Cảm Thông – 7/1/2018

3126

 

Gióp 16:1-6

1 Gióp đáp rằng:
2 Ta thường nghe nhiều lời giảng luận như vậy;
Các ngươi hết thảy đều là kẻ an ủi bực bội.
3 Các lời hư không nầy há chẳng hề hết sao?
Điều thúc giục ngươi đáp lời là gì?
4 Ta cũng dễ nói được như các ngươi nói;
Nếu linh hồn các ngươi thế cho linh hồn ta,
Tất ta cũng sẽ kể thêm lời trách các ngươi,
Và lắc đầu về các ngươi.
5 Nhưng ta sẽ lấy miệng ta giục lòng các ngươi mạnh mẽ,
Lời an ủi của môi ta sẽ giảm bớt nơi đau đớn các ngươi.
6 Dẫu ta nói, đau đớn ta không được bớt;
Tuy ta nín lặng, nó lìa khỏi ta đâu? 
    

Câu gốc: Nhưng ta sẽ lấy miệng ta giục lòng các ngươi mạnh mẽ, lời an ủi của môi ta sẽ giảm bớt nơi đau đớn các ngươi” (câu 5).

Câu hỏi suy ngẫm: Những lời khuyên dông dài của các bạn ông Gióp đem đến kết quả nào? Ông Gióp khẳng định nếu ở hoàn cảnh của các bạn, ông sẽ làm gì? Chúa Giê-xu cảm thông và yêu thương nhân loại nên Ngài đã làm gì để cứu họ? Chúng ta nên có thái độ như thế nào khi đến với người gặp hoạn nạn?

Chương 16 là lời đáp của ông Gióp với các bạn mình. Mở đầu là lời nài xin sự cảm thông từ các bạn. Ông nói với các bạn rằng các lời của các bạn không an ủi được ông mà còn gây thêm cho ông sự “bực bội” (câu 2). Các bạn ông quên hẳn mục đích đến thăm ông là để an ủi ông. Vậy mà họ đã nói quá nhiều lời (câu 1) và nói không dứt (câu 3), nhưng không đem lại sự khích lệ nào cho ông Gióp cả. Ông trách các bạn dùng sự khôn ngoan, tri thức thế tục của họ để lý luận cho hoàn cảnh của ông, họ nói thật nhiều nhưng lại chẳng cảm thông với ông chút nào. Ông Gióp cho biết nếu đảo ngược hoàn cảnh, ông ở vị trí của các bạn và các bạn bị hoạn nạn như ông, thì có thể ông sẽ có nhiều lời hơn để chỉ trích người gặp nạn, nhưng ông khẳng định ông sẽ không làm vậy mà chỉ dùng lời an ủi khích lệ nhằm làm giảm nỗi đau của các bạn. Ông nói: Nhưng ta sẽ lấy miệng ta giục lòng các ngươi mạnh mẽ, lời an ủi của môi ta sẽ giảm bớt nơi đau đớn các ngươi (câu 5). Ông Gióp kết luận rằng những nỗ lực của các bạn nhằm khuyên răn ông nhưng chỉ khiến ông đau khổ thêm mà thôi!

Ai từng trải qua hoạn nạn mới thấu hiểu và cảm thông với người gặp nạn, mới có thể dùng kinh nghiệm mình đã trải qua để giúp người đang ở trong cơn hoạn nạn hữu hiệu. Đôi khi rơi vào hoàn cảnh bị hiểu lầm, thiếu sự cảm thông, chúng ta mới hiểu được người và biết cách giúp đỡ người khác tốt hơn. Ông Gióp đã học được bài học cảm thông với người khác trong tai họa ông đang chịu. Chúa Giê-xu đã giáng sinh làm người, cảm thông với nỗi khổ của con người. Khi thấy cô Ma-ri và những người Giu-đa khóc vì sự qua đời của ông La-xa-rơ, Chúa Giê-xu “đau lòng cảm động,” và Ngài đã “khóc” (Giăng 11:33, 35). Chúa đã yêu thương và cảm thông với con người trong sự đau thương vì tội lỗi, nên Ngài chịu chết trên thập tự giá để cứu họ. Lời Chúa dạy chúng ta: “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15). Chúng ta hãy học theo gương của Chúa Giê-xu và của ông Gióp để cảm thông với người khác và giúp họ đặt niềm tin nơi Chúa, vượt qua sự đau khổ.

Bạn có cảm thông, dùng lời an ủi, và khích lệ người khác khi họ gặp hoạn nạn không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương người khác như Chúa đã yêu con. Xin cho lời nói và việc làm của con đem lại sự khích lệ, an ủi người khác trong mọi hoạn nạn. Xin giúp con biết cảm thông với mọi người do tình yêu Chúa thúc giục con luôn.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 7.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Bài trướcTình Yêu Thương Lớn Lao – 6/1/2018
Bài tiếp theoGiao Ước của Tình Yêu – 8/1/2018