Bài 94: Những Tấm Lòng Tan Vỡ (tt)

3363

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

Hôm nay chúng ta tiếp tục khảo sát sách Gióp. Bài trước cho biết Đức Chúa Trời và Sa-tan đã đối thoại về Gióp, Chúa xem Gióp là người tin kính, nhưng Sa-tan cho rằng Gióp có những động cơ ẩn giấu không tốt đàng sau. Sa-tan đã nói rằng nếu Gióp mất hết những gì ông có thì ông sẽ rủa sã Đức Chúa Trời và từ bỏ đời sống tin kính. Chúa cho phép Sa-tan tấn công vào những gì Gióp đang sở hữu. Gióp mất tất cả, mất luôn 10 đứa con của mình.

Kinh Thánh ghi lại sự việc đó như sau:

Một sứ giả chạy đến báo với Gióp, “Bò đương cày, lừa đương ăn bên cạnh, thì dân Sê-ba xông vào chúng nó, đoạt cướp đi, và lấy lưỡi gươm giết các tôi tớ; chỉ một mình tôi thoát khỏi đặng báo tin cho ông” (1:14-15).

Trong khi người nầy còn nói thì người khác ập đến với một tin tệ hại hơn, “Lửa của Đức Chúa Trời từ trên trời giáng xuống thiêu đốt các con chiên và tôi tớ, làm tiêu hủy chúng nó đi; chỉ một mình tôi thoát khỏi đặng báo tin cho ông” (1:16).

Trước khi người nầy chấm dứt thì một người khác chạy đến và báo, “Dân Canh-đê phân làm ba đạo, xông vào lạc đà, cướp đoạt đi, và lấy lưỡi gươm giết các tôi tớ” (1:17).

Rồi một sứ giả tiếp theo, “Các con trai và con gái ông đương ăn uống tại nơi nhà anh cả của họ, kìa một ngọn gió lớn từ phía bên kia sa mạc thổi đến, làm cho bốn góc nhà rung rinh, nhà sập xuống đè chết các người trẻ tuổi” (1:18-19).

Đến đây, Gióp đứng dậy, xé áo mình, đau khổ và sấp mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời mà nói rằng, “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (c.21).

Trong mọi điều nầy Gióp không phạm tội hay rủa sả Đức Chúa Trời. Khổng giáo nói rằng con người đi vào đời với hai tay nắm chặt, mong muốn mọi sự và cuối cùng ra đi với hai bàn tay xòe ra không mang theo gì cả. Nhưng khi Gióp bị hoạn nạn thì ông nói. “Khi vào đời, hay bàn tay tôi mở ra, những gì tôi có là do Chúa đặt vào. Dầu ở trong bàn tay tôi nhưng nó thuộc về Đức Chúa Trời. Ngài ban cho và Ngài lấy lại bất cứ khi nào Ngài muốn. Ngài lấy lại những đứa con của tôi, Ngài lấy lại mọi tài sản của tôi, nhưng đó là của Ngài. Ngợi khen danh của Ngài.” Gióp tôn thờ Đức Chúa Trời, ông đã vượt qua kỳ thi trắc nghiệm đầu tiên cách xuất sắc.

Những gì Gióp mất mát có thể được qui là do Đức Chúa Trời. Lửa từ trời, sấm sét, gió bão được nhiều người cho rằng đến từ Đức Chúa Trời. Nhưng khi nhìn thấy những gì xảy ra tại hậu trường chúng ta biết rằng đó không phải là hành động của Đức Chúa Trời nhưng là hành động của Sa-tan. Sa-tan ở đàng sau những cơn gió lốc, nó ở đàng sau những sấm sét, nó là động lực thúc đẩy kẻ thù tấn công và giết các đầy tớ của Gióp và gia súc của ông. Sách Gióp cho biết thảm họa đó không đến từ Đức Chúa Trời nhưng đến từ Sa-tan. Gióp đã vượt qua được cuộc trắc nghiệm nầy cách thành công. Nhưng đây mới chỉ là cuộc trắc nghiệm thứ nhất.

Màn một cảnh hai cũng nói về cuộc đối thoại khác giữa Đức Chúa Trời với Sa-tan. Chúa phán rằng, “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ ta chăng? Trên đất chẳng có ai giống như người, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi đều ác; lại người bền đỗ trong sự hoàn toàn mình, mặc dầu ngươi có giục ta phá hủy người vô cớ” (2:3).

Sa-tan trả lời, “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng sống mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt” (2:4-5).

Tại đây, sách Gióp trình bày một lẽ thật rất quan trọng. Các nhà thần học gọi đây là “Ý muốn cho phép của Đức Chúa Trời.” Chúa nói với Sa-tan, “Kìa, người ở trong tay ngươi; nhưng chỉ hãy giữ mạng sống người” (2:6).

