Bài 38: Những Hình Ảnh Đáng Quan Tâm (tt)

1834

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Chúng ta đã và đang tiếp tục khám phá những bài học áp dụng thuộc linh cho cuộc sống hằng ngày từ sách Dân số ký.

 

 

Một sự kiện đặc biệt được sách Dân số ký ghi lại trong chương 13. Chương ghi chép về việc các thám tử – cũng là những quan trưởng của 12 chi phái được sai phái với sứ mạng đặc biệt là phải đi thu thập, tìm hiểu thông tin về vùng đất Ca-na-an. Họ được yêu cầu phải quan sát đất đai màu mỡ như thế nào; xem dân chúng tại đó ra sao, đông hay ít, yếu hay mạnh. Họ phải thăm dò thành trì kiên cố ra làm sao; nó được bảo vệ hay bỏ ngỏ; việc tiến chiếm có gì khó khăn không…?

 

Khi 12 người trở về, vì không đủ lời đủ tiếng để mô tả về sự trù phú của vùng đất hứa, họ đã mang theo một nhành nho, lớn đến nỗi cần hai người để khiêng trên một cây sào. Hình ảnh biểu cảm này nói lên rất nhiều điều về vùng đất hứa màu mỡ – đượm sữa và mật. Nhưng thông tin tiếp theo từ các thám tử chẳng tốt lành chút nào, khi phần nhiều người trong số những thám tử  cũng cho biết rằng, những người định cư tại Ca-na-an là những chiến sĩ can trường, cao lớn giềnh dàng; thành lũy lại hết sức kiên cố. Kết thúc lời tường trình là một nhận định hết sức bi quan rằng, người Y-sơ-ra-ên chống chọi với dân Ca-na-an khác nào châu chấu đá xe. Giữa không khí bao trùm nỗi thất vọng, suy nghĩ và ý kiến thối lui bắt đầu manh nha trong dân sự.

 

Đối lập hoàn toàn với bức tranh u ám, đau buồn này là  hình ảnh đầy can đảm của hai con người với đức tin mạnh mẽ – Ca-lép và Giô-suê. Hai người đã xé quần áo mình bày tỏ thái độ đau buồn cho thái độ vô tín của dân sự, đồng thời can đảm công bố rằng, “Nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta, ắt sẽ đem chúng ta vào xứ này mà ban cho; ấy là một xứ đượm sữa và mật” (Dân số ký 14:8)

 

Trong số 12 người, chỉ có Ca-lép và Giô-suê có cái nhìn lạc quan tích cực, những người còn lại đầy bi quan và tiêu cực. Đức Chúa Trời rất hài lòng về Ca-lép và Giô-suê. Đây là sự kiện đáng lưu ý trong sách Dân số ký. Ngài sẵn sàng đánh đổi cả một quốc gia với khoảng 2 hoặc 3 triệu người để lấy 2 người này. Chúa phán rằng, “Tất cả các ngươi đều sẽ chết trong đồng vắng, nhưng ta sẽ đem Ca-lép và Giô-suê vào vùng đất hứa vì họ đã theo và tin ta.” Đức tin là điều rất quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Khi Chúa tìm thấy hai người tin cậy Ngài thì phán rằng, “Các ngươi có giá trị hơn hai triệu người kia.”  Đây là một chi tiết thật đáng lưu ý!

 

Xét về phương diện đức tin, một trong những nhân vật vĩ đại nhất đó lại là một người không mấy tiếng tăm: Ca-lép. Chương 14 sách Giô-suê cho biết rằng, sau 45 năm dân Y-sơ-ra-ên đã vượt sông Giô-đanh và đến thành Hếp-rôn. Khi còn là một trong những thám tử, Ca-lép đã từng do thám Hếp-rôn. Được chính mắt nhìn thấy Hếp-rôn, Ca-lép xúc động về sự bề thế của thành phố. Ông tin rằng, Đức Chúa Trời sẽ giúp sức để họ tiến chiếm Hếp-rôn. Khi ông báo cáo lại cho Môi-se thì Môi-se đã nói rằng, “Ca-lép, khi nào chúng ta đặt chân đến đó, ngươi sẽ chịu trách nhiệm tiến chiếm Hếp-rôn, thành phố đó là phần của ngươi.” Sau khi lang thang trong sa mạc ròng rã 40 năm, Ca-lép đã đến gặp Giô-suê là người lãnh đạo thay Môi-se và nói,

 

Ông biết điều thuộc về tôi và ông mà Đức Giê-hô-va đã phán cùng Môi-se, người của Đức Chúa Trời, tại Ca-đe-Ba-nê -a.

 

 Khi Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va, ở Ca-đe-Ba-nê -a sai tôi đi dọ thám xứ, thì tôi đã được bốn mươi tuổi; và tôi thuật lại cho người thật tình.

 

 Các anh em đồng đi lên với tôi làm cho bá tánh sờn lòng; còn tôi trung thành vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tôi.

 

 Trong ngày đó, Môi-se có thề mà rằng: Quả thật đất mà chơn ngươi đã đạp đến sẽ thuộc về ngươi và con cháu ngươi làm sản nghiệp đời đời; vì ngươi trung thành đã vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta.

