Bài 29: Đền Tạm

10600

  Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Chúng ta đã lược khảo xong sách Xuất Ê-díp-tô ký; hôm nay, chúng ta sẽ bước qua sách Lê vi ký. Nhiều người công nhận rằng, Lê vi ký là một sách khó hiểu. Như tôi có nói, nhiều người đọc Kinh thánh rất hăng hái. Đến phần cuối của sách Xuất Ê-díp-tô ký là phần đề cập về đền tạm, sự lôi cuốn bắt đầu giảm xuống; nhưng khi đến sách Lê vi ký thì hầu như họ hoàn toàn bỏ cuộc.

 

Lê vi ký là sách liên quan đến chi phái Lê vi. Họ là những người được biệt riêng để làm chức vụ thầy tế lễ. Điều hết sức quan trọng để hiểu sách Lê vi ký, đó là chúng ta cần hiểu về đền tạm trong đồng vắng. Chữ “đền tạm”, theo nghĩa đen, chỉ về  một cái lều nhỏ trong đồng vắng mà Chúa đã chỉ thị cho Môi-se dựng lên. Nó được dùng trong việc thờ phượng Chúa. Sau này, đền thờ do Sa-lô-môn xây dựng rất nguy nga, đồ sộ và có cùng một tỷ lệ với đền tạm. Phương cách thờ phượng trong đền thờ do Sa-lô-môn xây cũng giống như trong đền tạm. Hình thức thờ phượng của chúng ta ngày nay dựa trên những gì mà người Dothái thờ phượng trong đền tạm ngày xưa.

 

Một trong những điều ý nghĩa nhất là đền tạm nằm giữa trại của người Y sơ ra ên. Sách Dân số ký cho biết rằng, khi rời khỏi Aicập người Y sơ ra ên không còn là một đám đông hỗn tạp nữa. Họ được tổ chức chặt chẽ giống như một đội binh. Có cả thảy 12 chi phái và mỗi chi phái đóng tại một vị trí nhất định. Họ di chuyển trong đồng vắng cách rập ràng. Giữa trại quân là đền tạm. Việc đền tạm được đặt giữa trại quân dạy rằng, Đức Chúa Trời phải được xem là quan trọng nhất. Điều răn thứ nhất trong mười điều răn dạy rằng, Đức Chúa Trời phải chiếm vị trí độc tôn và tối thượng. Chúa là trung tâm của đời sống chúng ta.

 

Điều có ý nghĩa nhất là Đức Chúa Trời hiện diện trong đền tạm. Việc này khiến đền tạm trở nên vô cùng thánh khiết và đặc biệt. Khi Môi-se hoàn thành việc xây dựng, sự hiện diện và vinh quang của Đức Chúa Trời bao phủ trên đền tạm. Mây che phủ đền tạm chỉ về việc xức dầu của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta. Hiện tượng tương tự xảy ra khi Sa-lô-môn khánh thành đền thờ. Vinh quang của Đức Chúa Trời dầy dẫy đến nỗi các thầy tế lễ phải chạy ra khỏi đền thờ.

 

Đền tạm ở giữa trại quân. Nếu một ai trong vòng dân sự muốn thú tội họ phải đến tại đền tạm nằm giữa trại quân. Trụ mây ở phía trên để hướng dẫn dân Y sơ ra ên. Khi trụ mây di chuyển, họ di chuyển; khi trụ mây dừng lại, họ cũng dừng lại. Nhưng, điều quan trọng là Đức Chúa Trời hiện diện trong đền tạm. Dân sự của Ngài đến đền tạm để gặp Đức Chúa Trời, để xin sự tha thứ, để thờ lạy và để tìm kiếm sự dẫn dắt của Ngài.

