CHỊ TÔI

1933

Mỗi lần có cơ hội đi ngang qua cầu Bông, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại nhớ đến câu chuyện của chị tôi. Kim Ngân Phạm là người chị trong cùng niềm tin trong Đấng Christ, là người chị trong đại gia đình của Chúa Giê-xu. Cầu Bông là nơi chị đã dự tính trầm mình tự vẫn lúc cùng đường không lối thoát, lúc chị hụt hẫng trước những thần tượng mà chị đang gởi gắm niềm tin và hy vọng. Chị đã từng suy nghĩ “kết liễu đời mình thì tất cả nợ nần, tủi nhục sẽ được giải thoát”. Đó là ý định của chị! Nhưng chương trình của Chúa rất tuyệt vời trên cuộc đời chị. Ngài đã giải cứu chị vì danh Ngài là Đấng Giải Cứu!

Có lẽ, ai đã gặp chị tôi đều nhận xét chị là phụ nữ vất vả, chịu thương chịu khó, là mẫu người thích làm việc. Chị cảm thấy vui mừng khi được giúp đỡ, phục vụ ai đó. Hình dạng bên ngoài của chị bày tỏ khá rõ về cuộc đời của chị! Chiếc lưng còng với đôi vai trĩu xuống, nhưng đôi tay rất khéo léo và đôi chân nhanh nhẹn. Chị sắp xếp công việc nhà cửa, bếp núc rất gọn gàng, tinh tế nên. Chị cũng rất đảm đang, một mình có thể phục vụ bữa ăn cho 30, 40 người!

Cuộc đời nhọc nhằn, không lối thoát

Khi đã làm thân, tôi thường trêu chị là “nữ tướng lưng gù”. Vâng, chiếc lưng ấy đã gánh bao gánh nặng để nuôi 4 người con ăn học mà không có bàn tay người chồng giúp đỡ. Chị vốn là một giáo viên cấp I, chồng chị là một công chức trước năm 1975. Có được 4 người con, thì chồng chị bắt đầu sinh tật, ngoại tình. Dầu lúc bấy giờ chồng chị biết lỗi và xin chị tha thứ, nhưng do lòng kiêu hãnh và uất hận nên chị đã không thể chấp nhận, quyết định bồng bế các con thơ dại và một mình nuôi dạy chúng. Có lần chị tâm sự với tôi: “Giá như lúc đó tôi tin Chúa, thì tôi đã học được sự tha thứ của Chúa và chắc chắn đã tha thứ cho anh ấy, nhưng giờ đã muộn rồi! Anh ấy đã qua đời khá lâu rồi”. Im lặng, ngậm ngùi một hồi, chị lại tiếp: “Cũng do lúc ấy hay tin dị đoan, bói toán!… Thầy nói hai người không thể sống hạnh phúc bên nhau và không thể gây dựng cơ đồ cùng nhau được!”

Lúc các con chị còn thơ dại thì cuộc sống dễ dàng bươn chải, chị làm đủ thứ công việc để có tiền nuôi con, nào là làm bánh đi bán dạo, nào là gánh xôi đi bán rong buổi sáng… Khi các con vào đại học, nhu cầu tài chính đòi hỏi nhiều hơn, chị phải bán nhà để đầu tư việc học hành cho các con. Cuộc sống ngày càng vất vả. Lúc đầu thuê nhà rộng rãi, dần dà không còn khả năng nên phải thuê những căn hộ ọp ẹp… Cái khó, cái khổ không dừng lại, bao nhiêu tiền dành dụm đầu tư vào hụi hè bị mất trắng. Chị chìm ngập trong bóng tối không lối thoát! Đã vậy, chị còn bị dẫn dắt bởi thần tăm tối. Chị đi nhiều nơi để khấn vái, cầu khẩn sự may mắn của từng tờ vé số, từng con số đề, nhưng mọi điều trông đợi đó làm chị khổ thêm, nợ nần chồng chất. Chị kể rằng lúc đó bản thân suy nghĩ đi cầu một ngôi nơi “chưa đủ linh” nên có lần chị đi hơn 10 ngôi chùa trong một dịp năm mới. Chị nghĩ càng đi nhiều thì càng nhiều phước, nơi này không linh thì có nơi khác. Thậm chí dù không có tiền, chị phải vay mượn để thỉnh những bức tượng to hơn để về thờ ở nhà.

