Bài 93: Những Tấm Lòng Tan Vỡ

4081

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

Gióp, sách đầu tiên của những sách Văn thơ đề cập đến sự đau khổ của con dân Chúa. Nhiều người tin rằng Gióp là sách được viết sớm nhất trong Kinh Thánh. Các học giả không biết chắc ai là người đã viết sách và sách được viết khi nào. Một số người tưởng rằng Môi-se là tác giả. Một số khác thì không chắc và cho rằng dầu là ai đi chăng nữa thì người đó chắc chắn đã trải qua kinh nghiệm của sự đau khổ tương tự như được mô tả trong sách. Phần lớn các học giả lập luận rằng sách đã được viết trong thời kỳ của các tổ phụ dựa vào tuổi thọ của Gióp. Tác giả của sách cho biết sau khi trải qua những khổ nạn, Gióp sống đến 140 tuổi. Độ tuổi nầy thích hợp để xếp vào thời kỳ các tổ phụ.

Trong phần dẫn nhập về Kinh Thánh, chúng ta đã biết rằng điều quan trọng của sách Gióp hay của những sách khác trong Kinh Thánh không phải là ai viết và viết khi nào. Điều quan trọng là những lẽ thật đã được viết ra. Chúa Giê-xu phán trong Giăng 17:17 khi nói về Đức Chúa Trời rằng “Lời Cha là lẽ thật.” Điều này có nghĩa là khi đọc bất cứ phần nào trong Kinh Thánh, chúng ta hãy tìm kiếm các chân lý được trình bày trong sách. Trong Giăng 7:17, Chúa đã soi sáng cho chúng ta sâu hơn về thái độ đối với Lời Chúa, Ngài phán,

Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.

Theo Chúa Giê-xu thì cách để chứng minh sự linh cảm của Kinh Thánh đó là áp dụng Kinh Thánh hay thực hành Kinh Thánh vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Nói cách khác, thực hành sẽ dẫn đến hiểu biết. Con người thì nói rằng, “Khi tôi hiểu, tôi sẽ làm.” Nhưng Chúa Giê-xu nói rằng, “Khi các ngươi làm các ngươi sẽ hiểu.” Đây luôn luôn là thái độ đúng đắn đối với Lời Đức Chúa Trời.

Khi học về sách Gióp, chúng ta trả lời các câu hỏi sau: Lẽ thật gì được dạy trong sách nầy? Làm thế nào để tôi hiểu được lẽ thật đó? Và Làm thế nào để áp dụng nó vào đời sống tôi?

Gióp là sách đầu tiên trong năm sách Văn thơ. Nó là một tuyệt tác. Khi đọc sách Gióp, chúng ta tự hỏi: Đức Chúa Trời phán gì với những tấm lòng đau khổ? Nơi đâu và lúc nào cũng có nhiều tấm lòng đau khổ. Nếu quý vị đang là người ở trong tình trạng nầy, xin hãy đến với sách Gióp và thưa với Chúa rằng, “Chúa ơi, Chúa phán gì với con qua sách nầy?”

Sách Gióp là một minh họa rất lớn cho một câu Kinh Thánh ngắn gọn trong Tân ước. Chúa Giê-xu bắt đầu bài giảng trên núi của Ngài ở Ma-thi-ơ 5. Trong câu thứ 4 khi nói về các phước lành, Chúa phán, “Phước cho những kẻ than khóc vì sẽ được an ủi.” Tân ước giảng dạy và Cựu ước minh họa. Sách Gióp là một minh họa cho câu Kinh Thánh ngắn gọn nầy trong Tân ước.

Sách Gióp dạy cho những người đang đau khổ 3 bước để dẫn đến sự an ủi và phước hạnh mà Chúa hứa cho những người than khóc. Bước thứ nhất là phải đặt những câu hỏi đúng. Có thể là lần đầu tiên quý vị đối diện với sự đau khổ nhưng hãy đặt những câu hỏi đúng. Đức Chúa Trời muốn những người đang ở trong sự đau khổ đặt câu hỏi đúng. Chúa biết rằng một khi chúng ta đặt câu hỏi đúng thì chúng ta bắt đầu khám phá phước hạnh và sự an ủi. Gióp đã đặt những câu hỏi đúng khi ông gặp đau khổ. Qua sách Gióp, chúng ta thấy ông đặt nhiều câu hỏi. Ông hỏi hết câu này đến câu khác, điều quan trọng là ông đã hỏi đúng. Đó cũng là những câu hỏi mà Chúa muốn những người ở trong sự đau khổ hỏi. Chúng ta sẽ tập trung vào những câu hỏi của Gióp khi ông ở vào giai đoạn giữa của sự đau khổ.