 

Bây giờ, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cách chi tiết hơn về đền tạm. Đền tạm có rào nhỏ bao chung quanh như vải bạt. Nó không có  một ấn tượng gì đặc biệt ở bên ngoài. Bên trong là cái sân. Sau này, Sa-lô-môn xây với cùng một kiểu mẫu. Sân trong đền thờ do Sa-lô-môn xây rộng 5.5 mẫu. Đây là nơi mà Chúa đã dẹp sạch khi Ngài đổ bàn của những kẻ đổi tiền và đuổi họ đi. Sân của đền tạm ngày xưa không rộng, nó chỉ chiếm 14 mét theo chiều ngang. Nếu một tội nhân cầu xin sự tha thứ của Chúa, họ phải đi vào đền tạm và gặp thầy tế lễ tại cửa của sân. Những vật dụng trong đền thờ rất có ý nghĩa. Trước tiên, bàn thờ dâng của lễ thiêu khá lớn dùng dâng của lễ thiêu. Nó được xem rất là thiêng liêng. Lửa được giữ luôn trên bàn thờ này. Bàn thờ được dùng làm nơi để giết các sinh tế theo như chỉ dẫn trong Lê vi ký. Tội nhân đứng tại cổng của sân. Họ không được phép đi vào đền tạm nhất là nơi Chúa ngự. Thầy tế lễ sẽ nhân danh tội nhân mà bước vào. Trước tiên, thầy tế lễ đặt sinh tế trên bàn thờ. Khi khói của sinh tế bay lên, thầy tế lễ tiến đến một thùng rửa khá lớn, đẹp; và dĩ nhiên, là được làm rất công phu để rửa tay và chơn trước khi hành lễ . Đó là nơi các thầy tế lễ nhân danh tội nhân rửa sạch theo nghi thức, còn tội nhân thì phải đứng ngoài sân.

 

Bên trong đền tạm được chia làm 2 phần. Phần bên ngoài được gọi là nơi Thánh: có tấm màn dày chia nơi thánh với nơi chí thánh. Vinh quang của Đức Chúa Trời ngự nơi chí thánh. Khi thầy tế lễ bước vào trong đền tạm, họ cũng đã đến cùng Đức Chúa Trời là Đấng ngự tại đó.

 

Có 4 vật dụng trong đền tạm. Phía trái là các chơn đèn. Chơn đèn có ý nghĩa đặc biệt. Nó chỉ về sự mặc khải mà Đức Chúa Trời ban cho dân sự Chúa qua lời của Ngài. Dĩ nhiên, nếu không có lời Đức Chúa Trời thì mọi nghi thức nầy đều không thể chỉ cho họ phương cách để đến cùng Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ thờ phượng trước chơn đèn và cảm tạ Đức Chúa Trời về sự mặc khải mà Ngài đã ban cho tội nhân. Sự mặc khải của Đức Chúa Trời chỉ cho tội nhân biết làm thế nào để được cứu, và làm thế nào để đến và có mối thông công với Đức Chúa Trời.

 

Phía bên phải là bàn để bánh thánh hay còn gọi là bàn bánh trần thiết. Mục đích của bàn để bánh thánh, nhằm dạy rằng, Đức Chúa Trời là Đấng ban bánh cho con dân Chúa mỗi ngày. Khi Đức Chúa Trời mở cửa kho lương thì muôn loài vạn vật được cung ứng đầy đủ. Ngài ban cho chúng ta đồ ăn đúng kỳ đúng hạn.

 

Trước bức màn ngăn cách vào nơi chí thánh là “Bàn thờ xông hương.” Những người đến xưng tội phải ở bên ngoài; trong khi đó, thầy tế lễ đứng cầu thay cho họ tại Bàn thờ xông hương. Điều cần nhớ, là thầy tế lễ chỉ đến tại mức giới hạn này; xong rồi, ông quay ra để gặp một người khác; và cứ như thế  tiến trình này được lặp đi lặp  lại. Người xưng tội không được tiến vào sâu hơn nơi mà súc vật bị giết và dâng làm sinh tế. Họ phải chờ đợi bên ngoài, trong khi thầy tế lễ làm nhiệm vụ của người trung bảo giữa tội nhân và Đức Chúa Trời.

