hết. Họ đáng phải biết nhiều hơn. Họ biết rõ Ngài đã đến – Đức Chúa Trời đã phán với họ nhiều, nhiều lần với nhiều cách thức. Họ có nhiều lời cảnh báo. Thậm chí những nhà chiêm tinh ở Ba-tư đã hình dung ra việc ấy khi họ nhìn thấy ngôi sao Ngài bên Đông phương (Mathiơ 2:1-5). Nhưng sự chối bỏ Đấng Christ bởi chính dân của Ngài là một điềm gỡ cho nhiều việc sẽ xảy đến. Thế gian chẳng có chỗ cho Ngài trong lúc bây giờ đâu.

Thứ ba, tôi và bạn học biết rằng sự sỉ nhục của Ngài đã khởi sự rất sớm và cứ tiếp tục cho đến cuối cùng. Ngài đã ra đời ở ngoài vì họ không để cho Ma-ri và Giô-sép bước vào bên trong. Trong suốt chức vụ của Ngài, Ngài đã phán với các môn đồ của Ngài rằng: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Mathiơ 8:20). Ngài chẳng sở hữu một thứ gì trừ ra chiếc áo trên lưng Ngài, và khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, mấy tên lính đã bóc thăm lấy chiếc áo của Ngài. Khi Ngài qua đời, họ chôn Ngài trong một ngôi mộ mượn. Toàn bộ câu chuyện hoàn toàn là đáng nhớ nếu bạn chịu suy nghĩ về câu chuyện ấy. Sau một buổi thờ phượng vào ngày Chúa nhựt, một người bạn đến gặp tôi rồi nói: “Đúng là phép lạ. Chúng ta thờ lạy một người ra đời trong cái chuồng chiên”. Nếu điều nầy là cường điệu, quan điểm của bạn ấy vẫn là sự thật. Một người khác đến hỏi, tôi nghĩ chuồng chiên có mùi như thế nào. Tôi đáp: “Giống một cái chuồng chiên”. Đấy chẳng phải là một chỗ xinh đẹp để sanh con đâu. Cần phải nói cho sát với sự thực, ấy là chúng ta đang thờ lạy một người ra đời trong cái chuồng súc vật hơn là nói chúng ta đang thờ lạy một người chào đời trong một cung điện. Chúa Giê-xu còn hơn là một con người nữa kìa – Ngài là Con của Đức Chúa Trời – nhưng Ngài cũng là một Con Người trọn vẹn nữa. Ngài đã ra đời bên ngoài nhà quán, và Ngài đã chết ở bên ngoài các bức tường thành Giê-ru-sa-lem (Hê-bơ-rơ 13:11-13).

Thứ tư, tôi và bạn học được rằng những môn đồ Ngài dự vào số phận của Ngài. Chúng ta sống với Ngài, chúng ta chịu khổ với Ngài, chúng ta chịu chết với Ngài, và chúng ta đồng trị với Ngài. Những gì xảy đến cho Chúa Giê-xu cũng xảy đến cho các môn đồ Ngài chẳng sớm thì muộn sau đó. Giống như chẳng còn có chỗ cho Chúa Giê-xu, cũng chẳng có “chỗ” nào cho các môn đồ của Ngài nữa. Tuần nầy, tôi để ý thấy một chi tiết trong câu chuyện Giáng Sinh mà tôi chưa hề thấy trước đây. Bất cứ khi nào tôi đọc hay nghe đọc Luca 2:7, tôi luôn luôn đọc và nghe thấy cụm từ cuối theo cách nầy: “vì nhà quán không có đủ chỗ ở“. Nhưng đấy chẳng phải là điều Lu-ca đã nói. Thực sự ông viết: “vì chẳng có chỗ cho họ trong nhà quán“. Hãy nhớ, chủ nhà quán không có nghĩ gì tới việc Đấng Mê-si sẽ sắp chào đời đâu. Tôi luôn luôn đọc cụm từ ấy giống như thể chẳng có chỗ cho Chúa Giê-xu vậy. Thực ra, cũng chẳng có chỗ cho cả Ma-ri và Giô-sép nữa. Chi tiết ấy thuật lại một câu chuyện. Họ cũng phải ở “bên ngoài nhà quán” khi Chúa Giê-xu ra đời. Điều chi sẽ xảy ra cho Ngài cũng xảy ra cho họ nữa. Đấy cũng là một khuôn mẫu cho tương lai. Nhiều năm về sau, Chúa Giê-xu đã thách thức các môn đồ Ngài như vầy: “Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta” (Mác 8:34). Khi Đấng Christ kêu gọi chúng ta, Ngài buộc chúng ta phải đến rồi chịu chết với Ngài.

Kết luận

Giáng sinh là dịp để mọi người kỷ niệm sự giáng thế của Chúa Giê-xu. Mục đích quan trọng của sự Giáng sinh là tôn vinh Đức Chúa Trời và công bố Tin Lành bình an cho toàn thế giới. Tinh thần của Lễ Giáng Sinh là sự khiêm nhường, hạ mình, hy sinh, tận hiến cho Đức Chúa Trời và Hội Thánh Ngài. Đáp ứng đối với Giáng sinh là mỗi chúng ta cần nhận biết tình trạng của mình trước mặt Chúa, được Ngài thương xót và tiếp tục đẩy mạnh công tác Phúc âm cho toàn thế giới.

Tấm lòng của chúng ta có chổ đón Chúa giáng sinh vào lòng không? Đúng là một sự thực rất long trọng nằm ở đàng sau câu nói đơn sơ Lu-ca 2:7 chép như vậy: “Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chổ ở.” Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất đổi thành quan trọng nhất trong câu chuyện Giáng Sinh. Tấm biển “Không Còn Chỗ Trống” đặt ở đó vì ích cho chúng ta. Đức Chúa Trời đã đặt trước một chỗ rồi. Ngài có thể dựng lên một bệnh viện hay một cung điện tại thành Bết-lê-hem nếu Ngài muốn làm thế. Kết quả của mọi biến cố chưa được mở ra – cuộc điều tra dân số, chuyến hành trình thật dài, không chỗ trong quán, “không máng nào thay cho cái giường”, cái máng cho súc vật ăn, “mấy tấm tả lót” – hết thảy đều đã được Đức Chúa Trời sắp đặt dù khi mọi sự ấy xảy ra do cơ hội. Đức Chúa Trời muốn chẳng có chỗ trong nhà quán không phải vì cớ Chúa Giê-xu, song vì cớ chúng ta, để chúng ta có thể học biết Chúa Giê-xu là ai và tại sao Ngài ngự đến. Vì chẳng còn có chỗ trong nhà quán, sự kêu gọi sau cùng luôn luôn có tính cách riêng tư. Thế gian chẳng có chỗ cho Chúa Giê-xu. Liệu bạn có chỗ cho Ngài trong tấm lòng của bạn không?

Phương Quỳnh

Bài trướcGiáng Sinh Năm Ấy
Bài tiếp theoNên Thánh Bởi Lời Chúa – 18/12/2018