Bài 108: Giải Pháp Cho Sự Lo Âu Và Căng Thẳng (tt)

2050

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

1 Lạy Đức Chúa Trời, xin hãy lắng tai nghe lời cầu nguyện tôi,
Chớ ẩn mặt Chúa cho khỏi nghe lời nài xin tôi.
2 Xin hãy nghe, và đáp lại tôi;
Tôi xốn xang, than thở, và rên siết,
3 Bởi tiếng kẻ thù nghịch, và bởi kẻ ác hà hiếp;
Vì chúng nó thêm sự ác trên mình tôi,
Bắt bớ tôi cách giận dữ.
4 Lòng tôi rất đau đớn trong mình tôi,
Sự kinh khiếp về sự chết đã áp lấy tôi.
5 Nỗi sợ sệt và sự run rẩy đã giáng trên tôi,
Sự hoảng hốt đã phủ lấy tôi.
6 Tôi có nói: Ôi! chớ chi tôi có cánh như bồ câu,
Ắt sẽ bay đi và ở được yên lặng.
7 Phải, tôi sẽ trốn đi xa,
Ở trong đồng vắng. (Sê-la)
8 Tôi sẽ lật đật chạy đụt khỏi gió dữ,
Và khỏi giông tố.
9 Hỡi Chúa, hãy nuốt chúng nó, khiến cho lộn xộn tiếng chúng nó;
Vì tôi thấy sự hung bạo và sự tranh giành trong thành.
10 Ngày và đêm chúng nó đi vòng quanh trên vách thành;
Sự ác và điều khuấy khỏa ở giữa thành.
11 Sự gian tà cũng ở giữa thành;
Điều hà hiếp và sự giả ngụy không lìa khỏi đường phố nó.
12 Vì chẳng kẻ thù nghịch sỉ nhục tôi; bằng vậy, tôi có thể chịu được;
Cũng chẳng kẻ ghét tôi dấy lên cùng tôi cách kiêu ngạo;
Bằng vậy, tôi đã có thể ẩn mình khỏi nó.
13 Nhưng chính là ngươi, kẻ bình đẳng cùng tôi,
Bầu bạn tôi, thiết hữu tôi.
14 Chúng tôi đã cùng nhau nghị bàn cách êm dịu;
Chúng tôi đi với đoàn đông đến nhà Đức Chúa Trời.
15 Nguyện sự chết thình lình xảy đến chúng nó!
Nguyện chúng nó còn sống phải sa xuống Âm phủ!
Vì sự ác ở nhà chúng nó, tại trong lòng chúng nó.
16 Còn tôi kêu cầu cùng Đức Chúa Trời,
Đức Giê-hô-va ắt sẽ cứu tôi.
17 Buổi chiều, buổi sáng, và ban trưa, tôi sẽ than thở rên siết;
Ngài ắt sẽ nghe tiếng tôi.
18 Ngài đã chuộc linh hồn tôi khỏi cơn trận dàn nghịch cùng tôi, và ban bình an cho tôi,
Vì những kẻ chiến đấu cùng tôi đông lắm.
19 Đức Chúa Trời, là Đấng hằng có từ trước vô cùng,
Sẽ nghe và báo trả chúng nó; (Sê-la)
Vì chúng nó chẳng có sự biến cải trong mình,
Cũng chẳng kính sợ Đức Chúa Trời.
20 Kẻ ác đã tra tay trên những người ở hòa bình cùng nó;
Nó đã bội nghịch giao ước mình.
21 Miệng nó trơn láng như mỡ sữa,
Nhưng trong lòng có sự giặc giã.
Các lời nó dịu dàng hơn dầu,
Nhưng thật là những thanh gươm trần.
22 Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi;
Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rúng động.
23 Hỡi Đức Chúa Trời, kẻ ham đổ huyết và người giả ngụy sống chẳng đến được nửa số các ngày định cho mình;
Chúa sẽ xô chúng nó xuống hầm diệt vong;
Còn tôi sẽ tin cậy nơi Chúa.
(Thi Thiên 55)

