NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
MA-THI-Ơ 27:1-31
Chúng ta đã đi đến trọng tâm của sứ điệp Tin Lành, đó là sự đóng đinh trên thập tự giá của Đấng Christ. Khi Phao-lô định nghĩa về Tin Lành cho người Cô-rinh-tô, Phao-lô nói “Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh.” (I Cô-rinh-tô 15:3). Bây giờ chúng ta đi đến sự ký thuật những biến cố trọng đại này.
Chúng ta thấy Ma-thi-ơ không có ghi lại chi tiết sự kiện đóng đinh trên thập tự giá. Thật sự, không có sách nào ghi lại điều đó. Họ chỉ nói những gì xảy ra chung quanh thập tự giá. Tôi biết có nhiều người nói về các danh từ địa chất học, sinh vật học, vạn vật học, nhưng đó không phải là những gì chứa trong Kinh Thánh.
Trong những bản ký thuật được hà hơi của Thánh Linh, nếu Đức Chúa Trời phủ trùm sự tối tăm trong ba giờ sau cùng sự sống của Chúa Giê-xu trên thập tự giá và Đức Chúa Trời nói rằng: “Đây là điều mà con người không thể nhìn vào, vì nó vượt ngoài sự dự tưởng hiểu biết của con người. Sự khổ nạn của Chúa Giê-xu không thể nào hiểu thấu được.” Đó là thì giờ giao thông giữa Đức Chúa Cha trên trời và Đức Chúa Con trên thập tự giá. Thập tự trở nên bàn thờ dâng Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của cả thế gian. Ma-thi-ơ ghi lại lời đơn giản “Họ đóng đinh Chúa Giê-xu.”
Đoạn nầy được bắt đầu với một buổi sáng, tiếp theo lời ký thuật trong đoạn 26, sau khi Chúa Giê-xu bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-nê, sau đó Ngài được giải đến Cai-phe và tòa công luận, có nhân chứng giả chống lại Ngài, đánh trên đầu Ngài, chế giễu Ngài và Phi-e-rơ chối Ngài.
TÒA CÔNG LUẬN GIẢI GIAO CHÚA GIÊ-XU ĐẾN PHI-LÁT
Ma-thi-ơ 27:1-2 Đến sáng mai, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân hội nghị nghịch cùng Đức Chúa Jêsus để giết Ngài. Khi đã trói Ngài rồi, họ đem nộp cho Phi-lát, là quan tổng đốc.
Những thầy tế lễ tiến hành thể thức để chống lại Chúa Giê-xu và chuyển đến tòa thượng phẩm. Họ nghĩ rằng họ có đầy đủ bằng chứng khi họ đứng trước tòa án La-mã.
Phi-lát có một dinh thự tại Giê-ru-sa-lem dầu rằng tổng hành dinh của ông ở Sê-sa-rê thuộc bờ biển Địa Trung Hải. Ông đến Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ Vượt qua, bởi vì thành phố nầy rất đông dân chúng người Do-thái, vì đó là ngày lễ lớn, và thường có nhiều lộn xộn xảy ra.
Ma-thi-ơ 27:3 Khi ấy, Giu-đa, là kẻ đã phản Ngài, thấy Ngài bị án, thì ăn năn, bèn đem ba chục miếng bạc trả cho các thầy tế lễ cả và các trưởng lão,
Các bạn thấy, Chúa Giê-xu ở đó khi Giu-đa đến. Khi các Thầy Tế lễ cả và các trưởng lão đang dẫn Chúa Giê-xu đi đến Phi-lát, tại đây Giu-đa lại đến. Tại sao Giu-đa không quay sang Chúa Giê-xu và cầu xin tha thứ? Thay vào đó Giu-đa đến nói chuyện với những thầy tế lễ.
Giu-đa thấy Chúa Giê-xu bị án thì ăn năn, thật ra Giu-đa chỉ ân hận về việc phản Chúa, ông buồn rầu về việc bán Chúa, dẫn người đi bắt Chúa. Nếu Giu-đa thật sự ăn năn thì ông phải trở lại với Chúa Giê-xu và xin lỗi để được Ngài tha thứ.
