Lắng Nghe Để Hiểu Nhau

4010

Cuộc sống con người vốn bận rộn, tất bật lo toan với biết bao công việc. Những bộn bề, mệt mỏi trong đời sống khiến nhiều lúc chúng ta bị chi phối với rất nhiều” tiếng ồn”. Có bao giờ trong cuộc hôn nhân với người phối ngẫu, tình cảm đối với con cái, những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp ta thực sự ngồi lại cùng sẻ chia và lắng nghe nhau.

Một trong những bí quyết giữ gìn đời sống hôn nhân hạnh phúc hay một mối quan hệ bền chặt, một tình bạn thắm thiết là “hiểu nhau”. Vậy thì, làm thế nào để hiểu nhau khi mọi người đều quá bận rộn mà chưa từng sống chậm lại để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng hay ngay cả những trăn trở, nỗi lòng không thể nói thành lời của nhau.

Lắng nghe: việc đơn giản nhưng không hề giản đơn. Kinh Thánh dạy: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19)

Vậy thì làm thế nào để có thể lắng nghe tốt?

Nhận biết chính mình và tôn trọng người khác:

Đức Chúa Trời mang mọi người đến trong cuộc đời bạn, mỗi một người đều có những tính cách khác nhau, ưu điểm và nhược điểm không giống nhau. Vì vậy, trước nhất chúng ta cần cảm thông, nhận biết những thiếu sót của nhau để bổ sung cho nhau. Cùng với những điều đó chắc chắn Chúa cũng vui lòng khi chúng ta kết ước gây dựng nhau bằng những lời nói và hành động bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm dành cho nhau.

“Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định” (I Cô-rinh-tô 12:18)

Nhận biết tầm quan trọng của việc lắng nghe:

Châm Ngôn 18:13 chép rằng: “Trả lời trước khi nghe, Ấy là sự điên dại và hổ thẹn cho ai làm vậy”.

Lắng nghe là một khía cạnh quan trọng của truyền thông, tuy nhiên đây cũng là thách thức lớn khi hiện nay, mọi người thích nói, nóng lòng muốn bày tỏ ý kiến nhưng lại không có thời gian quan tâm và lắng nghe người khác nói. Khi chúng ta thực sự lắng nghe, người khác sẽ nhận thấy bản thân họ được hiểu, được cảm thông, được yêu thương và được quan tâm. Điều này càng đặc biệt đúng trong mối quan hệ với người phối ngẫu.

Đánh giá nhu cầu lắng nghe của bạn:

Đối với việc lắng nghe, chúng ta có nhiều sự chọn lựa để quyết định lắng nghe cái gì? điều nào là quan trọng cần nghe? Và điều gì không cần thiết?

Là Cơ Đốc nhân, bạn cần xác định những ưu tiên trong cuộc đời mình: lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe những người thân trong gia đình: ba mẹ, vợ, chồng, con cái. Ngoài ra còn các điều quan trọng khác trong công việc: đối tác kinh doanh, khách hàng… hay những điều bạn cần nghe để xây dựng mối quan hệ, nghe để nắm bắt thông tin quan trọng, nghe để tái tạo năng lượng tích cực hay từ một nhu cầu cấp bách cần bạn giúp đỡ, sẻ chia.

Quản lý tiếng ồn để không bị phân tâm:

Có hai loại tiếng ồn trong cuộc sống chúng ta.

Tiếng ồn đến từ bên ngoài: bạn không thể lắng nghe tốt nếu xung quanh bạn quá ồn ào bởi người nói chuyện, tiếng xe cộ inh ỏi, tiếng nhạc…

Tiếng ồn trong tâm trí: bạn đang mệt mỏi, stress, lo lắng, buồn bã, sự thành kiến của bạn về người đang nói, điều tiêu cực của thông tin bạn nghe, bạn đang suy nghĩ về vài dự án sắp thực hiện… Một tâm trí hỗn độn thì không thể khiến bạn chú tâm lắng nghe người khác được.

Bày tỏ sự quan tâm, phản hồi:

Bạn không thể lắng nghe nếu mắt bạn cứ dán vào màn hình điện thoại hay ti vi… Muốn là người thấu hiểu khi lắng nghe, bạn nên tập trung và bày tỏ sự khích lệ qua những cử chỉ, câu nói đơn giản như “à, dạ, vâng, đúng vậy, tôi hiểu…” Bày tỏ sự quan tâm cũng được thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể như thả lỏng; không khoanh tay, nên gật gù, nhìn thẳng vào mắt người đối diện và tránh ngắt lời, cắt ngang khi họ đang nói.

Quản lý thời gian cuộc trò chuyện:

Không ai có thời gian vô tận để trao đổi thông tin và tạo mối liên hệ gắn kết với người khác khi cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm. Vì vậy, người lắng nghe tốt nên khéo léo đề xuất một khung thời gian hợp lý cho cuộc trò chuyện.

Bạn có thể đặt câu hỏi để hiểu rõ vấn đề người nói truyền đạt nhằm tóm lược lại nội dung, chuyển hướng nếu vấn đề đi quá xa và đưa đến một sự thống nhất chung hay một kết quả đồng thuận sau cuộc nói chuyện.

Cuộc sống Cơ Đốc nhân khác biệt với người đời khi điều quan trọng trước nhất là lắng nghe được ý muốn Chúa trong đời sống mình để biết sống đẹp lòng Ngài. Bên cạnh đó, việc lắng nghe để hiểu những người Chúa đặt để trong cuộc đời mình giúp chúng ta kinh nghiệm được những sự phước hạnh, vui thỏa cuộc sống mà Chúa cho trên đất.

Lạy Chúa yêu dấu của con, trong cuộc sống đầy bận rộn trên đất này, xin giúp con trước nhất biết ưu tiên lắng nghe tiếng Ngài khuyên dạy và cũng biết dành thời gian lắng nghe để thấu hiểu những người xung quanh con. Amen!

 

Ru-tơ Đặng

Bài trướcThơ: Truyện Ký Tôi
Bài tiếp theoKhát Khao Học Lời Chúa