Mỗi ngày “tiền vay bạc hỏi” càng chồng chất, vay chỗ này trả chỗ kia, chủ nợ chiều nào cũng tìm đến nhà chị để đòi nợ, sỉ vả, đem đồ đạc trong nhà chị quăng ra khỏi căn hộ thuê mướn, vì không thấy món đồ nào có giá trị! Chị đã từng chịu nhục nhã xin những “cơm thừa cá cặn” của những người chung quanh để ăn qua bữa đói. Tâm trí chị cứ suy nghĩ đến cái chết, vì chết thì mới hết nhục, hết nợ…nhưng lòng thương các con, chị không đủ can đảm bỏ chúng lại mà không có mẹ chăm sóc!

Con gái út của chị tên Trang, trong tuổi thiếu niên đã được bạn làm chứng về Chúa Giê-xu và tin nhận Chúa. Hội Thánh tại một Chi Hội ở Sài Gòn đã đến thăm gia đình và tặng chị một câu Kinh Thánh: Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30). Chị chẳng quan tâm, từ trước đến bấy giờ chị chẳng thiện cảm gì về đạo Tin Lành, đạo mà chị cho là “bỏ ông bỏ bà”.

Tìm đến cái chết

Trong khi liên tục khất nợ, nài nỉ chủ nợ, có lúc chị bị nắm tóc, bị đánh, bị hăm dọa, bị làm nhục. Nhiều đêm không ngủ được! Vào một buổi sáng nọ, thật sớm tinh mơ, sau khi viết một bức thơ để lại cho các con, chị lặng lẽ đội nón ra khỏi nhà giữa lúc các con còn ngon giấc ngủ. Một bà cụ nhà đầu hẻm, thấy bộ dạng thất thần và buồn bã của chị, đã bật lên câu nói: “Con ơi, con đi đâu mà sớm vậy? Nầy, đừng làm “chuyện quẩn” nhé!”

Chị cảm thấy xấu hổ và tự hỏi “sao bà lại biết ý định của mình chứ?” Vì thế chị chỉ đáp, “con đi kiếm người quen ở quê để nhờ giúp đỡ xin việc làm”. Nghe vậy, bà cụ lấy trong túi áo cánh quạ (áo mặc trong chiếc áo bà ba màu trắng lụa) và đưa cho chị 20.000 đồng để đi xe lam và nói: “Tao không cho, mà cũng không cho mượn, cứ cầm lấy và đi làm việc mày nói”.

Bà cụ này trước nay chẳng từng nói chuyện với chị và cũng chưa từng giúp đỡ gì chị, nhưng sao chuyện xảy ra lạ quá! Chị đón xe lam để đi đến Cầu Bông từ chợ Bến Thành. Chị dừng xe bên này cầu, đi đi lại lại trên hành lang cầu Bông, đôi lần định trèo lên thành cầu… Nhưng rồi có lời phán như câu Kinh Thánh mà chị đã được tặng, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng ta…” Trời vẫn chưa sáng! Nhưng tiếng phán đó ở đâu? Quả thật nó ở ngay tâm trí chị. Chị khóc nức nở và đáp lại lời ấy rằng: “Lạy Chúa, con là người đang mệt mỏi, con đang có quá nhiều gánh nặng… Bây giờ con đến với Chúa và xin tỏ cho con việc phải làm”.

Chị lủi thủi bước những bước chân nặng nề qua bên kia cầu. Những cửa tiệm bánh ướt nóng đang chuẩn bị cho các khách hàng ăn điểm tâm. Như có bàn tay kỳ diệu của Thiên Chúa dẫn dắt, chị bước vào một cửa tiệm để hỏi xin phụ việc. Nghe giọng nói của người miền Tây, chị tôi buộc miệng hỏi: “Ủa! Tiệm này thuộc người miền Tây sao? Vì món này thường do người Bắc làm hơn!” Do còn sớm và chưa có khách nên mọi người vui vẻ bắt chuyện và họ cho biết họ đang cần người tráng bánh. Chị liền xin một ngày thử việc! Trong ngày đó, chị được nhận vào làm. Cũng trong ngày đó, chị biết người chủ cửa tiệm quê ở Cà Mau và là người có họ hàng với mình. Thật là điều lạ lùng và hết sức kỳ diệu! Lúc bấy giờ chị mới quan tâm đến câu Kinh Thánh huyền nhiệm và thành tín ấy.

