Bài 99: Đối Phó Với Hoạn Nạn, Khổ Đau

2655

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Chúng ta sẽ làm gì khi mà thế gian, bản ngã và ma quỉ dồn dập tấn công? Chúng ta sẽ làm gì khi bị những áp lực bên ngoài đè nén đến mức gần như không sao chịu được? Hôm nay chúng ta sẽ xem Kinh Thánh dạy về những lý do của đau khổ nhằm giúp chúng ta có thái độ đúng đắn khi đối diện với những phong ba, bão táp trong cuộc đời. Có lẽ tất cả chúng ta rồi sẽ trải qua những bão tố từng hồi từng lúc, nhưng Chúa có mục đích khi cho phép nó xảy ra.

Đau khổ là chủ đề được trình bày xuyên suốt Kinh Thánh. Chúng ta khám phá  chủ đề này qua sách Gióp và chúng ta cũng thấy những phần khác của Kinh Thánh đề cập đến. Một trong những phần giải luận rất tuyệt vời về đề tài này là 2 Cô-rinh-tô 6. Sứ đồ Phao-lô nói nhiều về ý nghĩa và mục đích của sự đau khổ. Phao-lô cho biết đau khổ  là một trường đào tạo của Đức Chúa Trời, qua đó Ngài huấn luyện những người hầu việc Ngài. Vị sứ đồ cho biết khi đã tốt nghiệp trường của sự đau khổ thì chúng ta được chứng tỏ là đủ tư cách để làm người hầu việc Chúa. Khi Phao-lô dùng chữ người hầu việc Chúa, ông không chỉ về các thành phần chức sắc. Ông ngụ ý rằng đây là chức vụ dành cho mọi tín hữu. Trong một thư khác, Phao-lô cho biết mục đích của Hội Thánh là gây dựng, kiện toàn các thánh đồ cho công việc Chúa. Đối với Phao-lô, chữ “thánh đồ” chỉ về các tín hữu trong Hội Thánh, là những người đã được biệt riêng ra khỏi thế gian và đi theo Chúa Giê-xu. Bất cứ ai đã được thánh hóa, được biệt riêng ra và theo Chúa Giê-xu thì người đó được gọi là thánh đồ. Như vậy, thánh đồ chỉ về các tín hữu trong Hội Thánh hay còn gọi là Cơ Đốc nhân. Trong Ê-phê-sô 4:12, Phao-lô cho biết mục đích của việc nhóm họp, thờ phượng là để gây dựng và kiện toàn các thánh đồ, để họ làm công việc Chúa. Còn Ê-phê-sô 4:12 cho biết công việc Chúa không chỉ được ủy thác cho một số ít người có chuyên môn, nhưng được ủy thác cho các thánh đồ, là những tín hữu yêu mến Chúa và hầu việc Chúa mặc dầu không có chức vị trong hàng giáo phẩm. Đó là lý do vì sao chúng tôi nhắm đến thành phần này để giúp họ học về Lời Chúa. Nếu các tín hữu được trang bị Lời Chúa họ sẽ là những người Chúa muốn dùng để hoàn thành công việc của Ngài.

Làm thế nào để quí vị chứng tỏ rằng mình là một người hầu việc Chúa? Phao-lô cho biết Chúa dùng đau khổ để trang bị chúng ta cho chức vụ. “Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn nhục lắm trong những sự hoạn nạn thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn” (2 Cô-rinh-tô 6:4-5). Những điều trên được xem là bão tố trong cuộc đời. Theo Phao-lô thì khi Chúa muốn rèn luyện chúng ta trở nên những người hầu việc Ngài, Chúa cho phép những điều đó xảy ra. Bởi vì thông qua những việc như vậy, chúng ta được trang bị trở nên người hầu việc Ngài. Điều quan trọng là thái độ của chúng ta đối với những giông bão trong đời. Câu 6, Phao-lô cho biết làm thế nào để đối phó với những áp lực nầy, “bởi sự thanh sạch, thông biết,khoan nhẫn, nhân từ, bởi Đức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình.”