Ma-thi-ơ 27:4 mà nói rằng: Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội! Song họ đáp rằng: Sự đó can gì đến chúng ta? Mặc kệ ngươi.
Nói cách khác, các thầy tế lễ nói “Giu-đa, ngươi đã làm xong công việc. Chúng tôi có Người mà chúng tôi cần bắt, chúng tôi đã trả tiền xong, và chúng tôi không cần ngươi nữa.”
Ma-thi-ơ 27:5-10
5 Giu-đa bèn ném bạc vào đền thờ, liền trở ra, đi thắt cổ. 6 Nhưng các thầy tế lễ cả lượm bạc và nói rằng: Không có phép để bạc nầy trong kho thánh, vì là giá của huyết. 7 Rồi họ bàn với nhau dùng bạc đó mua ruộng của kẻ làm đồ gốm để chôn những khách lạ. 8 Nhơn đó, ruộng ấy đến nay còn gọi là “ruộng huyết.” 9 Bấy giờ được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Giê-rê-mi đã nói rằng: Họ lấy ba chục bạc, là giá của Đấng đã bị định bởi con cái Y-sơ-ra-ên, 10 và đưa bạc ấy mà mua ruộng của kẻ làm đồ gốm y như lời Chúa đã truyền cho ta.
Giu-đa rời khỏi đền thờ, đi ra ngoài thắt cổ tự tử, ông đã không ăn năn. Các bạn thấy là tiền bất nghĩa, tiền phản Chúa có lợi gì cho Giu-đa đâu, và người khác cũng không muốn dùng tiền của ông.
Các bạn thấy các thầy tế lễ ra vẻ sùng kính biết là dường nào! Họ không thể để bạc trong kho thánh, vì là giá của huyết. Điều đáng chú ý là những gì xảy đến cho Giu-đa được ứng nghiệm của lời tiên tri.
Các bạn sẽ tìm thấy lời tiên tri được nói bóng trong Giê-rê-mi 18:1-4, và bằng chứng là được trích dẫn sách Xa-cha-ri 11:12-13. Sách Giê-rê-mi được công nhận, bởi vì trong thời của Chúa Giê-xu sách Giê-rê-mi là quyển sách tiên tri đầu tiên được nói đến.
Có những điều đầy ý nghĩa là Chúa Giê-xu đang hiện diện khi Giu-đa trở lại với ba mươi miếng bạc. Thật vậy, Chúa Giê-xu đang trên đường đi đến thập tự để chịu chết – ngay cả chết cho Giu-đa. Chúa của chúng ta đã cho Giu-đa cơ hội để trở lại cùng Ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê, khi Ngài nói rằng, “Bạn ơi, Vậy thì vì việc này mà ngươi đến đây sao” và dẫu ở vào lúc giờ cuối Giu-đa vẫn có thể trở lại cùng Chúa Giê-xu và xin được tha thứ. Nhưng đáng tiếc là Giu-đa đã không quay lại.
PHI-LÁT CHẤT VẤN CHÚA GIÊ-XU
Ma-thi-ơ 27:11 Đức Chúa Jêsus đứng trước quan tổng đốc, quan hỏi rằng: Có phải ngươi là Vua của dân Giu-đa không? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời.
Các bạn thấy, các người lãnh đạo tôn giáo Do Thái muốn tiêu diệt Chúa Giê-xu bởi vì họ cho rằng Ngài phạm thượng. Các bạn nhớ rằng khi thầy tế lễ cả hỏi, “Ngươi có phải Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời?” Chúa Giê-xu trả lời, “thật như vậy.” Và Ngài nói thêm, Vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống. (Ma-thi-ơ 26:64)
Các người lãnh đạo tôn giáo cho rằng đó là phạm thượng và họ muốn ném đá Ngài về tội đó, nhưng người La-mã không cho phép người Do Thái thực hiện án tử hình. Do đó họ giải giao Chúa Giê-xu đến Phi-lát với tội trạng liên qua đến tòa án La-mã. Vì thế những thầy tế lễ tráo trở gán tội cho Chúa Giê-xu là Vua dân Giu-đa. Chúng ta thấy những tội trạng mà các thầy tế lễ cáo buộc Chúa Giê-xu chỉ liên quan đến tôn giáo, bây giờ họ muốn có gán cho Chúa Giê-xu tội trạng liên hệ đến chánh trị.
Khi quan tổng đốc hỏi, Có phải ngươi là Vua của dân Giu-đa không? Chúa Giê-xu trả lời: Thật như lời. Chúa Giê-xu không những vua của nước Giu-đa mà thôi, nhưng Ngài là Vua của mọi vị vua khác trên đất này, vương quyền của ngày là cả vũ trụ. Chúa Giê-xu không có ý chống lại chánh quyền La-mã, hay tranh giành chức quan tổng đốc với Phi-lát.
Vị tổng đốc này là Bô-xơ Phi-lát, viên toàn quyền thứ sáu do chánh quyền La-mã cử đến cai trị xứ Giu-đê. Ông không được lòng người Giu-đa thích vì đã có nhiều lần cố tình vi phạm luật pháp Giu-đa và kích động dân chúng. Ông sẵn sàng giết người để hoàn thành các mục tiêu của mình. Địa vị của Phi-lát không ổn, vì quan hệ của ông với người địa phương trở nên xấu, và vì chánh sách thay đổi của La-mã đối với dân Giu-đa.
Ma-thi-ơ 27:12-14
12 Trong lúc các thầy tế lễ cả và các trưởng lão kiện Ngài, Ngài không đối đáp gì hết. 13 Phi-lát bèn nói cùng Ngài rằng: Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao? 14 Song Đức Chúa Jêsus không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm.
Khi họ dùng những tội giả để tố cáo Chúa Giê-xu, Ngài không trả lời họ. Các bạn thấy, Ngài là Chiên con của Đức Chúa Trời, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, Ngài chẳng từng mở miệng. (Ê-sai 53:7).
Ma-thi-ơ 27:15-16
15 Phàm đến ngày lễ Vượt qua, quan tổng đốc thường có lệ tha một tên tù tùy ý dân muốn. 16 Đang lúc ấy, có một tên phạm nổi tiếng, tên là Ba-ra-ba.
Ma-thi-ơ không có cho chúng ta nhiều chi tiết những việc xảy ra. Tác giả của những Tin Lành khác viết nhiều chi tiết trong câu chuyện này, nhưng Ma-thi-ơ chỉ xác chứng những điều chính yếu.
Hiển nhiên, Phi-lát xét thấy các thầy tế lễ này không có đủ cáo trạng căn bản để yêu cầu án tử hình. Chúa Giê-xu không có xúi giục cuộc bạo động chống lại La-mã. Phi-lát gặp khó xử trong vấn đề nầy, ông muốn làm vui lòng những người lãnh đạo của tôn giáo Do-thái để duy trì sự an ninh trong thành Giê-ru-sa-lem, nhưng ông cảm thấy ông không thể tự ý kết án giết Chúa Giê-xu. Vì thế ông dùng một dịp tiện để giải quyết khó khăn. Trong lúc đó có lệ thường thả một tù nhân người Giu-đa trong ngày lễ Vượt qua, Phi-lát đã cho dân chúng chọn lựa: Chúa Giê-xu hay là Ba-ra-ba, hiển nhiên ai cũng biết người tù nhân Ba-ra-ba, là người cướp của, giết người, trộm cắp, phản loạn.
Ma-thi-ơ 27:17-18
17 Khi chúng đã nhóm lại, thì Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ? 18 Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài.
Phi-lát nghĩ rằng, dân chúng sẽ xin tha cho Chúa Giê-xu, rõ ràng có sự trái ngược giữa Ngài và Ba-ra-ba.
Phi-lát là nhà chính trị khôn khéo. Ông có thể thấy những diễn tiến sẽ xảy ra và ông chắc chắn rằng đoàn dân sẽ đòi đóng đinh Ba-na-ba và xin tha Chúa Giê-xu. Làm như thế, ông sẽ thoát khỏi hoàn cảnh lưỡng lự khó khăn.
Ma-thi-ơ 27:19 Quan tổng đốc đương ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao.
Vợ của Phi-lát có thể là người mê tín. Có lẽ bà dính dáng đến cách sinh hoạt tôn giáo quyền bí nào đó. Tôi không tin rằng sự cảnh cáo nầy từ Đức Chúa Trời. Nếu bà chỉ là một người đàn bà tin kính, có thể bà sẽ xem xét kỹ Chúa Giê-xu và tìm hiểu thêm về Ngài. Bà không có làm điều đó, dầu vậy, bà giống như người mê tín và nói với chồng bà đừng làm gì đến Chúa Giê-xu.
Ma-thi-ơ 27:20 Song các thầy tế lễ cả và các trưởng lão dỗ chúng hãy xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Jêsus
Các bạn thấy, những thầy tế lễ này cũng có những mưu lược chính trị, Họ vận động dân chúng thả Ba-ra-ba và đòi giết Chúa Giê-xu.
Tôi mong ước là các bạn hãy suy nghĩ kỹ về quyết định lựa chọn của mình, vì chính mình phải gánh lấy trách nhiệm, hậu quả của điều mình lựa chọn. Xin các bạn xem quyết định của mình đem đến lợi ích hay tai hại nào? Và xin các bạn đừng để các khuynh hướng, phe nhóm, áp lực của người khác ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng cả đời sống các bạn.
Ma-thi-ơ 27:21-23
Quan tổng đốc cất tiếng hỏi rằng: Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai? Chúng thưa rằng: Ba-ra-ba. Phi-lát nói rằng: Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào? Chúng đều trả lời rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự! Quan hỏi: Song người nầy đã làm việc dữ gì? Chúng lại kêu la lớn hơn rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự!
Xin hãy tưởng tượng quan tổng đốc Phi-lát La-mã hỏi dân chúng rằng, ông sẽ làm gì với người tội nhân nầy! Phi-lát là một quan tòa, ông có quyền quyết định. Trong sách Tin-lành Giăng có cho chúng ta biết, Phi-lát gọi Chúa Giê-xu vào bên trong hậu trường và hỏi những câu hỏi riêng. Ông có sự suy nghĩ giống như vầy, “Giê-xu, nếu Ngài hiệp tác với tôi, tôi sẽ thả Ngài khỏi nơi đây và tôi sẽ không còn gặp khó khăn trong việc nầy nữa!” Nhưng Chúa Giê-xu không có biện hộ gì cho Ngài. Khi chúng ta phân tích kỹ thấy đây là cuộc xử án mỉa mai, chúng ta đi đến sự kết luận rằng, Phi-lát là người bị ra trước tòa và thật sự Chúa Giê-xu mới là một quan tòa.
Phi-lát phải có sự quyết định với Chúa, vậy mà ông hỏi dân chúng, “Tôi sẽ làm gì với Giê-xu, xưng mình là Đấng Christ?” Câu trả lời được đáp lại với ông – Nó như là một ly nước tát vào mặt ông – “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!” Họ không có lý do chính đáng, chỉ làm vì lòng ganh ghét.
Ma-thi-ơ 27:24 Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi.
Phi-lát gọi người mang thau nước đến và rửa tay, ông tuyên bố rằng ông không có làm gì liên hệ đến việc giết chết Chúa Giê-xu. Nhưng đó không phải là chuyện dễ đâu. Ông phải là người có sự quyết định trong vấn đề nầy – đó là điều của tất cả mỗi người làm, phải chịu trách mình với Chúa.
Có một bài của John Newton viết như thế nầy:
“Sự suy nghĩ về Đấng Christ là sự thử nghiệm,
Phải xem xét kỹ hai mặt của vấn đề,
Các bạn không thể nào có sự an nghĩ
Cho đến khi nào nghĩ đúng về Chúa Giê-xu.”
