Tại Sao Cơ Đốc Nhân Không Nên Tranh Cãi Trên Mạng Xã Hội?

8913

Nadia Wilder

Là một người viết báo, tôi phải thừa nhận rằng gần đây tôi có phần nào bị quẫn trí. Lý do là tôi bị cuốn vào những tin tức được đăng tải trên mạng xã hội và nó tràn ngập những “chủ đề thời sự nóng bỏng” quá mức cần thiết. Mỗi ngày đều có những sự công kích dữ dội trên mạng xã hội đến từ những bài viết trên blog, những lời tuyên bố huyênh hoang sáo rỗng hay những bài báo mang tính chủ quan khiêu khích. Thiết tưởng tôi cũng cần trình bày công khai về vấn đề này.

Ngày nay, có quá nhiều bài viết giải trí trên mạng truyền thông xã hội đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn như tôi đã từng bị xao lãng trong công việc thường ngày của mình và có một sự cám dỗ không thể cưỡng lại được để tham gia bình luận về bất cứ chủ đề xã hội nóng bỏng nào đang được hướng đến vào thời điểm đó.

Phải nói rằng truyền thông xã hội đang tác động và dần dần nhồi nhét vào đời sống Cơ Đốc nhân chúng ta một niềm tin quá lệch lạc đến nỗi chúng ta buộc phải nghĩ đến, đăng tải, công bố hay tham gia tranh luận vào bất kể chủ đề nào – từ những chuyện linh tinh vặt vãnh đến những bài báo lá cải bịa đặt, và phải nói là vô vàn những thứ tương tự như vậy.

Chúng ta dường như tin tưởng hoàn toàn vào những thông tin trên mạng xã hội. Chúng ta đăng tải và chia sẻ chúng. Càng ngày việc đăng tải quá mức cần thiết những bình luận, quan điểm, ý kiến sẽ dẫn đến việc làm lu mờ đi mục đích sống của Cơ Đốc nhân mà đôi khi chúng ta chưa chắc nhận ra điều này.

Vâng, chúng ta được cảm thúc để nói lên sự thật trong tinh thần yêu thương. Nhưng, chúng ta không được khuyến khích để tham gia vào tất cả những cuộc tranh cãi hay bình luận trên mạng xã hội. Thật ra, sứ đồ Phao-lô đã từng giải thích điều này với Ti-mô-thê rằng: “Hãy từ chối những cuộc tranh luận điên dại và ngu xuẩn, vì như con biết, chúng chỉ sanh ra sự cãi cọ mà thôi. Đầy tớ của Chúa không được ham tranh cãi, nhưng phải thân thiện với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, sửa dạy những người chống đối mình cách hòa nhã” (2 Ti-mô-thê 2:23-25, Bản TTHĐ).

Lý do duy nhất mà tôi rất ngại bị cuốn vào những cuộc tranh luận, bởi nó lúc nào cũng đưa đến những cuộc cự cãi. Dù với mục đích gì đi chăng nữa, người nói lên sự thật trong tinh thần yêu thương ít nhiều cũng bị coi là kẻ giả hình hoặc là người hay ném đá người khác. Sự bình phẩm sẽ bị hiểu sai là xét đoán. Tranh cãi nổi lên. Cảm xúc bị tổn thương. Sự giận dữ là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chúng ta nên tránh việc nói lên sự thật. Hơn nữa, cũng không có nghĩa rằng chúng ta phải thờ ơ hay lãnh đạm trước những vấn đề xã hội hệ trọng, có liên quan đến niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta cần phải nhờ cậy Chúa để Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan và nhận thức đúng đắn trước khi chúng ta quyết định nói ra bằng cách đăng tải sự bình luận hoặc nhấn nút “share”. Bởi vì, nhân loại hiện nay cần được biết Chúa Jêsus của chúng ta hơn là nhu cầu được nghe ý kiến riêng của chúng ta. Họ thật sự cần Lời Chúa hơn là cần những lời bình phẩm của chúng ta.

Trong một thế giới đang bị hư mất và băng hoại, Cơ Đốc nhân chúng ta được ví là ánh sáng của trần gian. Khi chúng ta bị lôi kéo và dẫn dụ bằng nhiều chiêu thức khác nhau bởi một nền văn hóa vô tín và sự lan tràn những thông tin sai lệch trên mạng truyền thông xã hội, xin hãy bám lấy lời khuyên của sứ đồ Phao-lô khi ông nói rằng: “Tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước” với một mục đích, đó là Đức Chúa Jêsus Christ (Phi-líp 3:14).

Chỉ có một ích lợi mà sự tranh luận có thể đem đến đó là để chúng ta có dịp tự tra xét lại lòng mình, rằng: Những gì mà tôi đang nói/làm/xem/hoặc nghĩ về và thậm chí điều tôi đang đọc có đem lại sự vinh hiển cho Đấng Christ hay những điều này đang làm tổn hại cho danh Chúa, bởi vì đối với Chúa không có sự nhập nhằng nửa này nửa nọ giữa hai mục đích này.

