NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
Ảnh: The Gospel Coalition
Chúng ta đang lược khảo sách Gióp. Sách nầy có thể được xem như một vở kich gồm có 3 màn. Màn một là “Bối cảnh” cho toàn bộ câu chuyện. Màn hai là “Bàn luận”. Đây là phần dài nhất, trong đó các bạn của Gióp đã đến và đối thoại với Gióp về vấn đề đau khổ. Màn ba là “Câu trả lời”.
Trong màn ba, chàng thanh niên trẻ tuổi Ê-li-hu tham dự và phát biểu ý kiến của mình. Sau khi Ê-li-hu diễn thuyết thì Gióp nhìn lên và thấy Đức Chúa Trời trong cơn gió lốc và được đối thoại với Chúa. Kết quả là Gióp khám phá được giải pháp và câu trả lời về vấn đề đau khổ của ông.
Chúng ta đã xem qua màn một, nay sẽ tập trung vào màn hai. Mặc dầu màn hai dài nhất, nhưng chúng ta sẽ không dành nhiều thời gian để dừng lại tại đây vì Đức Chúa Trời cho biết những gì mà ba bạn của Gióp nói về Chúa và về Gióp là không đúng. Những gì Gióp đã nói có ích cho chúng ta hơn vì cuối cùng chúng ta biết rằng Gióp đã nói đúng về Chúa. Mặc dầu Kinh thánh không nói về điều nầy, nhưng chúng ta giả định rằng Gióp đã không nói đúng về chính mình.
Trở lại màn 2, chúng ta cần ghi chú thêm vài nhận định. Trước tiên khi tóm tắt những bài diển thuyết của bạn Gióp và những lời biện hộ cuả ông, chúng ta sẽ thấy rằng cả bốn người giống nhau trên một luận điểm nhưng lại khác nhau ở rất nhiều điểm khác. Câu hỏi mà Gióp đặt ra với vợ ông là ý căn bản cho cả sách Gióp. Khi vợ ông bảo ông hãy nguyền rủa Đức Chúa Trời mà chết đi thì ông đã phản ứng bằng cách hỏi rằng, “Nếu một người tốt thì họ mong đợi sẽ nhận được gì từ nơi Chúa?” Đây là một câu hỏi rất thâm thúy.
Cả bốn người đều đồng ý rằng một người tốt có quyền hy vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ ban những điều tốt cho họ. Ba người bạn của Gióp tin điều đó và tất cả họ đều đồng ý về điều đó. Nhưng điểm họ không đồng ý đó là Gióp tỏ ra là người tốt nhưng Đức Chúa Trời lại không ban những điều tốt cho Gióp, đây là một trường hợp khó xử. Quí vị sẽ giải quyết vấn đề như thế nào? Những người bạn của Gióp kết luận, “Gióp, chắc chắn có những tội nào đó trong đời sống của ông”. Gióp cực lực phản đối lối giải thích đó.
Cách đây nhiều năm có một Mục sư bị mất ba người con vì bịnh tật. Các tín hữu tại Hội Thánh của ông nói rằng thảm kịch đó đã xảy ra vì có những tội lỗi trong đời sống của Mục sư. Lối giải thích của các tín hữu về sự đau khổ của Mục sư cuối cùng đã khiến ông vào viện tâm thần. Ngày nay có những người an ủi giống như bạn của Gióp. Sự thật thì họ không an ủi gì cả. Những người bạn của Gióp đã nói với ông rằng, “Gióp, có những tội lỗi trong đời sống của ông, nên ông mới ra nông nỗi nầy vì Đức Chúa Trời luôn luôn ban điều tốt cho những người tốt. Nếu Ngài không ban những điều tốt cho ông thì ông phải hiểu rằng ông đã phạm tội. Ông đã lừa mọi người. Ông có vẻ tốt nhưng Đức Chúa Trời biết lòng của ông, Chúa biết rằng ông có những tội lỗi kín giấu trong đời sống của mình”.
Sự bất đồng rất nghiêm trọng. Gióp đã kết luận rằng, “Tôi biết chắc một điều đó là tôi công bình. Tôi biết rằng tôi là một người công bình”. Suốt những cuộc đối thoại Gióp khăng khăng khẳng định rằng ông là người công bình, ông đã làm điều đúng.
Chúng ta để ý khi đọc phần nầy rằng Gióp và những người bạn của ông đồng ý rằng người tốt sẽ được ban phước vì họ tốt, người ác sẽ bị giáng họa vì họ xấu. Sau đó cũng hãy để ý sự bất đồng của họ. Gióp nhất định cho rằng, “Tôi không phải là người xấu”. Thậm chí có lần Gióp đã nói rằng Đức Chúa Trời đã không công bình khi Ngài cho phép đau khổ xảy ra trên đời sống của ông. Khi nghe Gióp nói như vậy, những người bạn của ông phản đối kịch liệt, họ nói, “Đức Chúa Trời không thể không công bình. Chỉ có ông mới là người không công bình mà thôi”. Đó là khái quát của màn hai. Nói về những bài nghị luận của bạn Gióp, xin nhớ rằng vào phần cuối Đức Chúa Trời đã nói với bạn Gióp rằng họ nói không đúng về Chúa và về Gióp.
Khi đọc Kinh thánh chúng ta có thể học được từ các hành động của một người nào đó hay từ phản ứng đối với những hành động đó. Mặc dầu những bạn của Gióp sai nhưng khi đọc những gì họ trình bày cũng giúp cho chúng ta nhận thức điều gì là đúng. Mỗi người trong vòng họ đều tiếp cận với vấn đề cách khác nhau nhưng cả ba đều đồng ý rằng sự rắc rối chính là tội lỗi của Gióp. Ê-li-pha nói rằng lời khuyên của ông cho Gióp dựa vào kinh nghiệm của ông, ông đã có một kinh nghiệm rùng mình vào giữa đêm khuya. Dầu không thấy ai cả nhưng giữa yên lặng ông nghe tiếng nói đến với ông và sau đó thì ông đã chia xẻ điều nầy với Gióp. Điều nầy nói lên một đặc điểm khác của những người bạn an ủi Gióp. Khi một anh em bị bịnh, giả sử là căn bịnh vô phương cứu chữa, chúng ta nên thăm viếng và có thể cầu nguyện xin Chúa chữa lành. Nhưng sự việc hoàn toàn khác hẳn nếu chúng ta nói với họ rằng, “Chúa phán với tôi đêm qua và Ngài bảo tôi nói với anh rằng anh sẽ được lành bệnh. Chúa đã ban sứ điệp đó cho tôi”.
Có một luật sư trẻ vừa mới tin nhận Chúa, vợ của anh đang chết dần chết mòn vì căn bệnh nan y. Một số người đến với anh và vợ anh để cầu nguyện chữa bịnh cho họ. Không những họ cầu nguyện chữa bịnh mà còn nói với anh rằng họ nghe được tiếng Chúa phán là chị sẽ được lành. Người chồng tin lời họ nói. Nhưng sau đó người vợ không được chữa lành mà qua đời. Người chồng không những mất vợ mà còn mất luôn cả đức tin khi vợ anh chết. Anh nói, “Họ bảo tôi rằng Chúa phán với họ là vợ tôi sẽ được chữa lành”. Khi người mẹ 32 tuổi qua đời, những người trước đây nói rằng họ nghe được tiếng phán của Chúa hoàn toàn biệt tăm. Thật là đáng quan ngại khi nói rằng, “Những gì tôi khuyên anh là do Chúa phán trực tiếp với tôi”.
Đó là điều mà Ê-li-pha đã nói. Nhưng sau nầy Đức Chúa Trời cho biết là Ê-li-pha nói không đúng, do đó chúng ta biết rằng Ngài không có phán với Ê-li-pha những điều như vậy. Ê-li-pha một mực cho rằng sự đau khổ mà Gióp gánh chịu là do tội lỗi của ông gây ra. Chúng ta nhớ lại rằng sau lần thứ nhất Chúa đã phán với Sa-tan, “Bây giờ người thấy Gióp thế nào? Ngươi đã giục ta thử thách người cách vô cớ”. Chúa khẳng định rằng không có tội nào trong đời sống Gióp. Do đó nhận định rằng Gióp là người có tội từ những người bạn ông là sai.
Binh-đát thì quở trách những người con của Gióp. Gióp bị mất cùng một lúc 10 người con. Trong những sự mất mác thì đây là sự mất mác lớn nhất. Binh-đát nói, “Gióp, những người con của ông đã phạm tội. Vì cớ tội của chúng bằng không thì Đức Chúa Trời không bao giờ cho phép những thảm họa như vậy xảy ra”. Trong suốt bài diễn thuyết của Binh-đát, ông nói với Gióp rằng nguyên nhân của những đau khổ mà ông đang gánh chịu hoặc là do tội của ông hoặc là do tội của những người con ông. Trong bài diễn thuyết thuyết thứ ba, Binh-đát ngụ ý rằng Gióp phạm những tội xấu xa ghê ghớm và con của ông cũng vậy.
Sô-pha, người bạn thứ ba của Gióp là người theo thuyết bất khả tri. Ông nói rằng, “Tôi không biết, ông không biết, không ai biết, nhưng suy nghĩ về những điều đó là khôn ngoan và nên làm”. Sô-pha nói đến nhiều điều nhưng trên căn bản Sô-pha đặt vấn đề, “Ông có biết không? Có ai biết không? Chỉ có một mình Đức Chúa Trời biết nhưng ông không biết”. Thế rồi ông đi đến kết luận rằng, có những tội lỗi trong đời sống của Gióp và Gióp nên ăn năn hết lòng tìm kiếm sự tha thứ của Chúa. Sô-pha nói, “Đức Chúa Trời thật rất nhân từ, những gì Ngài đang trừng phạt ông ít hơn những gì ông đáng phải chịu”. Đó là cách mà Sô-pha an ủi Gióp vậy.
Nhưng những gì Gióp phát biểu có giá trị hơn nhiều so với những người bạn ông. Trong những bài diễn thuyết Gióp đặt các câu hỏi đúng, ông lắng nghe Chúa trả lời và tin vào câu trả lời đó. Một số câu hỏi rất quan trọng được nêu lên, và sự giải tỏ ở vào mức độ đơn sơ vì sách Gióp đã được viết xưa nhất. Gióp và những người bạn không hiểu những gì chúng ta đã lược khảo trong Cựu ước vì họ không có Kinh thánh. Gióp hỏi, “Tôi có thể tự sức giúp mình được không? Con người là gì mà Chúa thử thách họ và quan tâm đến họ? Đức Chúa Trời có nhìn thấy những gì đang xảy ra cho tôi không? Tại sao Chúa đem tôi ra khỏi lòng mẹ? Tại sao Chúa đòi hỏi thánh khiết nơi một người vốn không thánh khiết? Tay Chúa đã dệt thành và nắn nên tôi. Xin nhớ rằng tôi chỉ là bụi đất. Ngài đem tôi trở lại bụi đất chăng? Ông cũng đặt câu hỏi, “Khi người ta chết thì linh hồn của họ sẽ đi về đâu”? Một câu hỏi khác rất sâu sắc, “Khi con người qua đời, họ sẽ sống lại chăng?” và “Khi họ chết, điều gì xảy ra? Họ sẽ ở đâu khi họ qua đời? Nếu mọi sự kết thúc nơi mộ phần thì hy vọng của tôi ở đâu?” Rồi ông kêu xin, “Ước gì có một người trung gian để đem Đức Chúa Trời và tôi lại với nhau”. Sau đó ông nói với niềm tin quyết rằng.
“Còn tôi, tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất. Sau khi da tôi, tức xác thịt nầy, đã bị tan nát, Bấy giờ loài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời”.
Đây là câu rất quen thuộc và cũng đầy ý nghĩa nhất trong sách Gióp. Gióp cầu xin, tìm kiếm và gỏ cửa. Chúa Giê-xu đã nói rằng, “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ được mở”.
Sự đau khổ khiến Gióp liên tục đặt câu hỏi, liên tục tìm kiếm và liên tục gỏ cửa. Gõ mạnh hơn là tìm, tìm mạnh hơn là xin và cuối cùng lời hứa đã được thực hiện. Cửa đã mở, Gióp nhận được sự mặc khải rằng Đấng Trung Bảo hay Đấng Cứu Chuộc có thể đem Đức Chúa Trời và con người lại với nhau. Nhưng rồi ông thắc mắc, “Nếu biết Ngài thì có thể nào tôi tìm được Ngài không?” Đây là sứ điệp của Cựu Ước, “Chúa Giê-xu sắp đến, nếu có thể được thì tôi phải tìm Ngài ở đâu?”
Gióp đã trả lời cho Binh-đát gồm 6 chương, đó là phần dài nhất. Cuộc đối thoại kết thúc với câu, “Đến đây hết lời của Gióp”. Những người bạn Gióp không thể thuyết phục ông nhận mình có tội, cuối cùng họ bỏ cuộc và Gióp cũng không muốn nói gì với họ.
Màn thứ ba gọi là “Câu trả lời”. Gióp cùng với ba người bạn ngồi đó và có một người khác tham dự với họ. Người trẻ tuổi nầy tên là Ê-li-hu nói rằng, “Tôi phải tự kiềm chế để không nói vì các ông lớn tuổi hơn tôi”. Sau đó Ê-li-hu tiếp, “Tuy nhiên sự khôn ngoan không có giới hạn tuổi tác. Khôn ngoan đến từ Đức Thánh Linh và tôi biết rằng tôi có Thánh linh. Tôi cho rằng các ông sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề nầy. Các ông đã không còn gì để nói nữa nên bây giờ tôi sẽ lên tiếng”. Sau đó chúng ta nghe bài diển thuyết của ông. Ê-li-hu đã xuất hiện và bảo Gióp hãy nhìn lên. Gióp nhìn lên, thấy Đức Chúa Trời trong cơn gió lốc và ông đối thoại với Chúa. Khi thưa với Đức Chúa Trời, Gióp không nói rằng, “Tôi công bình”. Nhưng ông nói, “Trước tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ tôi thấy Ngài vì vậy tôi lấy làm ghê tởm cho tôi và ăn năn trong tro bụi”.
Một số người nghĩ rằng Ê-li-hu là hiện thân của Đức Chúa Trời. Ngài xuất hiện để trả lời cầu nguyện của Gióp. Một số người khác nghĩ rằng Ê-li-hu là một người trẻ tuổi bình thường nhưng được đầy dẫy Thánh linh. Dầu hiểu thế nào thì Ê-li-hu cũng đem lại câu trả lời về sự đau khổ của Gióp. Bài diễn thuyết của Ê-li-hu trả lời câu hỏi mà Gióp đã đặt ra cho vợ ông, “Liệu một người công bình sẽ nhận được mọi điều tốt từ Đức Chúa Trời và không bao giờ gặp những khổ đau?” Cả sách xoay quanh câu hỏi nầy và câu trả lời của Ê-li-hu.