Trưởng Thành Để Hiệp Một

3470

Kinh Thánh: Ê-phê-sô 4:11-16

Trưởng thành là mục tiêu của người tín đồ trong linh trình theo Chúa trên đất, sự trưởng thành giúp con cái Chúa phát huy đầy trọn nếp sống thuộc linh, sống xứng đáng là con của Chúa, có cơ hội góp phần phát triển Hội Thánh, và chuẩn bị hành trang cho chính mình để vào Thiên đàng.

I. TRƯỞNG THÀNH NHỜ HUẤN LUYỆN (Câu 11)

Chúa Giê-xu đã dấy lên trong Hội Thánh những thành phần lãnh đạo để huấn luyện tín đồ. Họ là: Sứ đồ, Tiên tri, nhà Truyền giáo, Mục sư và Giáo sư.

Mệnh lệnh Chúa trao trước khi về trời: “…dạy họ (người tin Chúa) giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:20a). Trong mệnh lệnh này có người dạy, có giáo lý để dạy và thời gian dạy là liên tục cho đến khi hết mọi mệnh lệnh Chúa truyền, điều này đòi hỏi việc dạy và học là suốt đời. Do đó, Hội Thánh không thể thiếu những người được Chúa ban cho những ân tứ để huấn luyện tín đồ trưởng thành.

Hội Thánh đang sở hữu Kinh Thánh do Chúa mặc khải và sử dụng những người đáng tin cậy ghi chép, Hội Thánh cũng đang có những nhà Truyền giáo nhiệt tâm ra đi dắt đưa nhiều người về với Chúa, gia nhập vào Hội Thánh, Hội Thánh đang cần những Mục sư chăn bầy, cũng là Giáo sư để giảng và dạy Kinh Thánh đầy ơn đặng nuôi bầy của Chúa lớn lên “trọn vẹn” (c.12), “cho đến chừng thảy đều hiệp một” (c.13), “không như trẻ con, bị lừa đảo” (c.14). Nơi nào bầy của Chúa được chăm sóc cẩn thận, nuôi dưỡng đầy đủ, nơi nào các thành phần lãnh đạo mặc lấy ân tứ và trách nhiệm Chúa giao, làm trọn trách nhiệm của mình, nơi đó tín đồ được huấn luyện chu đáo để trưởng thành. Điều này đòi hỏi người chăn bầy phải nỗ lực dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh không mỏi mệt, huấn luyện con cái Chúa sâu nhiệm trong Lời Chúa, để họ trở nên mạnh mẽ, hiệp một, trưởng thành trong đức tin mà phục vụ Chúa.

Sở dĩ bầy chiên của Chúa bị “lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành” là vì thiếu thành phần lãnh đạo, hoặc thành phần lãnh đạo không đủ năng lực để nuôi bầy. Nếu Hội Thánh có thành phần lãnh đạo đầy ơn, được huấn luyện chu đáo, con cái Chúa được trang bị Lời Chúa đầy đủ, chắc chắn rằng ma quỷ khó tấn công vào thành lũy vững chắc của Hội Thánh.

II. TÍN ĐỒ TRƯỞNG THÀNH DO ĐƯỢC TRANG BỊ (Câu 12)

Xuất phát từ thành phần lãnh đạo nhiệt tâm, chúng ta thấy câu 12 đề cập đến “Thánh đồ” tức là tất cả tín đồ được trọn vẹn trong “chức dịch” là ân tứ được giao, để cùng gây dựng thân thể Đấng Christ.

Hội Thánh là một, giống như một thân thể, nhưng Hội Thánh được ban cho nhiều ân tứ khác nhau, mục đích các ân tứ là đem sự trưởng thành và sự gây dựng cho toàn thân. Không một người nào trong Hội Thánh mà lại không có ân tứ, giống như thân thể không có chi thể nào là vô dụng vậy. Mỗi người trưởng thành phải phát hiện ra ân tứ của mình, và đem ân tứ đó góp phần vào sự gây dựng Hội Thánh.

Rất nhiều tín hữu không trưởng thành, dầu đã theo Chúa lâu năm, nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu sự huấn luyện, không chịu học Kinh Thánh, Phao-lô gọi thành phần nầy là “con đỏ trong Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 3:1).

Nếu ví Hội Thánh là bầy chiên, thì bầy đó phải ở chung ràn, cùng một người chăn (Giăng 10:16); nếu ví Hội Thánh là một thân thể, thì thân thể đó là thân thể khỏe mạnh, được ràng buộc bởi những cái lắc léo, khiến các phần giao thông cùng nhau, trưởng thành và gây dựng (4:16). Hội Thánh tồn tại và phát triển dựa vào sự trưởng thành của tín đồ, sự trưởng thành đó phân bổ ra những ân tứ phục vụ, và cứ như vậy, sự trưởng thành và ân tứ hòa quyện đem đến sự phát triển…

Chúa Giê-xu muốn nhìn thấy Hội Thánh của Ngài trưởng thành trong đức tin, phát triển mạnh mẽ, chinh phục thế giới cho danh Ngài. Hội Thánh đó phải có những người lãnh đạo đầy ơn, tín đồ phải được nuôi bởi Lời Chúa, lớn lên, trưởng thành, trở nên những người phục vụ bởi các ân tứ được ban cho. Ngược lại, Hội Thánh chậm phát triển, Hội Thánh có nhiều nan đề, nguyên do sâu xa thường do tín đồ không trưởng thành, và tín đồ yếu đuối lại thường do họ thiếu Lời Chúa từ những người lãnh đạo giảng và dạy cho họ.