Chúng ta thường thích làm thỏa mãn cái tôi của mình hay ngụp lặn trong chiếc bồn tự mãn của riêng mình, nhưng Chúa đang kêu gọi chúng ta ra khỏi bóng tối của sự tranh cãi và đưa chúng ta vào nơi ngập tràn ánh sáng vinh hiển của Ngài.  Chúng ta được kêu gọi để sống trong ánh sáng của sự hiện diện thánh là nơi Ngài “xây mắt tôi khỏi xem những vật hư không, làm tôi được sống trong các đường lối Chúa” (Thi Thiên 119:37).

Thật vậy, tôi tin rằng Lời Chúa là sống động và thích hợp hơn hết trong thời điểm này so với bất kỳ những lời mà chúng ta dành thời gian để đọc hoặc viết ra. Sự thương xót của Chúa thật diệu kỳ, ân điển của Ngài thật lớn lao, và Lời Ngài là tốt lành hơn tất cả. Sứ đồ Phao-lô đã trải nghiệm điều này và ông đã thốt lên rằng: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ” (Phi-líp 3:8). Khi suy ngẫm đến những lời này, tôi được thúc giục rằng, để có được Đấng Christ cho đời sống của mình, có những điều tôi cần phải vứt bỏ và xem như rơm rác.

Hội Thánh tại Phi-líp phải đương đầu trước những nan đề của họ và về những người phụ nữ ưa tranh cạnh. Chúng ta biết điều này bởi vì sứ đồ Phao-lô đã đề cập đến họ một cách đích danh. Nếu sứ đồ Phao-lô viết một bức tâm thư đến cho chúng ta, có lẽ ông cũng sẽ viết với nội dung tương tự. Chúng ta không biết rõ tình huống đưa Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ đến sự tranh cãi, nhưng họ đã bị nhắc nhở và sứ đồ Phao-lô đã khuyên họ hãy hòa thuận với nhau vì danh Chúa. Bởi vì ông biết rằng sự hiềm khích của họ sẽ có ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở hai người nhưng nó cũng có thể gây cản trở đến sự giảng Tin Lành của họ và ảnh hưởng đến cả Hội Thánh Chúa. Phao-lô thúc giục Hội Thánh cần nhắc cho họ nhớ đến địa vị trong Chúa của họ và những công việc mà họ đã từng hợp tác với nhau. Ông muốn nhắc nhở rằng cho dù có những bất đồng trong quan điểm, nhưng họ phải đồng tư tưởng trong Christ, và hãy coi nhau như là những đồng lao cho vương quốc của Ngài.

Cũng vậy, tôi cũng muốn nhắc nhở cho chúng ta rằng trong bất cứ cuộc luận chiến hay tranh cãi nào, chúng ta hãy đồng tư tưởng trong Đấng Christ. Hãy cẩn trọng điều này bởi vì truyền thông xã hội có thể làm phân tâm và chia rẽ để chúng ta quên đi mục tiêu của mình: đó là chúng ta không phải để giành lấy phần thắng trong các cuộc tranh luận, bèn là giành được những linh hồn hư mất cho Nước Trời.

Sứ đồ Phao-lô tiếp tục viết rằng chúng ta hãy vui vẻ trong mọi điều, hãy để nết nhu mì của chúng ta được tỏ ra cho mọi người, và hãy thường cầu nguyện luôn luôn. Ông đã gởi gắm lời khuyên của mình đến cho Hội thánh Chúa tại Phi-líp, cho chính tôi và cho các bạn rằng:  “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến… thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em.” (Phi-líp 4:8-9b)

Cũng trong thư tín này, sứ đồ Phao-lô đã đề cập đến một sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết. Là những con cái yêu dấu của Chúa Jêsus, chúng ta được ban cho ân tứ để nhận lãnh sự bình an đó, và chúng ta cũng có đặc quyền để chia sẻ và mang sự bình an này đến cho thế gian. Hãy là người đứng lên san lấp vào những chỗ sứt mẻ của một thế giới đau khổ và đầy dẫy những hiềm khích trên mạng xã hội bằng những bông trái của Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta: ấy là Tình Yêu Thương, Vui Mừng, Bình An, Nhịn Nhục, Nhân Từ, Hiền Lành, Trung Tín, Mềm Mại và Tiết Độ.

Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ dạy cho tôi biết đường lối Ngài, thì tôi sẽ đi theo sự chân thật của Ngài; Xin khiến tôi một lòng kính sợ Danh Ngài.” (Thi Thiên 86:11)

Thanh Trang dịch

Nguồn: https://www.christianity.com/christian-life/why-christians-should-stop-arguing-on-social-media.html

Bài trướcHiệp Nguyện Tại Tỉnh Phú Yên Tháng 5/2018
Bài tiếp theoBài 93: Những Tấm Lòng Tan Vỡ