Ngày 2: Lao Khổ Để Làm Gì?

966

Truyền Đạo 6:1-7

“Mọi sự lao khổ của loài người là vì miệng mình, song không hề được thỏa nguyện” (câu 7).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn mô tả một người như thế nào trong câu 2? Theo ông, ai là người có quyền quyết định sự hưởng thụ của con người? Vua Sa-lô-môn muốn đưa ra luận điểm nào khi sử dụng hai hình ảnh tương phản trong câu 3-6? Câu 7 cho biết tiền bạc có vai trò nào trong đời sống con người?

 

“Có tiền mua tiên cũng được.” Bạn có đồng ý không? Hãy nghe câu trả lời của một người giàu có và quyền lực không ai sánh bằng: Tiền bạc và sự sang trọng có thể mua được mọi “thứ” (câu 2a), nhưng có nhiều “điều” tiền không hề mua được (câu 2b). Thậm chí, đối với nhiều người, tiền bạc, giàu có còn được gọi là sự hư không và một tai nạn cực khổ (câu 2c). Có mọi “thứ” với việc tận hưởng những “thứ” đang sở hữu là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tiền bạc có thể mua được căn nhà đẹp đẽ, nhưng căn nhà đó có tràn ngập niềm vui hay không lại là vấn đề khác. Bàn ăn của người giàu luôn đầy ắp thức ăn ngon, nhưng điều đó không bảo đảm họ có được những bữa ăn thật ngon miệng. Chính Đức Chúa Trời là Đấng quyết định điều mà con người có thể sở hữu và vui hưởng (Thi Thiên 127:1-2). Đừng bao giờ quên Đức Chúa Trời khi chúng ta đặt kế hoạch cho đời sống mình, và hãy quản trị những gì Chúa ban cho mình theo ý Ngài.

 

Một người sống đến hai ngàn tuổi với một trăm con trai nhưng nếu người đó không được phước để tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đến khi chết cũng chẳng có ai chôn thì cuộc đời đó còn tệ hơn một thai nhi bị hư trong bụng mẹ (câu 3-6).

 

Vậy thì tiền bạc dùng để làm gì? Vua Sa-lô-môn trả lời: “Mọi sự lao khổ của loài người là vì miệng mình” (câu 7a). Nói cách khác, con người nỗ lực làm việc, kiếm tiền, nhưng tất cả những điều đó chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của “miệng mình” hay những nhu cầu về phương diện thuộc thể của họ mà thôi. Nhưng tác giả cũng cảnh báo rằng cho dù con người có lao khổ, có tích lũy được bao nhiêu “song không hề được thỏa nguyện” (câu 7b). Công việc và tiền bạc làm ra có giá trị của nó, nhưng nó không phải là cứu cánh, là tất cả cuộc đời chúng ta. Tìm kiếm ý nghĩa đời người qua công việc hay tiền bạc chỉ đem đến sự thất vọng.

 

Giàu hay nghèo không quyết định giá trị cuộc sống của bạn. Chính Đức Chúa Trời quyết định điều đó. Bài học này giúp bạn rút ra nguyên tắc nào trong trong việc quản trị những điều mình sở hữu?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cứu con ra khỏi cách sống của đời này, khỏi sự tham lam vật chất và cho con sống vui thỏa trong Chúa và với Chúa mỗi ngày.

  

* Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lê-vi Ký 25.

Bài trướcLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Hội Thánh Mỹ Lộc – Vĩnh Long
Bài tiếp theoBài 53: Lời Cầu Nguyện Không Cần Thiết Và Kẻ Thù Của Đức Tin