Cắm Và Sạc

2142

Kinh Thánh: Cô-lô-se 1: 24-29
Câu gốc: Cô-lô-se 1:28

Chủ đề “Cắm và Sạc” của Uỷ Ban Thanh Thiếu Nhi năm 2017 khiến tôi chú ý, rất thiết thực với cuộc sống hiện đại; gợi cảm xúc và đầy ý nghĩa! “Cắm và Sạc” là cần thiết để phục vụ cho nhu cầu công nghệ thông tin, “cắm và sạc” cũng là nhu cầu bức thiết để đời sống tâm linh của Cơ Đốc nhân liên tục có được năng lượng, được hữu ích… Mùa hoa anh đào tại thành phố Đà Lạt chào đón khoá hội thảo trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Những chùm hoa anh đào hồng, trắng chuẩn bị nở rộ xen lẫn, biểu hiện cảnh quan tươi đẹp đầy sức sống. Loanh quanh đâu đó cũng có những chùm hoa bằng lăng tím cùng một số loài hoa khác cũng đua nhau khoe sắc… vì tất cả đang ở mùa Xuân.

Mùa Xuân đầy những vẻ đẹp tươi thắm, ấm áp… cũng tràn đầy những ước vọng và hy vọng cho toàn bộ những khởi điểm cho một năm, của cả một cuộc đời đang chờ đợi cho lứa tuổi thiếu niên.

Tham dự khoá hội thảo gồm nhiều thành phần: các anh chị đặc trách UB.TTN của Tổng Liên Hội, các quý đầy tớ Chúa phụ trách các khu vực của các Hội Thánh… là những người đang quan tâm, có tâm tình trong công tác giúp đỡ thế hệ trẻ cùng lớn lên trong niềm tin kính Chúa, sống vì Danh Chúa và ảnh hưởng cộng đồng. Đặc biệt diễn giả là những đầy tớ Chúa đang phục vụ trong mục vụ thanh thiếu nhi Tin Lành và có người đang giảng dạy tại trường đại học Fuller, Hoa Kỳ.

Khai mạc buổi hội thảo được bắt đầu bằng sự thờ phượng qua các bài biệt Thánh Ca đem hội chúng gần Chúa và đầy cảm xúc mới mẻ tuôn tràn để bắt đầu cho suốt chương trình hội thảo. Một hoạt động tạo sự gần gũi, yêu thương, quan tâm là những cái bắt tay, chúc mừng trong Danh Chúa và làm quen. Qua hoạt động đầu giờ đưa chúng tôi một nhận thức mới mẻ của người lãnh đạo thế hệ trẻ là những người phải có sự vui vẻ, hoà nhập, mở rộng quan hệ. Phân đoạn Kinh Thánh trong Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13-27 xác định vai trò của người lãnh đạo không thể “ôm đồm” hết mọi việc, nhưng cần phải lắng nghe, khiêm nhường, nhìn thấy hạn chế của chính mình và cần sự hỗ trợ của nhiều người có ân tứ khác nhau trong công viẹc. Lãnh đạo không thể làm việc đơn độc, song cần nhiều cánh tay giúp đỡ, tư vấn, hiệp lực …vì “một con én không làm nên mùa Xuân”!

Một Hội Thánh không quan tâm đến người trẻ, không quan tâm đến đời sống tâm linh của thế hệ con em ngay bây giờ là Hội Thánh sẽ đi vào con đường “lão hoá” và không có người kế thừa! Trong lúc xã hội đang phát triển nhiều về các lãnh vực khoa học, kinh tế,… đồng thời cũng đang phát triển nhiều về tội ác và nhiều cạm bẫy tội lỗi. Người trẻ đang bị cám dỗ “thế gian hoá” và nguy cơ hư mất đời đời.

