Biết Ý Chúa – 14/6/2018 

2545

 

Nê-hê-mi 11:1-3

1 Các quan trưởng của dân sự đều ở tại Giê-ru-sa-lem: còn dân sự khác thì bắt thăm để cho một trong mười người của chúng đến ở tại Giê-ru-sa-lem là thành thánh, và chín người kia thì ở trong các thành khác. 2 Dân sự chúc phước cho các người nam nào tình nguyện ở tại Giê-ru-sa-lem. 3 Vả, đây là những quan trưởng hàng tỉnh ở tại Giê-ru-sa-lem; nhưng trong các thành Giu-đa, ai nấy đều ở trong đất mình tại trong bổn thành của mình: ấy là dân Y-sơ-ra-ên, những thầy tế lễ, người Lê-vi, người Nê-thi-nim, và con cháu của các tôi tớ Sa-lô-môn.

Câu gốc: “Các quan trưởng của dân sự đều ở tại Giê-ru-sa-lem: còn dân sự khác thì bắt thăm để cho một trong mười người của chúng đến ở tại Giê-ru-sa-lem là thành thánh, và chín người kia thì ở trong các thành khác” (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn Kinh Thánh này ghi lại sự kiện gì giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên? Tại sao dân Chúa phải bắt thăm? Hình thức bắt thăm có ý nghĩa gì? Chúng ta cần làm gì để nhận biết ý Chúa?

Càng về những chương cuối của sách Nê-hê-mi, chúng ta càng nhìn thấy được sự ngăn nắp và trật tự trong cả bức tranh chung của dân Chúa. Bởi ông Nê-hê-mi luôn có những kế hoạch và định hướng rõ ràng, nhằm giúp dân Chúa sớm đi vào nề nếp và phát triển thêm lên. Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay là một trong những kế hoạch mà ông Nê-hê-mi vạch ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Kế hoạch này có thể gọi là kế hoạch phân bổ dân số. Trong thời điểm bấy giờ, vách thành thánh tuy đã xây xong, nhưng vì số người hồi hương ít ỏi nên dân cư sống trong thành Giê-ru-sa-lem cũng ít (Nê-hê-mi 7:4). Trước kia, khi vách thành chưa được xây sửa lại thì đó là nơi đổ nát, không an toàn. Đó là lý do vì sao hầu hết dân Chúa còn sót lại đều sống trong các thành và làng mạc nhỏ bé chung quanh. Giờ đây, khi vách thành đã được xây sửa xong, tình trạng dân số cũng không mấy cải thiện. Chính vì thế mà ông Nê-hê-mi quyết định ngoài những quan trưởng sống tại Giê-ru-sa-lem ra, thì trong vòng dân Chúa cần phải có người đến thành thánh để sinh sống. Ông Nê-hê-mi đã áp dụng nguyên tắc “một phần mười”, tức là cứ mười người thì có một người phải rời khỏi quê nhà đến xây dựng cuộc sống mới tại thành thánh. Và dân Chúa chọn hình thức bắt thăm để tìm biết ý muốn Chúa. Hình thức bắt thăm đối với người Y-sơ-ra-ên không có nghĩa là mang tính hên xui. Trong thời Cựu Ước, hình thức bắt thăm là phương cách để dân Chúa tìm biết ý muốn của Chúa trước một vấn đề mà họ không biết nên làm thế nào là theo đúng với ý Chúa (Giô-suê 18:6-10). Và trong thời điểm đó, Chúa cũng thông qua phương cách này để trả lời họ. Dân Chúa cần nhận biết ý muốn của Chúa trước để có thể sống theo ý Chúa.

Ngày nay, chúng ta có Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, và sự soi dẫn của Đức Thánh Linh để hướng dẫn chúng ta sống đẹp ý Chúa. Thế nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn thường loay hoay giữa ý riêng và ý muốn Chúa, cảm thấy khó khăn trong việc phân định giữa ý mình và ý Chúa. Nên nhớ, chúng ta chỉ có thể sống theo ý muốn Chúa khi chúng ta nhận biết ý Chúa. Vì vậy, đọc, học Kinh Thánh và tương giao với Chúa mỗi ngày là phương cách giúp chúng ta nhận biết ý Chúa trong mọi việc lớn nhỏ của đời sống mình.

Bạn có đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Chúa mỗi ngày chưa?

Lạy Chúa, xin tha thứ con vì con chưa kỷ luật trong việc đọc Kinh Thánh và tương giao với Chúa mỗi ngày. Con xin hứa nguyện với Chúa, con quyết định tìm biết ý Chúa qua Lời Chúa hằng ngày bắt đầu từ hôm nay. Xin Chúa giúp con thực hiện đúng cam kết này.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 6.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThông Báo Và Thư Mời Lễ Cảm Tạ Kỷ Niệm 80 Năm Thành Lập HT Thủ Đức
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Tỉnh Sóc Trăng