Bài 117: Sách Truyền Đạo

5704

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Sách văn thơ thứ nhì được viết bởi Sa-lô-môn là sách Truyền Đạo. Điều này có nghĩa là toàn sách Truyền Đạo là một bài giảng. Sa-lô-môn chia sẻ bài giảng nầy cho những người trẻ tuổi khi ông đã già. Sa-lô-môn cũng là người đã viết Thi Thiên 127, qua Thi Thiên nầy ông cho biết rằng nhiều khi con người tính toan, lo lắng, làm việc vất vả nhưng cuối cùng chỉ là hư không vì tính toan, lo lắng và phấn đấu cho những mục tiêu sai trật. Đây là bài học từ kinh nghiệm xương máu của Sa-lô-môn vì ông đã lo toan và nỗ lực cho những điều hư không. Sách Truyền Đạo là sự khai triển rộng hơn của Thi Thiên 127.

Qua sách Truyền Đạo, Sa-lô-môn nói với những người trẻ tuổi trong dân Y-sơ-ra-ên rằng, “Ta cố gắng tìm kiếm mục đích và ý nghĩa của cuộc sống trong ba lĩnh vực. Thứ nhất, là sự giàu có về của cải vật chất. Ta thâu góp của cải và trở nên người giàu có nhất đã từng sống.” Không ai thành công bằng Sa-lô-môn trong việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời bằng cách chạy theo tiền của như Sa-lô-môn. Nhưng cũng chính ông đã nhắn nhủ những người trẻ tuổi qua sách Truyền Đạo rằng, “Giàu sang phú quí nhưng ta vẫn phải đối diện với sự chết. Ngày kia ta thấy một kẻ ngu muội nơi phố chợ. Ta tự hỏi, “Điều gì sẽ xảy ra cho nó?” Nó sẽ chết. Và rồi điều gì sẽ xảy ra cho ta? Ta cũng sẽ chết. Vậy ai sẽ là người tiêu xài hết số tiền mà ta đã thâu góp? Có lẽ ta cũng dại như nó chăng?”

Con trai của Sa-lô-môn là một người ngu dại. Có lẽ ông đã suy nghĩ về đứa con của mình khi ông đến kết luận nầy. Sau khi đã trở nên người giàu có nhất từng sống, ông kết luận, “Giàu sang không phải là mục đích của cuộc sống. Phải có một điều gì ý nghĩa hơn là tích trữ của cải.” Sa-lô-môn nói rằng:

Vậy, ta ghét đời sống, vì mọi việc làm ra dưới mặt trời là cực nhọc cho ta, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi. Ta cũng ghét mọi công lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình. Vả, ai biết rằng người ấy sẽ khôn ngoan hay là ngu dại? Dầu thế nào, hắn sẽ cai quản mọi việc ta đã lấy sự lao khổ và khôn ngoan mà làm ở dưới mặt trời. Điều đó cũng là hư không” (Truyền Đạo 2:17-19)

Sau khi nhận thức rằng tiền của không đem lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống, Sa-lô-môn chạy theo sự khôn ngoan. Một lần nữa Sa-lô-môn có thể tự hào mà nói với các bạn trẻ rằng, “Ta trở nên người khôn ngoan nhất đã từng sống.” Tuy nhiên giống như tiền của, sự khôn ngoan cũng không đem lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống. Sa-lô-môn không tìm thấy ý nghĩa của đời sống trong của cải vì ông không thể đem theo nó xuống phần mộ. Sa-lô-môn cũng không tìm thấy ý nghĩa của đời sống trong khôn ngoan tri thức vì nó không đem lại hạnh phúc.

Quý vị hình dung triết gia là người thế nào? Đó là người ít khi nở một nụ cười tươi nhưng thường trông cau có gắt gỏng. Sa-lô-môn giải thích rằng, “Khôn ngoan nhiều chỉ đem lại lắm ưu phiền, kiến thức nhiều thì sự phiền não cũng nhiều hơn.” Như vậy học vị bằng cấp không nhất thiết là điều đem lại hạnh phúc cho con người.