Cuộc đời biến đổi khi đến với Chúa

Chị cầu nguyện tin Chúa vào tháng 5/1998 và được cô Thuỷ chăm sóc, nâng đỡ đức tin và được làm Báp-tem vào cuối năm ấy. Thay vì làm người phụ việc lo mảng tráng bánh, người chủ bà con bạn dì khuyên chị về mở quán bánh ướt để bán trong xóm chị đang sống. Quán bánh ướt chị thu hút nhiều khách hàng, dần dà chị trả xong nợ và chị đặc biệt không bán vào ngày Chúa Nhật, vì chị muốn dành ngày hôm đó để thờ phượng Chúa và nghỉ ngơi.

Các pho tượng trước kia thỉnh về, khi biết chị không thờ nữa thì một số người hỏi xin. Nhưng chị từ chối và quyết đập bể. Chị làm chứng rằng: “các của đó là thuốc đắng!Tôi không muốn ai mang thuốc đó vào người mà hãy tin Chúa – Đấng đã giải cứu tôi và phục hồi tôi, Ngài là nguồn nước ngọt ngào đầy dẫy phước hạnh”!

Sau mười năm tin Chúa, năm 2008 chị về lại quê hương Cà Mau. Gặp chị vào ngày Chúa Nhật đầu năm, với khuôn mặt đượm buồn, tôi gặng hỏi thì biết rằng chị có ao ước muốn được tham gia vào các công việc Hội Thánh. Chị tâm sự: “Từ khi tin nhận Chúa, tôi luôn ước ao được ở trong nhà Chúa và phục vụ mọi việc nhà Chúa cần, đó là niềm vui và cũng là tấm lòng tôi muốn báo đáp ơn Chúa vì tình yêu Ngài dành cho tôi!”.

Tạ ơn Chúa, kể từ đó tôi với chị cùng đi chăm sóc, chứng đạo 6 năm liền và khai mở vài Điểm Nhóm cho Hội Thánh Chúa. Có những lúc gặp nhiều khó khăn, trở ngại, chúng tôi cùng khích lệ, động viên và hiệp lực trong sự cầu nguyện.

Nơi chị, tôi nhìn thấy sự cảm thông, gần gũi với những người cùng khổ. Dù cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng chị hay giúp đỡ người khác. Chị tâm sự: “Tôi đã từng giống họ, chỉ mưu cầu về vật chất vì quá nghèo… Từ từ Lời Chúa biến đổi, họ sẽ biết tìm kiếm Chúa”.

Có lần Mục sư Quản nhiệm thấy chị lớn tuổi nên giảm bớt công việc của chị. Chị buồn và nêu thắc mắc, “Có phải tôi làm không tốt công việc nào đó nên Mục sư cắt bớt công việc tôi?” Mục sư phải giải thích và thật sự được khích lệ khi có những phụ nữ trong nhà Chúa như vậy. Nhiều lần bầu cử Ban Chấp sự Hội Thánh, chị được đề cử vào làm Chấp sự, nhưng chị từ chối và nói trước Hội Thánh rằng: “Tôi thích phục vụ chứ không thích chức vụ, xin Hội Thánh cứ để tôi phục vụ trong vị trí nhân sự là tốt rồi!”

Cầu Bông, nơi nhiều mạng người đã tự tử vì không tìm thấy lối thoát của cuộc sống. Còn Chúa Giê-xu là chiếc cầu của sự sống. Ngài là chiếc cầu nối giữa loài người và Đức Chúa Trời. Nhờ Chúa Giê-xu mà loài người thoát khỏi vực thẳm của sự tối tăm và sự chết. Ngài tha thứ, Ngài phục hồi, Ngài dẫn chăn và ban phước. Chị tôi đã kịp thời trao sự mệt mỏi, trao gánh nặng cho Chúa và chính Chúa đã cho chị trải nghiệm được sự chăm sóc, yêu thương và chu cấp.

Gần đây, vừa xây được một căn nhà khang trang, chị hết lòng cảm tạ Chúa và nói như tác giả Thi Thiên rằng: Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài! Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài. (Thi Thiên 103:1,2). Chị nói cách quả quyết rằng, “Thật thoả lòng khi đời sống tôi có Chúa, được phục vụ Chúa và được ở trong nhà Chúa để luôn ngắm xem Ngài và chúc tụng Ngài!”

                                                                                    Đầy tớ gái

Bài trướcViện Thánh Kinh Thần Học Khai Giảng Niên Học 2022
Bài tiếp theoYug Los Hauv Kev Pub – 6/3/2022