Bài 116: Sách Châm Ngôn (Tiếp theo)

3223

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Chúng ta đang lược khảo sách Châm Ngôn, vì không có thời gian nên chúng ta chỉ học về một số phân đoạn điển hình, hy vọng rằng nó sẽ khiến quí vị ham thích để tìm hiểu nhiều hơn về những lời dạy dỗ quí báu này. Một trong những câu rất hay ở Châm Ngôn 11:24-25 “Có người rải của mình ra, lại càng thêm nhiều lên; cũng có người chắt lót quá bực, nhưng chỉ được sự thiếu thốn. Lòng rộng rãi sẽ được no nê; còn ai nhuần gội, chính người sẽ được nhuần gội.”

Lời dạy của Chúa Giê-xu cũng giống như Châm Ngôn này. Chúa dạy rằng “ai giữ sự sống mình thì sẽ mất còn ai vì cớ Chúa mà mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được”. Theo Chúa, nếu ai muốn tìm được sự sống mình thì phải mất hay nói cách khác phải tuôn đổ nó ra, hi sinh đời sống mình cho Đức Chúa Trời và cho tha nhân. Điều Sa-lô-môn nói ở đây nên được áp dụng cho Hội Thánh cũng như cá nhân và cho các mối quan hệ giữa người với người.

Tiến sĩ John Stott là một Mục sư của Anh quốc giáo có lần giảng cho Nữ hoàng của nước Anh với đề tài, “Hội Thánh hướng nội hay hướng ngoại.” Mục sư nói rằng phần lớn Hội Thánh ngày nay giống như một nhóm người ngồi trên một dãy ghế vòng tròn xây mặt vào với nhau. Mối quan tâm duy nhất là họ có thể làm gì lẫn cho nhau. Theo Tiến sĩ Stott thì những gì họ cần làm là quay ghế lại, đấu lưng vào nhau và nhìn ra ngoài và nhận thức rằng Hội Thánh hiện hữu là vì lợi ích của những người ngoài Hội Thánh. Đó là một lời phát biểu rất sâu sắc.

Một Mục sư lão thành ở trong chức vụ trong 40 năm đã nói rằng “tôi hoàn toàn tin quyết là Hội Thánh được hiện hữu vì lợi ích của những người ở ngoài Hội Thánh nghĩa là những người chưa tin.” Nói cách khác Hội Thánh hiện hữu vì những người hư mất chớ không phải để phát triển nội bộ. Những Hội Thánh có khải tượng như vậy, một khải tượng hướng đến những linh hồn hư mất sẽ được Chúa ban phước cách lạ lùng. Họ sẽ được lớn mạnh vì khi họ nhuần gội người khác thì chính họ được nhuần gội.” Ước gì chúng ta áp dụng điều này cho Hội Thánh của mình.

Bây giờ chúng ta cùng lắng nghe một ý khác: “Kẻ ác buộc tội người khác nhưng người tin kính thì binh vực.” Có bao giờ quí vị để ý điều này không? Những người tin kính không ngồi lê đôi mách, gièm chê người khác. Những người tin kính không chấp trách những chuyện nhỏ nhặt. Khắt khe phê phán người khác là dấu hiệu của một đời sống thuộc linh thấp kém. Người tin kính tìm cách bênh vực cho người khác, nhưng kẻ ác tìm cách buộc tội. Có một khung chữ được treo tại văn phòng của một bậc lão niên trong Chúa, câu này ghi rằng, “Không tấn công thì không cần bảo vệ.” Ý cụ nói là “tôi sẽ không bao giờ tấn công người khác và tôi cũng không cần phải bảo vệ chính mình.” Những người kính mến Chúa luôn luôn sống với tâm niệm đó.

Một câu khác trong Châm Ngôn là 12:25Sự buồn rầu ở nơi lòng người làm cho nao sờn; Nhưng một lời lành khiến lòng vui vẻ.”

Ưu sầu làm cho lòng trở nên nặng nề, nhưng một lời khích lệ đem lại kết quả lớn lao. Những người đã từng bị ưu sầu vài tháng có khi vài năm sau khi thoát ra khỏi tình trạng đó đã nói rằng nhờ vào những lời khích lệ, có người đã choàng vai và nói với họ rằng, “Yên chí, bạn sẽ ra khỏi tình trạng này, mọi sự rồi sẽ trở nên tốt đẹp.”