Bước thứ hai là lắng nghe Chúa trả lời những câu hỏi đúng đã được đặt ra. Đức Chúa Trời chắc chắn trả lời những câu hỏi đúng, Ngài đã trả lời cho Gióp, Ngài cũng trả lời trong Kinh Thánh. Vậy khi khảo sát sách Gióp, chúng ta hãy để ý Gióp đã hỏi gì và Đức Chúa Trời đã trả lời thế nào. Nhận xét đó giúp chúng ta khám phá được sứ điệp của Đức Chúa Trời cho những tấm lòng tan vỡ.

Sau khi đặt câu hỏi đúng và lắng nghe tiếng Chúa trả lời, chúng ta tiến đến bước thứ ba đó là tin vào câu trả lời của Chúa đối với những câu hỏi đúng. Đây là bước thứ ba để khám phá phước hạnh và sự an ủi trong đau khổ. Như vậy muốn kinh nghiệm điều Chúa phán, “Phước cho kẻ than khóc, vì sẽ được an ủi.” thì chúng ta phải nhớ ba điều: hỏi đúng, lắng nghe tiếng Chúa trả lời và tin vào những gì Chúa phán.

Có một câu trong sách Truyền đạo tương tự với phước hạnh thứ hai mà Chúa dạy, Truyền đạo 7:2 chép,

Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng.

Phần còn lại của đoạn 7 giải thích vì sao đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc. Ai trong chúng ta rồi cũng phải chết và chúng ta cần ghi nhớ điều nầy. Chúng ta cần đến tại nhà tang chế suy niệm về sự cuối cùng của cuộc đời.

Thơ văn là ngôn ngữ của lòng người, mà theo bài trước lòng người chỉ về con người bên trong. Con người bên trong được tạo nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời và còn lại đời đời. Suốt cuộc đời của chúng ta, Đức Chúa Trời uốn nắn, làm cho lớn lên con người bên trong, nhằm chuẩn bị chúng ta cho cõi đời đời. Hồi tưởng lại cuộc đời của mình, khi nào thì con người bên trong hướng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời? Điều gì đã đem chúng ta đến gần Chúa và chuẩn bị chúng ta cho cõi đời đời là nơi mà chúng ta sẽ hiện hữu vô cùng với Đức Chúa Trời? Có phải nhà của yến tiệc đem chúng ta đến gần chăng? Có phải là những buổi liên hoan tiệc tùng chăng? Có phải trong những lúc hanh thông thạnh vượng chăng? Phần lớn chúng ta đều đồng ý rằng con người bên trong của mình đã được lớn lên qua những thời gian của thử thách và đau khổ. Có lẻ là thời gian của bịnh tật và nhất là khi biết rằng mình sẽ chết.

Tại sao chúng ta trở nên điềm đạm và chín chắn khi dự tang lễ ? Tại những buổi lễ tang, chúng ta biết rằng một ngày kia rồi chúng ta sẽ qua đời. Hoàn toàn không có gì nghi ngờ về điều đó cả. Chỉ có điều khác nhau là chết khi nào, ở đâu, như thế nào và chết cho điều gì? Chúng ta rồi sẽ chết, nhưng chúng ta không suy nghĩ về điều đó và chúng ta cũng không sống như là chúng ta sẽ chết. Chúng ta sống trong tình trạng khước từ hay làm ngơ đối với sự kiện nầy. Chúng ta dường như sống trong một huyền thoại cho rằng mình không thể bị đánh bại và mình sẽ sống hoài hay có người cho rằng chúng ta sẽ được đầu thai theo một dạng thức khác. Nhưng thân thể bên ngoài của chúng ta không sống vĩnh viễn. Chúa muốn chúng ta biết rõ điều nầy. Chúa muốn chúng ta sống theo tiêu chuẩn giá trị của Ngài. Chúa muốn con người bên trong chúng ta được trưởng thành và chuẩn bị cho cõi đời đời. Đó là lý do vì sao Chúa Giê-xu dạy rằng, “Phước cho những kẻ than khóc.” vì một khi chúng ta than khóc, cái nhìn của chúng ta về cuộc đời sẽ gần với những tiêu chuẩn giá trị của Đức Chúa Trời. Bao nhiêu người trong chúng ta nhận thức rằng khi than khóc thì chúng ta được an ủi? Chúng ta không có cái nhìn giống như Chúa Giê-xu về vấn đề nầy cũng như những vấn đề khác. Nếu chúng ta có cái nhìn giống như Chúa, chúng ta sẽ hiểu vì sao Kinh Thánh dạy rằng “phước cho những người than khóc.”

Đây chính là chủ đề của sách Gióp. Sách nói về một người đạo đức cao trọng, một người thuộc linh và vĩ đại. Đức Chúa Trời đã cho phép con người nầy chịu đau khổ. Kết quả của sự đau khổ là một người tốt trở nên tốt hơn. Chúa dùng sự đau khổ như là một phương tiện để biến một người tốt trở nên một người tốt hơn. Đây là sứ điệp trọng tâm của sách Gióp.

Sứ điệp của sách Gióp rất cần thiết cho thời đại chúng ta vì có một quan niệm thần học tạm gọi là thần học của sự thịnh vượng. Quan niệm nầy hoàn toàn không có căn bản trong Kinh Thánh. Nó cho rằng, “Đức Chúa Trời không bao giờ muốn con cái của Ngài bị đau ốm. Ngài không bao giờ muốn con cái của Ngài bị đau khổ . Ngài không bao giờ muốn cho con cái của Ngài bị nghèo thiếu.” Thần học đó cho biết rằng, “Nếu quý vị sống với căn bịnh nan y hay ở trong cảnh bần cùng là vì quý vị không thực thi những nguyên tắc của Nước Đức Chúa Trời, quý vị không phải là người thuộc linh nếu quý vị đau ốm hay nghèo khổ.” Hoàn toàn vô lý và sai trật. Nếu quý vị có dịp thăm viếng những Cơ đốc nhân nhiệt thành theo Đấng Christ nhưng họ lại sống trong cơ hàn và bịnh tật thì quan niệm nầy chứng tỏ không đúng chút nào. Nếu học về lịch sử của dân sự Đức Chúa Trời, lịch sử của hội Thánh và tình trạng của con dân Chúa trên khắp thế giới ngày hôm nay thì quan niệm đó thật là lố bịch. Nhiều tín hữu sốt sắng đang chịu đau khổ không tưởng được chỉ vì niềm tin của họ nơi Chúa. Nếu không tin Chúa đời sống vật chất của họ có triển vọng khá hơn là đàng khác. Nhưng vì cớ niềm tin nơi Chúa Giê-xu mà họ chấp nhận sống trong bần hàn, tù đày và đau khổ. Vậy thì tại sao có người dám nói với những tín hữu trung kiên rằng, “Ông bà anh chị sống trong đau khổ vì ông bà anh chị không phải là người thuộc linh.”

Chúng ta cần một sách như sách Gióp để có cái nhìn thực tế và có nền tảng Kinh Thánh hầu cho khi gặp con cái Chúa đang ở trong sự đau khổ, chúng ta không nghĩ rằng họ chịu vậy vì không có đời sống thuộc linh.” Sách Gióp cũng cho biết khi chúng ta bị đau khổ thì Đức Chúa Trời không bỏ rơi chúng ta.

Dầu sách Gióp là một sách Văn thơ, nhưng giống như Ê-xơ-tê, nó có thể được soạn thảo thành một vở kịch. Màn một là “Bối cảnh.” Màn một, cảnh một nói về vùng đất Utxơ có một người rất nổi tiếng, đạo đức và tin kính tên là Gióp. Đức Chúa Trời và Satan đối thoại về con người nầy. Điều này hé mở cho chúng ta hiểu điều ác đến từ đâu? Tại sao nó hiện hữu? Vấn đề nầy đã làm trăn trở con cái Chúa từ xưa đến nay. Đây là một câu hỏi khó trả lời.

Qua màn nầy chúng ta hiểu nhiều hơn về cuộc chiến thuộc linh giữa điều thiện và điều ác. Đức Chúa Trời nói với Satan,

Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?

Satan trả lời bằng cách tấn công vào động cơ của Gióp, nó nói

Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao?

10 Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất. 11 Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt.

Chúa đã nói những điều hết sức lạ lùng với Satan

Nầy, các vật người có đều phó trong tay người; nhưng chớ tra tay vào mình nó.

Sau đó Gióp đã mất hết cả mọi sự. Ông từng rất giàu có, có vợ, bảy con trai, ba con gái, bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, một ngàn bò đực, năm trăm con lừa và rất nhiều tôi tớ. Thế nhưng Gióp đã mất tất cả.

Bài trướcTại Sao Cơ Đốc Nhân Không Nên Tranh Cãi Trên Mạng Xã Hội?
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của QPMS HUỲNH VĂN THIỆN