Cũng trong câu 6 và câu 7, Phao-lô cho biết lý do vì sao chúng ta tìm được năng lực thuộc linh để đối diện những hoàn cảnh khó khăn cách phù hợp. Phao-lô nói, “bởi Đức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình, bởi lời chân thật, bởi quyền phép Đức Chúa Trời, cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả.” Vào phần cuối của phân đoạn từ câu 8 đến 10, Phao-lô cho biết kết quả một khi chúng ta có phản ứng đúng đắn, “dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt; ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết, mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết;  ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!” Đây là những gì mà Phao-lô mô tả về trường đào tạo của Đức Chúa Trời, qua đó Ngài trang bị những người hầu việc Ngài. Trọng tâm của chương trình đào tạo chính là sự đau khổ, nó chuẩn bị cho chức vụ sau nầy. Ca Thương nói rằng, “Thật tốt cho người khi mang ách còn trẻ.” Câu này cũng ngụ ý chúng ta sẽ không thể nào đủ tư cách hầu việc Chúa trừ khi đã thông qua trường của sự đau khổ.

Phân đoạn nầy có liên quan đến sách Giăng chương 11.  Chúa Giê-xu yêu mến La-xa-rơ và hai người em gái của ông. Khi nghe tin La-xa-rơ bệnh và hấp hối thì Chúa không đến ngay. Lúc đó, Chúa đang ở cách Bê-tha-ni, cách nơi ở của những người người bạn của Ngài khoảng 4 ngày đi bộ. Dường như Chúa cho phép bệnh tật và sự chết đến với họ, những người mà Ngài hết sức yêu thương. Chương 11 sách Giăng giống như là phần thu gọn của sách Gióp.

Hai chị em của gia đình nầy rất khác nhau. Người chị là Ma-thê chạy ra đón Chúa và thưa với Ngài, “Thưa Chúa, nếu Chúa có ở đây thì anh tôi không chết”. Chúng ta không biết giọng nói của Ma-thê thế nào. Nhưng dường như Ma-thê muốn nói rằng, “Chúa ơi, Chúa đã mất cơ hội rồi, khi anh tôi hấp hối thì Chúa ở đâu vậy?” Người em thứ hai là Ma-ri thì khác hẳn Ma-thê. Mặc dầu Ma-ri nói giống hệt như Ma-thê, nhưng khi được Chúa gọi đến thì Ma-ri đã nói rằng, “Lạy Chúa, nếu Chúa có mặt ở đây thì anh tôi đã không chết.” Nhưng Kinh Thánh cho biết Ma-ri xấp mình xuống dưới chân Ngài khi nói những lời nầy. Điều mà Chúa muốn rút ra từ phản ứng của hai chị em nầy là thái độ đúng đắn đối với bão tố của bệnh tật và sự chết. Ma-ri đã phản ứng đúng khi gieo mình dưới chân của Ngài và thưa rằng, “Lạy Chúa, con chấp nhận cái chết của anh con. Chúa không có mặt tại đây, nhưng không sao vì Chúa luôn luôn đúng trong mọi cách hành xử của Ngài.”

Đây là Ma-ri thường được nhắc đến trong những sách Tin Lành, Ma-ri luôn luôn ở dưới chân Chúa. Lần xuất hiện đầu tiên là Ma-ri ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài. Lần nầy Ma-thê than phiền là Ma-ri không đứng dậy để giúp Ma-thê trong việc cơm nước. Nhưng Chúa đã binh vực cho Ma-ri bằng cách nói với Ma-thê rằng, “Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; 42 nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được” (Lu-ca 10:41-42). Đây chính là Ma-ri, người ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Lời của Ngài. Trong Giăng 11 thì Ma-ri sấp mình dưới chân Chúa để chấp nhận ý muốn của Ngài. Trong chương tiếp theo, Giăng 12, thì Ma-ri một lần nữa quì dưới chân Chúa để thờ lạy Ngài.

Gương sáng của Ma-ri được tóm tắt ở phản ứng của nàng trước giông bão của cuộc đời. Nói cách khác, nàng không trách móc Chúa, nhưng bày tỏ thái độ thuận phục Ngài.  Khi đối diện với những hoạn nạn thì mối liên hệ đúng đắn với Chúa giúp chúng ta phản ứng phải lẽ. Chúa Giê-xu đã cứu hai chị em ra khỏi giông bão của họ. Ngài đã cứu La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại.

