Bài 74: Phước Hạnh Của Sự Tha Thứ (TT)

1653

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Đa-vít nói với chúng ta qua Thi thiên 32 về sự xưng tội và kinh nghiệm được sự tha thứ. Những diễn biến được ghi lại trong 2 Sa-mu-ên 11 – 18 cho biết Đa-vít đã cố gắng để che đậy tội lỗi của mình. Đó là những năm tháng buồn thảm nhất trong đời sống của ông. Thậm chí chúng ta có thể giả định rằng Đa-vít không sao cầu nguyện được trong thời gian này. Ông cũng không thể nói về Lời Chúa trong những năm tháng đó. Đa-vít không thể ca ngợi Chúa và không hướng dẫn ban nhạc Lê-vi rất đông người để ngợi khen Ngài. Có lẽ ông cũng không đến đền thờ để thờ lạy Chúa như thói quen ông thường làm. 

Xét về phương diện thuộc linh thì Đa-vít trở nên bất lực và khả năng cai dân trị nước của ông bị thất bại. Dưới tấm hình của một hiệp sĩ thời trung cổ có ghi dòng chữ nầy, “Ta có sức mạnh của hàng ngàn người vì lòng ta trong sạch.” Nếu nói ngược lại thì điều này cũng đúng vậy. Một khi tội lỗi chưa được giải quyết thì những người lãnh đạo thuộc linh trở nên bất lực và khả năng lãnh đạo của họ bị gãy đỗ. Người đó không có sức mạnh để phục vụ Đức Chúa Trời vì người lãnh đạo thuộc linh dẫn dắt người khác bằng chính đời sống thánh thiện của mình. Đa-vít đã trải qua những tháng ngày đen tối khi ông cố gắng che đậy tội lỗi. Tuy nhiên tiên tri Na than đã xuất hiện và thẳng thắn cảnh cáo Đa-vít về tội của vua, Đa-vít tan vỡ trong ăn năn thống hối, ông đã biết hành xử đúng đắn đối với những thất bại của mình.

Đa-vít nói trong Thi thiên 32 về kết quả của việc ăn năn xưng tội. Có người cho rằng đối với những kinh nghiệm thuộc linh thì điều quan trọng không nằm ở những chi tiết, vì các chi tiết có thể khác nhau rất nhiều tùy trường hợp. Chúng ta thấy điều này qua những kinh nghiệm của các bậc vĩ nhân trong Kinh thánh. Chẳng hạn Môi-se gặp Chúa tại bụi gai cháy. Ê-sai kinh nghiệm Chúa qua một khải tượng. Dẫu rằng các chi tiết về những kinh nghiệm này khác nhau và khác nhau rất nhiều thì kết quả của những kinh nghiệm này rất tương đồng. Đa-vít trình bày trong Thi thiên 32 về kết quả của kinh nghiệm ăn năn và xưng tội của ông. Đa-vít nói,

 

1  Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình!

2  Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, Và trong lòng không có sự giả dối!

3  Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu-tàn, Và tôi rên siết trọn ngày;

4  Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; Nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè.

5  Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; Còn Chúa tha tội ác của tôi.

6  Bởi cớ ấy phàm người nhơn đức đều cầu nguyện cùng Chúa trong khi có thể gặp Ngài.

 

Kết quả đầu tiên trong việc ăn năn xưng tội là không còn mặc cảm phạm tội. Người ăn năn xưng tội sẽ kinh nghiệm được phước hạnh của sự tha thứ. Đây chính là điều mà những người tin kính Chúa cầu nguyện. Vậy phải chăng nó ngụ ý rằng những người tin kính có thể phạm tội? Dĩ nhiên đúng như vậy. Không có chỗ nào trong Kinh thánh nói rằng những người tin kính không phạm tội hay ai đó có thể đạt đến một mức độ thuộc linh rất thánh thiện đến nỗi không hề phạm tội. Phao-lô đã cảnh giác như sau, “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (1 Co 10:12). Người cho rằng mình rất mạnh mẽ và không rơi vào vòng tội lỗi chính là người dễ bị tội lỗi đánh gục nhất. Đa-vít đã nói trong Thi thiên 32 rằng,

3  Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu-tàn, Và tôi rên siết trọn ngày;

4  Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; Nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè.

Tội lỗi đã gây ra hậu quả về phương diện thể chất, nói cách khác tội lỗi khiến cơ thể tác giả bị bệnh tật. Nhưng Đa-vít nói “Khi tôi thú tội thì mọi sự thay đổi.” Chữ thú tội được kết hợp bởi hai chữ có nghĩa là phát biểu giống nhau. Trong Tân ước chữ thú tội được dịch từ chữ “homolegeo.” “Homo” nghĩa là giống nhau. “Legeo” nghĩa là nói. Như vậy thú tội nghĩa là nói hay phát biểu giống nhau. Một cách đơn giản, nó có nghĩa là chúng ta đồng ý với Đức Chúa Trời, chúng ta nhìn về tội lỗi giống như Đức Chúa Trời nhìn, chúng ta đánh giá tội lỗi giống như Đức Chúa Trời đánh giá. Đó là thú tội. Một khi đã thú tội thì Đa-vít nói, “Thật vui mừng, thật phước hạnh và thật nhẹ nhàng. Phước cho người được tha thứ, đó là điều mà người tin kính Chúa nên cầu nguyện.”