Hiểu khái quát lịch sử của các Thi Thiên được chép trong sách Sa-mu-ên và Sử Ký là điều hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu sách nầy. Những lời tóm tắt trước mỗi Thi Thiên không cung cấp cho chúng ta những dữ kiện nầy. Dẫu vậy, dựa vào nội dung của Thi Thiên 55 chúng ta có thể hiểu được những gì đã xảy ra khi Đa-vít cảm tác Thi Thiên nầy. Chúng ta tin rằng Đa-vít đã viết Thi Thiên nầy ngay sau khi vua nhận được tin là Áp-sa-lôm, con trai rất yêu dấu của vua đã cưỡng hiếp những người vợ của vua trên nóc của cung điện giữa thanh thiên bạch nhật. Việc nầy là một kế hoạch nhằm khiêu khích Đa-vít để khiến vua trả đũa với quân đội đảo chánh trước khi lực lượng của vua sẵn sàng. Hành động tàn nhẫn nầy cũng nhằm đưa quần chúng đến chỗ dứt khoát lập trường, theo Đa-vít hay theo Áp-sa-lôm. Áp-sa-lôm đã nghe theo lời khuyên của người bạn chí cốt cũng là quân sư của Đa-vít là A-hi-tô-phe mà làm điều đó.

Có thể nào quý vị tưởng tượng người đã viết Thi Thiên 23, người sống với đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh, ơn phước cứ luôn tràn đầy, lại cũng chính là người viết Thi Thiên 55. Sau khi đọc Thi Thiên 23 chúng ta cho rằng tác giả cứ suốt ngày ngồi bên cạnh dòng suối chảy róc rách với những con chiên nhỏ quanh quẩn đâu đó kêu “be-be.” Chúng ta nghĩ rằng tác giả không bao giờ gặp bất cứ nan đề nào giống như chúng ta gặp phải khi va chạm với cuộc sống thực.

Đa-vít nói trong Thi Thiên 55 rằng, “Tôi rên siết.” Đa-vít đã lâm vào tâm trạng đau buồn. Thật ra câu nầy được hiểu theo sát nghĩa là “Tôi rên siết một cách ồn ào.” Đây là một sự mô tả rất hay. Có người nói rằng, “Thùng rỗng kêu to.” Khi quý vị đập vào thùng đầy nước nó không tạo nên tiếng động nào, nhưng đập vào thùng trống nó sẽ vang lên những tiếng động lớn và ồn ào. Lời Chúa dạy chúng ta phải được đầy dẫy Thánh Linh. Một người đầy dẫy Thánh Linh sẽ không tạo nên những tiếng ồn chung quanh.

Mục sư Dick Woodward tin rằng vào thời điểm nầy Đa-vít không được đầy dẫy Thánh Linh. Đó là lúc mà thay vì để Chúa làm Đấng chăn giữ thì ông đã điều khiển cuộc đời của mình. Đa-vít đã phạm tội tà dâm và sát nhân, ông đang phải trả giá cho những hậu quả của tội mình đã phạm. Ông muốn nói rằng, “Tôi rên siết cách ồn ào vì tâm linh tôi đang trống rỗng.”

Đa-vít tiếp tục nói lên tâm trạng của mình, “Lòng tôi rất đau đớn trong mình tôi”. Sách Gióp viết cho những tấm lòng tan vỡ, những sách Văn thơ xét theo một góc cạnh nào đó cũng có chung một sứ điệp. Đa-vít đang ở trong tâm trạng đau khổ. Ông nói, “Nỗi sợ sệt và sự run rẩy đã giáng trên tôi, sự hoảng hốt đã phủ lấy tôi.”

Xin nhớ rằng đây là người đã từng nói, “Tôi sẽ chẳng sợ hãi gì.” Nhưng bây giờ khi ở trong tình trạng tội lỗi ông cho biết ông sợ hãi vì những gì đang xảy ra chung quanh. Đa-vít nói: “Vì tôi thấy sự hung bạo và sự tranh giành trong thành.”

Bạo động, chiến tranh và chém giết đang xảy ra. Phản ứng đầu tiên của Đa-vít là:

“Tôi có nói: Ôi! chớ chi tôi có cánh như bồ câu, ắt sẽ bay đi và ở được yên lặng. Phải, tôi sẽ trốn đi xa, ở trong đồng vắng.”

