Bài 121: Sách Ê-sai – Tổng Quan Về Các Tiên Tri

5093

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Tân Ước khi nhắc đến Cựu Ước thường dùng cụm từ “Luật pháp và Tiên tri.” Cách đề cập nầy cho thấy hai phần quan trọng của Cựu Ước. Phần thứ nhất là Luật pháp gồm 5 sách đầu của Kinh Thánh: Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân Số Ký và Phục Truyền Luật Lệ Ký. Phần thứ hai là “Tiên tri,” đây là những sách chúng ta sẽ tìm hiểu, và để bắt đầu chúng ta sẽ học về sách Ê-sai.

Trong phần dẫn nhập về Kinh Thánh, chúng ta biết rằng có tổng cộng 10 loại sách trong Kinh Thánh, Cựu Ước có 5 loại và Tân Ước có 5 loại. Năm loại sách trong Cựu Ước là: Luật pháp, Lịch sử, Văn thơ, Đại Tiên tri và Tiểu Tiên tri. Năm loại của Tân Ước là bốn sách Tin Lành nói về cuộc đời của Chúa Giê-xu, một sách lịch sử của Hội Thánh đầu tiên là Công vụ Các Sứ Đồ, các thư tín của Phao-lô, thư tín tổng quát, và một sách tiên tri đó là sách Khải Huyền. Trong Cựu Ước, giữa hai phần Luật pháp và Tiên tri có các sách Lịch sử và Văn thơ. Những sách lịch sử bắt đầu với Giô-suê và kết thúc với Ê-xơ-tê. Những sách nầy cung cấp bối cảnh lịch sử mà các vị tiên tri đã sống và thi hành chức vụ, đôi khi cũng nói đến những khổ nạn và sự chết của họ. Do đó khi học về những sách lịch sử chúng ta nên để ý những chi tiết liên quan đến các vị tiên tri.

Những sách Văn thơ được các thầy thông giáo và các giáo sư gọi là “Những tác phẩm văn chương” nhằm phân biệt với những sách luật pháp và những sách tiên tri. Sách Văn thơ cũng là những tác phẩm được linh cảm. Tuy nhiên phần quan trọng của Cựu Ước là những sách Luật pháp và Tiên tri. Năm sách đầu của Kinh Thánh được xem là nền tảng vì vậy chúng ta đã dành nhiều thì giờ cho các sách nầy. Bây giờ khi lược khảo về những sách tiên tri bắt đầu với Ê-sai, chúng ta đang học một phần quan trọng khác của Cựu Ước.

Tân Ước thường đề cập đến hai chữ “tiên tri.” Phao-lô khi tự biện hộ trước mặt vua Ạc-ríp-ba, đã không ngần ngại hỏi vua rằng, “Thưa vua, vua có tin các tiên tri không? Tôi biết vua tin các tiên tri.” Khi Kinh Thánh đề cập về “tiên tri” hay “luật pháp và tiên tri” là Kinh Thánh muốn nói đến các vị tiên tri, những người đã viết sách hay những sách do các tiên tri viết ra. Có nhiều vị tiên tri quan trọng nhưng không hề viết một sách nào, như Ê-li-sê chẳng hạn.

Có tất cả 17 sách tiên tri, nhưng chỉ có 16 vị tiên tri viết những sách nầy vì Giê-rê-mi viết hai sách: Giê-rê-mi và Ca Thương.

Trước tiên chúng ta tìm sự khác biệt giữa chức vụ tiên tri và thầy tế lễ. Theo sách Luật pháp, thầy tế lễ là người lãnh đạo thuộc linh quan trọng, mọi sự đều có liên quan đến thầy tế lễ. Thầy tế lễ đóng vai trò quan trọng vì họ cầu thay cho dân sự khi dân sự phạm tội. Họ cũng là giáo sư để giải thích Lời Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài. Họ cũng là những người dâng các của lễ cũng như thực hiện các giáo nghi tại đền tạm trong đồng vắng và tại đền thờ sau nầy do Sa-lô-môn xây cất.

Chức vụ thầy tế lễ là một chức vụ cha truyền con nối, họ là dòng dõi của A-rôn thuộc chi phái Lê-vi. Phần nhiều các thầy tế lễ trở nên hư hỏng và phạm tội. Ô-se đã nêu lên tình trạng nầy qua lời bình phẩm, “Thầy tế lễ thế nào thì dân sự thế ấy.” Thông thường dân sự đi vào con đường bội đạo và phạm tội vì các thầy tế lễ đã dẫn họ vào các thói quen đó. Vì thầy tế lễ đã sa đọa và phạm tội nên dân sự là những người theo họ cũng bội đạo và phạm tội. Trong những trường hợp như vậy thì những tiên tri của Chúa sẽ xuất hiện.