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, “Làm thế nào để biết được tội lỗi tôi đã được tha thứ?” Một số người trả lời, “Tôi biết tội lỗi tôi đã được tha thứ vì Kinh thánh đã nói như vậy, và tôi tin vào điều Kinh thánh nói, điều đó khiến tôi an tâm. Nếu Kinh thánh nói mà tôi nghi ngờ thì tôi không an tâm. Dĩ nhiên trên một phương diện thì bạn biết tội lỗi của mình đã được tha thì Kinh thánh đã nói như vậy và bạn tin như vậy. Nhưng có một cách khác để biết tội mình được tha đó là những mặc cảm tội lỗi không còn nữa vì Chúa đã cất nó đi. Khi Chúa đã cất mặc cảm tội lỗi thì bạn biết mình đã nhận được sự tha thứ. Dẫu vậy có một điều cần nhớ là chúng ta vẫn phải đối diện với những hậu quả tội lỗi.

Ngày nay các bác sĩ tâm lý giải quyết vấn đề mặc cảm tội lỗi khác nhau. Họ nói rằng, “Không có cái gọi là mặc cảm tội lỗi vì không có cái gì gọi là đúng hoặc cái gì gọi là sai. Không có điều gì mà bạn không nên làm. Không có điều gì mà bạn phải không được làm. Không có tiêu chuẩn đạo đức nào mang tính chất tuyệt đối.” Đó là cách mà họ giải quyết nan đề mặc cảm tội lỗi. Họ nói rằng, “Mặc cảm tội lỗi chỉ dành cho trẻ con mà thôi vì chỉ có trẻ con mới để cho người khác bày vẽ điều gì là đúng, điều gì là sai. Không nên để cho người khác nói rằng những gì bạn làm là sai trật. Bạn đang có mối liên hệ với những người bị ý niệm đạo đức chi phối. Họ là những người nói rằng bạn sai trật khi làm điều này, điều nọ, chính họ khiến cho bạn mang mặc cảm tội lỗi. Vậy cách tốt nhất là hãy đoạn giao với những người đó, hãy kết thân với những người sống mà không cần đến một tiêu chuẩn đạo đức nào cả rồi bạn sẽ thấy mặc cảm tội lỗi của bạn được giải quyết.” Thật là kỳ lạ về cách giải quyết vấn đề mặc cảm tội lỗi của một số người như vậy.

Kinh thánh không bao giờ đề cập đến mặc cảm tội lỗi theo cách đó. Đa-vít cũng không hề nói như vậy. Ông nói, “Tôi có mặc cảm tội lỗi vì tôi đã phạm tội.” Và cách Đa-vít giải quyết là hãy thú nhận rằng mình đã phạm tội. Sau đó sẽ kinh nghiệm được phước hạnh của sự tha thứ. Mặc cảm tội lỗi được cất đi. Đây là cách Đức Chúa Trời giải quyết mặc cảm phạm tội.

Thi thiên 51 là lời thú tội của Đa-vít. Thi thiên 32 nói về kết quả của việc xưng tội. Thi thiên 51 là một Thi thiên hết sức giá trị. Nó cho ta thấy được con người vĩ đại của Đa-vít. Có 3 điều được nói đến trong Thi thiên 51. Thứ nhất là Đa-vít cầu nguyện về nguồn gốc của tội lỗi. Đa-vít thưa với Chúa rằng, Nầy, Chúa muốn sự chơn thật nơi bề trong; Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi.

Để đáp lại lời khẩn nguyện này, Đức Chúa Trời đã bày tỏ một chân lý cho Đa-vít. Sau đó chúng ta nghe Đa-vít nói gì? “Tôi chỉ là một tội nhân, đây chính là nguyên nhân của những rắc rối. Tôi là một tội nhân khi là một thanh niên trai tráng. Tôi là một tội nhân khi còn là một đứa trẻ, thậm chí tôi cũng là một tội nhân khi còn nằm trong bụng mẹ. Ngay khi được thai dựng trong lòng mẹ thì tôi đã là một tội nhân. Đó chính là nguyên nhân mọi thất bại của tôi. Tận trong bản chất sâu kín nhất tôi là một tội nhân.”

Sau khi Đức Chúa Trời bày tỏ cho Đa-vít nhận thức đó thì ông đã thưa với Chúa ở câu 10 rằng, Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.

