Bài 68: Đức Chúa Trời Nhậm Lời (TT)

1678

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Chúng ta đang lược khảo sách I Sa-mu-ên. Nhân vật được đề cập tại đây cũng chính là Sa-mu-ên. Ông là một tiên tri vĩ đại của Đức Chúa Trời, và là một nhà lãnh đạo hành chánh của dân Y-sơ-ra-ên. Nhân vật thứ hai trong bài hôm nay hoàn toàn tương phản, cuộc đời của người này là một lời khuyến cáo nghiêm trọng cho chúng ta. Người đó chính là Sau-lơ.

 

Cuộc đời của Sau-lơ đã dẫn đến một sự tranh luận thần học. Điểm tranh luận là thế nầy: Nếu một người đã thật sự được tái sinh, có sự sống thuộc linh, thì liệu người đó có thể đánh mất sự cứu rỗi không? Có hai câu trả lời khác nhau và dường như cả hai đều có những câu Kinh thánh hỗ trợ.

 

Con dân Chúa chưa bao giờ đồng ý về vấn đề nầy. Một số người nói, không! ai đã được cứu thì không bao giờ bị mất sự cứu rỗi. Người đó có thể đánh mất nó trong một thời gian, nhưng rồi luôn luôn được nó trở lại giống như trường hợp của đứa con trai hoang đàng. Một số người nói có. Người được cứu vẫn có nguy cơ bị mất sự cứu rỗi. Bạn có thể được cứu ngày hôm nay, nhưng có thể bị mất nó vào ngày mai. Một số người tin rằng chúng ta phải cần được tái sinh nhiều lần. Cứ mỗi lần đi theo ý riêng thay vì theo ý Chúa và hành xử như đứa con trai hoang đàng thì thì chúng ta cần phải được tái sinh. Theo Mục sư Dick Woodward, sau khi nghiên cứu về sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời cũng như sự lựa chọn của Ngài thì ông tin rằng nếu một người đã thật sự kinh nghiệm sự cứu rỗi, thật sự được tái sinh thì sẽ không mất sự cứu rỗi đó.

 

Những người quan niệm sự cứu rỗi có thể bị đánh mất dùng Sau-lơ như là một hậu thuẫn cho lập trường của mình. Sau-lơ tỏ ra là một người có kinh nghiệm thuộc linh. Ban đầu ông không phải là người như vậy, nhưng ông đã từng trải sự biến đổi. Thậm chí Sau-lơ còn được xem là tiên tri và ông đã nói tiên tri. Đức Chúa Trời đã ban cho ông một tấm lòng mới, biến ông trở nên con người mới. Và cuối cùng ai cũng thấy rằng Sau-lơ đã đánh mất sự sống thuộc linh.

 

Chương thứ 9 của I Sa-mu-ên giới thiệu về Sau-lơ. Sau-lơ là con của Kích, ông rất bảnh trai và cao ráo, Sau-lơ cao hơn những người khác từ vai trở lên. Thời đó những người cao lớn được xem là đẹp. Cha của Sau-lơ mất lừa, nên ông và những người bạn cùng đi tìm. Nhưng họ không tìm ra và dường như muốn bỏ ý định đi tìm, một người bạn đề nghị rằng, “Tôi nghe nói có một tiên tri ở gần đây, ông có thể cho biết chúng ta nên làm gì. Tại sao không hỏi ông về việc nầy?” Bởi vậy họ đến cùng Sa-mu-ên để hỏi ông về những con lừa đang bị lạc.

 

Trước đó một ngày thì Đức Chúa Trời đã phán với Sa-mu-ên rằng, “Vào giờ này, ngày mai sẽ có một người từ chi phái Bên-gia-min đến gặp ngươi. Hãy xức dầu cho người đó làm vua Y-sơ-ra-ên.” Do đó, Sa-mu-ên biết là Sau-lơ sẽ đến. Khi Sau-lơ tìm được Sa-mu-ên và hỏi về những con lừa thì Sau-lơ hoàn toàn kinh ngạc về những gì xảy ra. Sa-mu-ên mời Sau-lơ dự một bữa tiệc thịnh soạn. Ông trao phần ăn cho Sau-lơ mà nói rằng, “Ta đã chờ và chuẩn bị bữa tiệc nầy cho ngươi, đừng lo về việc mấy con lừa, nó đã được tìm ra rồi. Hơn nữa cả Y-sơ-ra-ên bây giờ là của ngươi.” Sau-lơ sửng sốt đáp, “Xin lỗi ông, tôi là người của chi phái Bên-gia-min, một chi phái nhỏ nhất trong Y-sơ-ra-ên. Còn gia đình tôi là nhỏ nhất trong cả chi phái. Ông có chọn sai người rồi chăng.”

