NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
Trong bài vừa qua, chúng tôi đã thưa với quí vị về những đặc điểm trong đời sống của Nê-hê-mi là một gương mẫu cho những người lãnh đạo thuộc linh. Chúng ta đã học qua 9 trong số những đặc điểm nầy. Bây giờ chúng ta bước sang điểm thứ mười, người lãnh đạo thuộc linh là người tận hiến cuộc đời mình cho công việc Chúa. Nê-hê-mi 4 ghi rằng,
21Chúng tôi làm việc từ rạng đông cho đến lúc sao mọc. Phân nửa số người lúc nào cũng cầm khí giới sẵn sàng chiến đấu. 22Tôi còn chỉ thị mọi người, kể cả những người đầy tớ, phải ngủ lại đêm trong thành để ai nấy có thể làm việc ban ngày, canh gác ban đêm. 23Và như thế, suốt trong thời gian xây thành, không một ai trong chúng tôi (kể cả tôi, anh em, đầy tớ và lính hộ vệ tôi) cởi áo ra. Tất cả chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
Đây là một biểu hiện của thái độ tận hiến. Nê-hê-mi là một người lãnh đạo tận hiến, cùng làm việc với những người tận hiến cho công việc Chúa.
Đặc điểm thứ 11, người lãnh đạo thuộc linh là người có cái nhìn tập trung vào công việc. Hiện tượng nhìn sự việc theo một chiều nhất định có khi tốt nhưng củng có khi xấu. Hitler là người nhìn sự việc theo một chiều nhất định. Ông gạt bỏ mọi ý kiến của các tướng lãnh hoặc các cố vấn. Ông bất chấp mọi lời khuyên đúng đắn từ bên ngoài. Nhìn sự việc theo một chiều nhất định như vậy là tiêu cực. Nhưng với một người đang làm công việc Chúa, khả năng tập trung và dồn mọi nỗ lực vào công việc là điều tốt. Nê-hê-mi đã nhắm vào chỉ một mục tiêu và không hề xao lãng chút nào về công việc mà Chúa đã đặt trong lòng ông. Những người chung quanh không sao khiến ông ngưng nghỉ công việc xây dựng tường thành. Nhiều người tìm mọi cách để lừa ông nhằm khiến ông xuống khỏi vách tường, nhưng họ không sao khiến ông xao lãng mục tiêu. Nê-hê-mi nhìn mục tiêu của mình theo một chiều thẳng tắp. Ông hoàn toàn bỏ qua ý kiến của những người nói rằng ông không thể làm theo cách đó được. Nê-hê-mi là một trường hợp nhìn theo một chiều nhưng tích cực.
Nhiều năm trước đây một nhóm các thương gia mời ông phó giám đốc của một công ty đóng tàu khá lớn nói chuyện với họ. Công ty đóng tàu nầy làm ăn thành công, họ nhận được các hợp đồng để đóng những chiếc tàu lớn, trong khi đó những công ty khác thì ngồi chơi xơi nước. Chỉ mới đó công ty của ông vừa nhận được một hợp đồng lên đến 38 triệu US dollars. Các thương gia muốn tìm hiểu bí quyết nào khiến công ty thành công. Câu trả lời là thế nầy, “Chúng tôi chỉ nhắm một hướng, bỏ qua tất cả ý kiến cho rằng, làm như vậy là không thể được.”
Có một người thợ xây dựng yêu cầu hãng bảo hiểm phải bồi thường một số tiền lớn vì tai nạn lao động. Trên tờ đơn khi đến mục nguyên nhân gây ra tai nạn thì người này ghi, “tâm thần bấn loạn.” Công ty bảo hiểm vì muốn hiểu rõ nên gởi trả lại tờ đơn với lời yêu cầu xin giải thích chi tiết. Người thợ ghi lại như sau, “Tôi là thợ nề, vào ngày xảy ra tai nạn, tôi làm việc một mình trên nóc của một tòa nhà 6 tầng. Khi xong việc tôi mới khám phá còn gần 250 ký gạch. Thay vì mang gạch xuống bằng tay, tôi quyết định dùng ròng rọc để chuyển số gạch xuống. Tôi buộc sợi dây thừng thật chặt ở dưới đất, rồi lên mái nhà kéo thùng lại lần lượt xếp gạch vào bên trong. Xong xuôi, tôi đi xuống dưới đất để mở sợi dây thừng, tôi giữ nó thật chặt để hạ khoảng 250 ký gạch xuống từ từ. Xin nhớ rằng, tôi chỉ nặng có 61 ký mà thôi. Ông biết điều gì xảy ra, đột nhiên tôi bị xốc mạnh lên khỏi mặt đất trong sự kinh hoàng, tâm trí tôi vụt biến đâu mất, tôi quên bẵng là phải buông sợi dây thừng ra. Khỏi cần phải nói thêm, tôi bị kéo lên thật nhanh, cho đến tầng thứ 3 thì thùng gạch đang đi xuống. Điều nầy giải thích vì sao tôi bị vỡ sọ và gãy xương đòn gánh. Nhưng rồi tôi tiếp tục bị kéo lên rất nhanh cho đến khi những ngón tay phải của tôi bị kẹp sâu vào trong ròng rọc. Vì vậy tay phải của tôi bị rách nát. May mắn là lần nầy tôi hoàn hồn nên mặc dầu đau đớn nhưng tôi vẫn nắm chặt vào sợi dây thừng. Cùng lúc đó thì thùng gạch rơi đến mặt đất và đụng mạnh vào nền nhà làm đổ gạch ra. Lúc nầy thì thùng gạch nhẹ đi, chỉ còn khoảng 25 kg. Quí vị đã biết là tôi nặng khoảng 61 kg nên lại bị rơi xuống đất nhanh chóng. Đến tầng thứ ba thùng gạch đang đi lên khiến tôi bị dập mắt cá, trầy sướt chân tay mình mẩy. Cuối cùng thì tôi bị rơi vào đống gạch, may mắn là chỉ có 3 đốt xương sống bị gãy mà thôi. Tôi nằm trên đống gạch đau đớn, không thể nào đứng dậy được, nhìn xem thùng gạch trống rỗng trên tầng thứ sáu, một lần nữa tâm trí tôi bay đâu mất, tôi quên bẵng là tôi phải thả sợi dây thừng ra.”
Ngay nay người ta nói nhiều về việc tập trung tâm trí. Nê-hê-mi cho thấy tập trung tâm trí là một đặc điểm của người lãnh đạo. Nê-hê-mi không bao giờ bị lạc khỏi mục tiêu và chú ý.
Điểm thứ 12 của người lãnh đạo là thái độ quả quyết. Chương 5 cho biết Nê-hê-mi khám phá một số người đã bóc lột người khác bằng cách cho vay lấy lời. Nê-hê-mi buộc họ phải thỏa thuận là không chiếm đoạt đồng bào mình điều gì cả. Quí vị còn nhớ Nê-hê-mi đã xử sự thế nào khi có sự cưới gả với dân ngoại không? Ông nặng lời với họ, đánh họ và kéo tóc họ. Nê-hê-mi cũng làm như vậy với người Giu-đa bóc lột. Để ý về cách mà Nê-hê-mi đối xử với những người nầy, chúng ta thấy ông là người có thái độ quả quyết.
Điểm thứ 13, người lãnh đạo có lòng vững tin. Nê-hê-mi biết ông đang làm công việc cho Đức Chúa Trời. Ông tin rằng Chúa đã gọi ông làm công việc đó. Điều này càng khiến Nê-hê-mi vững tin.
Đặc điểm 14, người lãnh đạo thuộc linh đầy lòng can đảm, không run sợ, không khiếp đảm.
Đặc điểm 15, người lãnh đạo là người bền chí. Chương 15 sách Rô-ma, sứ đồ Phao-lô mô tả tiến trình mà Đức Chúa Trời dùng sự đau khổ để chuẩn bị người lãnh đạo cho công việc của Ngài. Một phần trong tiến trình nầy, Chúa dùng sự đau khổ để tạo ra tính kiên nhẫn hầu cho người lãnh đạo không bỏ cuộc giữa chừng. Khi mô tả về phẩm chất nầy, Phao-lô nói, “Hy vọng nơi Chúa không làm cho chúng ta thất vọng vì Đức Chúa Trời đã đổ vào lòng chúng ta tình yêu của Ngài bởi Đức Thánh Linh là Đấng Ngài đã ban cho chúng ta.” Câu này theo bản gốc nghĩa là, “Họ sẽ không bị thay đổi nhưng kiên định.” Nếu quí vị đã có dịp thăm viếng các giáo sĩ đang hoạt động rải rác trên khắp thế giới, quí vị sẽ khám phá rằng kiên trì là một phẩm chất của họ. Những người nầy đã kiên cường bám trụ trong suốt hằng chục năm hoặc đến năm chục năm nơi những vùng đất xa xôi. Đôi khi phải tốn đến mười lăm năm, hoặc hai mươi năm trước khi mọi bức tường ngăn cách bị phá đổ và dân địa phương ăn năn qui đạo. Kiên nhẫn là một đặc tính quan trọng của người lãnh đạo công việc Chúa.