Mục sư Dick Woodward kể lại kinh nghiệm của ông khi còn trẻ như sau, “Tôi vừa học về Kinh Thánh, vừa học về tâm lý cùng một lúc. Ban ngày thì học về Kinh Thánh và tâm lý học ở lớp, và ban đêm khi làm công việc thư ký bàn giấy tôi học thêm về gia đình. Ngày kia trong cuộc đối thoại với một vị giáo sư thì ông đã nhìn vào tôi và nói, “Xin cho tôi được nói với anh điều mà anh phải làm. Hãy đi về một vùng quê. Khi thấy một con bò nào đó, hãy bước xuống xe và đến trước mặt con bò nầy. Nhìn thẳng vào mặt của nó. Anh sẽ được hoàn toàn thư giãn khi nhìn vào trong mắt con bò vì nó bằng lòng, thỏa mãn với cuộc sống. Đây là một sự bằng lòng vì nó không hiểu biết những gì đang xảy ra chung quanh nó. Nó không biết gì cả về tình hình chính trị bất ổn hay nạn khủng bố diễn ra ở nhiều nơi hay sự hủy diệt nhân loại bằng vũ khí hạt nhân … Nó không biết gì cả nên nó vô tư và thảnh thơi. Hãy đến đó, hãy nhìn vào mắt của con bò và được thư giãn.” Tôi suy nghĩ về lời khuyên nầy, dĩ nhiên tôi cần sự thư giãn, nhưng đây không phải là sự thư giãn dựa trên sự không hiểu biết gì cả giống như con bò. Điều tôi muốn đặt vấn đề là có phải khi theo đuổi khôn ngoan kiến thức thì nó sẽ khiến chúng ta vui thỏa chăng?

Có một viên tướng cao cấp lãnh đạo trong khối Nato, người đại diện cho quốc gia của mình trong cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ vào thời kỳ chiến tranh lạnh. Ông đã bị mất trí vì biết quá nhiều về những gì mà vũ khí hạt nhân có thể gây ra cho nhân loại. Ông thú nhận rằng kiến thức không đem lại sự vui vẻ, thỏa lòng. Sau khi chạy theo khôn ngoan kiến thức, Sa-lô-môn đã đi đến cùng một kết luận như vậy.

Trong phần dẫn nhập, chúng tôi đã thưa với quí thính giả rằng kiến thức về Kinh Thánh không phải là trọng tâm, nhưng sự áp dụng kiến thức nầy mới là trọng tâm. Cũng trên tinh thần đó kiến thức không phải là khôn ngoan, nhưng sự áp dụng đúng đắn kiến thức là khôn ngoan. Khi chạy theo kiến thức để tìm kiếm mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống, Sa-lô-môn đã kết luận rằng đáp số chỉ là con số không vì kiến thức không nhất định đem lại hạnh phúc. Thậm chí Sa-lô-môn còn nói rằng, khôn ngoan, kiến thức chỉ đem lại buồn bã và ưu phiền.

Cũng qua bài giảng là sách Truyền Đạo, Sa-lô-môn đã nói với các bạn trẻ rằng ông cũng tìm mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống qua những thú vui, những trò giải trí. Điều nầy có nghĩa là ông hưởng mọi lạc thú mà thế giới nầy có thể đem lại. Ông nói với các bạn trẻ rằng, “Xin nhớ, tôi là người giàu có nhất đã từng sống, tôi là người thông minh nhất đã từng sống.” Khi nhìn vào một số người giàu có, Sa-lô-môn thầm nhủ rằng, thật là điều đáng buồn vì họ không biết phải dùng tiền của mình như thế nào, họ không biết hưởng thụ những gì mình có. Nếu ta có số tiền đó, ta sẽ thông minh hơn họ nhiều, ta sẽ chỉ cho họ biết phải làm gì với số tiền đó.”

Sa-lô-môn nói rằng ông có cả mọi sự, ông biết mọi sự, ông lao mình vào những trò vui. Sa-lô-môn cho biết, “Ta chẳng từ chối điều gì mà mắt mình ưa thích.” Không ai đã từng hưởng lạc thú như Sa-lô-môn. Nhưng trong khi chạy theo những thú vui đó thì những câu hỏi nầy đã đến với Sa-lô-môn: Rồi nó sẽ đi về đâu? Có lợi gì chăng?

Em của Kenedy là Jack và Bobby đã được tặng một món quà nhân ngày sinh nhật thứ 21 đến một triệu đô-la. Những thanh niên nầy không hề làm việc gì cả. Những người như vậy sẽ cho thấy rằng ý nghĩa của cuộc sống không tìm được nơi sự giàu có. Chúng ta sinh ra không phải để hưởng các lạc thú, không phải để vui chơi trác tráng.

Trong khi buông mình theo những trò vui thì Sa-lô-môn khám phá rằng sâu kín nơi đáy lòng ông cần có là mục đích và ý nghĩa cho đời sống mình. Sa-lô-môn biết ông được sinh ra trên trái đất nầy với một mục đích cao đẹp chớ không phải vì những buổi liên hoan tiệc tùng vô nghĩa.