Một lý do để một ai đó được kêu gọi vào mục vụ thanh thiếu niên là lòng yêu thương, quan tâm và lo tưởng đến người trẻ (Cô-lô-se 1:28). Người trẻ là thành viên trong mỗi gia đình và những gia đình, vì Hội Thánh là một “gia đình của những gia đình”, họ phải cùng được lớn lên cùng gia đình và Hội Thánh. Người trẻ cũng cần nhận biết Chúa cách trọn vẹn và lẽ mầu nhiệm Chúa cũng phải được rao giảng cho chính họ. Phương pháp dạy bảo được đặt trên nền tảng Lời Chúa là Lời của sự sống, của sự khôn ngoan. Mục vụ của lãnh đạo thanh thiếu nhi là để giúp thế hệ trẻ nhận biết Đấng Christ rõ ràng (câu 29), phương tiện để phục vụ mục vụ này là lòng yêu thương chân tình trong công tác phục vụ hết lòng và tin cậy vào sức toàn năng của Chúa giúp đỡ chiến đấu đạt đến sự chiến thắng.

Một mô hình mới mẻ để mở mang sự thu hút giới trẻ là công tác “nhận nuôi”. Nhận nuôi nói lên tình yêu thương, chấp nhận, công nhận, xác nhận thành viên đó là một phần của một “gia đình” thuộc những gia đình. Năm người trưởng thành đức tin nuôi dưỡng chăm sóc “một thành viên” thiếu niên luôn tốt hơn. Mô hình được xác nhận trong Kinh Thánh Ga-la-ti 3:26, chúng ta là con nuôi, con đồng kế tự của Chúa Giê-xu, và chúng ta phải có trách nhiệm như Chúa Giê-xu trong công tác nhận nuôi. “Nuôi dưỡng, đào tạo, uỷ quyền” cho giới trẻ với tư cách môn đệ đích thực của Chúa Giê-xu, đồng thời chúng ta chào đón họ tham gia đầy đủ vào đời sống cộng đồng của đức tin, Hội Thánh là gia đình của Đức Chúa Trời. Điều khác biệt trước nay là một anh chị lo cho nhiều thành viên cùng lúc. Chiến lược mới là càng nhiều người quan tâm, lo tưởng đến một người vẫn tốt hơn, vì người đó sẽ đón nhận nhiều tình thương hơn. Phương cách này sẽ giúp cho mọi người trong Hội Thánh cùng làm việc và sẻ chia công việc. Sự nhận nuôi không chỉ con em trong Hội Thánh nhưng cũng có thể một trẻ ngoài xã hội đang cần nhu cầu yêu thương, quan tâm.

Mục vụ Thanh Thiếu niên phải gắn liền với mục vụ của Hội Thánh như công tác mở mang, phát triển về đời sống thuộc linh và môn đệ hoá cho Đấng Christ. Tiếp nhận thế hệ trẻ như một chi thể của Hội Thánh và cho họ nhận biết chính họ quan trọng trong Hội Thánh, đồng thời giao việc và giúp họ hoà nhập vào Hội Thánh với tư cách một thành viên có đầy trách nhiệm.

Để hiểu rõ người trẻ, nhà lãnh đạo phải biết, phải hiểu tại sao gọi họ là “vị thành niên”? Là lứa tuổi xuất hiện nhiều sự chuyển tiếp về tâm sinh lý. Với những sự bắt đầu về sinh học và được kết thúc bằng văn hoá, nghĩa là sự hiểu biết chính mình và các trách nhiệm của lứa tuổi. Các nhà lãnh đạo thanh thiếu niên cũng cần nhận rõ về các tính cách, nhân cách của từng loại người, được phô bày qua 9 kiểu mẫu: 1) loại người kinh nghiệm Chúa qua thiên nhiên; 2) loại người kinh nghiệm Chúa qua việc nghiên cứu, học biết về Chúa (người lý trí); 3) loại người kinh nghiệm Chúa qua việc phục vụ và giúp đỡ người khác (người phục vụ); 4) loại người kinh nghiệm Chúa qua truyền thống từ xa xưa (truyền thống và lễ nghi); 5) loại người kinh nghiệm Chúa qua những điều giản dị và làm việc chăm chỉ (người khổ hạnh); 6) loại ngươi kinh nghiệm Chúa bằng cách ở trong sự hiện diện của Đấng Christ (người trầm tư); 7) loại người kinh nghiệm Chúa qua việc đấu tranh cho công lý và đem những giá trị của nước Trời vào xã hội (nhà hoạt động); 8) loại người kinh nghiệm Chúa qua cái đẹp và các giác quan (người cảm xúc); 9) loại người kinh nghiệm Chúa qua những điều mầu nhiệm và sự ca ngợi (người nhiệt huyết). Hiểu rõ tâm sinh lý và nhân cách sẽ giúp người lãnh đạo hướng các em đến sự thờ phượng và kinh nghiệm Chúa tốt đẹp hơn.