Đặc điểm 16, Người lãnh đạo thuộc linh là người có ơn tổ chức. Một số người cho rằng khi làm công việc Chúa và các việc trong Hội Thánh, vấn đề tổ chức là không thuộc linh. Họ tỏ ra thái độ tiêu cực đối với việc tổ chức bằng cách nói rằng, “Sự tổ chức khiến Đức Thánh Linh không còn chỗ đứng trong Hội Thánh.” Với họ thì hoặc là một Hội Thánh đầy sức sống dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh hoặc là một Hội Thánh tổ chức chớ không thể nào một Hội Thánh vừa được cai trị bởi Thánh linh vừa có tổ chức.
Khi học về Kinh Thánh là cẩm nang cho Hội Thánh và công việc Chúa, thì chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề tổ chức không phải là điều bị gạt bỏ ra ngoài. Việc tổ chức được dạy trong Kinh Thánh. Có một cấu trúc rõ ràng nói về công việc Chúa trong Hội Thánh. Lãnh đạo công việc Chúa thường là người có ơn tổ chức. Chương thứ 7 của Nê-hê-mi, ông nói, “Tôi chỉ định, tôi phân trách nhiệm, tôi ra các chỉ thị, tôi gọi mọi người họp lại…” Nê-hê-mi là một người lãnh đạo có ơn tổ chức. Mẫu người lãnh đạo như Nê-hê-mi thường có ơn tứ tổ chức. Nhưng mẫu người như Ê-xơ-ra lại không có ơn nầy.
Đặc điểm 17 của người lãnh đạo công việc Chúa là họ có mục tiêu ưu tiên. Chương 10 câu 30 đến 37 cho biết Nê-hê-mi là người lãnh đạo có thứ tự ưu tiên. Ông tập họp mọi người lại, ông đưa họ đến chỗ đồng ý không cưới gả với dân ngoại, giữ luật sa bát. Nê-hê-mi định thuế đền thờ và dâng phần thâu hoạch đầu tiên lên Chúa. Ông cũng yêu cầu việc dâng con đầu lòng và súc vật đầu lòng cho Đức Chúa Trời. Dân sự cũng hứa nguyện với Nê-hê-mi rằng họ sẽ dâng cho Đức Chúa Trời phần mười của mọi vật. Những chi tiết nầy cho thấy Nê-hê-mi là người biết nhận định đâu là điều quan trọng, đâu là điều thứ yếu. Mỗi người đều nên có thứ tự ưu tiên trong đời sống của mình. Những ưu tiên của quí vị là gì? Xin quí vị liệt kê ra 10 điều, đặt Chúa lên hàng đầu rồi ghi ra 9 điều còn lại.
Nê-hê-mi đã nói lên nguyên tắc 18 dành cho người lãnh đạo. Họ có con roi của người chăn, cây roi nầy dùng để hướng dẫn cũng như dùng để kỷ luật dân sự của Đức Chúa Trời.
Điểm 19 là người lãnh đạo công việc Chúa vẫn là con người và thể hiện tính chất người. Nê-hê-mi rất là người. Đặc tính nầy được tìm thấy nhiều nơi trong sách. Khi ông hoàn thành xong một công việc nào đó thì ông thường cầu nguyện với Chúa, “Xin Ngài hãy nhớ những điều tốt mà con đã làm và ban phước cho con.” Đức Chúa Trời để cho chúng ta thấy tính chất người của mỗi một nhân vật trong Kinh Thánh. Điều nầy khiến họ trở nên thực và khích lệ chúng ta tiến tới vì biết rằng trên căn bản họ giống chúng ta.
Cuối cùng Nê-hê-mi cho thấy điểm 20 đối với những người lãnh đạo công việc Chúa. Họ là những người có thể nói giống như Chúa Giê-xu rằng, “Con đã tôn vinh Cha trên đất, con đã làm xong việc Cha giao cho con làm.” Nê-hê-mi đã hoàn thành xong việc xây dựng tường thành Giê-ru-sa-lem. Chúng ta không nên bao giờ quên đích cuối cùng khi chúng ta đang nỗ lực làm những việc Chúa muốn làm qua chúng ta. Cuối cuộc đời chúng ta có thể nói như Chúa Giê-xu đã nói rằng, “Thưa Cha, con đã tôn vinh Cha trên đất, con đã làm xong việc Cha giao cho con.” Vị giáo sĩ tuận đạo tên là Jim Elliot viết những lời nầy trong nhật ký của ông, “Khi mà trong chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời là đến thời điểm bạn qua đời, thì tất cả những gì bạn phải làm lúc đó là nhắm mắt ra đi.” Người lãnh đạo công việc của Đức Chúa Trời là người có thể nói như Chúa Giê-xu rằng, “Mọi sự đã được hoàn tất.”