Dẫu là Phi-lát rửa tay của ông, nhưng ông vẫn luôn còn sự đau đớn, cay đắng. Máu của Chúa Giê-xu vẫn còn ở trên tay của Phi-lát, dầu là ông đã rửa tay. Ông không thể xóa bỏ lầm lỗi của ông đã quyết định đóng đinh Chúa Giê-xu, một người mà chính ông biết rõ là vô tội. Trong lời tuyên xưng đức tin của các Cơ-đốc-nhân hiện hữu vẫn còn xác chứng, “Chúa Giê-xu bị đóng đinh bởi Bôn-xơ Phi-lát.”
Ma-thi-ơ 27:25-26
Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi! Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.
Rất tiếc là dân chúng quyết định chọn như thế. Phi-lát có cảm giác hạ thấp ông xuống! Ông phải có một quyết định, nhưng sự quyết định của ông theo ý kiến của dân chúng, dĩ nhiên còn quyết định của ông bị từ chối.
Ma-thi-ơ 27:27 Lính của quan tổng đốc bèn đem Đức Chúa Jêsus vào công đường, và nhóm cả cơ binh vây lấy Ngài.
Những người lính được tự do muốn làm điều gì với Chúa Giê-xu cho họ vui lòng thì họ cứ làm. Ngài trở thành đồ chơi cho sự tàn bạo, độc ác, của đám đông.
Ma-thi-ơ 27:28-30
28 Họ cổi áo Ngài ra, lấy áo điều mà khoác cho Ngài. 29 Đoạn, họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu, và để một cây sậy trong tay hữu Ngài; rồi quì xuống trước mặt Ngài mà nhạo báng rằng: Lạy Vua của dân Giu-đa. 30 Họ nhổ trên Ngài, và lấy cây sậy đánh đầu Ngài.
Đây là cơ hội cho những người lính làm trò chơi của họ đối với Ngài trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, vì họ nghĩ dầu sau thì Ngài cũng sẽ chết. Họ có thể làm với Ngài bất cứ điều gì họ muốn làm. Họ chơi những trò chơi độc ác của người La-mã dành cho những người tù nhân. Họ biểu diễn cú đánh của họ. Tất cả những người lính có thể đem người tội phạm ra, sau đó họ dùng vải để che mắt tội phạm lại, rồi nhiều người đánh thật mạnh vào tội phạm, họ mở vải che mắt ra, hỏi tội phạm chỉ ra ai đã đánh. Dĩ nhiên người tội phạm không thể đoán được rằng ai đã đánh mình. Họ tiếp tục làm như thế cho đến khi người tội phạm bị đuối sức đi. Tôi tin rằng Chúa Giê-xu đã bị đánh đập cách tàn nhẫn mà bạn không thể nhận ra Ngài trong lúc đó. “Như nhiều kẻ thấy ngươi mà lấy làm lạ (mặt mày người xài xể lắm hơn kẻ nào khác, hình dung xài xể hơn con trai loài người)” (Ê-sai 52:14).
Ma-thi-ơ 27:31 Khi đã nhạo báng Ngài rồi, thì họ cổi áo điều ra mà mặc áo của Ngài lại, rồi đem Ngài đi đóng đinh trên cây thập tự.
Chúa Giê-xu phải chịu khinh bỉ, bị làm nhục và đau đớn nặng nề không thể nào tả nỗi hết được.
Người Do-thái trong lúc bây giờ đang ở dưới sự đô hộ của chánh quyền La-mã nên họ không thể nào hành hình tội phạm, cho nên họ cần sự trợ giúp của chánh quyền La-mã, và tổng đốc Phi-lát ra lịnh đóng đinh Chúa Giê-xu trên cây thập tự.
Đóng đinh trên cây thập tự là hình phạt hết sức dã man, đau đớn mà quân đội La-mã dùng ngày xưa cho những tù nhân thuộc những nước dưới sự cai trị hà khắc của họ. Hình phạt này không áp dụng cho công dân La-mã.
Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời là người vô tội, nhưng bấy giờ Ngài bị kết án và xử hình như một phạm nhân. Tôi không biết các bạn có tưởng tượng nỗi không? Thú thật với các bạn là chính tôi khó hiểu nổi hết những điều này.