Bạn Thuộc Kiểu Cha Mẹ Nào?  

1904

Có phải chúng ta luôn ước ao con trai mình lớn lên sẽ trở thành một chàng trai trưởng thành, kính sợ Chúa, tâm tính tốt, đời sống thật mẫu mực, có tinh thần trách nhiệm còn con gái chúng ta sẽ đằm thắm, hiền lành nhưng đồng thời sẽ là một người nữ khôn ngoan, siêng năng, đời sống kính sợ Chúa.

Có thể chúng ta chưa từng nghĩ rằng chính cách sống của chúng ta, những người cha, người mẹ và cách chúng ta quan tâm dạy dỗ con cái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách của con chúng ta.

Bạn thuộc kiểu cha mẹ nào? Có bao giờ bạn tự hỏi mình không? Chúng ta cùng đọc và xem thử mình thuộc kiểu ba mẹ nào nhé!

Có 4 kiểu cha mẹ mà chúng ta có thể tìm hiểu:  

  1. Cha mẹ tự do: Cực kỳ yêu thương con, ủng hộ con nhưng không kiểm soát con

Không bao giờ kiểm soát hành động của con, để trẻ tự do muốn làm gì mình thích cũng được, đáp ứng tất cả những yêu cầu của con vì quá yêu con mà không bao giờ hoặc ít khi hướng dẫn, dạy dỗ cho con biết cái nào đúng, cái nào sai. Luôn bênh vực con mặc dù con làm điều sai trái. Rất yêu thương, nuông chiều, tôn trọng mọi quyết định của con cách vô điều kiện, quan tâm chăm sóc con rất đặc biệt. Đứa trẻ cảm thấy rất được yêu thương và có quyền đòi hỏi ba mẹ làm mọi thứ cho mình, chẳng cần quan tâm đúng sai.

Kết quả là khi lớn lên, trẻ sẽ có xu hướng sống tự do, không có kế hoạch, trở nên vô kỷ luật, muốn người khác tôn trọng mình trong khi bản thân không quan tâm người khác nghĩ gì.

  1. Cha mẹ cẩu thả: Không quan tâm, không ủng hộ, cũng không thật sự hết lòng với con

Cha mẹ rất bận rộn và thường không quan tâm con, con muốn làm gì thì làm. Để con tự giải quyết và tự chịu trách nhiệm về tất cả những gì trẻ làm mà chưa từng hỏi han. Không bao giờ lắng nghe con, chưa từng chú ý đến nhu cầu của con, không khích lệ con cũng không bao giờ bày tỏ tình cảm với con.

Kết quả là khi lớn lên, trẻ sẽ có xu hướng sống khép kín, không quan tâm đến người khác.

  1. Cha mẹ độc tài: Kiểm soát tất cả mọi hoạt động của con, ép buộc con vào một khuôn khổ nhất định

Luôn muốn con vâng theo tất cả mọi yêu cầu mà không cần phải hiểu lý do tại sao phải làm vậy. Trẻ sống trong sự căng thẳng vì sợ mình sẽ làm sai điều gì và sẽ bị phạt. Nghiêm khắc với con. Không cần tìm hiểu nhu cầu và cảm xúc của con, không lắng nghe con để biết con nghĩ gì. Trong nhà đưa ra rất nhiều những nguyên tắc bắt con phải làm theo mà không thảo luận với con và giải thích cho con hiểu.

Kết quả là khi lớn lên, trẻ sẽ có xu hướng trở thành “người nổi loạn”, chống lại những nguyên tắc và thích tranh cãi để giành phần thắng về mình.  

  1. Cha mẹ tình cảm và có thẩm quyền trên con: Biết bày tỏ tình yêu và đưa ra những nguyên tắc kiểm soát phù hợp  

Tất cả mọi cách cư xử của con đều có sự dạy dỗ và theo sát của ba mẹ. Kịp thời nhận ra ngay những điều con làm sai để giải thích cho con hiểu và sửa sai. Nghiêm khắc với những cách cư xử sai của con. Khi muốn con vâng lời điều gì, cha mẹ đều giải thích cho con hiểu tại sao con cần phải vâng lời. Luôn tin rằng con còn nhỏ và cần phải uốn nắn mỗi ngày theo điều đúng, và cần cha mẹ bên cạnh để dạy dỗ. Rất yêu thương con, lắng nghe nhu cầu của con, quan tâm đến những gì con cảm nhận và suy nghĩ. Luôn nghĩ cách giúp con phát triển tốt nhất khả năng của con. Có thời gian vui đùa và cùng con giải quyết những khó khăn con gặp phải. Đứa trẻ cảm thấy tin tưởng ba mẹ và chia sẻ tất cả nhu cầu.

Kết quả là khi lớn lên, trẻ sẽ có xu hướng trở thành người tự tin, sống có trách nhiệm, hòa đồng với mọi người, biết bày tỏ tình thương với người khác.  

Xin Chúa giúp chúng ta cùng nhau học hỏi để  trở thành những người cha mẹ hạnh phúc ở phía sau những đứa con thành đạt và cùng nhau kinh nghiệm nhiều hơn về kế hoạch của Chúa dành cho việc dạy dỗ con cái rất rõ ràng, tích cực và thú vị khi chúng ta khám phá ra nó.

Ru Tơ Đặng

Bài trướcCộng Đồng Tin Lành Người H’rê, Quảng Ngãi – Kỳ 2: Ước Mơ Của Người Truyền Giáo
Bài tiếp theoTrưởng Thành Để Hiệp Một