 

Đây là những lời phát biểu khá quen thuộc. Nhiều người khi được tấn phong vào những chức vụ lãnh đạo thì cũng đã có cùng một suy nghĩ như vậy. Họ không ngần ngại nói rằng, tôi không phải là người xứng đáng đứng vào vị trí nầy. Tôi chỉ là một con số không to tướng mà thôi. Tôi là kẻ nhỏ nhất trong những kẻ nhỏ nhất. Ghi-đê-ôn nói như vậy, Môi-se cũng nói như vậy. Nhận biết mình không ra chi là một thái độ lành mạnh.

 

Nhắc đến chi phái Bên-gia-min, bạn còn nhớ cuộc nội chiến ở cuối sách Các Quan xét không? Chi phái Bên-gia-min chiến đấu chống lại những chi phái khác và hầu như thanh toán tất cả. Thế rồi Đức Chúa Trời can thiệp, Ngài giúp 11 chi phái kia thay đổi tình thế và cuối cùng họ gần tiêu diệt hết chi phái Bên-gia-min. Chỉ còn sót lại 600 người mà thôi. Chúa phán, “Ta không muốn một chi phái nào trong vòng dân Y-sơ-ra-ên bị diệt khỏi mặt đất.” Những chi phái khác bèn gả những người nữ cho Bên-gia-min và nói rằng, “Các ngươi hãy sanh sản thêm nhiều vì Đức Giê-hô-va không muốn một chi phái nào bị tuyệt diệt.” Và đó chính là chi phái của Sau-lơ, nên không lấy làm lạ gì khi ông nói rằng, “Tôi là kẻ nhỏ nhất trong một chi phái nhỏ nhất.” Nhưng Sa-mu-ên đã xức dầu cho ông làm vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Câu chuyện đã kết thúc rất hay, “Vậy trong ngày đó, Sau-lơ ăn bữa cùng Sa-mu-ên.” Chắc hẳn Sau-lơ không bao giờ quên giờ phút được ngồi chung bàn với Sa-mu-ên.

 

Mục sư Dick Woodward kể lại kinh nghiệm của ông như sau, “Cách đây nhiều năm tôi là chủ tịch của Hội Liên Hữu Cơ Đốc. Tôi được phân công đón Tiến sĩ Abraham tại phi trường. Ông là người của Đức Chúa Trời, một người thuộc linh hết sức sâu nhiệm. Tôi chưa bao giờ nghe nói về ông. Ông đã sáng lập buổi điểm tâm cầu nguyện dành cho tổng thống tại thủ đô Washington và có một chức vụ thật tuyệt vời. Tháp tùng với ông có vài người khác, phần tôi cũng có thêm vài người nữa. Tôi mời mọi người vào tiệm ăn tối. Ngồi đó mà tôi bấm bụng lo âu vì không biết làm sao có đủ thanh toán tiền ăn. Tôi nhìn vào thực đơn và thầm nguyện, ước gì mọi người đều gọi món cá bơn. Vì chỉ có món này tôi mới đủ tiền trả. Tiến sĩ Abraham quay sang người hầu bàn và nói, “Xin cho tôi món cá bơn, và cũng xin cho tất cả chúng tôi món cá bơn vì chúng tôi đang gấp.” Tôi nghĩ hẳn ông rất nhạy bén và gần gủi với Đức Chúa Trời. Khi gặp Tiến sĩ tại phi trường, ông bắt tay tôi và nói, “Chào anh bạn trẻ, anh rất bảnh trai. Anh có biết Đức Chúa Trời không?” Ông có mái tóc màu trắng, trông giống như một tiên tri. Bạn không thể phân biệt khi nào thì ông nói với Chúa, khi nào thì nói với bạn. Ông là một người thuộc linh sâu nhiệm và rất gần gũi với Chúa. Sau khi ăn tối xong thì tôi chở ông đến Hội thánh để giảng. Tôi không bao giờ quên được bữa tối đó, trước khi bước lên tòa giảng, ông đem tôi riêng ra một góc và hỏi tôi sẽ làm gì ngày mai. Tôi thưa rằng sẽ dạy lớp Kinh thánh vào ngày mai. Ông nói, “Chúng ta hãy dâng buổi học này cho Chúa.” Thế rồi ông choàng tay qua tôi mà cầu nguyện. Tôi không bao giờ quên được kinh nghiệm đó. Ngày hôm sau, khi dạy lớp Kinh thánh, lòng tôi tràn đầy hân hoan vui sướng vì sự xức dầu của Thánh linh trên lớp học. Kinh nghiệm dùng bữa với Tiến sĩ Abraham là một biến cố tạo nên sự thay đổi trong tôi. Từ đó tôi hiểu phần nào về cơ hội Sau-lơ được gặp và dùng bữa với Sa-mu-ên.

