Một số sách trong Kinh Thánh rất hấp dẫn và có thể được trình bày như những vở kịch. Sách Gióp, Ê-xơ-tê và Đa-ni-ên thuộc vào loại nầy. Nhất là sáu chương đầu của sách Đa-ni-ên mang đầy kịch tính.
Trước tiên là các nhân vật xuất hiện trong sách gồm Đa-ni-ên và ba bạn là Ha-na-nia, Mi-sa-ên, A-xa-ria. Nhóm đối lập gồm những người lãnh đạo trong chính quyền Ba-by-lôn. Một nhân vật đóng vai rất quan trọng đó là Nê-bu-cát-nết-sa, vị hoàng đế đầy quyền lực của Ba-by-lôn, xuất hiện trong bốn chương đầu. Cùng với Nê-bu-cát-nết-sa còn có Bên-xát-sa, Đa-ri-út, Si-ru đại đế, hoàng hậu và các nhà thông thái. Sáu chương đầu kéo dài suốt thời gian là 70 năm, có hai đế quốc đã xuất hiện trong thời gian nầy. Xét về phương diện lịch sử thì sáu chương đầu chiếm một khoảng thời gian khá dài.
Có cả thảy năm đế quốc từ thời Cựu Ước đến Tân Ước: A-si-ry, Ba-by-lôn, Mê-đi_Ba Tư, Hy Lạp, và La Mã. Đế quốc La Mã xuất hiện vào thời Tân Ước. Đế quốc A-si-ry đã lớn mạnh và suy tàn khi bắt đầu sách Đa-ni-ên. Do đó sách Đa-ni-ên đề cập phần nhiều đến đế quốc Ba-by-lôn, kéo dài 70 năm. Đế quốc Mê-đi_Ba Tư gồm 127 thị trấn là bối cảnh lịch sử của sách Ê-xơ-tê. Trong phần thứ nhì của sách tiên tri Đa-ni-ên, ông đã đề cập đến Hy Lạp và La Mã như là thế lực hùng mạnh sẽ xuất hiện.
Để hiểu được bối cảnh lịch sử của sách Đa-ni-ên và nhất là thấy tính chất hùng mạnh của Nê-bu-cát-nết-sa, chúng ta lắng nghe lời mô tả về thành phố Ba-by-lôn vào thời Đa-ni-ên.
“Ba-by-lôn là một kỳ quan của thế giới lúc đó. Dân số khoảng hai triệu người. Sử gia cho biết vách thành chung quanh dài đến 100km, mỗi chiều 25km. Vách thành cao 110m, tương đương với chiều cao của nhà lầu 37 tầng, độ dày của nó là 30m. Nó được nới sâu xuống dưới lòng đất hơn 13m nhằm chống lại việc kẻ thù đào đường hầm vào thành. Nó được xây bởi một loại gạch vuông mỗi cạnh là 40cm (hay 4 tấc) và độ dày của viên gạch là 25cm (hay 2,5 tấc). Từ thành phố cho đến vách thành là khoảng trống 400m. Phía bên ngoài của vách thành được bảo vệ bởi những con hào sâu và rộng ngập đầy nước. Có cả thảy 250 tháp canh trên thành, có phòng gác cho các binh sĩ và 100 cổng bằng đồng. Thành được chia đôi bởi sông Ơ-phơ-rát. Cả hai bờ sông được ngăn bởi tường bằng gạch, có 25 cổng nối với đường phố và thuyền bè. Có một cây cầu được chống đỡ bằng những trụ đá dài bắt trên một con đường hầm dưới lòng sông, rộng 7m, cao 4m. Những cuộc đào bới ở phạm vi rộng, trong thời gian gần đây đã xác nhận các chi tiết có vẻ thần thoại nầy. Đền thờ đồ sộ của thần Murdock nằm bên cạnh tháp Ba-by-lôn, nó là một đền thờ nổi tiếng tại thung lũng Ơ-phơ-rát. Quả thật, Ba-by-lôn là thành phố bằng vàng.
Thành phố nầy cũng nổi tiếng sùng đạo. Có 53 đền thờ, 180 bàn thờ. Cung điện của Ba-by-lôn, nơi mà Đa-ni-ên thường xuyên lui tới là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại của thế giới. Đống đổ nát của nó đã được khai quật từ năm 1899 cho đến 1912, nó đã xác thực về thành phố Ba-by-lôn theo phương diện khảo cổ học. Những bức tường trong cung điện dày đến 6m. Phía bắc của cung điện được bảo vệ bởi 3 bức tường dày cả thảy 18m. Đi xa hơn là vách tường bên trong của thành phố, gồm có hai bờ tường song song với nhau. Mỗi bức tường dày đến 7m và cách nhau 14,5m. Khoảng giữa hai bức tường được đổ đầy bởi gạch vụn làm cho độ dày của nó hơn 30m. Cạnh nó là con mương sâu và rộng. Nhưng chưa hết, còn thêm một vách thành bên ngoài được xây dựng giống y hệt. Vào thời đó, thì một thành phố được kiến trúc như vậy sẽ hết sức kiên cố và khó lòng bị đánh chiếm được.
Vườn treo Ba-by-lôn là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Vườn nầy được treo lên cao 55m trên không. Vào thời của Đa-ni-ên, thành phố Ba-by-lôn không những là thành phố đứng đầu của thế giới mà còn là thủ đô của một đế quốc hùng cường. Nhưng đế quốc nầy chỉ tồn tại trong vòng 70 năm. Đa-ni-ên đã có mặt tại đó từ khi nó bành trướng cho đến khi bị suy tàn. Đa-ni-ên là bạn và cũng là người cố vấn cho vua. Nê-bu-cát-nết-sa là hoàng đế xây dựng đế quốc nầy, ông cai trị 45 năm cả thảy.
Đó là phần mô tả về thành phố Ba-by-lôn, đây là sân khấu đã diễn ra vở kịch được mô tả trong sách Đa-ni-ên. Một vở kịch thì cần có nhân vật, sân khấu và cốt chuyện. Sân khấu ở đây thật ra không chỉ là thành phố Ba-by-lôn, nhưng còn là sự lưu đày tại Ba-by-lôn vì dân sự của Đức Chúa Trời đang sống tại đó. Phần chính của sân khấu là chính trường của Ba-by-lôn. Đây là nơi mà Đa-ni-ên đã sống và thi hành chức vụ trọn cuộc đời của ông. Cốt truyện gồm hai phần. Sáu chương đầu là câu chuyện lịch sử. Phần hai từ chương 7 đến 12, gồm sự mặc khải mang tính chất tiên tri.
Một số người cho rằng phần tiên tri trong Kinh Thánh có thể được chia làm 3 màn. Màn thứ nhất từ Áp-ra-ham cho đến thời lưu đày ở Ba-by-lôn. Phần thứ hai từ cuộc lưu đày tại Ba-by-lôn cho đến sự tái lâm lần thứ hai của Chúa Jêsus. Phần thứ ba từ biến cố Chúa tái lâm cho đến một ngàn năm bình an. Đây là cách mà một số người phân chia về những lời tiên tri trong Kinh Thánh.
Xét theo cách phân chia nầy thì Đa-ni-ên sống vào điểm giao thời của phần 1 và phần 2. Trong phần tiên tri ở chương 7, Đa-ni-ên trình bày cho chúng ta màn hai và màn ba. Việc giải thích sách Đa-ni-ên là điều rất khó, đây không phải là điều không thể được nhưng là điều rất khó. Hai sách Khải Huyền và Ê-xê-chi-ên cũng khó giống như vậy. Chúng ta cần sự giúp đỡ của Chúa Thánh Linh để hiểu những chương nầy. Nếu quí vị muốn tìm một sự soi sáng của Đức Chúa Trời về dòng lịch sử con người, thì quí vị hãy đến với những khải tượng của Đa-ni-ên.