 

Mỗi năm một lần, mọi người tề tựu chung quanh đền tạm. Đây là lúc mà thầy tế lễ thượng phẩm sẽ đi qua bức màn để bước vào nơi chí thánh, dâng sinh tế có huyết để chuộc tội cho toàn dân. Điều này chỉ xảy ra một lần trong năm. Còn lại vào những ngày thông thường, thầy tế lễ chỉ đi đến mức giới hạn là vị trí của bàn thờ xông hương.

 

Xin chúng ta cùng nhau tìm hiểu cách chi tiết hơn về các vật dụng này. Mọi vật trong đền tạm đều có tay cầm. Điều này dễ hiểu là vì họ phải di chuyển  trong sa mạc nên mọi vật dụng cần có tay cầm để thuận tiện trong việc khiêng vác.

 

Khi quan sát đền tạm, chúng ta đi đến kết luận rằng, mọi vật dụng trong đền tạm là một hình bóng về Chúa Jêsus. Cả đền tạm cũng như mỗi vật trong đó là hình bóng về Chúa Jêsus. Chúa Jêsus khẳng định rằng, Môi-se viết về Ngài. Hiển nhiên, trong đó có cả đền tạm nữa. Bàn thờ dâng của lễ thiêu là nơi giết các sinh tế chỉ về sự chết của Chúa Jêsus Christ. Mọi sinh tế đã hi sinh tại bàn thờ đã được ứng nghiệm khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá. Bởi vậy, bàn thờ dâng của lễ thiêu dạy chúng ta về thập tự giá của Chúa Jêsus Christ. Nó ngụ ý rằng, chúng ta không thể nào đến với Đức Chúa Trời chí thánh mà lại không có sinh tế.” Kinh thánh dạy, “Không có sự đổ huyết thì không có sự tha thứ.”

 

Bàn thờ dâng của lễ thiêu cũng dạy rằng, Đức Chúa Trời là công bình và thánh khiết. Ngài yêu cầu chúng ta phải công bình và  thánh khiết. Ngài lên án những gì bất khiết và không công nghĩa. Nhưng Ngài cũng biết rằng, cho dù có sống cho đến hằng triệu năm để cố tu thân tích đức, chúng ta vẫn không đạt được tiêu chuẩn công nghĩa để mong được cứu rỗi. Bởi vậy, Ngài đã giáng thế như chiên con của Đức Chúa Trời, hiến dâng chính mình làm sinh tế để nhờ vào sự hi sinh của Ngài mà chúng ta được xưng là công bình theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Đó là những gì mà Đức Chúa Trời đã thực hiện. Điều mà Chúa đòi hỏi nơi chúng ta, là hãy tin vào những gì mà Ngài phán dạy về vấn đề này. Bàn thờ dâng của lễ thiêu đã trình bày mọi điều này cho chúng ta. Qua đó, chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng thế nào? Ngài đòi hỏi điều gì? Ngài lên án điều gì? Đức Chúa Trời đã làm gì? Ngài biết điều gì? và Ngài muốn gì nơi chúng ta? Các vấn đề nầy được gói ghém qua hình ảnh Bàn thờ dâng của lễ thiêu. Tóm lại, bàn thờ dâng của lễ thiêu xác quyết một lẽ thật, là tội nhân không thể nào đến cùng Đức Chúa Trời chí thánh nếu không có một của  lễ hy sinh. Điều này khiến chúng ta hiểu rằng, sự hy sinh của Chúa Jêsus trên thập tự giá là hoàn toàn cần thiết.

 

Một vật dụng khác là cái thùng rửa mà các thầy tế lễ dùng để rửa trước khi bước vào nơi chí thánh. Điều này có nghĩa gì? Nhiều chỗ trong Kinh thánh dạy rằng những người muốn đến với Chúa phải có tấm lòng thanh sạch. Thi thiên chép rằng: “

 

Ai sẽ được lên núi Đức Giê-hô-va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài?

 

Ay là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết

 

Mục đích khi Chúa thiết lập đền tạm là để dân Y sơ ra ên hướng lòng về Chúa mà giữ sự tương giao với Ngài. Mọi sinh hoạt của họ phải đi theo chiều hướng đó. Mối thông công với Đức Chúa Trời thường được ví sánh qua hình ảnh của bữa ăn. Sách Khải huyền chép rằng,

 

Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.

 

Chúa Jêsus đã đề cập về mối thông công với Đức Chúa Trời như một bữa ăn tối thịnh soạn. Ngài phán rằng, Đức Chúa Trời cố gắng mời mọi người đến dự. Tiếc thay, ai nấy đều từ chối. Họ không muốn đến dự tiệc. Thường trước khi dự tiệc hoặc ăn bữa chúng ta phải rửa tay. Cũng vậy, chúng ta cần phải rửa sạch lòng mình khi đến cùng Đức Chúa Trời để được giao thông thờ lạy Ngài. Đây chính là sứ điệp của thùng rửa bằng đồng.

 

Tại phòng cao, Chúa Jêsus đã rửa chơn cho các môn đồ của Ngài. Sau khi Chúa đã rửa chơn cho 6 người, đến phiên Phierơ thì ông thưa với Chúa rằng, “Chúa ơi, lẽ nào Chúa lại đi rửa chơn cho tôi sao?” Chúa có thể trả lời cho Phierơ rằng, “Đúng vậy Phierơ, ta đã rửa chơn cho 6 người và theo thứ tự đến phiên ngươi.” Nhưng Chúa thật kiên nhẫn và đầy lòng yêu thương, Ngài giải thích cặn kẽ cho Phierơ. Chúa phán, “Phierơ, những gì ta làm bây giờ ngươi chưa hiểu, nhưng về sau ngươi sẽ hiểu.” Phierơ thưa với Chúa rằng, “Chúa sẽ không bao giờ rửa chơn của tôi.” Chúa đã trả lời. “Nếu ta không rửa chơn cho ngươi thì ngươi không có phần chi với ta hết.” Thật đúng vậy, Chúa muốn nói rằng, “Nếu ta không tiếp tục rửa sạch ngươi thì ngươi không có mối liên hệ chi với ta”. Khi nghe nói như vậy, Phierơ thưa, “Chúa ơi, vậy thì xin rửa đầu và tay luôn, hay xin tắm cho con luôn. Nếu đây là điều cần phải làm để được tương giao với Ngài thì xin tắm cho con luôn.” Chúa nhơn đó đưa ra lời khuyên dạy quí báu. Ngài phán, “Phierơ, ai đã tắm rồi mà nếu chơn của họ bị bẩn vì các bụi thì chỉ cần rửa chơn mà thôi.” Chúa ngụ ý nói rằng, khi tái sanh là chúng ta đã được tắm rồi; tuy nhiên, những tháng ngày còn sống trong thế gian, đôi chơn của chúng ta còn bị dơ bẩn; và do đó, chúng ta cần sự thanh tẩy liên tục. Kinh thánh nói về sự thanh tẩy hằng ngày bởi lời của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, thông qua việc đọc và suy gẫm lời Chúa mà chúng ta nhận được quyền năng biến đổi trên đời sống của mình. Đây chính là ý nghĩa hình bóng của nghi thức rửa tay và chơn tại thùng rửa của thầy tế lễ .

 

Lần đến chúng ta sẽ bàn về đền tạm. Tìm hiểu xem mỗi vật dụng trong đền tạm có ý nghĩa gì đối với con dân Chúa ngày hôm nay; cũng như qua đó, rút ra các bài học áp dụng cho chúng ta trong sự thờ phượng tại hội thánh, hoặc tại nhà riêng, hoặc sự thờ phượng cá nhân.


Bài trước134 Người Tiếp Nhận Chúa Trong Đêm Thánh Nhạc Truyền Giảng Giáng Sinh Tại Cà Mau.
Bài tiếp theoPhổ Biến, Triển Khai Quy Chế Chấp Sự Tại Thành Phố Đà Nẵng.