Một Mục sư nói như sau, “Có ba hạng người trên thế giới này. Hạng thứ nhất là ‘người để sự việc tới đâu hay tới đó’. Hạng thứ hai là ‘người chủ động trong công việc’ và hạng thứ ba là ‘người không biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào’. Tôi quyết định làm ‘người tới đâu hay tới đó’. Một lần kia trong bữa điểm tâm với quí ông, tôi nói với họ rằng tôi là người tới đâu hay tới đó, tôi không có chương trình kế hoạch gì cả, tôi không biết là Chúa sẽ làm gì, tôi không biết gió sẽ thổi đi theo hướng nào. Thế nhưng sáng hôm sau tôi đọc câu này trong Châm Ngôn, “Người khôn ngoan suy nghĩ trước nhưng kẻ dại thì không thậm chí còn khoe khoang về điều đó.” Tôi bị cáo trách nặng nề qua câu Châm Ngôn này. Theo Châm Ngôn, nếu không có chương trình và kế hoạch thì đó là dấu hiệu của một đời sống thuộc linh thấp kém. Chúng ta cần cầu nguyện để Chúa hướng dẫn chúng ta lập một chương trình và nên nhớ rằng, con người hoạch định nhưng Đức Chúa Trời quyết định.

Một câu Châm Ngôn nói về sự đối thoại như sau, “Lời nói chân thật đem lại kết quả tốt.” Trong hôn nhân hoặc trong những mối quan hệ khác, nếu chúng ta có sự giao tiếp đối thoại, tức là chúng ta có phương tiện để giải quyết những khó khăn trục trặc xảy ra. Sự hiểu lầm giữa người với người đặc biệt là trong hôn nhân giống như vi khuẩn. Nó phát triển rất nhanh trong bóng tối, nhưng phần nhiều chúng không thể sống dưới ánh sáng. Đối thoại là bật ánh đèn chiếu trên các loại vi khuẩn đó. Phần lớn chúng sẽ chết đi, những con còn lại thì có thể tìm cách giải quyết. Đối thoại giúp củng cố mối liên hệ lẫn nhau. Không đối thoại, vi khuẩn hay rắc rối hiểu lầm sẽ nhân lên rất nhanh và chúng ta sẽ không làm gì được cả.

Nhiều học giả tin rằng sách Châm Ngôn căn bản dành cho giới trẻ. Trước tiên có lời khuyên cho người này khi họ còn nhỏ và sống với cha mẹ. Khi lớn lên, có những lời khuyên liên hệ đến bạn bè rồi cuối cùng là khi người đó lập gia đình họ được khuyên bảo trong vai trò là người chồng hay người cha. Có nhiều câu Châm Ngôn nói về việc kỷ luật con cái. Châm Ngôn nói rằng không kỷ luật con là không yêu thương chúng, nếu yêu thương thì chúng ta sẽ áp dụng kỷ luật đối với con cái mình. Xin quí vị hãy làm một cột ghi “Kỷ luật con cái” và trích ra những câu nói về chủ đề này.

Châm Ngôn 13:25 nói như sau: “ Người công bình ăn cho phỉ dạ mình; Còn bụng kẻ ác bị đói

Câu này được hiểu là “Người hiểu biết ăn để sống nhưng người không hiểu biết sống để ăn.” Có lẽ câu này khiến một số người trong chúng ta không cảm thấy dễ chịu. Nó nêu lên một câu hỏi khá lý thú, “Vì sao người ta ăn?” Nhiều người ăn để sống còn. Nhưng một số người không dừng tại đó. Họ ăn vì ngon miệng, ăn vì đói, ăn vì bối rối, ăn vì tức giận, ăn vì chán nản, ăn vì cô đơn . . . Tâm trí người không hiểu biết luôn luôn nghĩ đến vấn đề ăn uống. An xong bữa sáng, họ nghĩ đến bữa trưa, ăn xong bữa trưa, họ nghĩ đến bữa tối. Người hiểu biết ăn để sống chớ không phải sống để ăn.

Một câu khác: “Chuồng ngựa trống thì sạch sẽ nhưng nó không đem lại thâu nhập gì cả.” Muốn có tiền phải đầu tư và chịu khó làm việc.

Người không cầu tiến sống trong buồn tẻ, nhưng đời sống người công bình nhiều hứng khởi.” Một người không trưởng thành và lớn lên sẽ cảm thấy chán với chính mình nhưng đời sống người tin kính sẽ hứng thú vì họ tăng trưởng không ngừng.

“Thái độ thư giãn kéo dài tuổi thọ.” Các công ty bảo hiểm hoàn toàn đồng ý như vậy.

Đói khát là điều tốt nếu nó khiến loài người làm việc để đáp ứng nhu cầu đó.” Đói khát có thể sản sinh những bậc vĩ nhân nhưng cũng có thể tạo nên những kẻ tội phạm. Những thế hệ cha ông chúng ta thường làm việc cật lực để xây dựng một đời sống ấm no, nhưng con cháu họ thường nghĩ nhiều đến hưởng thụ. Kinh nghiệm về đói khổ khiến con người nổ lực làm việc để chiến thắng cảnh đói nghèo.