Một phân đoạn khác cũng nói đến chủ đề đau khổ trong Cựu Ước là Ê-sai 40:3-5. Ê-sai là tiên tri của của các tiên tri, là một trong những tiên tri lớn nhất trong Kinh Thánh. Chúng ta sẽ thấy điều nầy khi đến phần học về các tiên tri. Theo Chúa Giê-xu thì Giăng Báp-tít là tiên tri lớn nhất mặc dầu Giăng Báp-tit đã giảng bài giảng của tiên tri Ê-sai. Bài giảng mà Giăng Báp-tit đã giảng xuất xứ từ Ê-sai 40:3-5. Lu-ca 3:1-6 đã ghi lại bài giảng của Giăng. Tóm tắt sứ điệp của Ê-sai và Giăng là, bất cứ khi nào chúng ta muốn xây một xa lộ thì có 4 điều phải làm. Thứ nhất là phải san bằng các núi đồi, thứ hai là lấp đầy những chỗ trũng, thứ ba là phải làm thẳng những chỗ bị cong quẹo và thứ tư là phải làm bằng phẳng những chỗ gồ ghề . Cuối cùng thì xa lộ được hình thành. Ê-sai và Giăng muốn nói rằng, Đức Chúa Trời sẽ đến với thế giới con người, Ngài cần một xa lộ để đến với chúng ta. Xa lộ đó chính là cuộc đời của Đấng Mê-si. Cuộc đời của Đấng Mê-si là cuộc đời toàn hảo. Trong cuộc đời toàn hảo của Ngài, mọi núi đồi của sự kiêu ngạo đều bị san bằng, mọi chỗ trống rỗng và vô nghĩa của cuộc đời được lấp đầy, mọi sự cong quẹo của tội lỗi đều được làm thẳng lại, mọi chỗ gồ ghề cứng cỏi được làm thẳng thớm. Và như thế, Đức Chúa Trời đã có một con đường để đến với thế giới nầy.

Mọi điều đó đã xảy ra khi Đức Chúa Trời đến với thế giới con người thông qua đời sống toàn hảo của Chúa Giê-xu. Giăng Báp-tit đã giới thiệu sự xuất hiện của Chúa Giê-xu bằng lời giảng rằng, “Ngài đang ở đây, Ngài là con đường để Thượng Đế đến với con người.” Sau khi Đấng Mê-si ở thế gian 33 năm, Chúa phán với các vị sứ đồ trong dịp lễ Vượt qua cuối cùng rằng Ngài sẽ lìa khỏi thế gian nầy. Sau khi chết và sống lại, Chúa phán với họ, “Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy” (Giăng 20:21). Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời muốn thế giới tìm thấy sự cứu rỗi của Ngài qua quí vị và tôi. Làm thế nào để điều đó xảy ra? Nó xảy ra trong đời sống của quí vị và tôi giống như đã xảy ra trong đời sống Chúa Giê-xu. Đời sống của Chúa Giê-xu là con đường để Đức Chúa Trời đến với con người và Chúa muốn đời sống của chúng ta cũng như vậy.

Để áp dụng, tất cả chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, xin biến đời sống của con thành một con đường qua đó Chúa đến với mọi người và người ta thấy Chúa qua đời sống của con. Xin ban cho con sức mạnh và ân điển để con biết hành xử đúng đắn trước những khó khăn trong cuộc đời của con hầu qua đó cả thế giới sẽ thấy Chúa qua cách mà con đối phó.” Có bao giờ quí vị cầu nguyện như vậy chưa? Nếu có, xin đừng ngạc nhiên khi thấy bàn tay của  Chúa chạm đến trên đời sống chúng ta. Những núi cao của kiêu ngạo sẽ bị san bằng, những chỗ trống rỗng sẽ được lấp đầy, Chúa sẽ sửa lại những chỗ cong quẹo và Ngài cũng sẽ chỉ cho quí vị làm thế nào để phản ứng trước những thử thách, biến nó thành con đường để qua đó Đức Chúa Trời có thể đến với con người. Chúa dùng khổ đau để biến những chỗ gồ ghề trở nên bằng phẳng, mềm mại.

Lần đến, chúng tôi sẽ đề cập đến những lý do cuối cùng giải thích vì sao con dân Chúa chịu khổ. Mục sư Dick Woodward đặc biệt quan tâm đến đề tài nầy vì ông đã ngồi xe lăn trong suốt 18 năm và cho đến bây giờ thì chân tay hoàn toàn bị liệt. Sách Gióp cũng như những phân đoạn khác không còn trên lý thuyết nhưng là hiện thực đối với ông. Phao-lô nói rằng cái giằm xóc dạy ông biết ân điển của Đức Chúa Trời là đầy đủ cho ông, điều nầy cũng không còn là một câu trong 2 Cô-rinh-tô, nó trở thành một thực tế và kinh nghiệm  cho Phao-lô và cho Mục sư.

Bài trướcLâm Đồng: Khởi Công Xây Dựng Nhà Thờ Klong Ngơr A
Bài tiếp theoHọp Bạn 7 Ban Thiếu Niên Tại Chi Hội Phú Lâm, Tp. HCM