Động từ “dựng nên” được dịch từ chữ “bara.” Trở lại với câu chuyện sáng tạo trong Sáng thế ký chữ “bara” nghĩa là “tạo nên một điều gì đó từ chỗ không có gì cả.” Động từ này chỉ được dùng 3 lần trong Sáng thế ký đoạn 1 và 2. Bara nghĩa là không có gì cả cho đến khi Đức Chúa Trời hành động thì có kết quả, có sự vật hiện hữu. Thi thiên 51:10 Đa-vít đã khẩn nguyện tha thiết rằng, “xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch.” Điều ông cầu nguyện là “xin Đức Chúa Trời làm một điều gì đó từ chỗ không có gì cả. Xin Chúa hãy tạo dựng trong lòng con điều mà con không có khi chào đời. Bằng không thì con vẫn sẽ còn phạm tội hết lần nầy đến lần khác. Xin Chúa làm một phép lạ tân tạo con người bên trong của con. Đây là cách duy nhất để con có niềm hy vọng sống một đời sống đẹp lòng Chúa.” Chúa đáp lời bằng cách tái sanh chúng ta. Từ ngữ tái sanh được dùng trong Tân ước. Chúa Jêsus phán rằng, “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt, đừng lấy làm lạ về điều ta nói cùng các ngươi, các ngươi cần phải sanh lại.” Khi các vị sứ đồ trong Tân ước nói về sự sanh lại thì họ gọi đó là sự sáng tạo. “Nếu ai ở trong Đấng Christ thì người đó là một tạo vật được dựng nên mới.” Đức Chúa Trời tạo nên một bản chất mới trong lòng của những người đã được sanh lại. Đa-vít đã có được một sự hiểu biết mang tính chất tiên tri khi ông dâng lời cầu nguyện hằng ngàn năm trước khi Chúa Jêsus phán “Ngươi phải sanh lại.”

Đa-vít cũng bày tỏ động lực khiến ông mong muốn được Chúa khôi phục lại đời sống tâm linh, ông nói, “Nếu Chúa khôi phục tâm linh tôi, tôi sẽ ca hát, tôi sẽ ngợi khen Ngài, tôi sẽ giảng dạy.” Đa-vít là một người giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cho một hội chúng đông đảo. Ông yêu mến lời Chúa, ông suy gẫm lời Chúa ngày và đêm. Đa-vít yêu thích rao giảng và dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời. Ông thích ca ngợi với Lời của Ngài và hướng dẫn người khác thờ phượng Chúa. Thế nhưng trong thời gian che đậy tội lỗi, Đa-vít đã không làm gì cả. Tiên tri Na-than hẳn đã thấy có điều gì sai trật nơi Đa-vít. Chỉ khi nào Đa-vít giải quyết vấn đề tội lỗi thì ông mới có thể tái lập mối thông công với Đức Chúa Trời và những sinh hoạt thuộc linh mới trở lại bình thường. Qua Thi thiên 51, Đa-vít không nghi ngờ gì cả là Đức Chúa Trời sẽ phục hưng ông cùng ban cho những phước hạnh thuộc linh. Vào phần cuối của Thi thiên 51, Đa-vít đã dâng lời cầu nguyện khác thường, “Chúa ơi, Ngài không muốn của lễ thiêu.” Khi học về đền tạm trong đồng vắng, chúng ta biết rằng tội nhân sẽ đem theo súc vật đến đền thờ tạm để dâng lên làm của lễ cho tội của họ. Số lượng súc vật cũng như loại súc vật tùy thuộc vào mức độ phạm tội và khả năng tài chánh của người đó. Đa-vít có thể dâng cả đàn bò làm của lễ thiêu, nhưng ông biết Đức Chúa Trời không muốn ông làm điều nầy. Đa-vít muốn khẳng định rằng, “Đây không phải là điều Chúa muốn, điều Chúa muốn là sự thay đổi bên trong chớ không phải chỉ là những điều bên ngoài. Chúa muốn tấm lòng tan vỡ, ăn năn và thống hối.” Bởi vậy ông cầu nguyện, “Xin hãy khiến con tan vỡ tận đáy lòng, xin chữa lành con và tạo dựng trong con một bản chất mới, chỉ khi đó con mới có thể sống một đời sống tôn vinh Ngài.” Thi thiên 51 là một Thi thiên rất hay nói về việc ăn năn xưng tội.

Nếu bạn đã phạm tội với Chúa, và không biết làm thế nào để xưng tội, nếu bạn cần sự tạo dựng mới trong tâm linh, nếu bạn không biết làm thế nào để tâm linh được khôi phục thì hãy dùng Thi thiên 51 như là lời cầu nguyện ăn năn, xưng tội cho riêng mình. Nó sẽ giúp cho bạn biết ăn năn xưng tội theo cách mà Chúa bày tỏ qua lời của Ngài.

Khi đọc qua 2 Sa-mu-ên 11-18, chúng ta thấy tính chất vĩ đại của con người Đa-vít ngay cả khi ông sa ngã phạm tội. Dĩ nhiên sự vĩ đại của ông không do việc ông phạm tội, nhưng do việc ông biết đối phó với tội lỗi mình đã phạm.

 

Bài trướcNgày 21/8/2016: Ca Ngợi Chúa
Bài tiếp theoBài 74: Quyền Năng Của Chúa Giê-Xu