Vấn đề được đặt ra là Sa-tan được phép hành hại đến mức độ như thế nào? Có những người rất điêu luyện trong việc làm khổ người khác. Đây là một khả năng khiến nạn nhân đau khổ tận cùng nhưng không giết chết họ. Sa-tan đã được phép làm như vậy. “Ngươi không được lấy mạng sống của Gióp.” Đó là giới hạn duy nhất mà Chúa đặt ra cho Sa-tan.

Gióp đã mắc một chứng bệnh thật đau đớn. Các học giả cho rằng Gióp bị chứng phù voi. Đây là một dạng của ung thư giống như phung. Da thịt của bệnh nhân chuyển sang màu của da voi. Thật là một căn bệnh khủng khiếp. Gióp đã chịu đau khổ đến mức tận cùng nhưng ông lại không chết.

Trong trường hợp này, Gióp đã không đối phó với sự thử thách cách thành công như lần thứ nhất. Ông xuống tinh thần và suy sụp. Vợ Gióp đã nhìn ông và nói, “Ủa? Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi!” (2:9).

Thật là đau xót. Gióp quay sang vợ và hỏi một câu. Và câu đó đúc kết toàn bộ sứ điệp sách Gióp. Ông hỏi rằng, “Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?” (2:10).

Ngụ ý câu hỏi của Gióp là, một người tin kính Chúa trông mong nhận được điều gì từ nơi Ngài? Nhiều câu hỏi được đặt ra trong sách Gióp, nhưng đây có lẽ là câu có ý nghĩa nhất. Có thể nói cả sách Gióp là để trả lời cho câu hỏi nầy. Gióp là người tốt. Vậy ông mong đợi điều gì từ nơi Chúa? Giữa khổ nạn, Gióp đã xòe tay ra mà hỏi rằng, “Ta mong đợi Chúa sẽ đặt gì vào đây?” Câu hỏi đó kết thúc màn một.

Màn một được gọi là “Bối cảnh” còn màn hai được gọi là “Bàn luận.” Cuối màn một cho biết Gióp có 3 người bạn. Khi nghe tin Gióp lâm vào khổ nạn, họ liên lạc với nhau và lên một chương trình đi thăm Gióp. Đến nhà của Gióp, họ nhìn thấy tận mắt sự đau khổ của ông và thể nào thân thể ông đã thay đổi đến nỗi họ không còn nhận ra ông. Họ khóc lóc thảm thiết vì nỗi khổ đau nầy quá sức tưởng tượng. Họ cùng ngồi xuống với Gióp trong 7 ngày, 7 đêm không nói một lời nào. Họ chỉ ngồi với ông trong yên lặng và thống khổ. Sau nầy Gióp cho biết chính sự yên lặng của họ là sự an ủi lớn nhất mà ông nhận lãnh. Chính thái độ yên lặng của họ là một bài học cho chúng ta trong việc an ủi người khác. Nhiều khi điều tốt nhất chúng ta có thể làm khi anh em mình ở trong sự đau khổ là yên lặng và không nói gì cả. Có một tín hữu đến với vị Mục sư lão thành và hỏi, “Thưa Mục sư, tôi sẽ đi thăm một người đang ở trong hoàn cảnh rất thương tâm. Tôi phải nói gì với họ đây?” Người nầy nghĩ rằng cần phải có những lời đặc biệt để an ủi người đang khốn khổ. Có lẽ có một số điều tốt và đúng để nói, nhưng điều quan trọng nhất không phải là những gì quý vị nói. Điều quan trọng nhất là đến với người đó và ở với họ nếu chúng ta thật sự quan tâm đến họ. Chỉ cần đến với họ, có mặt với họ trong những giờ đau thương của họ.

Có câu chuyện kể về một người đàn ông ở trong bệnh viện tâm thần vì ông không nói năng gì cả. Mọi người đều cố gắng thuyết phục ông nói nhưng đều thất bại. Sau cùng có một sinh viên tại một chủng viện đến thực tập tại bệnh viện và quyết định cố gắng một lần nữa. Cứ đến hai giờ chiều, anh đến phòng của người nầy và ngồi đó với bệnh nhân. Anh khám phá ra rằng người đàn ông nầy chắc chắn rất cô đơn vì ông đã không hề nói chuyện với ai và cũng chẳng ai thật sự nói chuyện với ông ngoại trừ là họ cố gắng làm cho ông nói. Do đó anh đến và ngồi bên cạnh ông cứ mỗi hai giờ chiều. Việc đó kéo dài suốt 8 tuần. Anh muốn chứng tỏ cho bệnh nhân biết rằng anh sẽ có mặt với ông cho dầu ông có nói chuyện hay không nói chuyện. Nếu bệnh nhân nói, tốt. Nếu không nói cũng không sao. Ngày kia người đàn ông bắt đầu nói. Rõ ràng điều mà ông muốn là có một ai đó, đến với ông và ở với ông. Đây là những gì mà ba người bạn của Gióp đã làm khi họ vừa đến gặp Gióp. Nhưng trong những chương tiếp theo khi họ lên tiếng tranh luận với Gióp thì họ không còn an ủi ông được gì nữa cả.