 

 Kìa, trong bốn mươi lăm năm nay, từ khi Ngài phán lời này cùng Môi-se, đương khi Y-sơ-ra-ên còn đi trong đồng vắng, Đức Giê-hô-va đã bảo tồn sanh mạng tôi đến bây giờ, và ngày nay tôi được tám mươi lăm tuổi.

 

 Rày tôi cũng còn mạnh khỏe như ngày Môi-se sai tôi đi; tôi vẫn còn sức mà tôi có hồi đó, đặng đi đánh giặc, hoặc vào ra.

 

 Vậy, hãy ban cho tôi Hếp rôn này,

 

Giô-suê đã đồng ý ban cho Ca-lép Hếp-rôn và ông đã tiến chiếm được thành phố này. Ca-lép thật là một nhân vật tuyệt vời. Khi mọi người trong đồng vắng lằm bằm, than trách đầy cay đắng, đến nỗi Đức Chúa Trời phải sai rắn cắn họ, thì Ca-lép không nằm trong số này vì tâm trí ông hướng về vùng đất hứa. Nếu ai đó hỏi Ca-lép rằng, ông cảm thấy thế nào khi sống trong sa mạc khô cằn thì Ca-lép hẳn sẽ nói rằng, “Tôi chỉ nghĩ đến những chùm nho tại Hếp rôn và đất đai màu mỡ của thành phố giàu có này.” Ca-lép không bao giờ đánh mất hình ảnh Hếp-rôn trong tâm trí ông.

 

Những thành phần trong 12 thám tử này tượng trưng cho tình trạng của hội thánh ngày nay. Dĩ nhiên, có hội thánh mạnh và có hội thánh yếu. Tuy vậy, xét chung thì 10 thám tử kia là đại diện cho ban điều hành của một hội thánh ở mức độ trung bình. Họ là môn đệ trung thành của chủ nghĩa chiến bại. Nếu một kế hoạch hay chương trình nào đó đòi hỏi nhiều đức tin và thách thức, họ sẽ rất nhanh chóng nêu lên tất cả mọi nan đề và những trở lực lớn lao. Đây thường là phản ứng quí vị phải đối diện. Nếu có 12 người trong ủy ban thì 10 người sẽ theo chủ nghĩa chiến bại, chỉ tập trung vào những trở lực và khó khăn. Họ sẽ nói với quí vị tất cả mọi lý do vì sao những chương trình hay dự án kia không thể thực hiện được. Những người như Ca-lép và Giô-suê không bị chi phối nhiều bởi những tên khổng lồ của khó khăn vì họ nhìn thấy Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, họ nhìn thấy nan đề và trở lực; nhưng điều quan trọng hơn, họ còn nhìn thấy Đức Chúa Trời. Nan đề có đó và lớn lao thật, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng vĩ đại có quyền trên những nan đề này. Những con người như vậy rất hiếm. Họ là những người hết sức cần thiết. Đây là một sự kiện đáng lưu ý của sách Dân số ký. Trong cả một thế hệ, Đức Chúa Trời chỉ đem hai người vào đất hứa; và họ là những người có đức tin phi thường.

 

Một sự kiện đáng lưu ý trong sách Dân số ký là câu chuyện được chép trong chương 21. Dân sự lằm bằm, than trách đến nỗi Đức Chúa Trời sai rắn đến cắn chết nhiều người. Điều này chứng tỏ rằng, Đức Chúa Trời ghét thái độ than trách. Than trách là đi ngược lại với tin cậy. Những người than trách đã bị Chúa sai rắn cắn chết. Trong lúc nhiều người bị chết vì rắn cắn, Đức Chúa Trời ban một sứ điệp giải cứu. Ngài bảo Môi-se rằng

 

Hãy làm lấy một con rắn lửa bằng đồng , rồi treo nó trên một cây sào. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống.

 

Nhiều người trong bọn họ nói rằng, “Đời nào có chuyện như vậy, nhìn lên một miếng đồng có ăn nhằm gì với việc bị rắn cắn, chỉ toàn là nhảm nhí và đi ngược lại với y khoa.” Do đó, họ chết la liệt vì nọc độc của rắn. Nhưng một số người trong vòng họ nói rằng, “Ồ! đúng là nó không có vẻ khoa học, nhưng ít ra nó cũng là niềm hy vọng, vết thương đang hành hạ,  tôi đang hấp hối,  sự chết đến nơi rồi, chỉ còn một hy vọng duy nhất là nhìn lên con rắn đồng.” Bởi vậy, hoặc là họ cố bò đến, hoặc là nhờ người khác khiêng đến giữa trại quân. Lạ lùng thay, khi nhìn lên rắn bằng đồng thì họ liền được chữa lành khỏi nọc độc của rắn. Đó là một trong những phép lạ phi thường trong Kinh thánh. Điều lý thú là trong phạm vi của Cựu ước thì biến cố này chỉ được xem là một phép lạ; khi bước sang Tân ước, nó được nhìn dưới một khía cạnh mới hơn. Trong Giăng chương 3, Chúa Jêsus đã dùng phép lạ nầy để minh chứng rằng, có một ý nghĩa sâu xa đằng sau sự kiện đã xảy ra. Vào một đêm tối, Chúa đã nói chuyện với giáo sư Ni-cô-đem. Ngài phán rằng, “Ni-cô-đem, Ta phải bị treo lên thập tự giá giống như Môi-se đã treo con rắn đồng lên cây sào. Ta phải bị treo lên thập tự giá vì Ta là con độc sanh của Đức Chúa Trời. Khi đó, ta là giải pháp duy nhất của Đức Chúa Trời cho nan đề tội lỗi của cả nhân loại, là Đấng cứu tinh duy nhất đến từ trời. Đức Chúa Trời không có một vị cứu tinh nào khác. Ta là Đấng duy nhất mà Ngài đã sai đến.”  