Để hiểu những chương nầy, trước tiên quí vị nêu lên những hình ảnh biểu tượng. Thứ hai, tìm xem những hành động hay những tác động qua lại giữa những biểu tượng nầy. Điều quan trọng đó là Đức Thánh Linh hay, tác giả sách có giải thích gì về ý nghĩa của các biểu tượng hay đó không. Sau khi trả lời ba câu hỏi đó, dựa vào những gì Thánh Linh soi sáng, quí vị tin rằng biểu tượng đó có nghĩa gì? Đây là cách để chúng ta học về những khải tượng của Đa-ni-ên.
Chúng ta đã dành nhiều thì giờ để học hỏi về nhân vật Đa-ni-ên. Tuy nhiên Đa-ni-ên không phải là nhân vật duy nhất nêu gương sáng cho chúng ta mà bên cạnh đó còn có ba người bạn của ông là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô. Chương 3 ghi lại câu chuyện hết sức hấp dẫn về ba nhân vật nầy. Giống như Đa-ni-ên ba bạn trẻ Do Thái là những người rất nhiệt thành với niềm tin của mình. Họ tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời cách tuyệt đối. Họ tin vào sự linh nghiệm của lời cầu nguyện cách tuyệt đối. Họ cũng tin vào quyền tể trị và chương trình của Đức Chúa Trời cách tuyệt đối. Giống như Đa-ni-ên, họ không làm ô uế chính mình bằng cách ăn những thức ăn không sạch. Khi Nê-bu-cát-nết-sa dựng một pho tượng khổng lồ bằng vàng và yêu cầu mọi người trong nước của ông phải quì xuống để thờ lạy nó thì ba bạn trẻ nầy cương quyết khước từ. Có lẽ quí vị biết diễn tiến của câu chuyện. Họ bị ném vào lò lửa vì không chịu cúi đầu thờ lạy pho tượng của Nê-bu-cát-nết-sa. Một chi tiết rất hay trong Đa-ni-ên 3, đó là họ không biết chắc liệu Đức Chúa Trời có dùng phép lạ để giải cứu họ trong trường hợp nầy không. Họ thưa với Nê-bu-cát-nết-sa rằng, “Chúng tôi sẽ không cúi đầu thờ lạy pho tượng của vua. Chúng tôi là người Do Thái, chúng tôi tin nơi Đức Chúa Trời và thờ lạy chỉ một mình Ngài mà thôi. Chúng tôi không thờ một ai khác”. Họ không ngần ngại để nói với Nê-bu-cát-nết-sa rằng, “Đức Chúa Trời của chúng tôi có quyền để giải cứu chúng tôi ra khỏi lò lửa hực nầy. Ngài có quyền làm điều đó nhưng tôi không chắc Ngài có giải cứu chúng tôi trong trường hợp nầy không. Dầu thế nào đi chăng nữa, thì chúng tôi vẫn không cúi đầu thờ lạy pho tượng của vua”. Họ không biết chắc là họ được cứu thoát khỏi lửa hay không. Thế nhưng bởi quyền năng siêu việt, Đức Chúa Trời đã can thiệp và cứu các bạn trẻ nầy không bị cháy sém gì cả khi họ bị ném vào lò lửa hực.
Như vậy bên cạnh Đa-ni-ên, là một gương chói sáng, chúng ta còn có những gương sáng khác nữa. Một số người Ba-by-lôn đã trở nên gương sáng nầy. Phần đầu chúng ta tìm hiểu về những người tin Chúa, những người kiên định giữ vững niềm tin, lập trường của họ là người Ba-by-lôn sẽ không có gì để biến họ trở nên người Ba-by-lôn. Bây giờ trong phần nầy, chúng ta tìm hiểu về những người Ba-by-lôn đã trở nên người tin Chúa nhờ vào đời sống của Đa-ni-ên và ba bạn, nhất là việc họ quyết định không chịu bị đồng hóa để sống ô uế như người Ba-by-lôn.
Nếu quí vị đã nghe về phần mô tả thành phố Ba-by-lôn, nếu quí vị được biết cấu trúc của cung điện Nê-bu-cát-nết-sa, quí vị sẽ cảm nhận được quyền hành tuyệt đối nơi vị hoàng đế nầy. Chương 5 sách Đa-ni-ên cho biết, “Nê-bu-cát-nết-sa muốn cho ai sống thì sống, muốn khiến ai chết thì chết”. Quyền hành của Nê-bu-cát-nết-sa là một quyền hành tuyệt đối. Thật khó cho chúng ta là những người sống trong thế kỷ 21 chấp nhận quyền hành tuyệt đối, chấp nhận một thể chế mà trong đó mọi người phải vâng lời cách tuyệt đối. Chúng ta không thích những nhà độc tài, độc đoán và chuyên quyền như Nê-bu-cát-nết-sa. Khi hiểu được Nê-bu-cát-nết-sa, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của chương 4 trong sách Đa-ni-ên. Hiển nhiên Đa-ni-ên làm chứng cho Nê-bu-cát-nết-sa. Việc Đa-ni-ên xác định và giải thích điềm chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa khiến ông có ảnh hưởng rất lớn đối với vua. Trong giấc mơ mà chúng ta sẽ học chi tiết hơn vào chương đến, Nê-bu-cát-nết-sa thấy một pho tượng về một người cao lớn. Đầu bằng vàng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và vế bằng đồng. Hai chơn bằng sắt còn bàn chơn bằng sắt và đất sét. Đa-ni-ên cho biết đây là bốn đế quốc xuất hiện trong lịch sử của loài người. Đa-ni-ên giải thích với Nê-bu-cát-nết-sa rằng, “Vua là đầu bằng vàng vì ngay vào lúc nầy, vua là người cầm đầu của một đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới. Nhưng quyền lực nầy không tồn tại vĩnh viễn mà một ngày kia nó sẽ suy tàn. Đế quốc của vua sẽ bị sụp đổ và được thay thế bằng một thế lực khác. Đó là phần bằng bạc của pho tượng, chỉ về đế quốc Ba Tư, đế quốc nầy không lớn như của vua. Theo sau đó là phần bằng đồng, chỉ về đế quốc Hy Lạp. Cuối cùng đế quốc La Mã được tượng trưng bởi phần bằng sắt”. Nê-bu-cát-nết-sa chắc chắn nghe được lời giải thích của Đa-ni-ên rằng ông là cái đầu bằng vàng. Vua đã lập một pho tượng bằng vàng và ra lịnh cho mọi người phải cuối xuống mà thờ lạy nó. Tại thời điểm nầy Nê-bu-cát-nết-sa hãy còn rất xa cách Đức Chúa Trời. Trong bài đến, chúng ta sẽ thấy đời sống của Đa-ni-ên và ba bạn đã tạo ảnh hưởng sâu xa đối với Nê-bu-cát-nết-sa để dẫn ông đến chỗ xưng nhận đức tin nơi một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật.
Lần đến chúng ta sẽ học về một chương thật lý thú và cũng rất quan trọng, chương 4 của sách Đa-ni-ên. Chương nầy ghi lại việc Nê-bu-cát-nết-sa, vị hoàng đế đầy quyền lực của Ba-by-lôn, ăn năn, tôn thờ Đức Chúa Trời. Thật là điều kinh ngạc một cậu bé Do Thái, sốt sắng yêu mến Chúa đã quyết định không để cho vị hoàng đế nầy biến mình trở nên người Ba-by-lôn, nhưng ngược lại bởi ơn Chúa cậu đã biến vị hoàng đế thành người có lòng tin nơi Đức Chúa Trời.
Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới