Bài 16: Tổ Phụ Đức Tin

1906

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới


Chúng ta đang học về Áp-ra-ham, tổ phụ của đức tin trong sách Sáng thế ký. Mỗi bàn thờ mà Áp-ra-ham xây dựng đều có ý nghĩa riêng của nó. Khi xây bàn thờ đầu tiên, Áp-ra-ham thưa với Đức Chúa Trời rằng, “Chúa ơi, xin hãy dạy con”. Rồi tiếp đến bàn thờ thứ hai là sự ăn năn. Áp-ra-ham phải giằng co ở bàn thờ thứ hai. Khi Đức Chúa Trời chỉ dạy cho ông về tầm quan trọng của sự ăn năn, Áp-ra-ham đi về phương Nam. Khi ông đi xuống Ai cập, đây là một bước đi xuống thuộc linh. Nhưng ông đã dời gót khỏi Ai cập để trở về nơi có bàn thờ thứ hai và kêu cầu danh Ngài. Tại đây, Áp-ra-ham phải giải quyết một vấn đề mang tính chất nội bộ gia đình.

 

Chúa đã kêu gọi ông ra khỏi quê hương, lìa bỏ bà con, nhưng ông không làm được cho đến khi cha của ông qua đời. Khi lên đường, ông lại mang theo Lót – là một người cháu. Lót là cháu ruột của Áp-ra-ham. Cha Lót là Ha-ran qua đời nên Áp-ra-ham bảo bọc và yêu mến người cháu này. Có lẽ, ông nghĩ rằng mọi lời hứa của Chúa sẽ được thành tựu qua Lót. Chắc ông lập luận rằng, “Lót là phương tiện của Đức Chúa Trời, hoặc ít ra nó cũng đang ở trong nhà mình; và sau hết, nó sẽ là người lưu truyền dòng dõi cho mình.” Cho dù bởi lý do  nào đi chăng nữa, Áp-ra-ham không thể nào lìa bỏ Lót. Sau khi trở lại địa điểm của bàn thờ thứ hai là bàn thờ của sự ăn năn, Áp-ra-ham đã gọi Lót đến và cho biết hai người phải phân rẽ. Lót di chuyển về hướng thành Ahi và rồi định cư tại Sôđôm và Gômôrơ.

 

Áp-ra-ham di chuyển về hướng Tây, xây bàn thờ thứ ba tại Hếp-rôn. Hếp-rôn nghĩa là “sự tương giao”. Qua bàn thờ này, ông thưa với Chúa rằng, “Chúa ơi, con muốn biết Ngài.”

 

Nhiều người trong Kinh thánh đã bày tỏ lòng khát khao được biết Chúa. Càng biết Chúa, ho lại càng muốn biết Chúa nhiều hơn. Đó là những gì mà Áp-ra-ham đã cầu nguyện tại bàn thờ thứ ba, “Lạy Chúa, con muốn biết về Ngài.” Tôi gọi đây là bàn thờ của sự tương giao.

 

Chương 12 và 13 ghi lại việc Áp-ra-ham xây ba bàn thờ này. Cho đến chương 22 ông mới xây bàn thờ khác. Điều gì xảy ra giữahai biến cố này? Khi Áp-ra-ham thưa rằng, “Lạy Chúa, con muốn biết Ngài” thì Chúa nói với ông rằng, “Áp-ra-ham, nếu ngươi muốn có mối tương giao với ta. Nếu ta bước vào trong đời sống của ngươi thì ta phải là tất cả bằng không ta chỉ là một bóng mờ trong cuộc đời ngươi mà thôi.” Nếu quí vị thật sự muốn biết về Đức Chúa Trời, Chúa phải có một vị trí tối ưu trong đời sống của quí vị.

 

Có những con người khác xuất hiện trong cuộc đời của Áp-ra-ham, Lót chẳng hạn. Lót là hình ảnh của những người do chúng ta đem họ vào trong cuộc đời của mình, chứ không phải Chúa. Kết quả là họ gây ra sự đau lòng và buồn thảm trong cuộc đời chúng ta.

 

Trong Sáng thế ký chương 16, Áp-ra-ham chìu theo ý Sa-ra để có đứa con trai với người hầu Ai-cập. Ông nghe theo lời vợ mình giống như A-đam nghe theo lời Ê-va. Đứa con trai do nàng hầu sinh ra chính là Ích-ma-ên. Ích-ma-ên là tổ tiên của người Ả rập. Ngày nay, người Ả rập và người Do thái là dòng dõi chính thức của Áp-ra-ham tranh chấp triền miên. Các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông sẽ không xảy ra nếu Áp-ra-ham không nghe theo lời vợ để có con với A-ga.

 

Ích-ma-ên là một trường hợp điển hình để chứng minh rằng: kẻ thù của điều tốt nhất là điều tốt. Để kéo quí vị ra khỏi chương trình của Đức Chúa Trời, Sa-tan không cám dỗ quí vị phạm những tội lỗi ghê gớm. Nếu Chúa muốn quí vị trở nên mục sư, Sa-tan không cám dỗ quí vị đi cướp ngân hàng. Nó thì thầm rằng, “Hãy chí thú làm ăn và đứng trong Ban Chấp sự là đủ rồi.”  Dĩ nhiên, làm ăn sinh sống và làm chấp sự là điều tốt. Nhưng nếu Chúa muốn quí vị trở nên một mục sư thì việc chỉ đứng tại vị trí của một chấp sự chỉ là điều tốt, chứ không phải là điều tốt nhất.  Bài học từ Ích-ma-ên nhắc nhở rằng, kẻ thù của điều tốt nhất có khi là điều tốt.

 

Khi Ích-ma-ên được sinh ra, Đức Chúa Trời lại hiện ra cùng Áp-ra-ham. Tại sao Ngài hiện ra vào thời điểm này? Chúa nói với ông rằng, “Áp-ra-ham, hãy bước đi trước mặt ta và làm một người trọn vẹn” Những gì mà Chúa muốn nói là, “Áp-ra-ham, theo chương trình của ta thì ngươi là cha của đứa bé do Sa-ra sinh ra chớ không phải do A-ga.”

 

Tại bàn thờ thứ 3 là bàn thờ của mối tương giao hai chiều. Chiều đứng và chiều ngang không thể tách rời. Để biết Chúa, Ngài phải ở một vị trí đúng trong mọi quan hệ của Áp-ra-ham. Chúa khiến Áp-ra-ham phân cách với Lót, với Ích-ma-ên. Lần lượt, Đức Chúa Trời đem những người này ra khỏi vị trí ưu tiên trong cuộc đời của ông.

 

Sa-ra lại là một trường hợp khác. Sa-ra là hình ảnh chỉ về những người mà Đức Chúa Trời muốn đặt vào trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta lại từ chối công nhận họ. Có những người chồng nghĩ rằng, “Nếu tôi có một người vợ tốt hơn hoặc nếu người kia là vợ tôi thì tôi là con người đạo đức thiêng liêng hơn.” Hoặc có bao nhiêu phụ nữ thầm nghĩ, “Nếu tôi không gặp chồng tôi, tôi sẽ là người thánh thiện hơn.” Họ không nhận thức rằng, chồng của họ hay vợ của họ là người mà Đức Chúa Trời ban cho họ. Chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống của quí vị bao gồm luôn cả người phối ngẫu của quí vị.

 

Vì Sa-ra mà Đức Chúa Trời đã hiện ra 2 lần cùng Áp-ra-ham. Ngài hiện ra cùng Áp-ra-ham và phán rằng, “Áp-ra-ham, mọi việc sẽ được thực hiện qua Sa-ra. Ta sẽ thay đổi tên của Sa-rai trở thành Sa-ra.” Tên đầu tiên Sa-rai nghĩa là gây sự, cãi cọ hay chống đối. Salômôn nói rằng, một người đàn bà tranh cạnh như máng xối giột nước luôn. Sa-ra là một người đàn bà như vậy. Áp-ra-ham đã sống với bà suốt thời gian dài. Đức Chúa Trời hiện đến và nói rằng, “Ta sẽ đổi tên của vợ ngươi là ‘công chúa’, người sẽ là mẹ của nhiều quốc gia giống như ngươi là cha của nhiều dân tộc. Các vua sẽ do người mà ra.” Kinh thánh chép rằng, Áp-ra-ham sấp mặt xuống cười. Ông tin rằng, Đức Chúa Trời làm được mọi sự qua ông; nhưng không thể tin rằng, trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho ông có cả Sa-ra tham dự.

 

Hãy để ý bao nhiêu lần Áp-ra-ham đưa ra những phương thức khác. Lót là một phương thức khác. Sa-ra trở nên không cần thiết nếu Lót là người kế tự. Rồi trong chương 15, ông đề cập về người đầy tớ đang sống trong nhà; sau đó là Ích-ma-ên. Ông đã để Sa-ra qua một bên. Nhưng Đức Chúa Trời khẳng định rằng, Sa-rai sẽ sinh đứa con kế tự. Khi ông nói lại điều này với Sa-ra thì nàng cũng cười.

 

Cuối cùng, đứa con trai chào đời lúc Áp-ra-ham được 100 tuổi và Sa-ra được 90 tuổi. Ngài bảo họ đặt tên là Y-sác, theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “cười”. Đức Chúa Trời không muốn những bậc anh hùng của đức tin này quên việc họ đã cười với vẻ không tin khi Chúa nói họ việc Ngài sẽ làm. Mỗi lần gọi tên con, họ sẽ nhớ lại thái độ của mình. Thế nhưng, chính những con người này lại là anh hùng của đức tin.

 

Sau rốt, Áp-ra-ham xây bàn thờ thứ 4. Đây là bàn thờ quan trọng nhất. Ông xây bàn thờ trên núi Mô-ri-a. Mô-ri-a nghĩa là “Đức Giê-hô-va sẽ chu cấp.” Trong những lần trước, Áp-ra-ham chọn lựa địa điểm và quyết định lễ vật. Có sự khác biệt tại bàn thờ thứ 4 nầy, đó là Đức Chúa Trời chọn địa điểm và Chúa định lễ vật. Lễ vật mà Đức Chúa Trời yêu cầu Áp-ra-ham chính là Y-sác. Đứa con trai một của cặp vợ chồng già, đồng thời cũng là sự ứng nghiệm 25 năm của đức tin. Chúa phán, “Hãy dâng con trẻ đó,” Áp-ra-ham đi lên núi Mô-ri-a với ý định dâng Y-sác. Xin đừng quên sự kiện là ông sẽ hiến tế bằng chính mạng người của con mình. Kết thúc câu chuyện, rõ ràng là Đức Chúa Trời không hề có ý định cho phép điều đó xảy ra. Trên núi Mô-ri-a, Áp-ra-ham đã không phải dâng Ysác mà dâng chính Áp-ra-ham vậy. Đây là bàn thờ của sự thuận phục.

 

Hẳn quí vị còn nhớ câu chuyện: Khi gần đến núi Mô-ri-a, Áp-ra-ham nói với các tôi tớ của mình rằng,

Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi.

 

Áp-ra-ham không bao giờ nghi ngờ rằng, ông và Ysác sẽ trở lại. Chương nói về đức tin ở sách Hê-bơ-rơ khẳng định, Áp-ra-ham tin là Đức Chúa Trời có quyền khiến Y-sác sống lại từ kẻ chết nếu Áp-ra-ham giết cậu bé. Đó chính là đức tin của Áp-ra-ham.

 

Song Áp-ra-ham không phải giết con trai của mình. Ông đã dâng con chiên đực bị kẹt trong bụi cây là vật được Chúa dự bị. Áp-ra-ham đặt tên chỗ đó là “Giê-hô-va Di- rê”, nghĩa là Đức Giê-hô-a sắm sẵn. Điều ông muốn nói là thế này, khi quí vị để cho Đức Chúa Trời chỉ định nơi dâng của lễ; khi quí vị để cho Đức Chúa Trời chỉ định của dâng, đó là khi quí vị xác nhận lòng tin nơi Đức Chúa Trời và Ngài chấp nhận quí vị. Làm thế nào để chứng tỏ đức tin của quí vị? Bằng sự thuận phục trọn vẹn. Giống như một người thưa với Chúa rằng, “Lạy Chúa, con thuận phuc Ngài, con sẽ làm bất cứ điều gì ở tại bất cứ nơi đâu vào bất cứ lúc nào.” Quí vị cũng có thể thêm vào câu trên cụm từ “bất cứ cách nào, cho bất cứ ai”. Hãy thưa với Chúa rằng, “Lạy Chúa, không có điều gì mà con không làm cho Ngài.” Hai lần trong chương 22 sách Sáng thế ký, Chúa phán với Áp-ra-ham khi ông sẵn sàng dâng Y-sác,

Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi.

 

Sứ điệp của Kinh thánh có thể được tóm gọn trong câu này là “Đức Chúa Trời trước nhất.” Nên nhớ rằng, điều này không dễ dàng nhưng nó không phức tạp. Một số người khiến nó trở thành phức tạp vì họ không muốn đặt Đức Chúa Trời lên trên hết. Nó không khó hiểu nhưng nó rất khó thực hiện. Tân ước dạy rằng, không ai có thể xưng Jêsus là Chúa hay Đức Chúa Trời là trên hết trừ khi Đức Thánh Linh khiến họ hiểu điều đó. Đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu không những là khó khăn mà còn là bất khả kháng nếu quí vị không có kinh nghiệm thuộc linh. Nếu được tái sinh, quí vị thấy được vương quốc của Đức Chúa Trời; và Ngài chính là Vua. Khi quí vị bước vào mối tương giao với Ngài, Chúa hoặc là Vua; hoặc là Đấng trên hết; hoặc Ngài là Chúa, là Chủ, là tất cả. Nếu Chúa không được tôn kính như vậy thì Ngài không là gì cả. Chúng ta nhận thức quyền chủ tể của Đấng Christ; và bước vào mối liên hệ đó khi chúng ta được sinh lại. Đó là những gì xảy ra cho Áp-ra-ham trên núi Moria khi ông xây bàn thờ thứ 4.

 

Tóm lại, Áp-ra-ham đã xây 4 bàn thờ. Bàn thờ của sự đáp ứng; bàn thờ của sự ăn năn; bàn thờ của sự tương giao và bàn thờ của sự thuận phục. Quí vị đã xây bao nhiêu bàn thờ? Quí vị đã xây bàn thờ của sự đáp ứng chưa? Hay nói cách khác, quí vị đã thưa với Chúa là “Xin hãy dạy con chưa?” Quí vị đã xây bàn thờ của sự ăn năn chưa? Hay nói cách khác, quí vị đã dứt khoát từ bỏ với quá khứ tội lỗi chưa? Quí vị đã xây bàn thờ của sự tương giao chưa? Trên hết mọi sự, quí vị đã xây bàn thờ của sự thuận phục chưa? Đức Chúa Trời có phải là tất cả trong đời sống của quí vị không? Đó là những gì chúng ta học được về đức tin qua câu chuyện của Áp-ra-ham; sự hiện ra của Ngài với ông và những bàn thờ ông đã xây nên. Quí vị đáp ứng như thế nào đối với Ngài? Phải chăng là sự đáp ứng của đức tin như Áp-ra-ham?

 

 

Bài trướcBan Y Tế Xã Hội Hội Thánh Tin Lành Cà Mau Khám Chữa Bệnh Miễn Phí Và Phát Quà Lần 1.
Bài tiếp theoBài 16: Nô-ê Và Cơn Nước Lụt