 

Trong chương 3 câu 14 đến 21, Chúa Jêsus đã tuyên bố những lời thẳng thừng nhất, “Ta là đường đi và ngoài ta không còn có con đường nào khác.” Tuy nhiên, câu tiếp theo còn mạnh hơn. Chúa phán, “Xưa Môi-se treo con rắn bằng đồng lên cây sào như thế nào, thì ta cũng bị treo lên như thể ấy. Khi mọi người nhìn vào con rắn đồng của Môi-se và được chữa lành; thì cũng vậy, khi mọi người nhìn vào thập tự giá và tin thì tội lỗi của họ được tha thứ. Thập tự giá là giải pháp duy nhất của Đức Chúa Trời đối với nan đề tội lỗi; và do đó, Ta chính là Đấng Cứu thế duy nhất từ Đức Chúa Trời đến.” Chúa Jesus đã liên hệ phép lạ trong Dân số ký chương 21 với toàn bộ sự dạy dỗ của Ngài tại đây.

 

Như vậy, câu chuyện con rắn bằng đồng vừa mang tính chất của một phép lạ lớn lao, vừa mang ý nghĩa hình bóng về Chúa Jêsus. Và đó chính là lý do vì sao phép lạ này được ghi chép lại.

 

Có nhiều sự dạy dỗ trong Dân số ký mang ý nghĩa hình bóng; nhiều sự dạy dỗ mang ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn, khi đền tạm được dựng lên, thì mây bao phủ trên nó và Chúa đã dẫn dân sự của Ngài qua đền tạm nầy. Đây là bức tranh mang ý nghĩa hình bóng rất đặc biệt cho thấy, Đức Chúa Trời đã dẫn dắt dân sự của Ngài như thế nào.

 

Bài học về câu chuyện về thịt, mana và việc dân Y-sơ-ra-ên mong ước về Ai-cập, Chúa phán, “Ngươi sẽ có điều đó, ngươi sẽ được những gì ngươi muốn.” Bài học áp dụng thuộc linh tại đây thật quan trọng. Đức Chúa Trời sẽ chu cấp mọi nhu cầu của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta nằng nặc đòi hỏi một điều gì không đẹp lòng Ngài, Chúa sẽ để cho chúng ta thỏa mãn, nhưng cuối cùng nó làm tổn hại linh hồn chúng ta.”

 

Câu chuyện về 12 thám tử cũng đặc biệt ở chỗ, chỉ có hai người có đức tin còn mười người kia thì không. Điều đáng để ý, cuối cùng 10 người không có đức tin đã bị bỏ mạng bởi vì vô tín, và không bao giờ đặt chơn đến vùng đất hứa.

 

Cuối cùng, chúng ta nhắc lại việc Chúa Jêsus đã dùng câu chuyện của những người lằm bằm, than trách bị rắn cắn và được chữa lành khi nhìn lên con rắn bằng đồng, để chỉ về chính Ngài bị treo thân trên thập tự giá mà những ai bởi đức tin tiếp nhận thì cũng được cứu như vậy. Mặc dầu có vẻ như ngược lẽ thường tình, nhưng những người có lòng tin thì nhận được sự linh nghiệm. Con rắn đồng có hình dạng giống như con rắn; tương tự, Chúa Jesus mang lấy hình hài thể xác của một người bình thường. Con rắn đồng đã được treo lên trên cây sào thì Chúa Jêsus cũng đã bị treo lên trên thập tự giá. Mọi người nhìn lên Ngài đều được chữa lành khỏi nọc độc của tội lỗi. 

 

Bạn đã có cái nhìn như vậy chưa? Bạn đã nhìn lên Chúa Jêsus Đấng đã treo thân trên thập tự giá chưa? Bạn đã đặt đức tin nơi những gì Chúa Jêsus đã thực hiện cho bạn chưa? Ngài là giải pháp duy nhất cho bạn, bởi vì Jesus Christ là Cứu Chúa duy nhất; và Ngài mong ước bước vào đời sống bạn để làm Cứu Chúa của bạn.

 

 

Bài trướcBài thứ 190: Tình Thương Của Chúa
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Tại Hai Tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau