Bài 141: Sách Đa-ni-ên

3335

Cuộc giằng co giữa Đa-ni-ên và người Ba-by-lôn

1 Năm thứ ba về đời Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, thì Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đến thành Giê-ru-sa-lem và vây lấy.  2 Chúa phó Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, và một phần khí mạnh của nhà Đức Chúa Trời vào tay người. Nê-bu-cát-nết-sa đem khí mạnh ấy về đất Si-nê-a, vào nhà của thần mình, và để trong kho của thần mình.

3 Vua truyền cho Át-bê-na, là người làm đầu các hoạn quan mình, lấy trong con cái Y-sơ-ra-ên, trong dòng vua, và trong hàng quan sang, mà đem đến 4 mấy kẻ trai trẻ không có tật nguyền, mặt mày xinh tốt, tập mọi sự khôn ngoan, biết cách trí, đủ sự thông hiểu khoa học, có thể đứng chầu trong cung vua, và dạy cho học thức và tiếng của người Canh-đê. 5 Vua định mỗi ngày ban cho họ một phần đồ ngon vua ăn và rượu vua uống, hầu cho khi đã nuôi họ như vậy ba năm rồi, thì họ sẽ đứng chầu trước mặt vua. 6 Trong bọn đó có Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria là thuộc về con cái Giu-đa. 7 Người làm đầu hoạn quan đặt tên cho họ: cho Đa-ni-ên tên Bên-tơ-xát-sa; cho Ha-na-nia tên Sa-đơ-rắc; cho Mi-sa-ên tên Mê-sác; và cho A-xa-ria tên A-bết-Nê-gô.
8 Vả, Đa-ni-ên quyết định trong lòng rằng không chịu ô uế bởi đồ ngon vua ăn và rượu vua uống, nên cầu xin người làm đầu hoạn quan để đừng bắt mình phải tự làm ô uế.

 

Phần Kinh Thánh quí vị vừa nghe nói về Đa-ni-ên. Ông là vị tiên tri lớn thứ tư và cũng là tiên tri thứ ba trong số những tiên tri cho những người lưu đày tại Ba-by-lôn.

Như chúng tôi đã trình bày, thời gian Giê-ru-sa-lem bị tấn công và sụp đổ kéo dài hai mươi năm. Lần đầu tiên Giê-ru-sa-lem bị tấn công là dưới thời của vua Giê-hô-gia-kim. Lúc này chỉ một số ít người Giu-đa bị bắt sang Ba-by-lôn. Giê-hô-gia-kim đầu hàng và thuận phục Nê-bu-cát-nết-sa trong ba năm. Sau ba năm Giê-hô-gia-kim nổi loạn chống Nê-bu-cát-nết-sa. Thành Giê-ru-sa-lem bị xâm lăng lần thứ hai, khi đó con của vua Giê-hô-gia-kim là Giê-hô-gia-kin buông vũ khí đầu hàng. Người Ba-by-lôn lập Sê-đê-kia làm vua bù nhìn. Sê-đê-kia cai trị trong 11 năm rồi cũng nổi loạn. Lần càn quét thứ ba thật là tàn khốc. Cả thành phố bị san thành bình địa. Mọi cư dân, ngoại trừ những người già yếu bị đày sang Ba-by-lôn.

Khi Giê-ru-sa-lem thất thủ lần thứ nhất, Đa-ni-ên chỉ mới 14 tuổi. Lần nầy số người bị bắt sang Ba-by-lôn không nhiều, chỉ một số thành phần ưu tú như Đa-ni-ên và các bạn của ông. Nê-bu-cát-nết-sa chỉ cần những thanh niên thuộc hoàng tộc và những người thật thông minh, xinh đẹp và đầy tài năng.

Đa-ni-ên và những người bạn của ông được đem sang Ba-by-lôn trong hoàn cảnh đó. Bởi quyền tể trị của Đức Chúa Trời mà họ được đem qua trước đồng bào của họ. Chín năm sau, Ê-xê-chi-ên mới bị đem sang Ba-by-lôn. Ông cũng qua đó trước đợt người bị lưu đày lần thứ ba. Đức Chúa Trời đã sắp xếp mọi việc cho dân sự của Ngài để khi họ đến nơi thì đã có những người Giu-đa nắm chức vụ then chốt dưới triều vua Nê-bu-cát-nết-sa. Thật là điều thú vị khi nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời tể trị trong mọi biến cố.

Sách Đa-ni-ên được chia làm hai phần. Phần thứ nhất gồm 6 chương đầu, ghi lại những diễn biến mang tính chất lịch sử. Từ chương 7 đến 12 là những lời tiên tri. Sách Đa-ni-ên, Ê-xê-chi-ên cùng một loại với sách Khải Huyền. Cả ba tác giả của sách nầy đều đã viết sách trong khi họ bị lưu đày. Sách của họ bày tỏ những điều huyền nhiệm và nói về những gì sẽ xảy ra trong ngày sau rốt của thế giới nầy. Phần sau của Đa-ni-ên thuộc loại tiên tri nầy, đây là phần rất khó hiểu giống như sách Ê-xê-chi-ên và Khải Huyền.

Sáu chương đầu của sách Đa-ni-ên không giống như những chương còn lại. Nó rất dễ hiểu vì đây chỉ là những câu chuyện mang tính lịch sử. Phần nầy chứa đựng các phước hạnh thuộc linh dồi dào. Xin nhớ rằng câu chìa khóa cho mọi sách lịch sử được Phao-lô trình bày trong I Cô-rinh-tô 10:11 “Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời”.

Khi các vị tiên tri ghi lại những biến cố lịch sử là họ đã cung cấp cho chúng ta những gương tốt cũng như những gương xấu. Vậy xin quí thính giả hãy tìm trong sáu chương đầu những bài học đó.

Các nhân vật trong Kinh Thánh đều có những ưu điểm và khuyết điểm. Nhất là Cựu Ước ghi chép thật chi tiết về những ưu khuyết nầy. Đời sống của họ có khi lên, khi xuống. Nhưng Giô-sép và Đa-ni-ên thì khác. Hai ông là những người trong sạch nhất. Đa-ni-ên đi đến Ba-by-lôn khi chỉ mới 14 tuổi. Ông sống trọn cuộc đời tại Ba-by-lôn dưới triều vua Nê-bu-cát-nết-sa và con Nê-bu-cát-nết-sa là Bên-xát-sa. Sau đó Đa-ni-ên tiếp tục làm việc dưới triều vua Đa-ri-út của người Mê-đi, và Si-ru đại đế. Đặc biệt là Đa-ni-ên đã sống suốt thời kỳ 70 năm lưu đày. Ông vì quá già yếu nên không thể trở về quê hương, tuy nhiên vẫn chứng kiến được cảnh tượng đó.

Chúa dùng Đa-ni-ên để dạy cho dân sự của Ngài biết phải sống thế nào tại đất ngoại bang. Mặc dầu lúc đó ông chỉ 14 tuổi, nhưng Đa-ni-ên đã hành xử thật là tuyệt vời. Đa-ni-ên là một gương sáng chói cho người Giu-đa ngày xưa cũng như cho quí vị và tôi ngày hôm nay.

Lời Chúa qua sứ đồ Phao-lô dạy rằng, “Đừng làm theo đời nầy.” Thế gian có một sức mạnh để lôi kéo con cái Chúa sống giống như họ. Nhưng Phao-lô còn nói tiếp “Hãy để Chúa biến đổi chúng ta từ bên trong và chúng ta sẽ sống khác hơn người đời.” Lời khuyên nầy dành cho các tín hữu thời Tân Ước, nhưng cũng được Đa-ni-ên áp dụng khi ông sống tại Ba-by-lôn. Đa-ni-ên đã sớm nhận thấy áp lực từ bên ngoài nhằm kéo chàng thiếu niên nầy vào trong quĩ đạo của người Ba-by-lôn. Dầu mới 14 tuổi, Đa-ni-ên được huấn luyện tại một trường đại học của người Ba-by-lôn. Thách thức đầu tiên đó là thức ăn của họ. Thức ăn của người Ba-by-lôn có lẽ gồm có thịt heo và những loại không tinh sạch đối với người Do Thái. Kinh Thánh cho biết “Đa-ni-ên quyết định trong lòng là không chịu ô uế bởi những thứ đó.”

Tên của Đa-ni-ên và những người bạn của ông đều có liên quan đến Đức Chúa Trời. Những tên chấm dứt với âm “el” hay “ên” đều có liên quan đến Chúa, vì tiếng Hê-bê-rơ dùng để chỉ về Đức Chúa Trời là “El”. Số nhiều của từ này là “Ê-lô-him” và số ít là “El”. Đa-ni-ên có âm “ên” ở cuối nghĩa là “Đức Chúa Trời là Đấng phán xét tôi.” Tên nầy ngụ ý rằng Đa-ni-ên bước đi trước mặt Chúa và xin Ngài cân nhắc, phán xét mọi hành vi cử chỉ của ông, và Mi-sa-ên có nghĩa là “Ai giống như Đức Chúa Trời.” Nếu một tên có âm “ah” cũng liên quan đến Đức Chúa Trời vì một chữ khác chỉ về Đức Chúa Trời là Giê-hô-va có âm “ah” ở phía cuối. Một người bạn khác của Đa-ni-ên tên là Ha-na-nia, nếu đọc rời từng âm thì sẽ là Ha-na-ni-a, tên nầy có nghĩa Đức Giê-hô-va quí mến. A-xa-ria nếu đọc rời âm cuối là A-xa-ri-a, tên ngày có nghĩa là “Được giúp đỡ bởi Đức Giê-hô-va.” Xin lưu ý, điều đầu tiên mà người Ba-by-lôn làm đó là đổi tên của những thiếu niên Hê-bê-rơ nầy. Tên Đa-ni-ên được đổi thành Bên-tơ-xát-sa nghĩa là “Bên bảo vệ mạng sống”, “Bên” là tên của thần Ba-by-lôn. Thử tưởng tượng chàng thiếu niên khẩn nguyện xin Đức Chúa Trời tra xét mỗi bước đi của mình và Ngài là Đấng phán xét bảo vệ ông, thế nhưng bây giờ tên của cậu thiếu niên bị đổi thành Bên-tơ-xát-sa, nghĩa là ở dưới sự che chở của thần Ba-by-lôn. Người Ba-by-lôn nỗ lực biến Đa-ni-ên thành một người sống dưới ảnh hưởng của thần họ, thần ngoại bang.  Mi-sa-ên được đổi thành Mê-sác, nghĩa là Mardock theo tiếng Ba-by-lôn. Mardock cũng là một thần Ba-by-lôn. Ha-na-nia đổi thành Sa-đơ-rắc, đây là tên của thần mặt trăng của người Ba-by-lôn. A-xa-ria đổi thành A-bết-Nê-gô, nghĩa là “Tôi tớ của thần khôn ngoan của người Ba-by-lôn”

Qua hành động đổi tên, Nê-bu-cát-nết-sa nói với bốn bạn trẻ rằng “Ta sẽ biến các ngươi trở nên người Ba-by-lôn thuần túy.” Chính tại chỗ nầy, họ trở thành gương chói sáng cho chúng ta. Những thiếu niên đó can đảm chứng tỏ cho cả đế quốc Ba-by-lôn rằng, “Các ông không thể biến chúng tôi thành những người Ba-by-lôn, nhưng chúng tôi sẽ biến các ông trở nên những người tin nơi Đức Chúa Trời.”

Bài học áp dụng ở đây là gì? Ngày nay thế giới có hai thành phần: người Ba-by-lôn và người tin Chúa. Người Ba-by-lôn nỗ lực biến người tin Chúa thành người Ba-by-lôn. Nhưng người tin Chúa nên cố gắng biến người Ba-by-lôn trở nên tín hữu. Đa-ni-ên chương 4 là một trường hợp điển hình. Chương nầy cho biết Nê-bu-cát-nết-sa, người đã xây dựng đế quốc Ba-by-lôn, tuyên xưng niềm tin nơi Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên 4 là một chương thật tuyệt vời trong Kinh Thánh. Nê-bu-cát-nết-sa đã viết phần đầu và phần cuối của chương nầy. Điều gì đã khiến Nê-bu-cát-nết-sa thay đổi lập trường và tuyên xưng niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên? Mọi sự bắt đầu với quyết định của Đa-ni-ên là không chịu ô uế bởi đồ ngon của vua ăn và rượu của vua uống. Đa-ni-ên đã vững vàng tuyên bố rằng, “Các ông không thể biến tôi thành người Ba-by-lôn, nhưng bởi ân điển Chúa, tôi sẽ đem các ông đến chỗ tin nhận Đức Chúa Trời.”

Lịch sử của thế giới cổ đại cho biết Nê-bu-cát-nết-sa là hoàng đế của một đế quốc hết sức hùng mạnh. Ông là nhân vật vĩ đại vào hàng đầu lúc bấy giờ.

Khi chân ướt chân ráo đến Ba-by-lôn thì Đa-ni-ên và những người bạn đã đối diện với thách thức nghiêm trọng. Số là Nê-bu-cát-nết-sa có một giấc mơ khác thường, nó khiến ông mất ăn, mất ngủ. Nê-bu-cát-nết-sa bèn gọi những nhà thông thái, những chiêm tinh gia và đồng bóng đến mà nói rằng, “Ta có giấc chiêm bao và các ngươi phải giải nghĩa điềm chiêm bao đó. Nhưng truớc tiên hãy cho biết ta đã chiêm bao điều gì rồi sau đó ta sẽ biết liệu lời giải thích của các ngươi đến từ các thần linh chăng. Hãy cho biết ta chiêm bao điều gì và giải thích điềm chiêm bao ấy cho ta.”

Đây quả là một nan đề lớn lao cho những nhà thông thái Ba-by-lôn. Không khó lắm để giải thích điềm chiêm bao. Vấn đề là làm thế nào để biết đâu là lời giải thích đúng và đáng tin. Đó là điểm làm cho Nê-bu-cát-nết-sa phải băn khoăn. Ông nói với những nhà thông thái Ba-by-lôn rằng, “Ta sẽ thử các ngươi để xem các ngươi có khả năng đó không, hãy cho biết ta chiêm bao điều gì và rồi giải nghĩa điềm chiêm bao đó.” Khi Nê-bu-cát-nết-sa tuyên bố điều nầy, những nhà thông thái Ba-by-lôn lấy làm bối rối, họ nói với ông rằng, “Không có vua nào đã từng yêu cầu một điều gì vô lý như vậy.” Rồi họ nói tiếp về đòi hỏi ngược đời nầy, “Không ai có thể làm theo điều vua yêu cầu trừ khi thần ngự trong người đó, và ai cũng đều biết rằng thần không ngự trị trong con người.” Nê-bu-cát-nết-sa trả lời, “Sự ấy đã ra khỏi ta. Nếu các ngươi không nói cho ta biết chiêm bao đó thể nào và lời giải nó làm sao, thì các ngươi sẽ bị phân thây, nhà các ngươi sẽ trở nên đống phân” (Đa-ni-ên 2:5).

Người thi hành lịnh xử trảm tiến hành lịnh vua. Ông chuẩn bị giết tất cả các giáo sư, những người khôn ngoan và những học sinh tại Đại học của Ba-by-lôn. Dĩ nhiên trong đó có Đa-ni-ên và bạn của cậu vì họ đang theo học tại trường nầy. Đa-ni-ên lúc bấy giờ còn là thiếu niên, khéo ứng xử bằng cách hỏi rằng, “Vì sao lịnh vua lại cấp bách và nghiêm trọng như vậy?” Viên quan trả lời “Vua và những nhà thông thái bất đồng. Những nhà thông thái cho rằng thần không sống trong con người vì thế thần không sống trong họ. Đó là lý do vì sao họ không thể biết vua đã chiêm bao điều gì.”

Đa-ni-ên nói, “Đó là chỗ sai của họ, họ sai vì Đức Chúa Trời có sống trong con người. Thưa ông, đừng giết những người nầy. Xin cho tôi được yết kiến nhà vua. Tôi sẽ nói cho vua biết vua đã chiêm bao điều gì và sẽ giải thích điềm chiêm bao đó.”

Lần đến chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện đầy hào hứng nầy. Kính mời quí vị theo dõi.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcTiền Giang: Lễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội An Hữu
Bài tiếp theoYuav Kom Paub Kevcai Thiab Muaj Tswvyim Tiag – 4/7/2023