Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Khi lược khảo sách Xuất Ê-díp-tô ký, chúng ta đã tìm hiểu về sự phát triển của dân Y-sơ-ra-ên và những nan đề mà họ phải đối diện. Chúng ta cũng đã học hỏi về đời sống của Môi-se, là người được Chúa dùng để giải quyết các nan đề của dân Y-sơ-ra-ên. Qua đó, chúng ta thấy được quyền năng của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ như thế nào. Chúng ta cũng đã đề cập về lễ vượt qua, là một thánh lễ được xem là trọng tâm trong kế hoạch giải cứu người Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về những lời tiên tri trong sách Xuất Ê-díp-tô ký trong bài hôm nay.
Sách Xuất Ê-díp-tô ký được phân loại là sách luật, vì nó chứa đựng rất nhiều điều luật. Những cuốn sách như Xuất Ê-díp-tô ký, Lê vi ký và Phục truyền luật lệ ký chứa đầy những chi tiết về luật pháp. Môi-se lên núi Si-nai ba lần trong những trường hợp khác nhau, ông đã kiêng ăn trong 40 ngày, 40 đêm. Ông cầu nguyện xin Chúa cho ông có lời của Ngài để cai trị và dẫn dắt dân sự của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã ban cho ông luật pháp. Luật pháp nầy còn gọi là luật của Môi-se hay luật của Đức Chúa Trời.
Luật của Môi-se bao gồm 500 điều khoản. Năm trăm điều khoản nầy được đúc kết lại thành 10 điều răn. Trước khi đi vào phần 10 điều răn – phần cô đọng của những sách luật pháp, tôi xin phép được chia sẻ một ít về quan điểm của Tân ước đối với luật của Đức Chúa Trời.
Qua sự trình bày của Chúa Jêsus trong Tân ước, chúng ta thấy Ngài có quan điểm về các vấn đề liên quan đến luật pháp. Có sự khác biệt trong nhận thức về luật pháp giữa Chúa Jêsus với những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê, cũng như các thầy thông giáo là những người lãnh đạo tôn giáo đương thời. Chúa Jêsus biết rằng, luật pháp bắt nguồn do tình yêu của Đức Chúa Trời. Ngài biết rằng, sở dĩ Đức Chúa Trời ban luật pháp chỉ vì Ngài yêu chúng ta. Bởi vậy, luật pháp nên luôn luôn được đón nhận như là món quà yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho con người và luôn đem lại phúc lợi cho con người. Trước khi áp dụng luật pháp trên đời sống của loài người, Chúa Jêsus nhìn luật pháp qua lăng kính yêu thương của Đức Chúa Trời. Những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê thì không làm như vậy. Một cách máy móc, họ tròng những cuốn sách luật vào cổ người khác. Chúa Jêsus không bao giờ quên một điều là Đức Chúa Trời có một mục đích khi Ngài thiết lập những điều luật nầy. Ví dụ, khi Ngài ban những điều luật về ngày Sa bát, tuân giữ ngày Sa bát làm ngày thánh, Chúa Jêsus biết rằng, mục đích của những điều luật nầy là nhằm đem lại lợi ích cho con người. Bởi vậy, Ngài đã thận trọng sửa chữa phần ứng dụng của luật nầy để những người lãnh đạo tôn giáo nhận biết rằng, ngày Sa bát được lập lên cho con người, chớ không phải con người được dựng nên vì ngày Sa bát. Đức Chúa Trời không dựng nên một điều luật nào đó rồi bắt con người phải thích nghi với điều luật đó. Nhưng, Ngài tạo dựng con người và làm ra những điều luật vì lợi ích cho con người. Trước khi áp dụng luật pháp của Đức Chúa Trời trên người khác, Chúa Jêsus luôn luôn truyền đạt luật pháp cho họ qua lăng kính của tình yêu thương Thiên thượng.
Nếu không theo nguyên tắc nầy, chúng ta có thể tàn phá người khác khi máy móc bảo họ phải tuân giữ điều nầy, tuân giữ điều kia. Kinh Thánh không nên được dùng theo kiểu đó. Sứ đồ Phaolô mô tả tương tự trong 2 Cô-rinh-tô 3:6 rằng, “chữ làm cho chết, nhưng linh làm cho sống.” Chữ ở đây nghĩa là câu văn hay công thức của luật pháp, chỉ về sự áp dụng cứng ngắc và máy móc của luật pháp sẽ đem lại sự chết. Nhưng, linh hay tinh thần của luật pháp đem lại sự sống. Tinh thần của luật pháp là nguyên tắc hay mục đích mà Đức Chúa Trời có chủ ý khi Ngài ban luật pháp đó. Tinh thần của luật pháp luôn luôn là tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự ích lợi cho con người.
Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu 10 điều răn. Mười điều răn nầy là sự tóm tắt của hằng trăm điều răn khác. Bởi vậy, nếu nhận biết tinh thần của 10 điều răn, chúng ta sẽ nắm được tinh thần của hằng trăm điều luật khác. Mười điều răn được viết trên hai bảng đá. Bảng thứ nhất gồm 4 điều. Bốn điều nầy chỉ dạy chúng ta trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Chúng ta gọi đây là mối tương quan theo chiều đứng. Mối tương quan nầy luôn luôn được xếp hạng ưu tiên một. Nội dung của bốn điều răn đó như sau:
Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.
Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất.Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó
Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.
Một lần nữa, bốn điều răn nầy chỉ về mối tương quan giữa chúng ta với Đức Chúa Trời; hay còn gọi là mối tương quan theo chiều đứng.
Bảng đá thứ nhì gồm 6 điều răn. 6 điều nầy liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với những người chung quanh. Những điều răn nầy được gọi là điều răn theo chiều ngang, vì nó chỉ dạy chúng ta trong mối quan hệ với người đồng loại. Một luật sư uyên thâm chất vấn Chúa Jêsus rằng, “Trong tất cả những điều luật của Môi-se, điều nào là quan trọng hơn cả?” Chúa Jêsus trả lời bằng cách đúc kết hai bảng luật trong Mathiơ 22:35-40 rằng,
Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết.
Còn điều răn thứ hai đây: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.
Qua câu trả lời nầy Chúa Jêsus đã tóm tắt 10 điều răn được viết trên hai bảng đá.
Nếu yêu kính Chúa, chúng ta sẽ tuân giữ 4 điều răn đầu tiên liên quan đến mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Nếu yêu những người đồng loại như mình, chúng ta sẽ giữ 6 điều răn sau liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với những người chung quanh. Hiểu được tinh thần của 10 điều răn nầy, chúng ta cũng sẽ hiểu được tinh thần của hằng trăm điều răn khác.
Điều răn đầu tiên của bảng đá thứ nhất là, “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.” Có người nói rằng, sứ điệp của Kinh Thánh có thể được cô đọng lại trong năm chữ, “Đức Chúa Trời trên hết.” Đây chính là ý nghĩa của điều răn thứ nhất. Đức Chúa Trời không thể chiếm một vị trí thứ yếu trong đời sống chúng ta, Ngài phải là trên hết và tất cả. Đây chính là tinh thần của điều răn “Đức Chúa Trời trước nhất.”
Điều răn thứ hai, cấm chúng ta không được làm bất cứ thần tượng nào giống như một vật trên trời dưới đất và xem đó là hình ảnh của Đức Chúa Trời. Xét theo nghĩa đen, điều răn nầy cấm việc thờ lạy hình tượng. Tuy nhiên, về phương diện tinh thần, điều răn nầy được hiểu rằng, Đức Chúa Trời là thần linh; do đó, chúng ta phải đến với Đức Chúa Trời bằng đức tin. Vì Đức Chúa Trời là thần linh nên đối tượng đức tin của chúng ta không thể thấy được bằng mắt trần. Đức Chúa Trời muốn chúng ta đến với Ngài bằng đức tin. Nếu chúng ta dựng hình tạc tượng bằng vật liệu sờ mó được và nói rằng, đây là Đức Chúa Trời thì chúng ta đã phủ nhận sự kiện Đức Chúa Trời là thần linh. Chúng ta đã loại bỏ đức tin là yếu tố khiến chúng ta thấy Đấng không thể thấy được. Xin đừng loại bỏ sự cần thiết của đức tin, cũng đừng vi phạm điểm trọng yếu: Đức Chúa Trời là thần linh mà dựng nên những hình tượng có thể nhìn thấy được.
Điều răn thứ ba là không được lấy danh Ngài mà làm chơi. Điều nầy có nghĩa gì? Trước tiên, nó cấm việc phát ngôn phạm thượng; tuy nhiên, đây không phải là ý chính của điều răn nầy. Khi nói đến danh Chúa, cả trong lúc thờ phượng, chúng ta cần nhớ rằng, Ngài là một Đức Chúa Trời của trật tự và mục đích. Chúa không cho phép đề cập đến danh Ngài cách vô ý và bất cẩn.
Điều răn thứ tư liên quan đến ngày Sa bát. “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.” Có nhiều sự áp dụng qua điều răn nầy; nhiều qui tắc điều luật cũng xuất phát từ điều răn nầy. Nhưng nguyên tắc của nó thì giống như điều răn thứ nhất. Nếu Đức Chúa Trời là trên hết, thì chúng ta nên dành một phần bảy thời gian của chúng ta cho Ngài. Chúa muốn chúng ta dành riêng thời gian cho Ngài. Đó là lý do vì sao Ngài thiết lập việc dâng phần mười sau nầy. Nếu nói rằng, “Đức Chúa Trời trên hết” thì Chúa muốn chúng ta chứng tỏ điều đó, bằng cách dâng cho Ngài phần mười mọi điều chúng ta có. Cũng trong tinh thần đó, Chúa phán trong điều răn về ngày Sa bát rằng, “Ta muốn một phần bảy thời gian của con.” Nếu Chúa là Đức Chúa Trời của chúng ta, chúng ta nên dành một phần bảy thời gian cho Ngài và nói rằng, “Đây là ngày của Đức Chúa Trời.” Sự đòi hỏi nầy là điều hoàn toàn hợp lý.
Một sự áp dụng khác của nguyên tắc Sa bát là nghỉ ngơi. Nhiều người đã bị kiệt sức và suy sụp chỉ vì họ vi phạm luật Sa bát. Qua điều răn nầy, Chúa muốn nói rằng, “Ngươi cần dùng phần bảy thời gian không những cho sự thờ phượng nhưng còn để nghỉ ngơi.” Các vị giáo sư tại các chủng viện là những người áp dụng một cách đúng đắn nguyên tắc nầy hơn hẳn những người khác. Cứ mỗi bảy năm, họ nghỉ một năm. Đây là một thói quen tốt. Liệu hội thánh có cùng một cái nhìn đó để tạo thêm thời gian nghỉ ngơi cho các vị Mục sư quản nhiệm không?
Bảng đá thứ nhì ghi lại những điều răn đề cập đến mối quan hệ theo chiều ngang, tức là với những người chung quanh chúng ta. Dĩ nhiên, trước tiên là đối với cha mẹ của chúng ta. Họ là những người mà chúng ta có bổn phận trước nhất. Lời Chúa dạy rằng, “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi.” Nền văn hóa Y-sơ-ra-ên đã đi theo tinh thần điều luật; do đó, nó đã đem lại lợi ích lớn lao cho xã hội. Một số nước Á châu vẫn giữ tinh thần nầy, người Việt chúng ta có câu “Kính lão đắc thọ.” Họ tôn trọng những người lớn tuổi và trân trọng sự khôn ngoan của các bậc lão thành. Chính điều nầy đem lại sự ích lợi lớn cho xã hội. Chẳng hạn tại những nơi đó người ta không tìm thấy các tòa án dành cho tuổi vị thành niên.
Điều răn nầy đi kèm với một lời hứa: Nếu ngươi tôn kính cha mẹ ngươi, ngươi sẽ được sống lâu trên đất. Nhiều người đã sống trong ngục tù; nhiều cuộc đời đã bị rút ngắn lại chỉ vì không biết hoặc coi thường điều răn nầy. Xin nhớ, điều răn nầy dạy rằng, “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi.” Trong Tân ước, lời khuyên dành cho con trẻ là “Hỡi kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ mình.” Khi còn là con trẻ, chúng ta vâng lời cha mẹ; khi trưởng thành chúng ta tôn kính cha mẹ. Tôn kính không nhất thiết là phải luôn luôn vâng lời. Chúng ta không bị buộc phải luôn vâng lời khi chúng ta trưởng thành. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải tôn kính cha mẹ mình. Chúng ta đối với cha mẹ mình như thế nào, con cái chúng ta cũng sẽ đối với chúng ta thể ấy.
Có câu chuyện xảy ra ở vùng nông thôn, người cha nói với cậu con trai cả, “Con hãy lên trên gác, đem cái mền bông dày xuống đây. Chúng ta sẽ chở ông nội về nhà, bằng không thì ông lạnh lắm.” Cậu con trai leo lên gác một hồi lâu mới xuống. Người cha liền hỏi, “Con làm gì trên đó lâu dữ vậy?” Cậu bé đáp, “con đã cắt cái mền ra làm đôi.” Người cha ngạc nhiên hỏi, “Tại sao con lại làm như vậy?” Cậu bé trả lời, “Con muốn để dành một nửa cho ba sau nầy.” Quí vị thấy đó, điều răn nầy sẽ đem lại nhiều lợi ích cho những ai vâng giữ nó.