Tiên tri không phải là một chức vụ cha truyền con nối. Các vị tiên tri được Chúa kêu gọi từ những thành phần khác nhau. Hai hoặc ba tiên tri trước đó là thầy tế lễ, nhưng đây chỉ là những trường hợp rất hiếm xảy ra. Một số các tiên tri thuộc về tầng lớp quí tộc vì họ có liên hệ với các vua. Một số họ xuất thân từ thành phần lao động bình thường. Khi Chúa kêu gọi, thì A-mốt là người hái trái vả và chăn cừu. Chức vụ của tiên tri không được thừa kế. Đây là một trong những khác biệt với chức vụ thầy tế lễ. Xét một cách căn bản thì thầy tế lễ là người đại diện cho dân sự để bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và cầu thay cho họ, còn tiên tri là người đại diện cho Đức Chúa Trời để mang thông điệp của Ngài cho dân sự.

Có thể nói rằng “Không có tội lỗi thì tiên tri cũng không xuất hiện.” Các tiên tri xuất hiện vì dân sự đã có vấn đề với Chúa.

Một sự kiện lịch sử mà chúng ta cần nhớ là tất cả những vị tiên tri đã viết sách sống trong khoảng thời gian 400 năm. Đó là thời gian của Các quan xét, cũng là thời gian giữa hai sách Sáng Thế Ký và Xuất Ê-díp-tô Ký, nó cũng là thời gian giữa sách cuối của Cựu Ước và sách đầu của Tân Ước. Các vị tiên tri đã thi hành chức vụ từ 800 B.C. đến 400 B.C. Có một lý do khiến các vị tiên tri đã xuất hiện trong thời kỳ này đó là dân sự đã phạm tội thờ lạy hình tượng. Vì tội thờ thần tượng nên cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời đã giáng trên họ. Nước Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc bị đế quốc A-si-ry xâm lăng và đày dân cư đi nơi khác. Một trăm năm sau đó thì người Ba-by-lôn cũng xâm lăng và lưu đày nước phía Nam. Phần lớn các tiên tri là những người viết sách, nói trước về sự xâm chiếm của người A-sy-ri và người Ba-by-lôn, hay họ giảng dạy và thi hành chức vụ trong khi những biến cố nầy xảy ra.

Ba trong số 16 vị tiên tri giảng dạy sau thời kỳ bị lưu đày, khi mà dân Y-sơ-ra-ên từ xứ Ba-by-lôn trở về để khôi phục và xây dựng lại đền thờ. Còn lại phần lớn các tiên tri thi hành chức vụ trước khi đất nước bị xâm lăng hoặc trong thời gian bị lưu đày. Những vị tiên tri nói trước về sự thôn tính của người A-sy-ri đối với nước phía Bắc và sự chinh phục của người Ba-by-lôn đối với nước phía Nam đã công bố sứ điệp như sau, “Nếu các ngươi thật lòng ăn năn về tội thờ lạy thần tượng, nếu các ngươi chấn chỉnh đời sống thuộc linh của mình thì sự xâm lăng của người A-sy-ri và sự đánh chiếm của người Ba-by-lôn sẽ không xảy ra.” Các vị tiên tri nầy kêu gọi dân chúng ăn năn và phấn hưng đời sống thuộc linh, nhưng đáng buồn thay hầu như những gì họ nói là “nước chảy lá môn” hay “nước đổ đầu vịt.” Sứ điệp của họ bị bỏ ngoài tai, không được quan tâm. Họ còn bị chế nhạo, bị sỉ nhục có khi còn bị giết chết. Nhiều người trong vòng họ đã bị giết vì họ đã công bố một sứ điệp mà không ai muốn nghe.

Khi nhận thấy dân sự không đáp ứng sứ điệp của họ thì các vị tiên tri đã tuyên bố rằng, “sự xâm lăng và bị lưu đày là điều không thể tránh khỏi được, nó là sự phán xét của Đức Chúa Trời vì các ngươi đã không ăn năn tội thờ lạy thần tượng của mình.” Trong phần lược khảo về những sách lịch sử, chúng ta biết rằng sau khi nước phía Bắc Y-sơ-ra-ên bị A-sy-ri xâm lăng và lưu đày thì họ không còn được nhắc đến nữa. Mười chi phái nầy hoàn toàn bị xóa sổ. Một trăm năm sau đó, người Ba-by-lôn xâm chiếm nước Giu-đa ở phía Nam. Khi đó các tiên tri rao giảng một sứ điệp hy vọng giữa thời buổi đen tối của quốc gia. Họ đã nhận được sự mặc khải từ Chúa và công bố rằng, “Sau bảy mươi năm lưu đày các ngươi sẽ được trở về xứ mình.” Họ xem sự hồi hương từ xứ Ba-by-lôn như là một biểu hiện của lòng bao dung và ân sủng của Đức Chúa Trời. Nhưng phần nhiều các tiên tri đều đã qua đời trước khi họ thấy điều đó xảy ra.