Khoá hội thảo có nhiều thời gian để suy gẫm Lời Chúa qua các bài tĩnh nguyện trong Giăng 13 và Giăng 21, Xuất 18… Cánh đồng về công tác thanh thiếu niên quá rộng lớn đang cần nhiều con gặt, đang cần những nhà lãnh đạo thanh thiếu niên yêu Chúa, yêu thế hệ trẻ dấn thân vào mục vụ thanh thiếu niên. Các đầy tớ Chúa có cơ hội nhìn lại chính mình trong vai trò lãnh đạo: Tôi là một lãnh đạo vững chắc đẹp lòng Chúa hay là một lãnh đạo không vững chắc, thiếu tình thương, thiếu hiệp nhất.. không đẹp lòng Chúa? Một sơ đồ tóm tắt về hai con người lãnh đạo tốt và xấu để nhắc nhở từng nhà lãnh đạo mục vụ thanh thiếu niên khi làm công việc cũng như khi làm công tác tìm nhân sự cộng tác cho mục vụ này.

Một lãnh đạo vững chắc Một lãnh đạo không vững chắc
Khuyến khích những nỗ lực của người khác Phá hoại những nỗ lực của ngừoi khác
Chỉ ra những điểm mạnh của người khác Chú ý những lỗi lầm của người khác
Bỏ qua những sai sót Sử dụng những sai sót của người khác để làm vũ khí
Sẵn sàng thừa nhận những sai lầm của mình Che giấu và biện minh cho những sai lầm
Trao sự tín nhiệm cho người khác Đòi hỏi hoặc lôi kéo sự tín nhiệm
Vui mừng khi người khác thành công Ghen tỵ với thành công của người khác
Thích thú khi người khác làm điều gì đó tốt hơn Dễ bị đe doạ
Sẵn sàng mạo hiểm để cải thiện Chọn cách an toàn để giữ lại vị trí
Thoả lòng khi ẩn mình Đòi hỏi người khác chú ý
Nhanh chóng xây dựng đội hình Muốn làm việc độc lập

Buổi hội thảo được kết thúc qua thì giờ tâm tình các trải nghiệm trong công tác lãnh vực thanh thiếu niên của các đầy tớ Chúa. Trước mắt đầy những thách thức khó khăn cho cánh đồng lúa “Thanh Thiếu Niên” tại Việt Nam, nhưng được lệ bởi Lời Chúa “Các ngươi đừng sợ vì Ta hằng ở cùng các ngươi luôn” (Giô-suê 1:9), (Ma-thi-ơ 28:20), (Giăng 16:33), (Giăng 15:11).

Lời cầu nguyện của một đầy tớ Chúa đầy cảm xúc, nhiệt huyết dành cho thế hệ trẻ khiến mọi lòng oà vỡ… mọi lưỡi đồng thanh: “Xin Chúa sai dùng con để giúp cho thế hệ trẻ luôn được “Cắm và Sạc” trong chính dòng huyết Chúa! Dòng huyết của sự yêu thương, cứu rỗi… dầu đầy hi sinh thống khổ nhưng là năng quyền sự đắc thắng!” Mọi sự trang bị để rồi không phải dừng lại sau buổi hội thảo nhưng tiếp bước đi và hành động cho công tác cứu người trẻ và môn đồ hoá thế hệ trẻ.

Các buổi thảo luận của chương trình

Những người tham dự khóa hội thảo

Đầy Tớ Gái

Bài trướcNgày 14/3/2017: Chúa Là Công Bình
Bài tiếp theoBồi Linh, Thông Công Phụ Nữ Tin Lành Tại Tp. HCM