Thưa Mục sư! Con sinh ra trong gia đình có sự đổ vỡ; hằng ngày ba thường dùng lời nói thô lỗ hoặc dùng bạo lực với thành viên trong gia đình. Xin chỉ cho con cách tốt nhất để nhịn nhục trước cảnh như thế.
Trả lời:
Chào con,
Theo như trình bày trong thư, có lẽ con đang ở giai đoạn tuổi thiếu niên phải không? Đọc xong thư con, lòng người làm cha mẹ nào cũng rất xúc động, vì tấm lòng của con trong hoàn cảnh gia đình hiện tại.
Chẳng ai có thể vui sống trong cảnh gia đình luôn xáo trộn, bất an đến từ bạo lực thường xuyên như thế. Riêng với con, tuy phải chịu đựng cảnh đó lặp lại nhiều lần thì con vẫn muốn có cách tốt nhất để nhịn nhục mà không có lời cay đắng. Qua lời này, tôi tin rằng con có lòng yêu kính Chúa, cũng yêu thương cha mẹ chứ không nhìn vào cảnh nhà và than thân trách phận, hay nghĩ là mình bất hạnh. Cảm tạ Chúa ban cho con năng lực và giúp con suy nghĩ tích cực trong chỗ Chúa đặt mình.
Nhịn nhục hay yên lặng trước cảnh con đang đối diện là thái độ ứng xử khôn ngoan. Vì nếu nói hay làm gì ngay lúc ấy đều có nguy cơ gia tăng khó khăn mà thôi. Dĩ nhiên con cũng biết nhịn nhục chẳng phải là việc dễ dàng, ấy vậy mà giờ đây con quyết định hành động như thế, thật đáng trân trọng. Nhịn nhục là bông trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22), là bông trái của tình yêu thương (I Cô-rinh-tô 13:4). Đối với người theo Chúa, nhịn nhục không phải là nghiến răng chịu đựng cho qua, nhưng là biểu hiện của đức tin, của yêu thương, khởi phát từ lòng yêu Chúa, yêu người.
Con người tự nhiên luôn muốn hơn thua, muốn tranh biện và sẽ đưa ra những lý luận, tại sao phải chịu đựng những lời thô lỗ ấy, tại sao mình không làm gì sai trật mà cứ phải nghe những lời kỳ cục đó… Sau một hồi suy nghĩ theo cách đó, con sẽ muốn cãi trả, muốn đấu tranh, muốn thay đổi tình huống cho yên cửa yên nhà, bực bội quá thôi! Rồi tự nghĩ thêm, phải chi ông nói năng đàng hoàng thì tốt hơn không? Phải chi như ba của bạn A, bạn B nào đó có phải dễ chịu hơn không? Bạn bè thì tự hào về ba của nó, còn mình thì cứ phải che giấu, quanh co về hoàn cảnh gia đình, thật là chán nản! Cũng có lúc dù không thốt thành lời nhưng cũng lằm bằm, nội dung những lời phàn nàn này chẳng phải dễ nghe chút nào, vì đang buồn bực mà!
Tạ ơn Chúa khi đang sống trong cảnh này, con đã nghĩ đến Chúa và Lời Ngài, con muốn được ích lợi ngay trong chỗ Chúa đặt, con mong đợi mình sẽ đem lại điều bình an cho gia đình chứ không thêm vào những khó khăn vốn đã nhiều rồi. Thái độ nhịn nhục là đúng, kế đến, cách tốt nhất con mong đợi như trong thư con viết là trình dâng lên cho Chúa, chân thành thưa với Chúa những cảm xúc đang xảy ra trong con, ví dụ như: “Lạy Chúa, con thật sự giận câu nói của ba con, con thấy không chịu nổi những hành vi bạo lực xảy ra hôm nay, con dâng trình lên Ngài, xin ban năng lực, xin giữ con không phạm tội trong lời nói, suy nghĩ. Con tin sự cảm thông, yêu thương của Chúa, chẳng những ban cho con và dành ban cho cả ba con nữa. Xin Chúa chỉ con cách bày tỏ yêu thương cùng ba con, vì Chúa yêu thương con nên xin dùng con bày tỏ tình yêu Ngài trong gia đình của con”.
Sau khi dâng trình lên Chúa, con tiếp tục với tinh thần sẵn lòng thuận phục cách của Chúa, nếu Chúa muốn con tiếp tục được rèn luyện trong nếp sống nhịn nhục, Ngài sẽ dẫn dắt con đi qua những khó khăn. Nếu Chúa thấy bài học đã đủ, Ngài sẽ thay đổi hoàn cảnh theo cách Ngài muốn. Điều chắc chắn là Chúa yêu con nhiều hơn con yêu Ngài, tình Ngài không bao giờ thay đổi (Giăng 13:1). Vậy nên, con an tâm, con không cô đơn bởi Chúa luôn ở cùng, khi con đau lòng thì Chúa biết cả rồi, nên “trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần” (Rô-ma 8:37).
Nguyện Chúa cho con kinh nghiệm năng lực để vâng lời Chúa, nhận hưởng niềm vui tuôn trào từ Chúa để đi tới trong đức tin.
Thân ái
(BTMV 68 – Tháng 11/2018)
Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Thưa Mục sư” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633