Tiếp theo là hai chữ “Sê-la” nghĩa là dừng lại và suy nghĩ về điều đó. Có khi nào quý vị đã đột nhiên lâm vào khủng hoảng và phản ứng trước tiên là tìm cách chạy trốn. Chạy trốn một nơi thật xa, thật vắng vẻ. Trốn chạy thường là phản ứng tức thời khi chúng ta lâm vào những cảnh ngộ bi đát. Nhưng hầu như những phản ứng tức thời của chúng ta xét cho đến cùng thì không phải là cách mà Đức Chúa Trời mong muốn.

Sau khi Đa-vít bày tỏ ước muốn có cánh như bồ câu, ông sẽ chạy trốn thì Đa-vít lại đến một kết luận khác, ông nói: “Còn tôi kêu cầu cùng Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va ắt sẽ cứu tôi.”

Đa-vít không chút nghi ngờ về sự giải cứu đến từ Chúa. Ông tin rằng khi ông kêu cầu Chúa ngày đêm thì Ngài sẽ nghe tiếng của ông. Thế rồi Đa-vít đã được Chúa đáp lời. Điều này xảy ra nhiều lần trong Thi Thiên cầu nguyện. Đa-vít nói rằng, “Ngài đã chuộc linh hồn tôi.”

Chúng ta lưu ý chữ “đã” ở đây. Mặc dầu điều nầy chưa xảy ra, nhưng Đa-vít quả quyết rằng Đức Chúa Trời đã giải cứu ông. Theo ngôn ngữ của người Do Thái thì khi một tiên tri muốn nói rằng Chúa sẽ làm một điều gì đó thì họ dùng thời quá khứ vì nếu Đức Chúa Trời nói là Ngài sẽ làm một điều gì thì chúng ta nên mặc nhiên công nhận là nó đã được thực hiện. Đa-vít chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ông và những người theo ông khỏi Áp-sa-lôm là người đã âm mưu đảo chánh. Và Đức Chúa Trời đã giải cứu Đa-vít. Đa-vít cho biết là sự giải cứu chưa xảy ra vì Chúa sẽ nghe và Ngài báo trả chúng nó. Sách 2 Sa-mu-ên cho biết khi Áp-sa-lôm quy tụ cả nước chống nghịch Đa-vít thì Chúa dùng những tay dũng sĩ đi theo Đa-vít để cứu Đa-vít và cả quốc gia khỏi tay Áp-sa-lôm.

Đa-vít đã rơi vào một kinh nghiệm mà ít người trong chúng ta trải qua. Có bao giờ quý vị rên siết không? Có bao giờ quý vị bị khủng bố chưa? Phong trào khủng bố đang lớn mạnh ngày hôm nay. Có những người muốn chiếm đoạt và áp đảo người khác bằng cách khủng bố. Chiến tranh cũng từng tàn phá trên mảnh đất Việt Nam của chúng ta. Có điều gì từng làm cho quý vị kinh hoàng chưa? Nếu quý vị đang ở trong tâm trạng đó thì hãy hòa lòng với Đa-vít qua Thi Thiên 55.

Đa-vít biết phải làm gì khi sự khủng bố và kinh hoàng xảy ra. Ông nói, “Ta sẽ kêu cầu cùng Chúa và Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện và giải cứu ta.” Đa-vít hết lòng kêu van cùng Đức Chúa Trời rằng, “Lạy Chúa, không còn con đường thoát nào khác. Xin Chúa đến và giải cứu con vì nếu Chúa không ra tay cứu con thì con sẽ không còn có sự giải cứu nào khác. Đó là lý do vì sao con kêu xin cùng Ngài.”

Đa-vít đã chỉ dạy chúng ta qua gương kêu cầu cùng Chúa và cũng qua lời dạy trực tiếp những chúng ta nên làm khi ở giữa gian truân, ông nói: “Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi.” Đây là những lời chỉ dẫn đầy an ủi cho những người đang ở trong khổ nạn.

Tôi không biết gánh nặng của quý vị là gì và quý vị cũng không biết gánh nặng của tôi là gì. Mỗi người chúng ta đều có gánh nặng. Một số người có thể đang mang những gánh nặng quá lớn. Trong chiến tranh hoặc thiên tai, chúng ta đều phải trải qua những kinh nghiệm của Thi Thiên 55. Cũng có thể bây giờ chúng ta chưa gặp nhưng rồi nó sẽ đến vào một lúc nào đó.

