Bài 53: Lời Cầu Nguyện Không Cần Thiết Và Kẻ Thù Của Đức Tin

2096

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 
Lời Cầu Nguyện Không Cần Thiết Và Kẻ Thù Của Đức Tin

 

Đây là lần thứ ba chúng ta khảo sát sách Giô-suê, cuốn sách đầu tiên trong những sách lịch sử của Cựu ước. Sách Giô-suê là một minh họa rõ ràng về đức tin, còn Dân số ký là một minh họa của vô tín. Sách Giô-suê lần lượt trình bày những hình ảnh khác nhau của đức tin. Khi hiểu toàn bộ bức tranh của đức tin trong sách Giô-suê, chúng ta sẽ có sự hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin. Cho đến bài nầy, chúng ta biết rằng, đức tin mang tính chất thực hành. Cuối chương năm cho biết, chỉ thị của đức tin trong việc tiến chiếm Giê-ri-cô. Kế hoạch nầy là cả một thách thức lớn cho đức tin của Giô-suê vì ông là một vị tướng, một thiên tài quân sự; trong khi đó, kế hoạch tiến chiếm Giê-ri-cô của Đức Chúa Trời lại rất khôi hài xét theo phương diện nhà binh. Nhưng cuối cùng, kế hoạch đó thành công. Họ chiếm được Giê-ri-cô vì nó là kế hoạch của Đức Chúa Trời và bởi đức tin của Giô-suê. Sách Hê-bơ-rơ cho biết, Giê-ri-cô ngã sập do đức tin. Đó là ý nghĩa của đoạn 6. Đoạn nầy được gọi là “Đức tin thực hành”. Những chỉ thị tiến chiếm Giê-ri-cô đã được thi hành cách nghiêm chỉnh và đem lại thành công. Chiến thắng xảy ra sau khi dân Y-sơ-ra-ên vâng lời đi bộ chung quanh tường thành 13 lần. Đức tin đã dẫn đến vâng lời và hành động theo chỉ thị của Chúa, nên cuối cùng mang lại chiến thắng.

 

Chương 7 là một trường hợp “Sai lầm của đức tin”. Ngay sau khi chiếm Giê-ri-cô bởi phép lạ, dân Y-sơ-ra-ên tiến đến thành A-hi, là một thành khá nhỏ. Họ chỉ sai phái một đội quân ít oi để tấn công thành nầy. Nhưng, binh sĩ Y-sơ-ra-ên đã thua chạy trước quân thù. Dân thành A-hi rượt đuổi và giết người Y-sơ-ra-ên. Đứng trước thảm bại nầy, Giô-suê đã sấp mặt xuống đất. Tại sao ông làm vậy? Giô-suê biết rằng, họ chiến thắng Giê-ri-cô vì Đức Chúa Trời ở cùng và họ đã làm mọi điều Ngài phán dạy. Họ thừa biết, hy vọng duy nhất của họ là Đức Chúa Trời. Vì Ngài ở cùng nên họ chiến thắng Giê-ri-cô. Bây giờ, nếu họ thất thủ trước A-hi là vì Đức Chúa Trời không ở với họ và Ngài không ban phước cho họ. Giô-suê biết rằng, đây là một sự thất bại thuộc linh chớ không phải một thất bại quân sự.

 

Một người rất tin kính Chúa nói như sau, “Nếu những ngân hàng bị phá sản, nếu những công ty lớn phải đóng cửa, thì đó là một tin đáng buồn nhưng không phải là lý do để tổ chức cầu nguyện. Tuy nhiên, nếu công việc của Đức Chúa Trời thất bại vì không được tài trợ hoặc vì một lý do nào đó, thì hầu như đó là dấu hiệu cho biết Đức Chúa Trời đã không còn ban phước trên các công việc đó nữa. Những người lãnh đạo phải sấp mặt xuống trước mặt Đức Chúa Trời; bởi vì, hy vọng duy nhất là Đức Chúa Trời ở cùng với chúng ta. Khi nhìn thấy sự xác quyết hay các chứng cớ là Đức Chúa Trời đang ở với chúng ta, thì những điều này khẳng định đức tin của chúng ta và khích lệ chúng ta tiếp tục đi tới trong đức tin. Tất cả chúng ta đều cần những phép lạ nầy để được khích lệ. Nhưng khi sự việc xảy ra ngược lại, khi có những chứng cớ cho biết Ngài không ở cùng thì chúng ta phải sấp mình xuống trước mặt Ngài để tìm hiểu lý do tại sao.