 

Sau đó Sa-mu-ên đã đưa ra những lời tiên tri rất cụ thể liên quan đến Sau-lơ, ông nói,

 

Ngày nay, khi đã lìa khỏi ta, ngươi sẽ gặp hai người gần bền mộ Ra-chen,

Từ đó ngươi sẽ đi tới, đến cây dẻ bộp Tha-bô, ngươi sẽ gặp ba người đi lên Bê-tên đặng thờ lạy Đức Chúa Trời

Kế sau, ngươi sẽ đến Ghi-bê -a-Ê-lô-him, là nơi có một cái đồn của dân Phi-li-tin; khi đã vào thành, ngươi sẽ gặp một đoàn tiên tri từ nơi cao xuống, có đờn sắt, trống cơm, ống sáo, và đờn cầm đi trước; họ sẽ nói tiên tri.

Thần của Đức Giê-hô-va sẽ cảm động ngươi nói tiên tri cùng chúng, rồi ngươi sẽ hóa ra một người khác.

Khi ngươi thấy các dấu hiệu nầy xảy ra, thì tùy cơ mà làm; Vì Đức Chúa Trời ở cùng ngươi!

Sau-lơ vừa xây lưng lìa khỏi Sa-mu-ên, Đức Chúa Trời bèn đổi lòng người ra khác, và các dấu hiệu đã bảo trước điều ứng nghiệm nội ngày ấy.

Mọi điều đã xảy ra và dường như Sau-lơ chịu sự cảm kích sâu xa.

 

Sau-lơ đã được xức dầu làm vua, nhưng ông không phải là một vua tốt. Sau-lơ đã có thể trở nên người thuộc linh sâu nhiệm. Sau này những gì Sa-mu-ên tiết lộ đã làm Sau-lơ kinh ngạc, Sa-mu-ên nói “Đức Chúa Trời đã có ý định lập ngươi và dòng dõi ngươi làm vua trên Y-sơ-ra-ên đời đời, nhưng bây giờ Ngài đã lấy nước khỏi tay ngươi.” Điều này ngụ ý rằng con cháu của Sau-lơ đã có thể làm vua đời đời, thế nhưng vì sự bất tuân Ngài đã cất nước khỏi tay ông. Sau-lơ đã không vâng lời Chúa đến hai lần. Sau-lơ chiến đấu với người Phi-li-tin. Quân đội của Sau-lơ đang rời bỏ hàng ngũ, ông cần có người cầu thay cho quân đội và dâng của tế lễ. Ông biết rằng Sa-mu-ên sẽ đến trong 7 ngày. Ngày thứ bảy đã qua nhưng Sa-mu-ên vẫn chưa đến, Sau-lơ nóng lòng tự mình làm moi việc. Ông đã làm công việc của Sa-mu-ên là công việc chỉ dành riêng cho thầy tế lễ. Khi Sa-mu-ên đến, ông rất bực bội về những gì Sau-lơ đã làm. Câu chuyện này được ghi trong 1 Sa 13. Cũng trong chương này, lần đầu tiên chúng ta nghe nói đến Đa-vít. Sa-mu-ên nói với Sau-lơ rằng,

 

Ngươi thật có làm ngu dại, không vâng theo mạng lịnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã truyền cho. Đức Giê-hô-va đã chọn lấy cho mình một người theo lòng Ngài, đặt người ấy làm trưởng của dân sự Ngài, bởi vì ngươi không giữ theo mạng lịnh của Đức Giê-hô-va.

 

Dường như Đức Chúa Trời cho Sau-lơ có một cơ hội thứ hai bởi vì Sau-lơ đã không vâng lời Chúa đến hai lần. Sau-lơ được bảo phải đi tấn công người A-ma-lét và tuyệt diệt họ. Ông đã được chỉ thị là phải tiêu diệt mọi vật, mọi người, mọi chiến lợi phẩm. Nhưng sau khi đánh thắng dân A-ma-lét thì Sau-lơ và binh sĩ đã giữ phần tốt nhất cho họ. Đức Chúa Trời hiện ra cùng Sa-mu-ên mà nói rằng, “Ta hối hận đã lập Sau-lơ làm vua. Vì người đã không vâng lời ta đến hai lần, ngươi hãy tuyên bố sự tước vương quyền khỏi Sau-lơ.”

 

Nghe điều đó, Sa-mu-ên khóc với Chúa suốt đêm. Sáng hôm sau, điều đầu tiên mà Sa-mu-ên làm là tìm Sau-lơ. Khi gặp thì Sau-lơ liền nói, “Tôi đã làm mọi điều Chúa phán bảo.” Sa-mu-ên đáp,

 

“Vậy thì tiếng chiên kêu vang đến tai ta, cùng tiếng bò rống ta nghe kia, là làm sao?”

 

Sau-lơ trả lời, “Chúng tôi định làm một tế lễ thật lớn cho Đức Chúa Trời.” Lời đáp của Sa-mu-ên cũng là câu hết sức ý nghĩa, “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực; sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng.”

 

Đến tại đây thì Sau-lơ thú nhận, “Tôi đã phạm tội.” Sau-lơ nói, “Tôi có phạm tội. Tôi đã can phạm mạng lịnh Đức Giê-hô-va, và lời của ông. Tôi sợ dân sự, nên nghe theo tiếng của họ.

 

Bây giờ, xin ông hãy tha tội tôi, trở lại cùng tôi, thì tôi sẽ sấp mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va.” Sa-mu-ên từ chối, “Ta không trở lại cùng ngươi đâu; vì ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va từ bỏ ngươi, để ngươi chẳng còn làm vua của Y-sơ-ra-ên nữa.” Khi Sa-mu-ên quay đi thì Sau-lơ nắm lấy vạt áo, áo bèn rách ra. Sa-mu-ên nói, “Ấy ngày nay Đức Giê-hô-va xé nước Y-sơ-ra-ên khỏi ngươi là như vậy, đặng ban cho kẻ lân cận ngươi, xứng đáng hơn ngươi.” Sau biến cố đó, cuộc đời còn lại của Sau-lơ là những chuỗi ngày đi xống trong thảm hại. Sau-lơ là gương cảnh cáo cho mỗi chúng ta.

 

Có một chữ mà chúng ta học được trong 1 Sa đó là chữ “Y-ca-bốt”, chữ này có nghĩa “vinh quang đã lìa khỏi.” Rõ ràng là vào thời Cựu ước, Thánh Linh của Đức Chúa Trời giáng trên những người như Sam-sôn chẳng hạn. Tuy nhiên nếu họ không vâng lời, thì Đức Thánh Linh lìa khỏi họ. Điều này xảy ra tương tự với Sau-lơ. Ông là một trường hợp điển hình cho người được xức dầu nhưng rồi lại không vâng lời. Đức Chúa Trời không thể tiếp tục xức dầu cho một người nào đó nếu họ tiếp tục không vâng lời Ngài. Để được tái sanh thì phải tin. Để được xức dầu Thánh Linh thì phải vâng lời. Khi Sau-lơ không vâng lời thì vinh quang đã lìa khỏi ông.

 

 

Bài trướcNgày 4/4/2016: Bí Quyết Chiến Thắng
Bài tiếp theoBài 68: Giới Thiệu Bài Giảng Trên Núi – Các Phước Lành