III. MỤC TIÊU CỦA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH (Câu 13)

Phao lô đề cập đến những thành phần lãnh đạo để huấn luyện, rồi đến người được huấn luyện là tất cả tín đồ, qua câu 13 ông đưa ra mục tiêu của sự huấn luyện đó.

  1. Hiệp một

Người đặt đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu, phó thác cuộc đời cho Ngài cũng là người mặc lấy tinh thần hiệp một của Ngài. Càng đầu phục Chúa thì sự hiệp một càng cao.

Đức tin đặt nơi Chúa đem đến sự cứu rỗi, còn sự hiệp một là sự ràng buộc với anh em mình trong sự cứu rỗi đó. Sứ đồ Giăng giải thích ý tưởng này rằng: “…kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (I Giăng 4:20), còn Phao-lô thì nói rằng: “…cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin”, sự hiệp một là dấu hiệu của người yêu Chúa, đặt đức tin nơi Ngài và đầu phục Ngài hoàn toàn. Người chưa tin Chúa họ không thấy đức tin, nhưng họ thấy sự hiệp một trong Hội Thánh để biết rằng những người tin Chúa có đức tin mãnh liệt nơi Ngài.

Đức Chúa Giê-xu – Đấng Cứu rỗi vốn hiệp một với Cha Ngài, và Đức Chúa Trời sai Ngài đến thế gian để chuộc mua Hội Thánh, đem Hội Thánh đó về Thiên đàng để ở với Ngài một chỗ. Đương nhiên Hội Thánh sẽ hiệp một tại Thiên đàng, nơi Chúa Giê-xu đang sắm sẵn. Vậy thì không lý do gì để Hội Thánh không hiệp một ngay trên đất này, vì Hội Thánh đã thuộc về Chúa Giê-xu.

Ma quỷ có quyền rình mò Hội Thánh, nhưng ma quỷ không thể bước vào bên trong để chia rẽ, làm lũng đoạn nội bộ, nếu Hội Thánh gìn giữ sự hiệp một của Đức Thánh Linh (4:3). Một thân thể được ràng buộc bởi những cái lắc léo, thì Hội Thánh cũng được ràng buộc bởi sự hiệp một.

  1. Hiểu biết Chúa

Mục tiêu của trưởng thành là hiểu biết Đức Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời càng ngày càng nhiều hơn. Phao-lô viết cho Hội Thánh Cô-lô-se: “…vì các con mà ta lại chịu đau đớn của sự sinh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con” – Ga-la-ti 4:19. Phao-lô mong muốn Hội Thánh mỗi ngày biết về Chúa Giê-xu nhiều hơn, giống Chúa hơn, đến nỗi Hội Thánh là hình ảnh Chúa Giê-xu tỏ tường trong thế giới tội lỗi này. Điều này cũng có nghĩa là Hội Thánh phải để Đấng Christ chiếm hữu trọn vẹn đời sống của mình, Ngài làm chủ cuộc đời, hầu cho hình ảnh Đấng Christ chiếu sáng qua nếp sống chúng ta.

Như Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là sự sáng, và Ngài cũng gọi con cái Chúa là sự sáng, điều này đưa đến một kết luận rằng: Chính Chúa là sự sáng, sự sáng đó được ban cho con cái Chúa, để họ chiếu sáng sự sáng của Chúa ra cho người khác. “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo Ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 9:12b). Hãy để Đấng Christ chiếm hữu, và chiếu sáng Ngài qua chúng ta ra cho mọi người. Nhìn người tín đồ người khác biết về Chúa Giê-xu, vì người đó có sự hiện diện của Chúa Giê-xu bên trong đời sống mình. Con cái Chúa có đời sống như vậy thì sự hiệp một là tất yếu.

Tín đồ trưởng thành giống như người thành nhân, không còn là con trẻ, vì con trẻ dễ bị người ta lừa đảo, phỉnh gạt; còn tín đồ không trưởng thành thì hay bị day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc lẫn tập trung chú trọng đến sự thỏa mãn cho bản ngã của mình (c.14).

Tín đồ trưởng thành là người lớn lên giống Chúa mỗi ngày, có sự mạnh mẽ, sẵn sàng làm việc, phục vụ, chứ không phải mãi là em bé để người khác phục vụ mình. Khi mỗi người phục vụ trong tinh thần đầu phục Chúa dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh thì sẽ dẫn đến kết quả là ai nấy đều hiệp một trong Đức Thánh Linh.

MS Lenguyen

(BTMV 35 – Tháng 05/2013)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Dưỡng linh” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcBạn Thuộc Kiểu Cha Mẹ Nào?  
Bài tiếp theoPhân Phát Theo Ý Chúa – 25/8/2020