 

Lý do Giô-suê sấp mặt xuống để cầu nguyện được giải thích trong chương 7. Giê-ri-cô là thành phố đầu tiên dân Y-sơ-ra-ên chiếm được nên mọi chiến lợi phẩm đều biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Nó được cất giữ trong nhà kho cho những thầy tế lễ. Đây là luật phần mười, nói đúng hơn là phần mười đầu tiên. Phần mười đầu tiên thuộc về Đức Chúa Trời. Mục đích của phần mười là dạy con dân Chúa biết đặt Chúa lên hàng đầu. Bởi vậy, khi chiếm thành đầu tiên, Chúa dặn: “Các ngươi không được lấy điều gì cả, mọi chiến lợi phẩm đều thuộc về ta”. Trở lại với trận chiến tại Giê-ri-cô, trong lúc xâm chiếm thành, một người tên là A-can đã thấy những quần áo của người Ba-by-lôn cũng như vàng bạc khiến ông thèm thuồng. Có 3 bước trong dẫn đến tội lỗi: nhìn thấy, tham muốn và chiếm lấy. A-can đã lấy những thứ đó và giấu đi. Điều nầy là tội lỗi vì dân sự đã được chỉ thị hết sức rõ ràng là không được chiếm lấy bất cứ chiến lợi phẩm nào. Thế nhưng A-can đã làm. Ông ăn cắp, nói láo và lừa dối. Đó là lý do vì sao họ thất bại trong trận chiến với A-hi.

 

Chúng ta học được vài điều qua việc Giô-suê sấp mặt xuống trước Đức Chúa Trời. Trong câu chuyện nầy cũng như câu chuyện với Môi-se tại Biển Đỏ là những trường hợp mà ý chỉ của Đức Chúa Trời hết sức rõ ràng, thì không cần phải cầu nguyện nữa. Có hai chỗ trong Cựu ước mà Đức Chúa Trời trách cứ những người lãnh đạo khi họ cầu nguyện. Khi quân binh Ai-cập đang gào thét tiến lên, phía trước là Biển Đỏ thì Môi-se đã sấp mặt cầu nguyện. Chúa đã nói với Môi-se rằng, “Tại sao ngươi kêu van cùng Ta? Hãy bảo dân Y-sơ-ra-ên cứ đi tới.” Chúa đã nói với Môi-se rằng: “Ý muốn của Ta hết sức rõ ràng đến nỗi cầu nguyện trong trường hợp nầy là điều không cần thiết. Hãy nói họ đi tới. Bảo họ phải bước đi trên nước”. Ý muốn của Đức Chúa Trời quá hiển nhiên đối với Môi-se. Môi-se không cần phải cầu nguyện nhưng phải hành động.

 

Một lần nữa tại đây, Giô-suê sấp mặt xuống và Chúa đã nói với ông rằng: “Hãy đứng dậy, ngươi sấp mặt xuống đất làm gì vậy?” Ngài quở Giô-suê khi ông cầu nguyện. Chúng ta học được điều gì tại đây? Khi ý muốn của Đức Chúa Trời rõ ràng, khi điều cần thiết là phải hành động thì không cần phải cầu nguyện. Chúa nói với Giô-suê rằng: “Y-sơ-ra-ên đã phạm tội, chúng nó vi phạm giao ước ta mà lấy những vật biệt riêng ra. Chúng đã ăn cắp và nói dối. Đó là lý do khiến các ngươi không chống chọi nổi trước quân thù. Ta sẽ không ở cùng ngươi cho đến khi ngươi phải hủy diệt điều gì đã khiến ngươi bị rủa sả mà thảm bại”.

 

Giô-suê liền kiểm tra lại quân đội. Chúa chỉ ra từ chi phái đến chi tộc và cuối cùng là gia đình. Thủ phạm là A-can. Giô-suê không đề cập gì đến vấn đề thú tội. Ông nói với A-can: “Tại sao ngươi phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời?” A-can đã trả lời y theo tiến trình của một người dấn thân vào tội lỗi, “Tôi thấy, tôi tham và tôi lấy”. Sau đó, A-can và những người cùng với ông đã bị ném đá chết. Chúa phán: “Hãy tiến đánh A-hi và ta sẽ ở với ngươi”. Bài học áp dụng tại đây thật hết sức rõ ràng. Đức Chúa Trời sẽ không thể nào ở với chúng ta nếu còn có tội lỗi cố ý nào trong đời sống của mình. Nhiều chỗ trong Kinh thánh cho biết rằng, tội lỗi làm gián đoạn mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên không thể nào tiến vào đất hứa Ca-na-an cho đến khi mọi người nam đều đã chịu phép cắt bì. Họ không thể nào nhận được phước hạnh của Chúa, trừ khi họ vâng lời và bước đi với Ngài trong mối liên hệ vâng lời đó. Chúng ta cũng không thể trông mong phước hạnh của Chúa khi nỗ lực phục vụ Ngài nếu những tội lỗi, thậm chí những tội người khác không biết được, vẫn còn trong đời sống chúng ta.

 

Thú tội là nói lên một tình trạng thật của mình. Khi thú tội chúng ta tra xét lại đời sống của mình từng hành động, từng việc làm cho đến khi những tội lỗi đó được tha thứ. Theo Phao-lô, chúng ta làm cho chết tội đó trong đời sống mình; được như vậy thì phước hạnh của Đức Chúa Trời mới quay trở lại trên chúng ta. Một lẽ thật mà chúng ta lưu ý, mặc dầu tội lỗi đã được xưng ra và giải quyết, nhưng nó vẫn gây ra hậu quả. Điều nầy được minh họa qua sự chết của A-can.

 

Trong lần tiến đánh A-hi lần thứ hai, Giô-suê chứng tỏ ông là một thiên tài quân sự. Kế hoạch tấn công được soạn thảo. Đội quân của Giô-suê tấn công thành A-hi như lần thứ nhất. Khi tiến đánh, những người A-hi sẽ nói rằng: “Dân Y-sơ-ra-ên nữa rồi”. Họ sẽ xông ra khỏi thành và dân Y-sơ-ra-ên sẽ giả vờ chạy  trốn để dân A-hi đuổi theo. Nhưng đêm trước đó, Giô-suê đã bố trí 30,000 người mai phục phía sau thành, để khi người A-hi đuổi theo người Y-sơ-ra-ên và cổng thành bị bỏ ngỏ thì 30,000 người nầy sẽ tấn công từ phía sau, chiếm và đốt thành. Bên cạnh A-hi là Bê-tên. Đề phòng trường hợp Bê-tên cứu viện cho A-hi, Giô-suê bố trí 5,000 binh sĩ đóng trên đồi gần Bê-tên, nhằm chặn đứng mọi sự viện binh có thể xảy ra. Khi 30,000 người phóng hỏa đốt thành, thì những người A-hi đuổi theo Giô-suê nhìn thấy khói biết rằng mình đã bị đánh lừa. Giô-suê và binh sĩ của ông quay lại bắt đầu tấn công. Ba chục ngàn người bọc hậu cùng xông tới và đánh từ phía sau. Một gọng kềm khác từ phía những người đóng gần Bê-tên đổ ra. Kết quả là người A-hi bị bao vây tứ phía và hoàn toàn bị tiêu diệt. Trận chiến nầy chứng tỏ rằng, Giô-suê là một thiên tài quân sự với kế hoạch tấn công rất xuất sắc. Chắc chắn, ông có thể áp dụng khả năng quân sự để vạch ra kế hoạch tiến chiếm Giê-ri-cô nếu ông muốn. Nhưng Giê-ri-cô là một trường hợp mà Đức Chúa Trời có thể bảo chúng ta thi hành một chương trình trông lạ kỳ để thử đức tin của chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là tiêu biểu, không phải là quy tắc, nó chỉ là một trường hợp ngoại lệ mà thôi. Quy tắc ở đây là Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời của trật tự, Đức Chúa Trời của kế hoạch. Bởi vậy, những người phục vụ Ngài phải có kế hoạch.

 

Một Mục sư lão thành đã kể lại kinh nghiệm của mình như sau: Khi còn là một Mục sư trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm, tôi nghĩ rằng, người thuộc linh là người không có tổ chức gì cả. Một buổi sáng kia, giảng cho một buổi điểm tâm của quí ông, tôi nói với họ rằng, trên thế giới nầy có 3 hạng người. Thứ nhất là người để các sự việc xảy ra thế nào hay thế đó. Người thứ hai là người chủ động khiến các sự việc xảy ra theo kế hoạch. Người thứ ba là người không biết những gì đang xảy ra. Ông tiếp: “Thành thật mà nói, tôi là người thứ nhất, mọi việc tới đâu hay tới đó. Tôi không có kế hoạch. Tôi chỉ làm theo những gì Chúa chỉ dẫn từng ngày, nhưng không có chương trình kế hoạch gì cả”. Sáng hôm sau, trong giờ tĩnh nguyện, tôi đọc trong Châm ngôn và lời Chúa dạy tôi rằng: “Người khôn ngoan suy nghĩ trước, nhưng kẻ dại không suy nghĩ trước, thậm chí còn khoe khoang về điều đó nữa”. Tôi biết rằng, đây chính là lời Chúa muốn dùng để dạy tôi.

 

Nếu quí vị là một trong những người không có kế hoạch, không biết mình đã bắt đầu ở đâu, không biết mình sẽ đi về đâu, không biết mình đang ở đâu, thì đừng vội trách Chúa. Chúa là Đức Chúa Trời của trật tự, là Đức Chúa Trời của kế hoạch, luôn luôn có chương trình. Chúng ta thấy bài học đó qua trận chiến thứ nhì với A-hi. Những gì chúng ta học về cách làm việc của Đức Chúa Trời qua trận chiến thứ nhì với A-hi thì phổ thông và tiêu biểu hơn là trận chiến với Giê-ri-cô. Trận chiến với Giê-ri-cô là một trường hợp ngoại lệ. Trận chiến với A-hi là một trường hợp phổ thông.

Bài trướcNgày 2: Lao Khổ Để Làm Gì?
Bài tiếp theoThông Báo Về Lễ Cảm Tạ Chúa – 90 Năm Thành Lập Hội Thánh Sài Gòn