Một câu khác, “Người nói ít và điềm đạm là khôn ngoan, ngay cả một người dại cũng được cho là khôn ngoan khi người đó yên lặng.” Câu này được hiểu là phải biết tự chế trong lời nói.

Người khôn ngoan sống trong thần cởi mở .” Một số người hoàn toàn in trí về một vấn đề nào đó và họ không sẵn sàng để nghe ý kiến của người khác. Người khôn ngoan lắng nghe ý kiến của người khác và nhất là những sự dạy dỗ từ Thánh kinh.

Chương 20:24 cho biết: “Các bước của loài người do nơi Đức Giê-hô-va nhứt định; Vậy, loài người hiểu đường lối mình sao được?”

Chúa nói qua tiên tri Ê-sai chương 55:8-9 rằng, “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”

Nếu chúng ta muốn hiểu đường lối của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta muốn hiểu ý tưởng của Ngài, nếu chúng ta muốn đi theo ý chỉ và đường lối của Ngài thì tại sao chúng ta lại mong hiểu được con đường mình đang đi? Chúa đã khuyến cáo rằng Ngài không suy nghĩ và hành động giống như chúng ta. Do đó một người bước đi theo Chúa nên chuẩn bị tinh thần để sống trong những tháng ngày bởi đức tin vì họ không hiểu được con đường họ đang đi.

Châm Ngôn 22:13 chép: “Kẻ biếng nhác nói: Có con sư tử ở ngoài đó; Tôi sẽ bị giết tại giữa đường”.

Đây là lý luận của những người không muốn làm một điều gì cả, không muốn thành đạt một điều gì trong cuộc sống. Không có con sư tử nào ngoài đường phố cả. “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn nạn, sức lực con nhỏ mọn thay. Người công bình dầu ngã bảy lần cũng đứng dậy.” Một vị giáo sư thâm niên đã nói rằng, “Muốn trắc nghiệm mình là người thế nào thì hãy xem điều gì có thể chặn đứng bước tiến của chúng ta.” Với một số người thì không gì có thể chặn đứng họ được. Câu Châm Ngôn này cho biết, người tin kính Chúa có thể gặp hoạn nạn chồng chất trên hoạn nạn, họ có thể bị ngả cho đến 7 lần, nhưng rồi họ sẽ đứng dậy.

Giống như gương soi phản chiếu khuôn mặt, bạn hữu cho biết chúng ta là người thế nào.” “Người giúp cho kẻ trộm ghét chính mình vì người biết hậu quả nhưng vẫn cứ làm.”

Hai câu này nói đến vấn đề nhận thức chính mình. Những gì chúng ta nghĩ về mình rất quan trọng. Một trong những cách biểu lộ chúng ta đang đánh giá về mình như thế nào là thông qua những người bạn của chúng ta. Nhiều người đã bước vào hôn nhân với người phối ngẫu mà họ nghĩ rằng tương xứng với mình, nhưng sau một thời gian chung sống, khi khám phá người bạn đời không phải là mẫu người tương xứng thì họ sẵn sàng từ bỏ, ly dị.

Công việc của nguời chủ sẽ được trôi chảy hơn với một người học việc chưa có kinh nghiệm hơn là với người có khả năng nhưng lại thường chống đối.” Đôi khi làm việc với một người không có những bằng cấp cao nhưng đáng tin cậy và trung thành còn hơn cộng tác với một người nhiều khả năng nhưng bất phục và tìm cách hại người chủ của mình.

Từ những Châm Ngôn điển hình này quí vị có thể tìm được những châu báu khôn ngoan. Châm Ngôn là những lời nói khôn ngoan nhằm mục đích giúp cho người thiếu hiểu biết trở nên khôn ngoan, dạy người ta biết sống như thế nào, biết ứng xử trong mọi tình huống như thế nào và cũng giúp cho người khôn ngoan trở nên những nhà lãnh đạo khôn ngoan. Chữ “lòng” hay “linh hồn” được nói đến khoảng 70 lần trong sách Châm Ngôn. Châm Ngôn là một sứ điệp của Đức Chúa Trời đến với tấm lòng và linh hồn của con cái Chúa nhằm giúp họ trong cuộc sống hằng ngày. Môi-se nói rằng, “Người ta sống không phải chỉ nhờ bánh, nhưng nhờ mọi Lời nói ra từ miệng của Đức Chúa Trời.” Lời đó có thể từ chính sách Châm Ngôn.

Châm Ngôn cuối cùng là 3:5 “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con”. Hãy hết lòng tin cậy Chúa ngay hôm nay.

Bài trướcSự Thương Xót Ngài Còn Đến Đời Đời – 28/1/2020
Bài tiếp theoChúc Phước Cho Nhà Mình – 29/1/2020