Cha Mẹ Có Nên Dùng Quyền Ra Lệnh, Cấm Đoán Con Cái?

2630

Câu hỏi:

Thưa Mục sư!

Tôi gặp khó khăn trong việc dạy con, kiên nhẫn với con thật khó, hay là tôi nên dùng quyền của người làm cha mẹ để ra lệnh, cấm đoán. Liệu theo cách này có hiệu quả hơn không?

 

Trả lời:

Chào bạn,

Đọc thư bạn, tôi hiểu là bạn đang muốn giúp con nên người đẹp lòng Chúa, vì thế bạn gặp khó khăn khi nhận ra thật khó kiên nhẫn với con, nhất là cháu đang ở vào tuổi chuyển tiếp lên thiếu niên. Tôi nghĩ rằng bạn cũng không muốn dùng quyền làm cha mẹ để gây áp lực với con. Bạn đã suy nghĩ rất đúng đắn bởi khi phải dùng đến quyền hành, chứng tỏ chúng ta đã thất bại trước sự không vâng lời của con cái. Không thể hiệu quả khi tận dụng quyền hành hay sử dụng bạo lực với con cái.

Cũng là người làm cha mẹ với những thành bại trong việc giúp con, tôi chia sẻ với bạn đôi điều.

Thứ nhất, có sự khác biệt trong suy nghĩ của cha mẹ và con cái. Cha mẹ thường yêu thương con theo cách mình nghĩ và làm; trong khi con cái nghĩ là cha mẹ chẳng yêu thương chúng. Ví dụ, cha mẹ tận dụng thì giờ kiếm tiền để lo cho con, cha mẹ nghĩ đó là đang thương yêu lo lắng cho con. Trong khi con thì muốn cha mẹ có thì giờ chơi đùa, nói chuyện, dẫn chúng đi chơi; với chúng, đó mới là thương yêu chúng! Cần bày tỏ tình thương yêu đối với con cái theo cách chúng hiểu. Khi con cái nhận ra cha mẹ đầy lòng yêu thương chúng, thì việc dạy dỗ sẽ thuận lợi hơn. Vì tình yêu thương giúp chúng ta kiên nhẫn, dung thứ (I Cô-rinh-tô 13:4, 7).

Thứ hai, dù con cái ở tuổi nào thì cũng không nên áp đặt kỷ luật, cần thương lượng, nghĩa là nói chuyện, giải thích có lý lẽ, cho con chọn lựa và chịu trách nhiệm dù kết quả hay hậu quả; chúng nó sẽ có kinh nghiệm và biết lựa chọn điều mang ích lợi cho bản thân. Ví dụ như chúng không chịu học bài, làm bài ở nhà; cha mẹ đừng la mắng và kêu ca là tại sao tôi lo cho nó mà nó chẳng biết thương cha mẹ mà lo học hành. Không hiệu quả, mà còn gây phản ứng ngược. Nên giải thích cho con hiểu là nếu con không học bài, làm bài thì ngày mai con sẽ cảm thấy khó khăn ở lớp học, ngại ngùng trước bạn bè, thậm chí sẽ chịu xấu hổ khi thầy cô khen những bạn yếu biết phấn đấu, còn mình… Nếu chúng cứ không làm bài thì để chúng kinh nghiệm hậu quả ở lớp học; như thế chúng sẽ hiểu giá trị lời khuyên của cha mẹ là vì lợi ích của chúng nó, vì sự an vui của chúng nó, chứ cha mẹ… không thiệt hại gì cả!

Đừng cấm đoán, vì không hiệu quả mà còn khiến con cái tìm cách để qua mặt cha mẹ, nói dối,… Hãy cùng ngồi lại trao đổi, tâm sự, giải thích làm hay không làm điều này điều nọ là vì quyền lợi của chính con; đừng đưa cảm xúc hay những thiệt hơn của cha mẹ vào đó. Xin đừng quên cách Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta, Ngài kiên nhẫn chịu đựng, ban bình an cho chúng ta chứ không hề gây áp lực nào. Cụm từ ân cần dạy trong Phục Truyền 6:7 sẽ khích lệ chúng ta tiếp tục kiên trì trong việc giúp con thay vì dùng quyền hành áp đặt. Bạn có thể đọc thêm quyển sách “Năng lực trong sự cầu nguyện của cha mẹ”. Trong phạm vi bài này không thể trả lời nhiều hơn, nếu có thể, bạn nên tham gia các giờ hội thảo về cha mẹ và con cái tại các Hội Thánh địa phương.

Xin Chúa thêm cho bạn niềm vui khi ân cần giúp con trong tình thương yêu, kiên nhẫn như cách Chúa đối cùng chúng ta.

Thân ái!

(BTMV 50 – Tháng 11/2015)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Thưa Mục sư” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcThơ: Bước Đi Trong Sự Sáng
Bài tiếp theoChớ Phạm Tội Tà Dâm – 28/8/2020