Ngày nay khi nghĩ đến sự tàn phá của vũ khí hạt nhân, ai nấy đều run sợ và kinh hoàng. Dẫu vậy ai trong chúng ta đều cũng phải đối diện với sự qua đời của người thân hay những thảm kịch đến với chính mình. Trước những đau thương đó, khi chúng ta bị ngập tràn bởi kinh sợ và hãi hùng, xin hãy ghi nhớ Lời Chúa trong Thi Thiên 55, “Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va,” cho dầu là gì thì “Ngài sẽ nâng đỡ ngươi”. Đây là những gì mà Đa-vít đã làm và ông cũng khuyên nhủ mỗi chúng ta hãy làm như vậy.

Căn nguyên của gian truân được mô tả trong Thi Thiên,

“Vì chẳng kẻ thù nghịch sỉ nhục tôi; bằng vậy, tôi có thể chịu được; Cũng chẳng kẻ ghét tôi dấy lên cùng tôi cách kiêu ngạo; Bằng vậy, tôi đã có thể ấn mình khỏi nó. Nhưng chính là ngươi, kẻ bình đẳng cùng tôi, Bậu bạn tôi, thiết hữu tôi. Chúng tôi đã cùng nhau nghị bàn cách êm dịu; Chúng tôi đi với đoàn đông đến nhà Đức Chúa Trời.”

Người bạn chí thân của Đa-vít đã hại ông. Khi một người bạn thân phản bội quý vị đau xót không những vì tai họa do họ gây ra mà còn vì tai họa nầy đến từ một người bạn thân. Do đó sự đau đớn nầy càng trở nên trầm trọng hơn. Quý vị có trải qua kinh nghiệm như vậy chưa?

Có một chữ trong Tân Ước được dịch là tình bằng hữu chỉ về một giao ước hay một cam kết được thực hiện bởi hai người. Chúa Giê-xu đã phán với các sứ đồ của Ngài rằng, “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới là các ngươi phải yêu nhau.” Điều răn mới nầy dẫn đến một cam kết mới. Họ cam kết rằng họ sẽ yêu thương lẫn nhau. Cam kết nầy tạo nên một cộng đồng mới, một cộng đồng của yêu thương, một Thiên đàng thu nhỏ khi mà những hội viên cam kết yêu thương lẫn nhau. Trong Cựu Ước cũng có một chữ, mà nghĩa của nó giống hệt chữ nầy. Đa-vít có một cam kết với các dũng sĩ của mình. Vua đã thực hiện một cam kết với U-ri vì U-ri là một trong những dũng sĩ. Thế nhưng rồi Đa-vít đã phản bội, giết U-ri. Điều nghiêm trọng trong tội của Đa-vít không phải là tà dâm với Bát-sê-ba nhưng là phản bội cam kết yêu thương với U-ri.

Một người tinh quái như Gia-cốp đã lừa cha, gạt anh và sau đó bị cậu là La-ban gạt trở lại. Đây là kỷ luật của Đức Chúa Trời dành cho người lường gạt. Đa-vít đã phản bội U-ri nên bây giờ ông bị người bạn chí thân, cũng là quân sư A-hi-tô-phe phản bội. Sự phản bội của A-hi-tô-phe là một phần trong những hậu quả tội lỗi của Đa-vít. Vua đã gieo ra hạt giống của phản bội và nay vua phải gặt lấy hậu quả là chính mình bị phản bội. Vua chịu trách nhiệm một phần về những thảm kịch xảy ra trong đời sống của mình.

Sứ điệp mà Đa-vít muốn chia sẻ với chúng ta trong Thi Thiên 55 không phải là vấn đề sửa sai. Đa-vít muốn nói với chúng ta những gì nên làm khi ở giữa cảnh gian truân, cho dầu là chúng ta chịu trách nhiệm về những điều đó hay không. Đa-vít khuyên chúng ta nên dâng trình các nan đề lên Đức Chúa Trời.

Xin đừng bao giờ quên là giữa sợ hãi, kinh hoàng và đau khổ thì Đa-vít dùng Thi Thiên 55 để nhắc chúng ta: “Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va”, cho dầu bất cứ là gì thì “Ngài sẽ nâng đỡ ngươi.”

Bài trướcVợ Chồng Thuộc Về Nhau – 24/5/2019
Bài tiếp theoTỉnh Đăk Nông: Hội Đồng Bồi Linh Quý II/2019