Sau khi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống dựa trên tiền của, khôn ngoan và thú vui thì Sa-lô-môn kết thúc bài giảng cho các bạn trẻ như sau, “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy”.

Kính sợ Chúa nghĩa là tin cậy Đức Chúa Trời và vâng giữ các điều răn mà Ngài đã dạy trong Kinh Thánh. Lập luận ở phần kết thúc nầy được hiểu theo sát nghĩa đó là nó sẽ khiến người đó sống cuộc đời đầy đủ ý nghĩa. Tin vào Đức Chúa Trời và vâng giữ lời Ngài khiến chúng ta trở nên một người toàn diện theo đúng kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Đó là cách mà chúng ta tìm được mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống. Sa-lô-môn nói, “Một người sống trong tin cậy và vâng lời đem lại vinh quang cho Đức Chúa Trời.” Đây là sứ điệp mà Sa-lô-môn muốn gởi đến những người trẻ.

Một lý do khiến Sa-lô-môn đi đến kết luận trên là vì sẽ có sự phán xét chung cuộc trong tương lai. Sa-lô-môn nói đến khá nhiều về những bất công trong cuộc sống. Dựa vào những bất công nầy mà Sa-lô-môn kết luận rằng phải có một sự phán xét xảy ra trong tương lai. Sự phán xét trong tương lai là phần quan trọng trong lập luận của Sa-lô-môn cho rằng mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống chỉ được tìm thấy trong thái độ tin cậy và vâng lời Chúa. Đó là trọng tâm bài giảng của Sa-lô-môn cho giới trẻ.

Trong khi giảng cho các bạn trẻ, ông đã chia sẻ với họ những điều rất hay. Khi đọc qua sách Truyền Đạo chúng ta sẽ có những lúc Sa-lô-môn nghi ngờ, có những lúc ông chất vấn. Và cũng có những lúc ông thách thức, có những lúc ông nói những điều không nằm trong sự mặc khải của Chúa. Đó là lý do vì sao sách Truyền Đạo lại được những người không tin và nghi ngờ ưa thích. Họ thích sách nầy vì Chúa cho phép Sa-lô-môn bày tỏ mọi nghi ngờ của ông. Sa-lô-môn là một người rất thông minh, tuy nhiên ông đặt vấn đề và ngờ vực mọi sự. Sa-lô-môn trở nên rất bi quan, ông hầu như là người mang tinh thần yếm thế. Có nhiều phân đoạn trong sách Truyền Đạo minh họa tinh thần yếm thế của Sa-lô-môn. Tuy nhiên khi Sa-lô-môn tìm kiếm và Đức Chúa Trời mặc khải cho ông thì ông đã viết nên những sự dạy dỗ thật hết sức quí báu. Một số dạy dỗ nầy hay hơn cả trong sách Châm Ngôn.

Vì sách Truyền Đạo trình bày chân lý từ hai quan điểm khác nhau nên một số người cho rằng sách nầy có hơn một tác giả. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu những gì được nói trong sách Truyền Đạo, chúng ta sẽ biết rằng những phần đó giống như các cuộc đối thoại của Binh-đát, Sô-pha và Ê-li-pha trong sách Gióp. Khi những người nầy kết thúc phần diễn thuyết của họ thì Đức Chúa Trời đã cho biết họ nói không đúng. Khi Kinh Thánh trích lời của ma quỉ thì chúng ta cũng thừa biết rằng những gì ma quỉ nói là không đúng mặc dầu nó được ghi lại trong Kinh Thánh. Mọi điều được ghi chép trong sách Truyền Đạo đều ở dưới quyền tể trị và soi sáng của Chúa, nhưng không phải mọi điều đó là đúng, nhất là ở những phần Sa-lô-môn bày tỏ thái độ bi quan, yếm thế khi ông đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời. Chính sự mặc khải đáp ứng của Đức Chúa Trời đối với sự tìm kiếm của Sa-lô-môn đã cung cấp cho chúng ta những sự dạy dỗ quí báu nhất trong toàn bộ Kinh Thánh.

Lần đến chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi về những sự dạy dỗ quí báu nầy qua sách Truyền Đạo. Chúa đã phán dạy cho Sa-lô-môn những chân lý quí báu hơn cả những câu trong sách Châm Ngôn.

Bài trướcTìm Lợi Ích Cho Người Khác – 25/2/2020
Bài tiếp theoChớ Nương Cậy Sự Thông Sáng Mình – 26/2/2020​​​​​