Có một khía cạnh khác trong chức vụ của các tiên tri, bên cạnh những lời thống thiết kêu gọi ăn năn và phấn hưng tâm linh, họ còn rao giảng về công bằng xã hội. Ngày nay khi một người nào giảng về sự bất công trong xã hội, họ thường chọn những phân đoạn nói lên sự bất công và đã bị các tiên tri thời xưa lên án. Tuy nhiên sứ mệnh chính của các tiên tri không phải là giảng về vấn đề công bằng xã hội. Mối quan tâm hàng đầu của họ là tội lỗi của tuyển dân Đức Chúa Trời và sự thờ lạy thần tượng của họ.

Các tiên tri rao giảng rằng Đức Chúa Trời phán xét tội lỗi của dân sự qua sự lưu vong mất nước. Nhưng trong trường hợp bị lưu đày sang Ba-by-lôn thì sứ điệp của các tiên tri mang tính chất khoan dung và hy vọng. Đó là hy vọng duy nhất cho những người thuộc nước Giu-đa khi họ phải sống kiếp lưu vong tại Ba-by-lôn. Khi một tiên tri như Giê-rê-mi rao giảng về sự hồi hương từ xứ lưu đày là họ đã công bố sứ điệp của ân sủng và lòng khoan nhân của Đức Chúa Trời.

Một khía cạnh khác đáng lưu ý trong sứ điệp của các tiên tri là họ giảng về sự phân tán của dân Y-sơ-ra-ên trên khắp thế giới. Dầu vậy họ luôn luôn nói trước về một ngày hồi hương từ xứ lưu đày. Khi giảng về đề tài nầy, họ thường bao gồm lời tiên tri về Đấng Mê-si. Thật khó để tách rời những lời tiên tri về Đấng Mê-si ra khỏi những lời tiên tri hồi hương từ xứ Ba-by-lôn. Và cũng thật khó để tách rời những lời tiên tri về lần hiện đến thứ nhất của Đấng Mê-si và lần hiện đến thứ hai của Chúa Giê-xu. Các vị tiên tri đã trình bày những lời tiên tri quan trọng về Đấng Mê-si, Ngài là giải pháp duy nhất của Đức Chúa Trời, và là Đấng Cứu thế của nhân loại.

Những vị tiên tri nói về hai lần hiện đến của Chúa Giê-xu Christ. Ngài đến lần thứ nhất như là một Cứu Chúa chịu khổ, chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của nhân loại. Nhưng Ngài sẽ trở lại lần thứ hai còn gọi là biến cố Chúa tái lâm để thiết lập một trật tự mới. Những lời tiên tri đầy hào hứng nầy thường được hòa trộn với những lời tiên tri về sự hồi hương của người Giu-đa từ xứ Ba-by-lôn.

Tiên tri có nghĩa là người phát ngôn cho Đức Chúa Trời. Vì vậy, tiên tri là người qua đó Đức Chúa Trời truyền đạt thông điệp của Ngài. Đây là ý nghĩa căn bản của chữ “tiên tri.” Những vị tiên tri phát ngôn cho Đức Chúa Trời theo hai phương diện: Thứ nhất, họ nói ra Lời Đức Chúa Trời, có nghĩa rằng họ là những người rao giảng. Thứ hai, họ nói trước những việc chưa xảy ra. Một số các biến cố họ nói trước chưa xảy ra. Nghe đến chữ tiên tri, chúng ta nghĩ rằng chức vụ họ phần lớn tập trung vào những điều tiên báo. Đây là một khía cạnh rất hào hứng trong chức vụ của họ, nhưng thật ra nó chỉ chiếm một phần nhỏ mà thôi. Trên căn bản, các tiên tri không phải là những người nói trước nhưng là người công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời. Họ nói ra Lời Chúa với sức mạnh và thẩm quyền. Tiên tri và thầy tế lễ đều có nhiệm vụ đối với Lời Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ giải thích Lời Chúa, dạy dỗ Lời Chúa và trả lời những thắc mắc về Lời Chúa. Còn các tiên tri khuyến khích dân sự tuân giữ Lời Chúa và áp dụng Lời Ngài vào đời sống của họ.

Các tiên tri đôi khi nhận những sự mặc khải mới, nhưng phần lớn họ rao giảng Lời Chúa đã được mặc khải qua Môi-se. Đó là lý do vì sao Môi-se là người nổi bật trong các tiên tri vì ông tiếp nhận trực tiếp Lời từ Đức Chúa Trời, được gọi là “Luật pháp của Đức Chúa Trời” hay “Luật pháp Môi-se.” Các vị tiên tri rao giảng những sách luật đã được Môi-se ghi lại.

(còn tiếp)

Bài trướcTôn Vinh Chúa Bằng Tài Vật Mình – 25/6/2020
Bài tiếp theoThường Trực Tổng Liên Hội Làm Việc Với Đoàn Giám Sát Của Quốc Hội