Sau bảy ngày không ăn uống và yên lặng, Gióp đã phá tan không khí nầy bằng cách nguyền rủa về ngày sinh của mình. Gióp không rủa sả Đức Chúa Trời như điều mà Sa-tan dự đoán. Sau khi Gióp nói xong, một trong những người bạn là Ê-li-pha đối đáp lại. Gióp bác bỏ những gì Ê-li-pha nói. Người bạn khác tên là Sô-pha lên tiếng, Gióp cũng gạt phăng. Người thứ ba là Binh-đát cũng trình bày quan điểm của mình nhưng giống như những lần trước Gióp gạt bỏ tất cả.

Những bài diễn thuyết của ba bạn Gióp chiếm phần lớn sách nầy. Bạn của ông đều là những người lớn tuổi như ông và được xem là những người khôn ngoan. Họ là những người thuộc linh, những người tin kính, họ tìm tòi, học hỏi và có nhiều kinh nghiệm. Họ cố gắng chia xẻ với Gióp về nan đề đau khổ của ông.

Có điều chúng ta cần lưu ý khi học về sách nầy. Đến cuối sách Đức Chúa Trời cho biết là những người bạn của Gióp đã nói sai về Đức Chúa Trời và nói sai về Gióp. Như vậy, khi đọc chúng ta cần lưu ý là những bài diễn thuyết của họ là sai trật về Đức Chúa Trời và về Gióp. Mọi lời Kinh Thánh đều được linh cảm nhưng chúng ta không được đi ra khỏi văn mạch. Khi Kinh Thánh ký thuật lại lời của Sa-tan thì chúng ta phải hiểu rằng đó là những lời dối trá của Sa-tan. Ma quỉ nói rằng, “Khi ăn trái cây nầy ngươi không chết đâu.” Nhưng quả thật họ đã chết. Lời ma quỉ nói có ghi lại trong Kinh Thánh nhưng lời nó là lời giả dối.

Tương tự, những bài diễn thuyết của ba người bạn Gióp được ghi lại trong Kinh Thánh nhưng Đức Chúa Trời cho biết họ nói sai. Xin đừng dùng lời của họ để áp dụng cho mình.

Tại phần cuối của sách, Đức Chúa Trời đã khen ngợi Gióp. Gióp đã nói nhiều hơn những người bạn của ông và Chúa phán, “Gióp đã nói đúng về Ta.” Vì vậy khi Gióp nói về Đức Chúa Trời, hãy tin những điều ông nói vì Chúa phán những gì Gióp nói là đúng.

Hãy hiểu rõ điều nầy trước khi chúng ta đến phần quan trọng của sách Gióp, tức là màn hai được gọi là “Bàn luận.” Đây là phần dài nhất trong sách và cũng khiến cho nhiều người cảm thấy sa lầy. Những bài diễn thuyết của ba bạn Gióp đi thật sâu vào vấn đề nhưng cuối cùng là trống rỗng. Có lẽ đó là lý do khiến nhiều người cảm thấy chán nản khi đọc những phần luận giải nầy. Hãy bám chặt với những gì Gióp trình bày. Thận trọng về bài nói của Ê-li-hu. Bài của Ê-li-hu bắt đầu cho màn ba. Chúng tôi gọi màn nầy là “Giải pháp cho vấn đề.” vì cách giải quyết nan đề đã được tranh luận bởi Gióp và những người bạn được tuyên bố trong màn ba thông qua bài diễn thuyết của Ê-li-hu.

Khi học về sách Gióp xin nhớ rằng chúng ta đang tìm kiếm sứ điệp của Đức Chúa Trời dành cho những tấm lòng đau khổ. Dĩ nhiên trong đó có quý vị, vì trong cuộc sống sớm muộn gì rồi ai trong chúng ta cũng đối diện với những khổ đau. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Trời cho chúng ta sách Gióp.

Bài trướcBài Học Kinh Thánh Hằng Ngày Qúy III 2018
Bài tiếp theoTỉnh Đăk Nông: Lễ Đặt Viên Đá Xây Dựng Nhà Thờ Đăk Rla, Huyện Đăk Mil